18 mars 2016

14 tháng 3: Nỗi đau còn đó...

Quỳnh Yên

Tàu Trung Quốc tấn công, cướp sạch tài sản của ngư dân Việt Nam.
“Trên tay họ cầm roi điện, dùi cui trông rất hung tợn. Họ lùa anh em trong tàu đến trước mũi tàu, một người nói tiếng Việt Nam bảo "chúng tôi là tàu cảnh sát biển Trung Quốc, đề nghị tàu của các anh không qua lại vùng biển này, vùng biển này là của Trung Quốc”.



Họ còn lập biên bản bằng chữ Trung Quốc bảo tôi ký, lấy một tờ giấy viết tàu tôi phải quay trở vào đất liền. Nếu chạy ra nữa sẽ đâm chìm. Sau đó họ chụp ảnh, quay phim lại và lấy sạch toàn bộ lương thực, thực phẩm trên tàu rồi bỏ đi” - ngư dân Võ Quang Thái (trú thôn 1, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu cá QNa-91.939 hành nghề lưới vây với 10 thuyền viên trên tàu, kể lại sau khi con tàu rách nát về đến cảng Kỳ Hà sáng 8.3. Hai ngày trước, khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì tàu của ông Thái bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 cập mạn, khống chế.

Mười một người trên tàu hải cảnh Trung Quốc tràn qua tàu ông Thái lấy đi lương thực, thực phẩm, gần 1 tấn cá bắt được, dầu, lấy và phá sạch ngư lưới cụ, phá luôn 2 thúng chai thả xuống biển. Thuyền viên Lê Duy Tài (52 tuổi), kể lại: “Họ hung hãn lắm, họ có vũ khí trên tay nên anh em bọn tui không dám chống cự lại. Do đi tới mũi tàu chậm, một người trong chúng tôi bị họ xô té bị thương. Họ lấy hết thực phẩm, lương thực trên tàu không chừa lại gì, anh em phải nhịn đói hơn một ngày”.

Chỉ một tuần trước ngày kỷ niệm sự kiện bi tráng Gạc Ma 28 năm trước, ngày mà 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh dưới làn đạn quân Trung Quốc xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, những ngư dân Việt Nam không biết là lần thứ mấy lại tiếp tục bị cướp phá, đánh đập, xua đuổi không nương tay ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, trên ngư trường đánh bắt truyền thống của mình. 

Nhìn những gương mặt ngư dân rám nắng, gầy gò, khắc khổ trên con tàu rách nát trở về với những tay lưới bị cắt rách bươm, tơi tả, thật khó mà tin được những kẻ đã gây ra những điều độc ác, tồi tệ này với ngư dân ta lại là những kẻ luôn miệng tuôn ra những lời lẽ “hữu hảo”, là kẻ đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN-Trung Quốc năm 2002.

Thực ra, giữa vụ thảm sát Gạc Ma 28 năm trước với những gì đang diễn ra hôm nay, 28 năm sau, trên Biển Đông – sau những vụ cắt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 và tàu Viking 02 của Việt Nam năm 2011, vụ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014, việc thành lập “thành phố Tam sa” bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc cấp tập bồi đắp các đảo nhân tạo, xây đường băng bất hợp pháp trên các đảo chiếm đóng của Việt Nam và rất, rất nhiều những vụ bắn giết, cướp phá ngư dân Việt Nam mưu sinh trên Biển Đông... - chỉ là sự thể hiện nhất quán mưu đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò, âm mưu tham lam độc chiếm hầu hết Biển Đông. Tất cả đều xuất phát từ một nhà nước do bởi lòng tham mà bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế, kể cả thông lệ đối xử nhân đạo với ngư dân mưu sinh bằng hai bàn tay trắng.

14 tháng 3 một lần nữa lại đến, nhắc nhớ mọi con dân Việt về sự hy sinh của những chiến sĩ năm xưa mà có lúc tưởng đã bị vùi vào quên lãng và mãi đến vài năm gần đây mới được đàng hoàng tưởng nhớ. Nhắc nhớ rằng chúng ta còn có cá để ăn, còn có thể múc được dầu lên bán, còn được sống yên ổn là nhờ những chiến sĩ đang canh giữ ngoài Biển Đông, dù biển ngày càng sóng gió, căng thẳng. Nhắc nhớ rằng có kẻ đang ngày đêm thực hiện chiến lược tằm ăn dâu, từng bước gặm nhấm biển đảo của mình, chờ cơ hội để nuốt chửng bằng cái lưỡi bò ghê tởm.

Tất nhiên, tham thì thâm, chúng ta tin rằng cái gì phi nghĩa thì sẽ thất bại. Có chính nghĩa, được sự ủng hộ của những bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, chúng ta tin rằng mình sẽ thắng trong cuộc đấu lâu dài và cam go vì chủ quyền quốc gia này. Nhưng đấu tranh lâu dài không có nghĩa có thể mất cảnh giác trước một kẻ vừa tham vừa thâm. 

Món nợ mất đảo, mất biển vẫn còn đó. Nỗi đau còn đó. Và chưa biết đến bao giờ ngư dân chúng ta mới lại có thể, ngày lại ngày, bình yên đi biển như hàng trăm, hàng ngàn năm trước.

Quỳnh Yên