Đăng ngày 08-09-2019
Phải chăng lần này Trung Quốc nhất quyết xâm chiếm khu vực gần Bãi Tư Chính
ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Câu hỏi này đã được gợi
lên vào lúc giới quan sát tình hình Bãi Tư Chính ghi nhận các dấu hiệu cho thấy
hôm 07/09/2019, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 ở trên đường quay
trở lại khu vực. Đây là lần thứ ba, sau khi đã rời đi qua nghỉ vài ngày tại Đá
Chữ Thập (Trường Sa) hôm 04/09.
Trong một tin nhắn Twitter gởi đi sáng ngày 07/09/2019, giáo sư Ryan
Martinson, trường Hải Chiến Mỹ, người theo dõi sát tình hình tại Bãi Tư Chính,
đã ghi nhận: “Sau khi dừng lại vài ngày tại Đá Chữ Thập, chiếc Hải Dương Địa
Chất 8 có vẻ đã sẵn sàng để tiếp tục các hoạt động khảo sát tại vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam”.
Kèm theo tin nhắn là một sơ đồ cho thấy vị trí chiếc Hải Dương Địa Chất 8
lúc 01:47 giờ quốc tế UTC, đang rời Đá Chữ Thập, hướng về khu vực Bãi Tư Chính
ở phía tây, với vận tốc 10 nút.
Một tin nhắn Twitter khác từ tài khoản South China Sea News cùng ngày xác
định là tàu khảo sát Trung Quốc đang rời Đá Chữ Thập với tốc độ tối đa, cùng
với một số tàu hộ tống. Chiếc tàu hải cảnh khổng lồ 3901 của Trung Quốc, chủ
lực trong đoàn hộ tống đã bật lại tín hiệu AIS, cho thấy vị trí gần chiếc Hải
Dương Địa Chất 8.
Trên hiện trường, giáo sư Martinson ghi nhận sự hiện diện tiếp tục của giàn
khoan Hakuryu 5, ở phía tây Bãi Tư Chính. Lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ, giàn
khoan đang hoạt động cho Rosneft và Việt Nam này đã bật lại tín hiệu định vị
AIS.
Dĩ nhiên các thông tin nói trên từ giới quan sát không hề được Việt Nam
chính thức đề cập đến, làm dấy lên tranh luận về phản ứng của Việt Nam.
Một loạt tin nhắn từ tài khoản South China Sea News ngày hôm nay,
08/09/2019 nhận định: “Rõ ràng là căn cứ vào luật quốc tế, Trung Quốc đang nhẹ
nhàng xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng việc kiện Trung
Quốc ra tòa án quốc tế lại không phải là một vấn đề luật pháp, mà là vấn đề
quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Liệu họ có sẵn sàng
để bị Trung Quốc trừng phạt hay không ? Nếu muốn được quốc tế giúp đỡ, Việt Nam
cần công khai cho biết diễn tiến trên hiện trường để cộng đồng quốc tế có thể
biết rõ hơn về tính chất nghiêm trọng của tình hình”.
Một tin nhắn khác từ tài khoản IndoPacific_SCS_Info cho rằng việc thông báo
về sự vụ là điều mà chính quyền Việt Nam nên làm, nhưng lại không làm vì sợ
người dân sẽ xuống đường, với những hậu quả chính trị đáng lo ngại.