24 septembre 2015

Muốn bắt ai thì bắt?


Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh minh hoạ) Vào ngày 14/9 ông phát biểu tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: “không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung, muốn bắt ai thì bắt”.

 
Một số nhà hoạt động và cựu tù chính trị tại Việt Nam bị cơ quan an ninh và công an bắt giữ với cớ để điều tra.
Trường hợp của họ ra sao?


Trường hợp gần nhất và lâu nhất

Vụ việc bắt giữ gần nhất là đối với cựu tù nhân chính trị, cựu trung tá Trần Anh Kim, xảy ra vào sáng ngày 21 tháng 9 vừa qua. Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông này cho biết cơ quan chức năng đến nơi làm việc rồi đưa bà ra trụ sở Công an Thành phố Thái Bình. Bà bị giữ tại đó từ khi bị đưa đi vào buổi sáng cho đến khoảng 4:30 chiều mới được đưa về nhà. Theo bà khi về đến nhà bà mới được giao lệnh nói chồng bà bị bắt đi vì trong máy tính của ông ta có ‘tuyên bố’ gì đó.

Sau hơn 24 tiếng đồng hồ, bà vợ cựu tù chính trị Trần Anh Kim, ra Sở Công an Thành phố Thái Bình để hỏi thăm về người chồng bị bắt đưa đi. Sau hơn 48 tiếng đồng hồ, bà này cho biết:

“ Chiều hôm qua lúc 4 giờ tôi ra Công an Thái Bình hỏi; đến chỗ cổng nói với người trực cho tôi gặp Phòng Điều tra An ninh. Họ bảo có chuyện gì, tôi nói hôm qua họ bắt ông Kim và nay giam ở đâu cho tôi biết để đi thăm nuôi. Chú trực cổng gọi lên phòng Điều tra An ninh và tôi được phó phòng trả lời đang giam ông Kim ở Trại Tạm giữ- Tạm giam ở Thái Bình. Đó là trại lần đầu ông Kim bị bắt cũng giam ở đó. Tôi đến Trại Tạm giam thì họ nói về đi, thứ năm đi tiếp tế. Có thông tin gì thì vài ba ngày nữa sẽ báo cho tôi. Tôi muốn gặp cán bộ để hỏi nhưng không có ai, còn nhân viên thì họ không dám trả lời. Còn từ hôm qua đến nay tôi chưa được họ báo gì về thông tin ông Kim cả.”

Một người bị bắt giam hơn một năm nay là ông Nguyễn Hữu Vinh, người chủ xướng trang blog Anh Ba Sàm. Ông này cùng người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy vào ngày 5 tháng 5 năm 2014.

Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa trong vụ việc Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh vào sáng ngày 23 tháng 9 cho biết:

Tôi hiện là người bào chữa (ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt giam hơn một năm nay) nhưng chưa được thông báo vụ án đang do cơ quan nào giải quyết cả
Luật sư Hà Huy Sơn
“ Văn bản mới nhất mà tôi nhận được là ngày 17 tháng 8; đó là kết luận điều tra bổ sung. Và từ đó cho đến nay tôi chưa nhận được thông báo của cơ quan nào cả; nên hôm nay tôi đang làm văn bản yêu cầu các cơ quan trả lời.

Tôi hiện là người bào chữa nhưng chưa được thông báo vụ án đang do cơ quan nào giải quyết cả.”

Ngoài những trường hợp vừa nêu, trong tháng 9 này có hai người bị bắt đi đến nay vẫn chưa được thả và thông tin về họ cũng rất ít, chỉ được một số nhà hoạt động quan tâm đưa lên mạng. Đó là trường hợp của ông Lê Vũ Đài và Nguyễn Hữu An. Cả hai bị bắt từ ngày 2 tháng 9 vừa qua.

Mực sư Nguyễn Trung Tôn, người biết về ông Lê Vũ Đài cho biết một số thông tin về ông này như sau:

“ Anh Lê Vũ Đài là người Tiền Hải, Thái Bình, sinh năm 1989. Trước đây anh cùng bà con Tiền Hải, Thái Bình đi khiếu kiện nhiều nơi. Trong tay anh có một số bằng chứng về việc cán bộ tham nhũng rồi này kia… Trong một giai đoạn anh tham gia khiếu kiện đông người, nhưng sau này do áp lực nào đó anh đi vào Thanh Hóa theo một công ty giấy và làm kỹ thuật.”

Từ ‘gây rối trật tự’ đến ‘chính trị’

Một trường hợp khác bị bắt từ ngày 12 tháng 4 năm nay ở Hà Nội khi tham gia tuần hành kêu gọi bảo vệ cây xanh ở thủ đô; đó là anh Nguyễn Viết Dũng.

Gia đình anh này cho biết mãi 20 ngày sau khi bắt giam, cơ quan chức năng mới thông báo cho gia đình biết việc bắt giữ anh này để điều tra. Ông Nguyễn Viết Hùng, cha của anh Nguyễn Viết Dũng, vào trưa ngày 23 tháng 9, từ nhà riêng ở Xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cho biết:

“ Gia hạn thêm 2 tháng điều tra vì theo thông tin thì họ không điều tra được gì nên tự gia hạn thêm 2 tháng. Gia đình cũng chỉ biết thế qua luật sư Trần Thu Nam chứ ngoài ra có được biết gì đâu.

Nói tóm lại từ khi bị bắt đến nay là hơn 5 tháng rồi. Khi được 3 tháng thì họ nói với bên luật sư gia hạn thêm hai tháng. Từ hôm đến giờ, tôi đi thăm cháu được 4 lần, nhưng chỉ gửi quà thôi chứ không được gặp mặt. Gửi quà qua quản giáo của công an quận.”

Luật sư Trần Thu Nam, người tham gia bào chữa cho anh Nguyễn Viết Dũng, cũng chia sẽ một số thông tin về anh này sau vài lần tiếp xúc với anh trong tù:

Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được.
chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
“ Sức khỏe thì tốt thôi, không sao cả. Dũng mắt kém, bị cận mà ăn uống trong trại giam không như bên ngoài, nên sức khỏe không được tốt bằng ở ngoài. Thiếu chất nên mắt kém đi, tay chân không được linh hoạt nữa. Theo tin mới nhất từ luật sư Lê Văn Luân, cũng bào chữa trong vụ án này, mới trong buổi sáng ngày hôm nay thì có trao đổi sức khỏe của Dũng bình thường, có lên cân; nhưng do mất vệ sinh nên bị ghẻ ngoài da một chút, bệnh ngoài da.

Đó là về sức khỏe, còn về nội dung thì anh có khai tham gia đi dự buổi tuần hành cây xanh cùng các bạn trẻ khác, và anh có cầm những cái áo in hình logo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ngày xưa. Đó là sự ngưỡng mộ của anh ta, và là ý kiến cá nhân.”

Bị kết án theo những điều luật mơ hồ

Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết con ông khi bị bắt đang mặc áo quần theo quân phục trước đây của một binh chủng Việt Nam Cộng Hòa. Ông cho rằng việc làm đó không có gì sai trái vì đó là sở thích cá nhân. Cũng như trước đây con trai ông là Nguyễn Viết Dũng từng một lần treo cờ vàng ba sọc đỏ trên nhà. Lần đó cơ quan chức năng xã đã đến bắt gỡ cờ xuống và đưa anh Nguyễn Viết Dũng lên trụ sở. Tại đó Nguyễn Viết Dũng tranh luận với các bộ xã và họ phải để Dũng về.

Trường hợp của những người bị giam giữ lâu như blogger Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh hay của những người mới bị bắt gần đây đều được nhiều người biết rõ việc làm của họ cho là không có gì vi phạm Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như một số người từng bị bắt trước đây thì cuối cùng cơ quan chức năng cũng qui họ vào những điều của Bộ luật Hình sự như điều 88- tuyên truyền chống nhà nước, hay 258- Lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, hoặc nặng hơn là điều 79- âm mưu hay có hoạt động lật đổ chính quyền.

Những điều luật này lâu nay bị lên án là mơ hồ và được yêu cầu phải sửa đổi. Chính chủ tịch quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng được truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự sửa đổi rằng ‘“Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.
 
 
Nguồn: Theo RFA