Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đang lâm vào cảnh khốn đốn khi các sản phẩm của họ bị làm nhái và bán tràn lan trên hệ thống thương mại điện tử của Alibaba.
Doanh nghiệp của vợ chồng ông Hankerson đang bị ảnh hưởng bởi nạn hàng giả trên Alibaba. Ảnh: NYT |
Ăn cắp mẫu mã trắng trợn
Năm 2014, ông nhìn thấy một quảng cáo trên Facebook có bức ảnh chiếc bàn hình chữ A do ông thiết kế. Hankerson liên lạc với người bán và được biết cô ta lấy hàng từ nơi khác. Ông lo lắng tìm kiếm hình ảnh về sản phẩm của mình trên Google thì thấy chúng tràn lan trên mạng.
“Tôi nhìn thấy ảnh sản phẩm của mình, rồi xem danh mục quảng cáo của người bán trên Alibaba thì thấy có thêm nhiều sản phẩm khác nữa”, ông kể lại. Hankerson có thể tìm thấy hàng trăm sản phẩm nhái trên các trang web thương mại điện tử khác nhau do tập đoàn Trung Quốc Alibaba điều hành (bao gồm cả Taobao, Tmall và Alibaba.com). Nhiều cửa hàng thậm chí còn lấy ảnh từ trang web của Hankerson để quảng bá cho các sản phẩm nhái của họ.
Đáng nói là, các cửa hàng trên Alibaba bán sản phẩm nhái với giá rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn một nhà cung cấp trên trang Taobao bán phiên bản bàn chân chữ A nhái, với giá 24 đô la Mỹ, trong khi sản phẩm xịn của ông Hankerson có giá 5.295 đô la.
“Tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra mãi giống như việc cố gắng nhổ cỏ dại trên một trang trại rộng 70 héc ta vậy”, ông Hankerson, 45 tuổi, ngao ngán nói. “Nếu điều này vượt khỏi tầm tay, nó sẽ tàn phá chúng tôi”, ông nhấn mạnh.
Giống như ông Hankerson, cô Michelle Stennett, 38 tuổi, một nhà sản xuất đồ trang sức ở Suwanee, bang Georgia, trong một chuyến đi đến vùng Yiwu ở miền Đông Trung Quốc để mua nguyên liệu đã tình cờ phát hiện ra thiết kế của mình bị đánh cắp. Trở về nhà Stennett đã tìm kiếm trên trang Alibaba.com – và phát hiện ra các cửa hàng bán đồ nhái.
Đầu tiên cô cố liên hệ trực tiếp với các cửa hàng, yêu cầu họ ngừng rao bán hàng hóa ăn cắp thiết kế. Một số thì tuân thủ, nhưng một số thì không. Tiếp theo, cô đã đệ trình khiếu nại lên Alibaba. Stennett cho biết, Alibaba yêu cầu quá nhiều giấy tờ chứng minh trước khi xử lý. Thất vọng, Stennett quyết định ngừng sản xuất đồ trang sức trong gần một năm. “Nếu ai đó lấy thiết kế của tôi và sản xuất hàng loạt, tôi không thể cạnh tranh được”, cô kể.
Sau khi trở lại với nghề vào năm 2013, cô quyết định sẽ chỉ dùng nguyên liệu từ Mỹ, với hy vọng khiến cho sản phẩm khó bị làm giả hơn. Tháng 3 vừa qua, Stennett lại tìm thấy trên Alibaba.com hình ảnh một mặt dây chuyền do cô thiết kế. Sau khi khiếu nại lên Alibaba, sản phẩm nhái đã bị gỡ bỏ, nhưng Stennett cho rằng mình vẫn bị ảnh hưởng bởi phải mất công đi tìm hàng giả. “Thời gian cũng là tiền”, cô lý giải.
Thiếu
hợp tác
Nhưng ông Hankerson cho rằng, thay vì hứa hẹn trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, Alibaba nên nỗ lực hơn để ngăn chặn nạn sản xuất và phân phối hàng giả tràn lan trên hệ thống của mình, vốn đang gây thiệt hại nặng cho các đối tượng mà ông Jack Ma muốn giúp.
Alibaba là một công ty trị giá 260 tỉ đô la, với hàng trăm triệu người tiêu dùng sử dụng các nền tảng bán hàng của nó, trên các trang Taobao, Tmaill và Alibaba. Ở Trung Quốc, Alibaba chi phối các công ty khởi nghiệp công nghệ đầy triển vọng. Điều đó làm cho nhiều doanh nghiệp, lớn và nhỏ, tự hỏi tại sao Alibaba lại gặp khó khăn như vậy trong việc loại trừ các sản phẩm giả mạo trên các trang web của mình.
Alibaba từ lâu đã phải đối mặt với những lời cáo buộc rằng các nền tảng bán hàng của họ là nơi ẩn náu của hàng giả. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) năm ngoái đã đưa Taobao vào danh sách “đen” chứa chấp hàng giả. Chủ sở hữu các thương hiệu như Gucci, Yves Saint Laurent cách đây hai năm cũng đã kiện Alibaba vì phân phối hàng giả.
Trong một báo cáo được gửi tới USTR vào tháng 10 năm ngoái, Alibaba tự hào khoe công nghệ và tài nguyên sử dụng để ngăn chặn hàng giả từ các nền tảng thương mại điện tử của mình. Công ty cho biết hệ thống của họ đủ mạnh để quét 10 triệu sản phẩm mỗi ngày. Kết quả là, trong 12 tháng Alibaba đã chủ động loại bỏ 380 triệu sản phẩm nghi ngờ là hàng nhái được rao bán.
Bất chấp những tuyên bố đó, cả USTR và các chuyên gia đều cho rằng Alibaba phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết nạn bán hàng giả. Ông Stephen Lamar, Phó chủ tịch Hiệp hội May mặc và Da giày Mỹ, đại diện cho nhiều thương hiệu bị tổn thương, cho biết: “Họ là một công ty công nghệ hàng đầu. Chúng tôi hy vọng rằng họ sử dụng công nghệ này để phát triển các giải pháp (chống hàng giả) và đảm bảo rằng những giải pháp đó có sẵn cho tất cả mọi người”.
Trở lại với trường hợp của Hankerson, ông cho biết lúc đầu Alibaba đã dỡ bỏ những sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ sau khi nhận được khiếu nại. Nhưng năm ngoái, trang web nơi ông vẫn gửi yêu cầu tới Alibaba bỗng ngừng hoạt động. Ông đã cố gắng bằng nhiều cách, thử nhiều máy tính khác nhau, song tất cả đều không thực hiện được.
Ông Hankerson đã quyết định tăng cường nỗ lực của mình. Vào tháng 8 năm ngoái, ông gửi e-mail tới phòng quan hệ công chúng của Alibaba dọa sẽ làm um lên về việc có đồ giả mạo trên trang web của họ. Ngay sau đó một lãnh đạo phòng bảo vệ sở hữu trí tuệ của Alibaba đã liên lạc với ông. Hankerson trao cho Alibaba danh sách hơn 400 hình ảnh mà ông cho là đồ giả. Một số đã được gõ bỏ, nhưng phần lớn trong đó, theo Alibaba, là nằm trong một hệ thống khác (cũng do Alibaba điều hành) và phải được gỡ bỏ thông qua một quy trình riêng biệt. Điều này đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Thất vọng với cung cách làm ăn của Alibaba, ông Hankerson đã phải tìm tới các luật sư để nhờ tư vấn giải pháp, ông cũng vận động các chủ doanh nghiệp nhỏ khác cùng hợp tác đối phó. “Họ [Alibaba] muốn bán toàn đồ giả; và họ muốn kiếm tiền từ đó”, ông nói.
Theo TBKTSG/The New York Times