02 octobre 2019

Về một lời phê phán thiển cận


Nguyễn Đình Cống


Khi biết ai đó có phản biện về đường lối, chính sách của lãnh đạo, một số người phê phán  rằng : “có giỏi sao không làm đi”. Đó là một lời phê phán thiển cận của những người kém trí tuệ mà thích tỏ ra “ ta đây”. Họ thường là  các dư luận viên, là những người một lòng tin tưởng mù quáng vào lãnh đạo.

Có rất nhiều người mà “ Lời nói phải đi đôi với việc làm”. Đó là những người hoạt động chính trị và xã hội, làm giáo dục, làm bề trên. Có một số đông người làm nhiều mà ít nói. Đó là những người trực tiếp sản xuất. Lại có một số ít người chủ yếu là nói hoặc viết mà ít có hoạt động thực tế. Đó là các nhà nghiên cứu (về chính trị, xã hội), các triết gia, các văn sĩ v.v…


Những người hoạt động thực tiễn, những bề trên, để tạo được lòng tin và uy tín trong quần chúng thì bắt buộc thực hiện được “Việc làm đi cùng lời nói”. Nói cho hay, nào là vì nước vì dân, liêm chính, trách nhiệm, đạo đức, mà làm thì vì lợi ích phe nhóm, tham nhũng, cửa quyền thì đó là bọn sâu mọt, bọn lừa dối và  trộm cắp chứ không phải cán bộ, không phải người lương thiện.

Những nhà nghiên cứu, những triết gia, thứ họ có  là trí tuệ chứ không phải lực lượng vật chất. Sự đóng góp chủ yếu của họ cho nhân loại, cho cộng đồng không phải bằng hoạt động cụ thể mà bằng các ý tưởng sáng tạo, bằng những phản biện chính xác. Phản biện quan trọng nhất là đối với những lý thuyết đã hình thành, là đường lối của lãnh đạo quốc gia. Những nhà hoạt động thực tiễn sẽ đem những nghiên cứu, những phản biện để vận dụng vào đời sống. Người vừa là triết gia, đồng thời là nhà hoạt động thực tiễn thành công là rất hiếm .

Ngay những nhà nghiên cứu, có nhiều khả năng sáng tạo thì cũng được Osborn chia ra hai loại. Loại giỏi về  phát ý tưởng và loại giỏi về  phân tích ý tưởng ( trong phương pháp Não công- Brainstorming method). Hai loại này cần làm việc tách rời nhau. (có thể có người giỏi cả hai, nhưng rất hiếm).

Một lời phản biện đúng, vạch ra được cái sai của lãnh đạo nhiều khi có sức mạnh rất lớn, hơn cả đống của cải, hơn cả sức mạnh đạo quân.

Vì vậy câu phê phán “có giỏi sao không làm đi” dùng cho các quan chức, các lãnh đạo là đúng, nhưng lại dùng cho các nhà phản biện là sai. Muốn làm được việc tốt, ngoài ý tưởng  phải có lực lượng, có quyền hành. Tạo lực lượng và quyền hành thuộc lĩnh vực hoạt động khác chứ không nằm trong việc phản biện.

Xin nhắn với những kẻ to mồm phê phán, khích bác những người phản biện rằng “có giỏi sao không làm đi”. Các ngươi muốn tỏ ra nguy hiểm, nhưng thật ra chỉ đáng bị khinh bỉ vì kém trí tuệ mà thích phô trương, phần đông là loại “nhàn cư vi bất thiện”.

Có những kẻ to mồm, huyênh hoang về việc này việc nọ, ăn theo, nói leo, thùng rỗng kêu to. Với những kẻ đó, không nên đếm xỉa đến hoặc vạch ra các thủ đoạn của chúng chứ không cần nói thách “có giỏi sao không làm đi”.

Để làm phê phán, phản biện cần có trí tuệ, có lương tâm và phương pháp đúng. Thiếu những thứ đó mà làm bừa theo một vài cảm nhận hời hợt, lại bị sự cuồng tin, ngu tín chi phối thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Mong những nhà phản biện luyện cho trí tuệ minh mẫn, chỉ đâu trúng đó, không ngại gì bọn bút nô ngu dốt chọc ngoáy.

Bới móc nhược điểm của bạn bè, của hàng xóm là thể hiện phẩm chất thấp kém. Ngược lại, người  phản biện các lý thuyết, người vạch ra sai lầm của lãnh đạo đất nước  là những Triết gia. Cầu mong cho Dân tộc có nhiều người như thế . Những kẻ quen phê phán “có giỏi sao không làm đi” cần suy nghĩ thật thấu đáo khi nói câu này..