26 juin 2018

Thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim và vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Vương Thuyên

Donald Trump và Kim Jong-un : Một bắt tay lịch sử ở Singapore ngày 12-6-2018.


I-Lời nói đầu

Chưa bao giờ một thượng đỉnh giữa hai xứ thù địch làm thế giới chú ý và đồng thời phập phòng hồi họp với những biến chuyển bất ngờ liên tiếp. Đó là thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ trẻ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Chính Ân) ở Singapore ngày 12-6-2018 vừa qua. Trước đó nhiều thượng đỉnh được tiến hành giữa các lãnh tụ trong vùng đặc biệt giữa Tập Cận Bình (Trung Quốc) và Kim (27-3 và 7-5 rồi  19-6 sau thượng đỉnh) và giữa hai lãnh tụ Nam Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Moon Jae-in (Văn Tại Diễn)(27-4 và 26-5) ở giới tuyến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) chưa kể các cuộc gặp gỡ giữa Trump-Moon (24-5)̣, giữa Trump-Abe (Nhật) (7-6) ở Washington và cuộc gặp gỡ tay ba Trung- Hàn-Nhật ở Tokyo (9-5).

Mọi người mong đợi thượng đỉnh Trump-Kim sẽ giải quyết vấn đề phi hạt nhân hoá toàn diện trên bán đảo Triều Tiên trong ngắn hạn nhưng kết quả cuối cùng khá khiêm tốn so với những thượng đỉnh rầm rộ và những chuyển biến bất ngờ trước đó.

Cần nói thêm là hai lãnh tụ Trump-Kim có một điểm chung là có bộ tóc ''không giống ai'' với tính khí bốc đồng (impulsive) và bất dự kiến (unpredictable). Có lẽ vì có điểm chung khác thường nên họ đã làm thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chỉ vài tháng trước đây thôi, hai người cùng hăm doạ thiêu huỳ lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân và cùng miệt thị. Kim gọi ông Trump là một cụ già '' lảng trí mang bệnh tâm thần'' trong khi ông Trump gọi Kim là thằng bé '' tên lửa lùn và phì béo''. Thế nhưng, hai người đã đi đến đồng thuận (dù chưa hoàn hảo) giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và theo đó là việc chấm dứt chính thức chiến tranh giữa Nam Bắc Triều Tiên.[1]


II-Đôi giòng lịch sử

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc TT là một chuỗi dài hận thù kéo dài gần bảy thập niên khi Hoa Kỳ được Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho phép đưa quân giúp Nam TT ngăn chặn quân Bắc TT của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đang chiếm 80% lãnh thổ Nam TT, kể cả thủ đô Hán Thành ngày 28-6-1950. Nếu không có quân của LHQ do Hoa Kỳ chủ xướng can thiệp, xứ Triều Tiên chấc đã được (bị) ''thống nhất'' dưới chế độ cộng sản toàn trị khắc nghiệt. Quân của Liên Hiệp quốc gồm 22 nước, thực chất là Mỹ dưới sự thống lãnh của tướng Douglas Mac Arthur, người hùng ở chiến trường Á Châu trong đệ nhị thế chiến, đổ bộ ngày 15-9 ở cảng Inchon (Ngân Xuyên) rồi đuổi quân của Kim Nhật Thành tới sông Yalu (Áp Lục), biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc sau khi chiếm Bình Nhưỡng ngày 19-10. Kim Nhật Thành hốt hoảng kêu gọi Mao Trạch Đông gửi ''chí nguyện quân'' cứu trợ. Dĩ nhiên là có sự đồng tình của Stalin vì trước đó vài tháng (ngày 26-5-1950), Stalin đã bật đèn xanh cho phép Kim Nhật Thành mang quân xâm lược miền Nam.

Đầu tháng 1-1951, quân của Kim Nhật Thành với sự trợ giúp cùa 70 vạn ''chí nguyện quân'' do nguyên soái Bành Đức Hoài (Peng Dehuai) thống lãnh đuổi quân LHQ dưới vĩ tuyến 38 sau khi chiếm lại Hán Thành lần thứ hai. Chiến tranh trở nên khốc liệt đến nỗi tướng Mac Arthur đòi dùng bom nguyên tử nhưng bị TT Harry Truman từ chối (Mac Arthur bị tướng Ridway thay ngày 11-4-1951). Cuối cùng, quân LHQ chiếm lại Hán Thành và đánh bật quân miền Bắc và ''chí nguyện quân'' của Mao sang vĩ tuyến 38 vào giữa tháng 3-1951.

Sợ chiến tranh thế giới lần thứ ba có thể bùng nổ, người đại diện Liên Xô ở Liên Hiệp quốc Jacob Malik đề nghị đình chiến trong tháng 6-1951. Mỹ và Bắc TT thương lượng trong hai năm với 158 buổi họp để cuối cùng đồng ý lấy vĩ tuyến 38 làm giới tuyến. Sự phân chia giữa hai miền Nam Bắc trở thành thực sự ngày 27-7-1953 nhưng chiến tranh không hoàn toàn chấm dứt như mọi người điều biết qua nhiều thập niên sau.

Chiến tranh TT thực sự chỉ kéo dài không đầy một năm nhưng để lại nhiều tổn thất kinh hoàng về nhân mãn và tài sản: gần 4 triệu người tử vong đa số là quần chúng, 8 triệu người bị chia cách, nhiều triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Theo Wikipedia, quân đội LHQ tổn thất 55.000 quân trong đó có 36.500 quân Mỹ, 150.000 quân Nam TT, 215.000-400.000 quân Bắc TT, quân ''chí nguyện quân'' của Mao bị tổn thất nặng với 180.000-400.000 trong đó có con trai trưởng của Mao là Mao Ngạn Anh (Mao Anying).

Hai thú đô Hán Thành và Bình Nhưỡng cùng nhiều thành phố khác ở Nam lẫn Bắc bị gần như thiêu huỷ. Vì lý do đó, lòng hận thù của Bắc TT đối với Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Một viện bảo tàng ''tội ác Mỹ'' được xây cất ở Sinchon ở phía Nam Bình Nhưỡng để nung nấu lòng hận thù mà mọi người già tré buộc phải đến xem. Hàng năm có khoảng nửa triệu người đến tham quan.


III-Vì sao Bắc TT của Kim Jong-un chọn con đường phi hạt nhân hoá?

Ở triều đại ''tam Kim'', vũ khí quân đội và vũ khí hạt nhân là bảo hiểm cho sự sống còn của chế́ độ. Với dân số khoảng 25 triệu dân nhưng Bắc TT có tới 1,5 triệu quân nhân hơn cả Nga (143,3 triệu dân và 1,4 triệu quân) và Mỹ (328,8 triệu dân và 1,3 triệu quân), chỉ thua Trung Quốc (1400 triệu dân và 2,7 triệu quân). Nếu so sánh với Mỹ theo tỷ lệ dân số thì Bắc TT có khoảng 15 lần quân đội đông hơn chưa nói đến 25% PIB của Bắc TT (khoảng 7 tỷ USD) dành cho quân đội và vũ khí hạt nhân (trung bình các nước trên thế giới dành khoảng 2-4% PIB cho ngân quỹ quốc phòng).

Dưới thời Kim Nhật Thành (1912-1994), Bắc TT đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Yongbyon. Khi Kim Nhật Thành qua đời năm 1994, Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật, 1941-2011) lên thay và tiếp tục xây cất thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân mà kết quả là việc thử nghiệm 16 lần tên lửa đạn đạo và thử nghiệm thành công hai bom nguyên tử trong tháng 10 -2006 và tháng 5 - 2009 trước khi qua đời ngày 17-12-2011.

Kim Jong-un lên thay cha vào đầu năm 2012 vào lúc mới 28 tuổi đầu. Ít người cho rằng chế độ ''Kim thứ ba'' sẽ trụ được lâu dài vì còn non nớt với thái độ phi lý (irrational). Thế nhưng, họ đã hoàn toàn sai lầm. Chỉ vài năm sau, Kim Jong-un tỏ ra có bản lãnh và có tầm nhìn xa hơn cha với chính sách Byongjin, có nghĩa là vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa phát triển kinh tế thay vì chính sách Songun, quân đội trước hết của Kim Jong-Il. Từ khi lên cầm quyền Kim ''Ba'' cho thử hơn 80 lần tên lửa đạn đạo và 4 lần vũ khí hạt nhân. Trong những năm gần đây, đời sống của Bắc TT bắt đầu có khả quan hơn trước (tăng trướng kinh tế 3,9% năm 2016). Tuy nhiên, Kim nghĩ rằng con đường phát triển vũ khí hạt nhân dù đã được thành quả đáng kể cũng sẽ đi đến ngõ cụt thậm chí đưa chế độ đến sụp đổ nếu vẫn bị cộng đồng quốc tế lên án và bị LHQ trừng phạt khắt khe kể cả từ hai người ''anh em'' Trung Quốc và Nga Sô. Như vậy chỉ còn con đường duy nhất là con đường phát triển kinh tế mới có thể giữ được chế độ với điều kiện là phải được Hoa Kỳ đảm bảo an ninh.

Phải nói Kim Jong-un gặp được vận may lớn. Nam TT vừa bầu tháng 5- 2017 một tổng thống mới ôn hoà với ông Moon Jae-in khác với hai tổng thống tiền nhiệm bảo thủ là ông Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) nhiệm kỳ 2007-2012 và bà Park Geun-hye (Phác Cẩn Huệ) nhiệm kỳ 2012-2017 [2].

Chính ông Lý Minh Bác đã huỷ bỏ những cam kết thượng đỉnh liên Triều năm 2007 của người tiền nhiệm Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyền) trước thái độ khiêu khích của Kim Chính Nhật. Còn bà Phác Cẩn Huệ thì không những tiếp nối chính sách bất hợp tác với miền Bắc mà còn cho phép Hoa Kỳ thiết lập hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (Terminal Hight Altitude Area Defense) viết tắt THAAD. Phía Hoa Kỳ cũng có tổng thống mới là ông Donald Trump với tính khí bốc đồng và bất dự kiến như mọi người đều biết.

Vừa lên cầm quyền, ông Moon đề nghị Kim đối thoại để bảo vệ hoà bình giữa hai miền cùng đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ tạm dừng thiết lập hệ thống THAAD. Kim không những không trả lời mà còn cho thử nghiệm thành công bom H trong tháng 9-2017 với sức tàn phá 15 lần hơn quả bom Hiroshima và phóng tên lửa liên lục địa tầm xa có khả năng đến tận bất cứ nơi nào của Hoa Kỳ trong tháng 11. Hoa Kỳ hăm doạ trả đũa và LHQ tăng cường trừng phạt cấm các nước bang giao thương mại hay trợ giúp Bắc TT. Biện pháp này chủ yếu nhắm vào Trung Quốc vì có 90% quan hệ bang giao thương mại với Bắc TT (TQ chiếm 6 tỷ trên 6,65 tỷ USD năm 2016).

Bị đẩy vào bước đường cùng, Kim cho họp Ban Chấp hành Đảng Lao Động và quyết định thay đổi chiến lược bằng cách nắm lấy lời mời của ông Moon tham gia Thế Vận hội mùa đông ở Pyeongchang trong tháng 2-2018. Để cho thấy tầm quan trọng, Kim gửi một phái đoàn cao cấp trong đó có người em gái của mình là bà Kim Yo-jong (Kim Nhữ Trinh), một uỷ viên Bộ Chính trị (sinh năm 1987). Phía Hoa Kỳ gửi bà Ivanka Trump, con gái ông Trump hướng dẫn phái đoàn. Dù hai bên không gặp gỡ trực tiếp nhưng việc tham gia cấp cao của hai phái đoàn đã phá vỡ việc đóng băng quan hệ. Ngay sau đó, cố vấn An ninh của Nam TT sang Mỹ ngày 8-3 gặp ông Trump sau khi đi Bình Nhưỡng. Ông này thông báo cho ông Trump rằng Kim sẳn sàng dỡ bỏ địa điểm thử nghiệm Punggye-ri và giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân cùng ngỏ ý muốn gặp ông Trump. Ông Trump một cách bất ngờ tuyên bố cùng ngày đồng ý và còn nói rằng ông có quan hệ ''tốt'' với Kim. Thế là hai bên chuẩn bị họp thượng đỉnh. Ông Mike Pompeo giám đốc tình báo CIA trước khi trở thành ngoại trưởng hai lần bí mật đi Bình Nhưỡng gặp Kim (17-4 và 9-5) với kểt quả ngoài mong đợi là Bắc TT trả tự do cho ba công dân Mỵ̃. Kim còn cho huỷ bỏ bằng chất nổ địa điểm thử nghiêm Punggye-ri ngày 25-5 như đã hứa. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế cho rằng địa điểm này đã một phần bị hư hỏng sau vụ thử nghiệm bom H hồi tháng 9-2017. Cũng cần nhắc lại là khi hai lãnh tụ Nam Bắc TT Moon-Kim họp thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm ngày 27-4, Kim cam kết phi hạt nhân hoá toàn diện và hứa sẽ dỡ bỏ các địa điểm thử nghiệm hạt nhân. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Ông Trump thông báo ngày 10-5 thượng đỉnh sẽ diễn ra ngày 12-6 ở Singapore.

Tuy nhiên, ngày 16-5 thứ trưởng ngoại giao Bắc TT Kim Kye-gwan (Kim Quế Quan) bất thần cảnh cáo Mỹ nói rằng :''Bắc TT sẽ xét lại cuộc gặp gỡ thượng đỉnh nếu như Mỹ tìm cách dồn chúng tôi vào góc tường để ép chúng tôi đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân'' cùng đồng thời tố giác cuộc tập trận quân sự của Mỹ với Nam TT. Ông Trump đáp trả ngày 24-5 bằng sự huỷ bỏ cuộc họp do thái độ ''giận dữ điên cuồng và công khai thù địch'' cúa Bắc TT. Mọi người nghĩ rằng thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore  sẽ không bao giờ diễn ra nhưng họ quên rằng Trump-Kim là hai nhân vật có tính khí bốc đồng và bất dự kiến.

Lần này, Bắc TT xuống nước dịu giọng thậm chí van xin. Thứ trưởng Kim Kye-gwan tuyên bố ngày 25-5 rằng Bắc TT sẳn sàng đối thoại ''bất cứ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào''. Ông Trump liền đáp trả ngày hôm sau nói vẫn xem xét ngày tổ chức thượng đính ở Singapore và tin rằng các cuộc đàm phán sẽ diển ra ''tốt đẹp''!. Ngày 1-6, Bắc TT liền gứi ngay nhân vật ''số 2'' ông Kim Yong-chol (Kim Vĩnh Triết) đi Washington mang thư của Kim cho ông Trump. Ông Kim Yong-chol là một nhân vật cao cấp của chế độ vì ông vừa là uỷ viên Bộ Chính trị vừa là một trong 9 phó chủ tịch Đảng Lao Động, thành viên Quân uỷ TƯ kiêm Trưởng ban Mặt trận thống nhất. Dù thư của Kim gửi cho ông Trump không công bố công khai nhưng việc ông Trump chịu đối thoại chứng tỏ Kim đã chấp nhận những điều khoản của Hoa Kỳ đưa ra.


IV-Ai thắng, ai thua?

Qua tuyên bố chung sau hội nghị, mọi người tranh luận ai thắng, ai thua? Theo thiển ý của người viết, Kim thắng lớn, Trump không mất mặt. Riêng người dân Triều Tiên thắng đậm vì từ nay sẽ không có thêm các vụ phóng tên lửa, thí nghiệm hay thử nghiệm vũ khí hạt nhân nếu Bắc TT muốn có viện trợ kinh tế từ phía Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới cùng tránh khỏi những trừng phạt khắt khe của Liên Hiệp Quốc.

Tại sao Kim thắng lớn ở hội nghị Singapore?. Từ trước đến nay, Bắc TT luôn muốn đối thoại trực tiếp với Hoa Kỳ. Hội nghị sáu nước (Nam Bắc TT, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật) về việc phi hạt nhân hoá trên bán đáo Triều Tiên do Bắc Kinh đề xướng từ năm 2003 chỉ họp vài lần rồi ngừng hẳn từ tháng 5-2009. Đó là thắng lợi thứ nhất của Kim. Thắng lợi thứ hai là Hoa Kỳ cam kết bảo đảm an ninh cho Bắc TT cùng thiết lập quan hệ mới (thiết lập bang giao?). Thắng lợi thứ ba là Kim trở thành một nhân vật có tầm cở quốc tế. Ông Trump mời Kim sang thăm Nhà Trắng, TT Nga Putin gửi ngoại trưởng Sergei Lavrov sang Bình Nhưỡng mời Kim viếng điện Kremlin trong tháng ̣̣9, thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự tính mời Kim viếng thăm chính thức Tokyo vào mùa thu tới chứ không phải lén lút viếng thăm với tên giả Joseph Pak năm 1991. [3].

Thắng lợi thứ tư là Mỹ sẽ đình chỉ các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên với Nam TT thậm chí có thể rút 28.000 quân Mỹ ở Nam TT về nước. Dù việc rút quân không có ghi trong bản ký kết nhưng người ta còn nhớ khi vừa lên cầm quyền ông Trump từng hăm doạ rút quân Mỹ ở Nhật (47.000 )lẫn Nam TT nếu hai nước này không tăng gia góp phần ngân sách với Mỹ.

Thắng lợi thứ năm là việc đòi hỏi Bình Nhưởng phải giải trừ vũ khí hạt nhân ''toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược'' cũng không có ghi trong thông cáo chung [4] . Thông cáo chung chỉ nhắc tới lời tuyên bố chung của hai lãnh tụ Nam Bắc TT ngày 27-4 theo đó hai miền đồng ý phi hạt nhân hoá toàn diện trên bán đảo TT nhưng không nói định kỳ thời gian. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng bản thoả thuận không có cam kết gì mới từ phía Bình Nhưỡng cũng như không nêu ra việc kiểm tra. Họ còn nhấn mạnh rằng việc giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân ở Bắc TT đòi hỏi một thời gian dài từ 10 đến 15 năm...

Nói như thế không có nghĩa là Hoa Kỳ của ông Trump ''thua''. Từ nay, mọi việc tuỳ thuộc ở sự quyết tâm của Bình Nhưỡng. Để dằn mặt Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Mỹ ông Mike Pompeo tuyên bố ngày 14-6: ''Chỉ khi nào chúng tôi nhận thấy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hoá toàn diện, lúc đó mới có giảm bớt các biện pháp trừng phạt''. Có thể nghĩ rằng Kim sẽ cân nhắc không khinh thường lời cảnh cáo này nếu không muốn tiếp tục bị trừng phạt.


V-Trung Quốc được gì?

Có thể nói rằng Bắc Kinh buộc phải quan tâm đến những gì có liên quan đến Bắc TT do hoàn cảnh địa dư chính trị và đồng thời là nước đã chống đỡ để Bắc TT không sụp đổ. Bắc Kinh cũng không quên trên dưới 400.000 ''chí nguyện quân'' Trung Quốc đã ''hy sinh'' ở chiến trường Triều Tiên cách đây 68 năm.

Do đó, ngoại trưởng Vương Nghị như muốn nhắc cho mọi người biết vừa tuyên bố: ''Không ai nghi ngờ vai trò độc đáo và quan trọng của Trung Quốc, một vai trò mà Trung Quốc sẽ tiếp tục gánh vác''. Việc Kim ba lần đi Trung Quốc trong vòng không đầy ba tháng để tham khảo ông Tập Cận Bình cho thấy lời tuyên bố của ông Vương Nghị không xa sự thật nhưng không hẵn như vậy. Chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng trước sau như một là giữ nguyên trạng Nam Bắc TT chia cắt, ép bức Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân và phục tùng Trung Quốc. Nhưng Kim ''Ba'' không không phải là người dễ sai khiến. Việc Kim ba lần đi Trung Quốc là muốn cho Mỹ thấy sự hỗ trợ của Bắc Kinh vẫn còn vững chắc. Nói cách khác là Kim ''dùng'' Bắc Kinh để đối thoại với Washington. Ngược lại, Bắc Kinh muốn dùng ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng để mặc cả với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Đôi bên đều có lợi. Đi xa hơn nừa, quan hệ giữa Kim và Tập không khăng khít như mọi người đều tưởng. Từ khi lên cầm quyền đầu năm 2012 cho đến gần đây, Kim chưa lần nào viếng thăm Bấc Kinh khác với lãnh tụ của hai nước cộng sản lân bang Việt Nam và Lào dù cơ hội không thiếu. Điển hình là Kim được ông Tập mời cùng tổng thống Nam TT bà Phác Cẩn Huệ sang Bắc Kinh dự lế kỷ niệm ngày Nhật Bản thất trận lần thứ 70 trong tháng 9-2015 nhưng Kim đã ''tẩy chay'' không tham dự, chi gửi phó nguyên soái Choe Ryong-hae (Thôi Long Hải), một uỷ viên Bộ Chính trị thay thế. Kim còn từ chối tiếp ông Tống Đào (Song Tao), Trưởng ban Liên Lạc đối ngoại TƯ, đặc phái viên của ông Tập khi ông này viếng thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 11-2017.

Tiếp theo đó, Bắc Kinh và Moskva đều bỏ thăm theo Mỹ trừng phạt Bình Nhưỡng ở Liên Hiệp Quốc.

Kim cũng ''không quên'' người chú dượng Jang Sung-thaek (Trương Thành Trạch) được xem là nhân vật ''số 2'' đã bị Bắc Kinh mua chuộc và có ý đồ muốn đưa người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam (Kim Chính Nam) lên thay mình. Dù chỉ là một tin đồn khó kiểm chứng nhưng họ Jang sau đó bị bắt còng tay trong buổi họp Bộ chính trị với tội ''phản bội tổ quốc, phản cách mạng, phản Đảng, tham nhũng, cờ bạc rượu chè, trai gáị, xì ke ma tuý...''. Ông Jang bị hành quyết bằng đạn pháo phòng không (anti air craff gun) tháng 12-2013. Còn Kim Jong-nam cũng bị hãm hại bằng độc dược trong tháng 2-2017 ở phi trường Kuala-Lumpur Mã Lai.


VI-Lời kết

Nếu một ngày kia hoà bình được vãn hồi trên bán đảo TT, người có công lớn là tổng thống Nam TT ông Moon Jae-in, kế tiếp là hai ông Trump-Kim. Hai thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007 không đưa đến hoà bình vì tình thế chưa chín mùi cũng như sự vắng mặt của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Lần này thì khác. Các diễn viên trọng yếu đều có mặt và đều muốn thấy có hoà bình ở bán đảo Triều Tiên. Như trên đã nói, kết quả thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore còn khá khiêm tốn vì còn nhiều vấn đề không đề cập trong bản thoả thuận nhưng là bước đầu khá dài để đi đến việc chấm dứt chiến tranh đã kéo dài trong 68 năm qua. Từ nay trở đi, mọi sự đều tuỳ thuộc ở sự quyết tâm và ý chí cúa hai nhân vật Trump-Kim. Ông Trump vừa chính thức tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận quân sự trong khi Kim vừa trao trả 200 hài cốt quân nhân Mỹ cùng gỡ bỏ các pa-nô tuyên truyền chống Mỹ ở thủ đô Bình Nhưỡng. Một động thái khích lệ.


Paris 25-6-2018

Chú thích

[1] Vì Nam TT của Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) không ký Hiệp định đình chiến năm 1953 nên trên lý thuyết hai miền vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và năm 2007 có giao kết chấm dứt chiến tranh nhưng sau đó không bên nào áp dụng. Lại nữa, sự giao kết giữa hai miền không có pháp lý quốc tế.

[2] Nhiệm kỳ của bà Phác Cẩn Huệ bị rút ngắn trong vụ lạm dụng quyền lực và tham nhũng ''Thôi-gate''. Bà bị Quốc hội truất phế ngày 9-12-2016 và được Hội đồng Hiến pháp phê chuẩn ngày 10-3-2017. Bà cuối cùng bị kết án 24 năm tù. Xem bài viết của tác giả ''Sóng gió ở chính trường Hàn Quốc'' trên mạng Dân quyền VN ngày 10-12-2016.

[3] Tháng 5-1991, Kim Jong-un dùng hộ chiếu Brazil cùng mẹ tham quan Disneyland Tokyo. Mẹ của Kim là người Bắc TT sinh trưởng ở Nhật.

[4] Bốn điểm chính của bàn ký kết

1-Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ Mỹ-CHDCND Triều Tiên mới phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.

2-Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

3-Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, CHDCND Triều Tiên cam kết làm việc theo hướng triệt tiêu hoàn toàn hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

4-Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cam kết tìm lại các POW/MIA còn lại, bao gồm cả việc hồi hương ngay lập tức những người đã được xác định.

[POW/MIA là viết tắt của tù nhân chiến tranh/quân nhân mất tích trong chiến tranh]