Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9/2019 |
Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm
Bình Minh hôm 28/9 đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và
Việt Nam ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nhưng tránh nói tên Trung Quốc.
Trong bài phát biểu dài khoảng 15 phút
trước UNGA, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói:
“Việt Nam đã nhiều lần lên
tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những
vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển của Việt
Nam đã được xác định bởi UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc
1982). Các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể
làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển, và giải quyết tranh chấp
bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS”
Phát biểu của Bộ trưởng Phạm Bình Minh về
vấn đề Biển Đông đã được trông đợi từ trước đó vì suốt 3 tháng nay Việt Nam
đang phải đương đầu với việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng tàu
hải cảnh và dân binh vào Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối từ phía Việt Nam và quốc tế.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nói đến việc
các bên liên quan phải tôn trọng luật quốc tế mà cụ thể là UNCLOS.
“Chúng tôi thúc giục các bên liên quan ở
Biển Đông tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển của LHQ UNCLOS
1982, vốn được coi như một hiến pháp của đại dương. Nối giữa Ấn Độ Dương và
Thái Bình Dương, Biển Đông rất quan trọng về mặt chiến lược đối với hòa bình,
an ninh và thịnh vượng cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Những nỗ lực
của các bên liên quan đã đưa lại những kết quả tích cực trong việc giải quyết
những khác biệt và tranh chấp”
Cũng trong bài phát biểu của mình, Bộ
trưởng Ngoại giao Việt Nam không loại trừ khả năng giải quyết các tranh chấp
qua cơ chế tòa quốc tế.
“Luật quốc tế là nền tảng cho quan hệ
công bằng giữa các quốc gia. Hành động của chúng ta phải tuân theo luật quốc
tế. Việt Nam tin rằng việc tuân thủ luật quốc tế là biện pháp quan trọng nhất
để ngăn chặn xung đột, và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các tranh chấp. Chúng
tôi ủng hộ mọi nỗ lực để giải quyết tranh chấp qua các biện pháp hòa bình
theo hiến chương LHQ và luật quốc tế bao gồm cả đàm phán, hòa giải, và qua cơ
chế tòa.”
Kể từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua,
Trung Quốc đã không ngừng đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam, quấy nhiễu các
hoạt động khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần chính thức
lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây nói rằng vùng biển ở khu vực Bãi Tư Chính
thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải ngưng toàn bộ các hoạt
động khoan tìm dầu khí tại đây.
Trung Quốc nói rằng vùng nước này nằm trong
khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ.
Tuy nhiên theo phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế PCA 2016, các thực thể ở khu
vực quần đảo Trường Sa không thể coi là các đảo nên không thể có vùng đặc quyền
kinh tế. Trong khi đó Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế
200 hải lý căn cứ theo UNCLOS.
Đã có những ý kiến từ những chuyên gia
trong và ngoài nước thúc giục chính quyền Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa quốc
tế tương tự như Philippines đã làm hồi năm 2013 và có phán quyết vào năm 2016.
Bà Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên khoa
quan hệ quốc tế Đại học khoa học xã hội nhân văn (Đại học quốc gia TP HCM) mới
đây nói với RFA rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể thắng nếu đưa Trung Quốc ra
tòa.
“Về thủ tục pháp lý thì mình hoàn toàn
có thể thỏa mãn tất cả các điều kiện về mặt pháp lý, mình là người thực hiện
các điều khoản của UNCLOS, những nguyên tắc pháp lý, và Trung Quốc là người
đang vi phạm. Mình hoàn toàn có thể thắng.”
Tuy nhiên bà Trang cũng nói đến những khó
khăn mà Việt Nam sẽ phải đối đầu khi theo đuổi vụ kiện.
“Về tác động xã hội thì mình phải nhìn
lại việc xuất nhập khẩu với TQ ra thế nào. Ví dụ TQ có gây khó khăn cho mình
không. Thường một vụ kiện tụng kéo dài 3 đến 5 năm thì lúc đó kinh tế mình bị
ảnh hưởng thế nào thì mình phải cân nhắc cái đó. Ngoài ra, còn có một số tiểu
thương vừa và nhỏ cũng có hợp tác làm ăn với TQ thế nào đó, thì ví dụ như mình
kiện TQ thì họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp thì
mình phải quan tâm đến đời sống của họ và có những cái hỗ trợ cho họ thế
nào. ...Mình phải kiện ở nơi khác là Tòa Trọng tài là nơi Philippines kiện TQ.
Tòa này phải trả nhiều tiền, trả cho từng thẩm phán và tòa và nhiều thứ. Lúc mà
Philippines kiện TQ thì tiền mà Philippines bỏ ra để theo kiện tính bằng % GDP
của cả nước trong mấy năm. Cho nên để đưa vụ kiện này ra về pháp lý mình hoàn
toàn tin tưởng mình có thể chiến thắng, nhưng các mặt khác mình phải tính toán
cho thật kỹ, chuẩn bị thật kỹ.”
Đã có những ý kiến cho rằng Việt Nam có thể
đưa vấn đề ra các tòa quốc tế khác như Tòa công lý Quốc tế ICJ hay tòa của
UNCLOS là ITLOS vốn không phải trả tiền vì Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên bà
Trang cho biết việc này đòi hỏi phải có sự đồng ý từ Trung Quốc, nhưng Trung
Quốc đã từng từ chối phán quyết của tòa PCA trong vụ kiện với Philippines, nên
Bắc Kinh cũng có thể sẽ làm tương tự trong trường hợp này.
Cơ chế tham vấn với ITLOS và ICJ cũng đã
được nói tới, nhưng để đạt được điều này Việt Nam cũng phải có được tiếng nói
ủng hộ của những tổ chức quốc tế như ở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.