16-3-2016
Từ hôm 15/3, một số báo trong nước đồng loạt đăng bài về việc “có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người tại Hà Nội”.
Hôm 15/3, hồ sơ của các ứng viên ứng cử đại biểu quốc hội 14 đã được các Sở Nội vụ các tỉnh, thành nộp lên Hội đồng Bầu cử quốc gia để đến ngày 20/3 bắt đầu thực hiện việc lấy ý kiến cử tri đến 3 vòng dành cho các ứng viên.
Thông tin được các báo dẫn nguồn từ Tiểu ban an ninh Hội đồng bầu cử Quốc gia không nêu rõ tên các tổ chức phản động cũng như danh tính những người nhận tiền.
Hôm 16/3, BBC đã gọi cho ông Lê Quý Vương, Phó Tiểu ban an ninh kiêm Thứ trưởng Bộ Công an nhưng ông không bắt máy.
Trước đó, báo Quân đội Nhân dân đi loạt bài ba kỳ liền về “Cảnh giác với những chiêu trò phá hoại bầu cử”.
“Như một phản ứng dây chuyền có kịch bản từ trước, không ít trang mạng của những tổ chức phản động ở nước ngoài và đài, báo hải ngoại lập tức “té nước theo mưa”, thường xuyên đăng tải những bài viết có nội dung sai lệch về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, khuếch trương hình ảnh và chương trình “cương lĩnh tranh cử” của một số người tự ứng cử”.
“Điều bất thường ở chỗ, tính đến nay, đã có hơn 50 người tự ứng cử nhưng trên các trang mạng này, họ chỉ đưa thông tin về những nhân vật là các “nhà dân chủ”, các gương mặt chống đối chính quyền hoặc đã tham gia cộng tác với các tổ chức nước ngoài chống phá Đảng, Nhà nước”.
“Mang tiếng là “cung cấp thông tin bổ ích” nhưng họ cũng không hướng dẫn các kiến thức pháp luật xung quanh việc bầu cử mà thay vào đó là việc “bày vẽ” các thủ đoạn để “vận động tranh cử trên mạng”, xây dựng cương lĩnh, giúp làm các clip ngắn mà nội dung thực chất của các clip này là đưa ra các thông tin trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”, báo này viết.
‘Luật không cấm’
Trao đổi với BBC, luật sư Võ An Đôn, một người tự ứng cử Quốc hội khóa 14, nói: “Tôi cho rằng việc Tiểu ban an ninh đưa tin có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người là động thái tung hỏa mù, khiến ứng viên sợ và cử tri nghi ngờ họ”.
Luật sư Võ An Đôn, ứng viên quốc hội tự đề cử cho rằng “luật không cấm việc ứng viên nhận tiền tài trợ để tranh cử”. Nguồn: FB Võ An Đôn
“Tôi đã lường trước việc mình và các ứng viên tự đề cử khác sẽ bị phía chính quyền làm khó dễ. Bản thân tôi đã bị Công an tỉnh Phú Yên mời lên làm việc tại Phòng an ninh Chính trị nội bộ hôm 7/3 mà tôi cho rằng lý do chính là việc tôi tự đề cử”, luật sư cho biết thêm.
Ông Đôn cũng cho hay: “Việc tôi tự đề cử đại biểu quốc hội là muốn thể hiện quyền công dân được ghi trong luật. Nếu có ai hoặc tổ chức nào đó đề nghị giúp tôi về tài chính cho việc ứng cử thì tôi quá mừng, vì luật pháp không cấm điều này.
Luật sư khẳng định “trước giờ chưa thấy ai tự ứng cử quốc hội mà vô được vòng bỏ phiếu vì những ứng viên này sẽ bị làm khó ngay từ khâu nộp hồ sơ, tiếp xúc cử tri”.
Một ứng viên tự đề cử khác, luật sư Lê Văn Luân cũng cho biết trên mạng xã hội hôm 11/3 rằng “Công an huyện về điều tra lý lịch của tôi ở xã. Đến chiều thì lại có người ở Tổng cục an ninh về tận nhà. Họ còn hỏi bố mẹ tôi rằng gia đình hay tôi có nhận tài trợ của nước ngoài không?”.
“Tôi thấy bị xúc phạm đến chua xót và cảm thức thấy thật nực cười cho những tư duy, khi người ta ra ứng cử và làm theo quyền năng hiến định lại là điều bất thường trong mắt chính quyền? Gia đình tôi ở quê, nhà nghèo thôi, thậm chí rất nghèo đến xác xơ, nhưng sống hoàn toàn trong sạch và đàng hoàng, đúng mực”, ông Luân viết.
Làm rõ thông tin
Hôm 16/3, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một người tự ứng cử ở Hà Nội, công khai đơn gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm rõ thông tin “phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử”.
Ông Nguyễn Xuân Diện nói việc quy chụp phản động tài trợ ứng viên tự đề cử là ‘hết sức hàm hồ, vô căn cứ, vô luật pháp’. Nguồn: ???
“Là một trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, tôi rất bức xúc khi đọc các thông tin trên. Tôi tự hỏi, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài”, là thế nào vậy? Tổ chức phản động đó là tổ chức nào, và một số người có sự ủng hộ đó là những ai?”
“Tôi thật sự không thể hiểu nổi thành viên nọ có động cơ gì khi phát biểu những điều trên với báo chí, một cách hết sức hàm hồ, vô căn cứ, vô luật pháp”.
“Phải chăng vì e ngại các ứng cử viên độc lập có thể trở thành đại biểu Quốc hội, mà thành viên nọ tìm cách dựng chuyện, chụp mũ chung chung cho các ứng viên, để giảm thiểu khả năng trúng cử của họ?” ông Diện viết.