24 septembre 2015

Chút tâm tình gửi Tạ Phong Tần

Nguyễn Bá Chổi




Trước hết tôi có lời chúc mừng Cô vừa thoát khỏi ngục tù CS và đến được bến bờ Tự Do, là thứ “bác Hồ”- một thời Cô “thần tượng”- miệng thì nói (đó là thứ) không có gì quý hơn nhưng tay thì lăm lăm búa với liềm, ai loạng quạng “trật lề” là chết liền với “bác” và đảng.

Rất tiếc, do không gian cách trở, tôi không thể đích thân tặng Cô một đóa Hoa Sen để bày tỏ lòng cảm phục Cô qua những việc Cô đã làm, đã chịu, vì Công Lý và Sự Thật, trong nhiều năm qua. Thôi thì, xin Cô nhận nơi đây nụ hoa lòng, mong rằng sẽ luôn mãi thắm tươi.



Tặng cô một đóa Hoa Sen? Nghĩ lại, Hoa Sen theo ý nghĩa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng chưa xứng đáng với trường hợp người phụ nữ mang tên Tạ Phong Tần. Bởi lẽ, tuy mọc ở giữa ao Bùn, Sen vẫn là Sen, và Bùn vẫn là Bùn. Còn Đại úy Công an Tạ Phong Tần đã là “bùn” CS rồi: không là “bùn CS thì không thể làm một nhân viên “Công An Nhân Dân” hạng thấp nhất, huống chi là một sĩ quan, cấp Đại Úy. Bùn CS lại hôi tanh hơn bùn trong ao; bùn ao chỉ hôi tanh mùi đất phèn, bùn CS tanh hôi mùi máu.

Giữa ao bùn, Hoa Sen không “chịu” để mình lây “hôi tanh mùi bùn”, xét ra đã là quý lắm rồi. Đàng này “Bùn” CS Tạ Phong Tần lại nhận ra chính “bùn” CS tanh hôi và tự “thoát Bùn”, để chẳng những không “hôi tanh mùi bùn” nữa, mà còn trở nên thơm tho, hương tỏa đến muôn phương, mới là điều vừa quý lắm vừa lạ lẫm.

Cô Tạ Phong Tần quý mến, tôi viết thư này không nhằm mục đích ca ngợi một người phụ nữ thức thời và can đảm; sau khi nhận chân ra con đường mình đi là sai trái, chế độ mình phục vụ chỉ tập hợp rặt một phường bán nước hãm dân, Cô đã hiên ngang bước ra, không bằng cách lằng lặng bỏ đi để được yên thân, song quay lại, bất chấp hiểm nguy, tù đày, sinh mạng bị đe dọa, sẵn sàng chịu định hy sinh và mất mát, chỉ vào mặt nó, lên án nó một cách dứt khoát và quyết liệt. Trong khi hầu hết thiên hạ mệnh danh “trí thức” nguyện cam tâm làm cỏ Đuôi Chó, thân khuyển mã, thì Tạ Phong Tần, một Đại Úy của lực lượng “Công an chỉ biết còn đảng còn mình” dám ngang nhiên lội ngược dòng thác đổ của bạo lực và lợi quyền.

Tuy cảm phục, mến mộ Tạ Phong Tần, đại khái là vậy, nhưng đó không phải là lý do lá thư này.

Động cơ khiến tôi gửi đến Cô chút tâm tình này là câu Tạ Phong Tần trả lời ký giả Hà Giang của báo Người Việt buổi sáng Ngày 21 Tháng 9.(Trích):

“NV: Nếu trong buổi tối hôm đó, khi người đồng hương đến đón mang cờ vàng ba sọc đỏ ra trao cho chị thì chị sẽ phản ứng ra sao?

“Blogger Tạ Phong Tần: Đưa thì mình nhận, chẳng sao cả. Mình sẽ nhận, mình sẽ công bố ngay đây là lá cờ của tự do, của tự do ngôn luận. Vì chuyện rõ ràng lắm, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã từng ở miền Nam Việt Nam, và miền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hơn nữa, lá cờ đó, ở bang Cali, đã được thống đốc bang Cali công nhận đó là lá cờ đại diện cho người Việt ở đây.” (Hết trích) (1)

Cô Tạ Phong Tần ơi, “...Mìền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nghe Cô nói mà tôi nhói đau trong lòng, cảm thấy xấu hổ đã không giữ được Miền Nam để cô bé Bác Liêu 47 năm trước phải rơi vào tay CS, thành “bùn” CS, và bị chính nó tống xuất khỏi quê hương tổ quốc...

...Năm Cô chào đời, Bạc Liêu còn phấp phới Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, cho “Mìền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. “13 anh em chúng tôi khi đó tuổi mới ngoài đôi mươi- không vì chọn đời binh nghiệp, mà vì bổn phận nam nhi, làm trai thời loạn giặc Hồ - vừa ra khỏi quân trường về Thiết đoàn 9 Kỵ Binh đồn trú ngoài Cổng Tam Quan tỉnh lỵ. Cô nào có biết, chỉ một năm sau, quá nửa anh em chúng tôi đã ngã gục trên vùng đất Cửu Long giang vốn hiền hoà trước ngày xuất hiện quân “Giải Phóng”, và phần còn lại không ai tránh khỏi thương tích bởi vũ khí của “các nước anh em giúp đỡ nhiều” bác Hồ.

Tôi là một trong người may mắn (?) còn sống sót đến hôm nay, tuy có chút tự hào là đã chiến đấu cho đến giờ phút cuối cùng, nhưng vẫn thấy mắc nợ, ít ra trước mắt, với cô bé đất Bạc Liêu ngày nào, mặc dầu không quên nghĩ tới ngày đó, có thể mẹ Tạ Phong Tần là “cô gái vót chông”, cha của cô là anh du kích đêm đi đặt mìn nơi bờ ruộng, hay là chính là tay xạ thủ đã “thổi” trái hỏa tiển B. 41 trúng vào ngay pháo tháp chiếc xe lội nước M.113, hất tung tôi bay xuống đất, nơi ven làng Dục Tượng, tỉnh Rạch Giá? . Để ít ra Cô không bị người Việt Nam đuổi ra khỏi nước Việt Nam hôm nay.

Giá như Cô cựu Đại úy Công an CS không “mình nhận, chẳng sao cả” Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và “Rõ ràng lắm... Mìền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, thì đỡ khổ cho tôi biết mấy: Khỏi ray rứt nhìn lại thấy mình đã không làm nên trò trống gì, “Giữ quê quê mất, dựng nhà nhà tan”(2), đã không bảo vệ được, ít ra những đứa bé xứ Bạc Liêu hiền hòa để (chúng) phải đi theo CS rồi hối tiếc không kịp như Tạ Phong Tần.

Nhưng tôi cũng xin ghi nơi đây lời cảm ơn Cô, vì nếu nghe được câu nói trên đây của một người cựu đảng viên CS, chắc là vong linh những đồng đội tôi đã ngã gục trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam năm xưa sẽ được ấm áp thêm một chút; càng về sau, sự hy sinh của họ càng được khẳng định là xứng đáng vì chính nghĩa, ngay từ phía vốn là thù địch .

Cô Tạ Phong Tần quý mến, một lần nữa tôi chúc mừng Cô đã “thoát bùn” CS thành công, và xin Cô nhận nơi đây lòng cảm phục từ một người đàn anh từng xông pha nơi lửa đạn đối với một phụ nữ chân yếu tay mền đã can đảm trong hành động, bất khuất trước bạo quyền, hy sinh bản thân và gia đình...; tất cả vì Công Lý và Sự Thật (3).

Cuối cùng cầu chúc Cô sức khỏe, sớm ổn định và an bình hạnh phúc trong cuộc sống mới.

Nguyện xin Ơn Trên luôn phù hộ che chở Cô.

24/9/2015

Nguồn : DLB