01 mars 2018

BÁO – ĐẢNG VÀ TIỀN


Phạm Trần




Không sách sử nào có thể biện minh cho những lần nói ẩu của đảng Cộng sản Việt Nam về Nhân quyền và Quyền tự do Báo chí ở Việt Nam sau hơn 30 năm  “Đổi mới” từ năm 1986, nhưng nhiều nhà báo đã nhờ báo đảng mà sống đầy túi.


Lần xạo mới nhất xẩy ra ngày 25/02/2018 trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND), cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng làm loa tuyên truyền cho Ban Tuyên giáo của đảng.


Dưới tiêu đề “Việt Nam bảo đảm tốt tự do báo chí theo luật pháp quốc tế về nhân quyền”, báo này viết :”Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946, hiến pháp đầu tiên của nước ta, đã khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện. Các bản hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm 1946 về quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

NÓI MỘT ĐÀNG-LÀM MỘT NẺO

Đúng là như vậy nhưng bài viết đã trích lại Hiến pháp để biện minh cho hành động sai trái, suy diễn và tùy tiện của đảng và nhà nước để chạy tội chống dân chủ và đàn áp nhân dân.

Nhóm chữ “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” đã được sử dụng lan tràn  theo nhu cầu của nhà nước để phủ nhận những quy định của Hiến pháp. Nói cụ thể hơn là làm Luật để xóa bỏ Hiến pháp, hay chậm làm luật để trì hõan thi hành Hiến pháp, đạo Luật cao nhất của Quốc gia.


Bằng chứng như hai quyền “lập hội” và “biểu tình”, tuy đã ghi trong Hiến pháp nhưng Chính phủ không muốn Quốc hội luật hoá hai quyền này. Vì vậy, các tổ chức Xã hội Dân sự tự lập của dân và các cuộc biểu tình tự phát bất bạo động, dù chỉ chống bất công và đòi công bằng cũng bị Công an đàn áp mà không cần giải thích hay phải có phép của Tòa án.


Vì vậy, khi nói đến quyền con người, bộ máy tuyên truyền của đảng thường thổi phồng thành tích đã có hẳn một Chương trong Hiến pháp 2013 để bảo đảm quyền này.


Nhưng tất cả chỉ là con số không khi Điều 14 viết rằng:”Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Những lý do “quốc phòng” và “an ninh quốc gia” của điều này rất mơ hồ, không được giải thích rõ ràng nên nhà nước có quyền sử dụng tùy tiện để bảo vệ chế độ “xin cho”, có lợi nhà nước.



BÁO CHÍ - INTERNET

Từ chuyện quyền con người, báo QĐND bàn  qua  báo chí để chỉ trích những ai đã lên án Việt Nam không có tự do.

Báo này viết:”Trong những năm qua, các thế lực thù địch vẫn lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Việt Nam trong thực hiện chính sách, pháp luật và vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”… Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.”

Theo QĐND thì những người chỉ trích Việt Nam đã:” Viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí, nhưng cố tình tảng lờ những điều khoản nghĩa vụ kèm theo để thực hiện các quy định đó rồi tán phát qua internet, mạng xã hội nhằm làm cho con người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối; từ đó cổ xúy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.”

Không phải cho đến bây giờ (năm 2018), thế giới mới biết Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Từ Liên Hiệp Quốc cho đến Liên hiệp Châu Âu (EU, European Union), Tổ chức các nước Đông Nam Á (ASEAN,
The Association of Southeast Asian Nations), các Tổ chứcnhân quyền, Tôn giáo và Báo chí thế giới và nhân dân các nước văn minh đã kê Việt Nam vào hàng áp chót trong bảng xếp hạng về quyền tự do Báo chí, tự do Internet và tự do Tôn giáo.

Bằng chứng như trong Bảng xếp hạng năm 2017 của Tổ chức Ký giả Không Biên giới (Reporters Sans Frontières
 -Reporters Without Borders (RSF) đã đặt Việt Nam vào hàng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia. Việt Nam chỉ ở trên Trung Hoa (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Eritrea (179) và Bắc Triều Tiên (180-North Korea).


Điều đáng xấu hổ là Việt Nam đứng chót trong 10 Quốc gia của Tổ chức ASEAN, sau cả hai nước đàn em Cao Miên (thứ 132) và Lào (170).


Thậm chí nước Cộng sản độc tài Cuba, đồng minh của CSVN cũng được xếp thứ 173, trên Việt Nam 2 bậc.


Bên cạnh đó, một báo cáo của Nhà Tự Do (the Freedom House) đã xếp Việt Nam vào nhóm 10 nước cản trở tự do Internet nhất trong số 65 quốc gia được đánh giá và dẫn đầu châu Á về kiểm duyệt nội dung trên Internet sau Trung Quốc, trong năm 2017.


Freedom House nhận định, chính quyền Việt Nam đang sử dụng hai chiến thuật để thao túng mạng Internet, là dư luận viên nhận tiền từ nhà nước (paid progovernment commentators) và truyền thông thân nhà nước & tuyên truyền (progovernment media and propaganda).


Vào ngày 25/12/2017, Quân đội Việt Nam đã công bố con số 10,000 quân nhân có khả năng sử dụng Internet ở trình độ cao được sử dụng để bảo vệ đảng và chống các thông tin bất lợi cho nhà nước.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa,
phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Namcho biết số chuyên viên này là “Lực lượng 47”, làm theo Chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị. Ông gọi họ là những “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên" được đưa vào “chiến trường đấu tranh chống những cà nhân và các thế lực chống đảng.”


Ngoài Quân đội, đảng CSVN còn sử dụng một lực lượng Công an điều khiển mạng lưới điện tử để chống những người bất đồng chính kiến và kiểm soát lưu thông trên Internet để ngăn chặn những thông tin bất lợi cho nhà nước và chống đảng.


Do đó, Báo cáo 2017 của Freedom House (từ tháng 6/2016 – 5/2017) đã đánh giá Việt Nam ở hạng có tự do Internet thấp 76/100 điểm xấu, xếp thứ 59/65 quốc gia, thấp nhất trong các nước ASEAN.


Theo Freedom House, chính quyền Việt Nam kiểm duyệt 8/10 chủ đề trên Internet, đứng đầu châu Á về mức độ kiểm duyệt chỉ sau Trung Quốc. Gia tăng đàn áp và bắt tù các Nhà báo tự do, Bloggers ở Việt Nam cũng bị Freedom House lên án gay gắt.

NHẬN VƠ CÁI KHÔNG CÓ


Bằng chứng rành rành như thế mà báo QĐND vẫn cảng cổ lu loa rằng: ”Có không ít hoạt động tác động, lôi kéo, mua chuộc các phần tử chống đối, cơ hội chính trị, số phóng viên tha hóa, biến chất tăng cường viết bài xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” rồi tán phát trên mạng xã hội, internet... Đặc biệt, các đối tượng còn thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng xã hội dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.”


Sau đó, QĐND lại trơ trẽn  khoe: ”Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 857 cơ quan báo chí, gồm: 199 cơ quan báo chí in, 658 tạp chí (trong đó có 105 báo, tạp chí điện tử); 01 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử.”

Những con số này, chẳng may không giúp đảng và nhà nước CSVN xóa được hình ảnh xấu xa của một  Việt Nam chưa hề bao giờ có tự do báo chí. Bởi vì tất cả báo, đài là của các cơ quan đảng,  nhà nước và của các tổ chức chính trị, xã hội của đảng hay thuộc phạm vi đảng kiểm soát.



Tuyệt nhiên không có cơ quan nào của tư nhân vì người dân không được quyền ra báo. Cũng như trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam không có đảng đối lập vì đảng cầm quyền không chấp nhận “đa nguyên đa đảng”.



Như vậy thì tự do báo chí ở đâu khi người dân không có quyền được cạnh tranh ngôn luận và tư tưởng với đảng cầm quyền ?

Việc này đã được chứng minh trong Luật Báo chí 2016 (Luật số 103/2016/QH13), ban hành ngày 05/04/2016.


Luật này quy định rõ báo chí có nhiệm vụ:”Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước….xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…


Điều 7 của Luật này còn nói rõ vai trò “qủan lý báo chí” của hệ thống cai trị của Chính phủ:


1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.”



Như vậy thì có cách nào khác hơn để nói báo chí không do các cấp chính quyền kiểm soát từ trung ương xuống cơ sở ?

Trong số các điều bị ngăn cấm, báo chí không được ”Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc….”

Vì vậy mà trong thời gian vài năm qua, Ban Tuyên giáo của đảng đã chỉ thị báo chí lên án những quan điểm hay bài viết của một số người Việt trong và ngoài nước, kể cả một số cựu đảng viên, đòi “đánh giá lại lịch sử và vai trò của ông Hồ Chí Minh và của đảng CSVN” trong 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975).



Một số người cũng đã đặt vấn đề : Lịch sử cần được minh bạch để biết ông Hồ và đảng CSVN có công hay có tội với đất nước. Và, ai là người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về những đổ vỡ và tang thương của dân tộc trong hai cuộc chiến được gọi là “đấu tranh chống Pháp giành độc lập” và “chống Mỹ cứu nước” ?






Bằng chứng là nhà báo của đảng, theo Điều 25 của luật Báo chí 2016 là phải:”Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…”

MẶT TRÁI CỦA BÁO CHÍ


Vậy, cái  gọi là “báo chí cách mạng” của đảng bây giờ ra sao ?



Căn cứ vào những sự việc xẩy ra và đã được công khai bởi các viên chức đảng lãnh đạo, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo thì nếu trong đảng có tham nhũng, lãng phí và tha hóa thì báo chí cũng có suy thoái và nhận hối lộ hoặc tống tiền bỏ túi và nhiều khuyết tật nghề nghiệp khác.



Bằng chứng này đã được nêu ra tại Hội nghị Báo chí toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, tổ chức ngày 26-12-2017 tại TP Hồ Chí Minh.

Báo Tiền Phong tường thuật:”Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết trong năm qua, báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của báo chí, như bị cuốn theo mạng xã hội, đăng tải những chuyện nhảm nhí, giật gân, các thông tin chưa kiểm chứng... Một số báo điện tử khai thác thông tin từ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội để viết bài, trong khi môi trường truyền thông xã hội đầy rẫy tin giả, tin xấu.


Trong năm 2017, cả nước có 55 trường hợp báo chí bị xử lý với tổng số tiền xử phạt là 1,3 tỷ đồng. Hội nhà báo đã xóa tên 324 hội viên với nhiều lý do, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.”

Các báo theo dõi Hội nghị còn dẫn lời ông Hòang Vĩnh Bảo nói rằng: ”Báo chí vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế gây bức xúc trong xã hội như tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng; tình trạng “suy đoán có tội” phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… Thậm chí, có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, có một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một số phóng viên, nhà báo, biên tập viên… lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, đăng tải nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; vi phạm về quảng cáo vẫn xảy ra, mặc dù đã giảm đáng kể so với các năm trước.”

Trong khi ấy, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng, người chịu trách nhiệm ngành thông tin và truyền thông cho đảng cũng đã: ” Thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là một số báo điện tử. Khuynh hướng giật gân, câu khách, xào lại tin bài báo khác tương đối phổ biến.”


Tiền Phong viết: ”Người đứng đầu ngành tuyên giáo chỉ ra sự cố 59 tờ báo vi phạm khi đưa tin khởi tố 2 nguyên lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là do xào lại thông tin từ TTXVN nhưng lại “lòe” bạn đọc là của nguồn tin riêng. Trong khi đó, mức xử phạt như gãi ngứa, chưa đủ răn đe.”

Ông Thưởng nói:”Năm 2017, số lượng Phóng Viên bị xử lý hình sự, bị bắt quả tang đang nhận tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp nhiều hơn mọi năm khiến những người làm báo chân chính đau lòng. Yêu cầu đặt ra là phải đấu tranh chính trong đội ngũ những người làm báo, không để những con sâu làm rầu nồi canh.”

Người cầm đầu Tuyên giáo còn tiết lộ:”Trong vụ Yên Bái (tham nhũng), một Phóng viên khai đưa bao thư cho 3-4 nhà báo khác. Nhuận bút không đăng bài cao hơn nhuận bút đăng bài và nhuận bút gỡ bài nhiều hơn nhuận bút đăng bài.”

Ông Thưởng còn cho biết :”Nhiều nhà báo bị thu thẻ nhưng vẫn viết báo; bài viết thậm chí còn cay nghiệt hơn; ra tù được cơ quan cũ tuyển dụng làm ở vị trí biên tập.


Trong khi đó nhiều cơ quan chủ quản khoán trắng, miễn sao mỗi năm có 4 -5 tỷ đồng. “Làm như vậy không đúng. Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước, phải truy trách nhiệm cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản không thể vô can.”

Như vậy thì phải chăng khi  nhân dân bị đàn áp vì đòi được quyền tự do ra báo thì các đảng viên nhà báo đã nhờ có hạn chế này mà được tự do hành nghề kiếm bạc để bảo vệ đảng cầm quyền ? -/-





Phạm Trần

(02/018)