Willy Lam
Lê Minh
Nguyên dịch
Hầu như ngay
lập tức sau vụ nổ tàn phá gần Thiên Tân Cảng
lúc 11:00PM đêm 12/8, Chủ tịch Tập Cận Bình đã triệu tập các trợ
lý thân cận nhất của ông để kiểm tra xem có bất kỳ động cơ chính trị nào đằng
sau một trong những tai nạn tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Vào đầu tháng 9, con số thương vong chính thức là 158 người chết và 15 nguời
mất tích, mặc dù tin tức cho rằng số người chết còn cao hơn nhiều.
Ba nguồn tin từ Trung Quốc ở cấp bậc bộ trưởng hoặc cao hơn nói với tác giả (Willy Lam) rằng ông Tập nghi ngờ những vụ nổ khủng khiếp này là “âm mưu chính trị” nhằm gây thiệt hại cho chính quyền trung ương (Zhongyang) do ông Tập lãnh đạo. Các quan chức cao cấp cố vấn ông Tập đã nghĩ rằng vụ nổ là để thách thức quyền lực ông Tập, gồm có thành viên Bộ Chính trị và cũng là Giám đốc Văn phòng Tổng quản của Ủy ban Trung ương, ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Giám đốc Văn phòng ông Tập, ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), và Phó Giám đốc Văn phòng Tổng quản Quân ủy Trung ương (CMC), Đại tá Chung Thiệu Quân (Zhong Shaojun).
Ông Tập,
cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), đặc biệt bị đe dọa bởi một
thực tế là thảm họa xảy ra vỏn vẹn chỉ ba tuần trước cuộc diễu hành quân sự
ngày 3/9. Nói cách khác, ông Tập sẽ bị mất mặt trong thời gian sắp tới trong
buổi lễ công cộng quan trọng nhất của nhiệm kỳ ông. Trong khi lý do bên ngoài
cuộc diễn hành vũ lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là để
đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, nó
cũng còn được xem tương đương như là một “lễ đăng quang” cho nhà lãnh đạo đầy
tham vọng này. Trong văn hóa chính trị Trung Quốc, quyền lực bắt nguồn từ nòng
súng. Một nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ không đạt được địa vị của người hùng vô địch
cho đến khi ông chủ trì một cuộc diễu hành, mà nơi đó ông nhận được sự đón chào
từ các binh chủng khác nhau của PLA. [1] Các nguồn tin của tác giả đánh giá
thấp bất kỳ mối liên hệ nào giữa các vụ nổ ở Thiên Tân với cái gọi là “âm mưu
ám sát” ông Tập, mà nó đã là một yếu đồn đoán ở Bắc Kinh trong hai năm qua. Tuy
nhiên, các vụ nổ đã gây ra một cuộc chiến tranh tâm lý khá lớn, ngụ ý rằng đối
thủ của ông Tập có thể gây tổn hại cho ông ta hoặc đoàn tùy tùng của ông trong
các chuyến đi kiểm tra của ông bên trong Trung Quốc.
Các nguồn
tin nói với tác giả rằng trong khi bằng chứng cụ thể chưa được tìm thấy, các cố
vấn của ông Tập đã quan tâm vào mối liên hệ quân sự của âm mưu này. Một yếu tố
được đánh giá là: những vụ nổ lớn, diễn ra trong cách khoảng 30 giây, thì không
thể xảy ra được do chỉ đơn thuần là các hóa chất đang nằm tại kho chứa các hàng
nguy hiểm, sở hữu của công ty Tianjin Ruihai International Logistics (gọi tắt
là Ruihai). Cơ quan Địa chấn Trung Quốc cho biết rằng vụ nổ đầu tiên tạo ra
những cú sốc tương đương với 3 tấn thuốc nổ TNT gây động đất ảo 2.3 độ Richter.
Vụ nổ thứ hai tương đương với 21 tấn TNT hay động đất 2.9 được ghi nhận.
Các trợ lý
của ông Tập nghiêng về ý nghĩ rằng các chất nổ của các công ty thuộc PLA –
thường không thể thấy trong vùng lân cận của nơi lưu trữ bất kỳ vật liệu nguy
hiểm nào – ít nhất có dính một phần trách nhiệm đối với sức mạnh phi thường của
vụ nổ. Một câu hỏi được đặt ra cho nhóm cốt lõi trong nội bộ ông Tập: các vụ nổ
này được mưu toan và thực hiện bởi “sĩ quan quân đội chống trung uơng” với sự
biết hoặc không biết của công ty Ruihai? Dù thế nào thì tất cả các giám thị và
người lao động làm trong ca đêm ở nơi đó và các vùng lân cận đều bị chết sạch,
nên loại trừ khả năng của các nhân chứng tại chổ.
Thiên Tân
Cảng được nổi tiếng trong giới quân sự như là một cơ sở quan trọng cho các nhà
xuất khẩu vũ khí và các nhà chế tạo như Norinco, mà hàng ngày hoạt động bốc dỡ
hàng quân sự vào container và tàu buôn đi đến các điểm khác nhau dưới một bức
màn bí mật. Lợi ích của PLA tại cảng Thiên Tân đã gián tiếp được chứng nghiệm
bởi thực tế là một đội làm việc đặc biệt, dẫn đầu bởi Tham mưu trưởng Quân khu
Bắc Kinh, Thiếu tướng Shi Luze, đã có mặt ở hiện trường trong vòng vài giờ sau
khi xảy ra sự việc. Ông Shi và các đồng đội của ông đã cung cấp thiết bị về hóa
chất chiến tranh cũng như các hiểu biết chuyên môn đến những nhà cứu hộ gần nơi
bị nổ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nhóm nghiên cứu của ông Shi cũng quan tâm đánh
giá sự thiệt hại của các loại đạn dược và vũ khí của PLA trong khu vực cảng.
Theo các
nguồn tin của China Brief, sự nghi ngờ của ông Tập soi rọi vào vài chục cán bộ
cấp cao của PLA, là những người thân tín và thuộc hạ của hai thành viên Bộ
Chính trị trước đây và các Phó Chủ tịch Quân Ủy TƯ/CMC đã bị thanh trừng, là cố
tuớng Từ Tài Hậu và tướng Quách Bá Hùng. Tướng Từ, người đã qua đời vào
ngày 15/3 năm nay, khoảng cuối năm 2014 bị bắt giữ vì trọng tội tham
nhũng bao gồm việc “bán các chức vụ tốt” đến những người muốn thăng tiến trong
PLA. Tướng Quách, người đang phải đối mặt với tòa án quân sự, chính thức bị bắt
hồi cuối tháng Bảy vì tham nhũng và vi phạm kỷ luật. Trong khi các quan chức
cao cấp, bao gồm Phó Chủ tịch CMC hiện nay là tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang),
đã nhiều lần cảnh báo các sĩ quan nên “rút ra những bài học đúng đắn” từ trường
hợp của hai “con hổ lớn,” các cộng sự của ông Từ và ông Quách bất mãn về sự ô
nhục của các chủ tuớng của họ, vẫn còn là một lực lượng phải đương đầu trong hệ
thống cấu trúc của PLA.
Dù có những
tin đồn trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài rằng có thể có sự liên
hệ giữa cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân và thảm họa Thiên Tân, các trợ lý của ông
Tập tham gia vào việc điều tra đã tập trung vào thực tế là ông Giang (Chủ tịch
CMC từ 1989-2004) là chủ tướng chính của các tướng Từ và Quách. Kể từ khi lên
nắm quyền tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012, ông Tập đã
tham dự vào một cuộc đấu tranh quyền lực với ông Giang, người đứng đầu phe
quyền lực Thượng Hải trong chính trị nội bộ đảng. Trong tháng vừa qua, truyền
thông chính thức TQ đã xuất bản hai bài bình luận được cho là phản ảnh sự bất
mãn của ông Tập đối với các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu đang gay gắt phản đối cải
cách hoặc những người từ chối buớc ra khỏi ánh đèn sân khấu. Một bài báo phàn
nàn rằng “những trở lực mà chính quyền phải đối mặt trong sự cải cách thì rất
dai dẳng và hung dữ… ngoài sức tưởng tượng của mọi người”. Bài báo khác thì chỉ
trích một số cán bộ nghỉ hưu, cho rằng họ “can thiệp vào chính quyền [hiện
tại]” và thậm chí “lập bè phái và hội kín” trong đảng. Mục tiêu của hai bài báo
nhạy cảm chính trị này được cho là nhắm vào ông Giang. Không phải ngẫu nhiên mà
những hình tuợng công cộng của ông Giang, bao gồm cả hình ảnh và thư pháp của
ông, gần đây đã được lấy ra khỏi các định chế như Trường Đảng Trung ương.
Cấp dưới của
ông Tập cũng đang điều tra về việc công ty Ruihai được bảo vệ chính trị, Ruihai
là một trong số ít các công ty tư nhân được cấp giấy phép làm việc với hóa chất
nguy hiểm. Dĩ nhiên Ruihai có sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ. Lý Lang (Li Liang),
một cổ đông lớn của công ty Ruihai, là con trai của ông Lý Thuỵ Hải (Li
Ruihai), một doanh nhân và là anh em của cựu uỷ viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị
(PBSC) Lý Thụy Hoàn. Thường được gọi là “Ông Vua của Thiên Tân” do thời gian
ông làm thị trưởng và bí thư Thiên Tân, ông Lý Thụy Hoàn, 81 tuổi, là thành
viên PBSC từ năm 1989 đến năm 2002. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một vài ngày, cả
hai ông Lý Thụy Hải và Lý Thụy Hoàn đã có thể giải toả những nghi ngờ của các
cơ quan Đảng, rằng họ không có liên quan gì với sự kinh doanh của Lý Lang. Lý
Thụy Hoàn được xem là kẻ thù chính trị cay đắng của Giang Trạch Dân, cho nên có
nhiều lý do để tin rằng ông Tập có nhu cầu cần sự giúp đỡ của ông Lý trong
chiến dịch hạn chế ảnh hưởng chính trị của ông Giang.
Vì ông Tập
và đồng đội của ông trong Bộ Chính trị bận tâm với việc kiểm tra những âm mưu
và các manh mối sau vụ nổ thảm khốc này, nó giúp giải thích tại sao duờng như
không có quan chức cấp cao nào chính thức phụ trách điều tra. Mãi cho đến ngày
thứ năm sau vụ nổ, Thủ tướng Lý Khắc Cường mới có mặt ở Thiên Tân Cảng trong
chuyến đi kiểm tra một giờ đồng hồ, trong đó ông Lý ra lệnh cho đài truyền hình
CCTV và các cơ quan truyền thông chính thức khác đang hiện diện không được quay
phim hay chụp hình. Chuyến đi thăm muộn màng của ông Lý đến Thiên Tân – chừng
hơn một giờ đi xe từ Bắc Kinh – đã phá vỡ một quy ước được thiết lập bởi cựu
Thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu nên có mặt tại
hiện truờng của các thảm họa lớn, do thiên tai hay do con nguời gây ra, trong
vòng 48 giờ.
Tuy vậy, Thủ
tướng Lý đã không làm rõ câu hỏi về trách nhiệm cho việc ứng phó tai nạn này.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, có sự tham dự của phóng viên nước ngoài, Phó Trưởng
Ban Tuyên giáo Thành phố Thiên Tân Gong Jiansheng được phóng viên địa phương
hỏi về những người lo việc cứu hộ và điều tra tai nạn này. Ông Gong trả lời:
“Về câu hỏi này, tôi sẽ cố gắng để có được một bức tranh chi tiết [từ cấp trên
của tôi]”. Mãi cho đến ngày 19/8 viên chức cao cấp nhất của Thiên Tân – Thị
trưởng và Quyền Bí thư Hoàng Hưng Quốc (Huang Xingguo) – xuất hiện tại một cuộc
họp báo. Trong khi ông Hoàng cho biết ông mang “trách nhiệm không thể chối cải”
cho sự rủi ro, ông không nói gì về hiện tình của cuộc điều tra hay ông sẽ từ
chức để nhận trách nhiệm chính trị.
Bắc Kinh
chần chờ nguyên cả một tuần sau vụ nổ để thông báo rằng một lực lượng đặc nhiệm
cấp cao, đứng đầu là Thứ truởng Thuờng trực Bộ Công an (MPS) Dương Hoán Ninh
(Yang Huanning), sẽ chịu trách nhiệm về những nỗ lực điều tra. Có 32 năm kinh
nghiệm trong Bộ Công an, ông Duơng là một chuyên gia Weiwen tức giữ gìn ổn định
chính trị. Ngoài ra, được biết Quân Ủy TƯ/CMC cũng đang có thẩm định riêng của
họ. Cuộc điều tra quân sự được điều phối bởi nhân vật thân cận của ông Tập là
Đại tá Zhong, người đã làm việc chặt chẽ với ông khi ông làm bí thư Chiết Giang
và Thượng Hải từ 2002-2007.
Như để làm
yên lòng dư luận trong nước và quốc tế, chính quyền Bắc Kinh công bố vào ngày
27/8 rằng 11 quan chức, chủ yếu là ở Thiên Tân, đã bị bắt vì xao lãng nhiệm vụ
liên quan đến vụ nổ. Hầu như tất cả trong số họ là cán bộ cấp trung, lo về giao
thông, quản lý cảng biển và an toàn công nghiệp. Người có cấp bực cao nhất là
Bộ trưởng Quản lý nhà nước về An toàn Việc làm, ông Dương Đống Lượng (Yang
Dongliang), từng là phó thị trưởng thành phố Thiên Tân. Tuy nhiên, ông Duơng có
vẻ như không bị trừng phạt vì sự thất bại trong việc duy trì các tiêu chuẩn an
toàn ở Thiên Tân. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống nhũng lạm
cao nhất của đất nước, đăng trên trang web của cơ quan này rằng ông Duơng bị
giữ vì “vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật”, thường là một cách nói để chỉ tham
nhũng. Hai nghi phạm khác có cấp bậc của người đứng đầu văn phòng khu vực: Chủ
tịch Thiên Tân Cảng, ông Trịnh Khánh Diệu (Zheng Qingyue), và Trưởng phòng
Truyền thông và Ủy ban Giao thông vận tải Thiên Tân, ông Ngô Đại (Wu Dai).
Ngoài ra,
một số viên chức điều hành công ty Ruihai đã bị giữ để thẩm vấn. Họ gồm có Chủ
tịch công ty, ông Vu Học Vĩ (Yu Xuewei), Phó Chủ tịch ông Đổng Xã Hiên (Dong
Shexuan) và Tổng Giám đốc Zhi Feng. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc và
quốc tế đã loan báo rằng ông Vu trước đây là cán bộ cấp cao của doanh nghiệp
nhà nước khổng lồ Sinochem – có đầu tư đáng kể ở Thiên Tân – và rằng ông Đổng
là con trai của cảnh sát trưởng cảng Thiên Tân. Cơ quan kiểm duyệt đã cắt bỏ
tất cả các liên hệ của những nhân viên công ty Ruihai đến hoặc ông Lý Thụy Hải
hay ông Lý Thụy Hoàn.
Ngay sau khi
trở nên người đứng đầu cuộc điều tra tai nạn Thiên Tân, nhân vật an ninh cấp
cao Dương Hoán Ninh cho biết nhóm của ông sẽ “tiến hành điều tra rõ ràng, chi
tiết và kỹ lưỡng không phân biệt người có liên quan là ai và những hậu thuẩn
[chính trị] của họ là gì.” Ông nói thêm rằng các kết quả của điều tra phải đứng
vững trước “các kiểm nghiệm của khoa học, các kiểm nghiệm của pháp luật và kiểm
nghiệm của lịch sử”. Tuy nhiên, các nhà quan sát có kinh nghiệm về những vận
dụng uốn nắn chính trị phức tạp đằng sau tai họa Thiên Tân, thì tỏ ra rất ít
lạc quan là sự thật sẽ được phơi bày. Theo nhà sử học được trọng vọng ở Bắc
Kinh, ông Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), cảnh trí mờ ảo xung quanh các vụ nổ và
hậu quả của nó, có chỉ dấu về “mưu đồ chính trị trong nội bộ đảng.” “Chúng ta
vẫn không biết bản chất thật sự của các vụ nổ,” ông nói với báo chí Hồng Kông.
“Không rõ ai là mục tiêu của các vụ đánh bom và liệu có những âm mưu hay
không”. Mặc dù có cuộc diễu hành quân sự để “đăng quang” ông Tập vào ngày 3/9,
những câu hỏi này tiếp tục gây nghi ngờ về mức độ quyền hành của Chủ tịch và
Tổng tư lệnh quân đội Tập Cận Bình.
(Tiến sĩ
Willy Wo-Lap Lam là nhà nghiên cứu thâm niên của The Jamestown Foundation. Ông
là giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, bộ môn Lịch sử và
Chương trình cao học kinh tế chính trị toàn cầu của Chinese University ở Hồng
Kông. Ông là tác giả của năm cuốn sách về Trung Quốc, bao gồm cuốn “Chính trị
Trung Quốc trong Thời Đại Tập Cận Bình: Phục hưng, cải cách, hay thụt lùi?,”
hiện đang có sẵn để mua.
Ghi chú:
1. Hồ Cẩm
Đào không bao giờ được coi là một nhà “lãnh đạo mạnh” trong nhiệm kỳ làm tổng
bí thư từ năm 2002 đến năm 2012. Cuộc diễu hành quân sự ngày 1/10/2009 đánh dấu
đỉnh cao sự nghiệp chính trị của ông. Ngay cả khi đó, đối thủ của ông, cựu Chủ
tịch Giang Trạch Dân, đã có thể phủ bóng lên quyền lực của ông, bằng cách chia
sẻ hào quang hoành tráng trên truyền hình toàn quốc.
Lê Minh
Nguyên dịch
*********
Nguồn bản
tiếng Anh: