Lê Phú Khải
Xem trên truyền hình thấy các ông nghị trong Quốc hội phát biểu tán đồng dự án sân bay Long Thành, người ta không thể không liên tưởng đến dự án làm đường xe lửa cao tốc cách đây mấy năm. Lúc đó ông Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố trên chủ tịch đoàn: Phải làm tàu cao tốc!
Sau đó Quốc hội đã bỏ phiếu bác bỏ dự án khủng khiếp này.
Thoát được cái dự án khủng khiếp làm tàu cao tốc một phần là nhờ Tiến sĩ
Tô Văn Trường, một trí thức tâm huyết và thẳng thắn. Anh Tô Văn Trường từng là
chuyên gia nhiều năm cho các tổ chức khoa học trên thế giới, anh đi rất nhiều
nước, quen biết nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, vì thế, anh biết rõ
mười mươi là tàu cao tốc ở các nước đang thất bại. Nếu cần nhanh thì người ta
đi máy bay, không đi tàu cao tốc. Các hãng làm tàu cao tốc đang ế ẩm, đang muốn
xuất khẩu kỹ nghệ này và đưa các kỹ sư, công nhân làm tàu cao tốc đang thất
nghiệp của mình đi kiếm ăn ở các nước lạc hậu.
Anh Trường đã viết hàng chục bài, chứng minh có số liệu, có căn cứ khoa
học về sự thảm hại của tàu cao tốc ở các nước. Và anh đã dồn dập gởi các bài
viết của anh qua thư điện tử đến hàng chục đại biểu quốc hội trước ngày thông qua
dự án tàu cao tốc. Vì thế, đã góp phần chặn đứng thảm họa tàu cao tốc ở một
nước nghèo nàn lạc hậu như nước ta.
Nay lại đến dự án khủng sân bay Long Thành. Cũng may là có người biết rõ
mười mươi những sự quái đản ở ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt là những quái
chiêu về các sân bay ở Việt Nam do các đại gia, các nhóm lợi ích đỏ trong quân
đội thao túng. Người đó là nhà báo Nguyễn Đình Ấm, người đã làm việc cả đời
trong ngành hàng không Việt Nam. Khi còn làm việc ở tạp chí của ngành hàng
không Việt Nam, anh đã tố cáo trước dư luận nhiều chuyện tiêu cực, tham nhũng
trong ngành theo lời kêu gọi của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh về “Những việc cần
làm ngay” một thời.
Vì ngay thẳng, nhà báo Nguyễn Đình Ấm đã bị bầm dập nhiều năm. Anh bị
đình chỉ viết báo và phải đi bán báo của ngành hàng không nhiều năm. Do đi lang
thang bán báo khắp cả nước, khắp ngành hàng không nên anh càng nắm được nhiều
thông tin về các sân bay. Anh đã lên tiếng kịp thời về sân bay Long Thành trong
bài viết “Sân golf đuổi sân bay”.
Khi bị kỷ luật thôi không được viết ở tờ tạp chí của ngành, anh Ấm còn
“may mắn” được đi theo các chuyến bay quốc tế để làm các công việc lặt vặt. Với
lòng yêu nghề, thiết tha với lợi ích của ngành hàng không quốc gia, với nghiệp
vụ của một phóng viên, nhà báo Nguyễn Đình Ấm đã điều tra được các số liệu quan
trọng ở các sân bay quốc tế các nước. Anh đã công bố các số liệu này trong bài
viết “Sân golf đuổi sân bay”, đã vạch rõ những nhận định hoang đường về số
lượng khách sẽ có ở sân bay Long Thành trong… 40 năm sau!
Về con người am tường các sân bay Việt Nam và quốc tế Nguyễn Đình Ấm, tôi
có một kỷ niệm thật khó quên. Cách đây vừa tròn 20 năm, tôi bỗng nhận được một
lá thư viết tay đề ngày 15/10/94 của Nguyễn Đình Ấm, một người tôi chưa từng
quen biết. Lá thư gửi qua tay phi công Mai Trọng Tuấn, một người rất nổi tiếng
trong ngành hàng không Việt Nam. Trong thư anh Ấm tâm sự với tôi về những lần
anh đã “… can ngăn, đòi ông Nhị (tổng cục trưởng – LPK) phải ngăn chặn các vụ
việc tiêu cực, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, cục bộ địa phương bè cánh của
các tay chân và bản thân ông…” “dùng tiền bạc, lợi ích của nhà nước một cách vô
tội vạ”, v.v.
Viết thư cho tôi, anh Ấm hy vọng những nhà báo lâu niên như tôi và các
đồng nghiệp của tôi ở TP HCM – nơi báo chí sôi động – có thể hiểu và giúp đỡ
anh về dư luận trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở ngành hàng không Việt
Nam mà anh cho rằng “mặc dù khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhưng tôi vẫn quyết
tâm giữ lấy phẩm giá của mình”.
16 năm sau, trong một lần ra Hà Nội tôi mới có dịp gặp Nguyễn Đình Ấm,
người viết cho tôi lá thư đề ngày 15/10/94 mà trước đó tôi chưa một lần quen
biết. Lá thư ấy tôi vẫn còn giữ đến hôm nay.
Vì thế, tôi không hề ngạc nhiên khi Nguyễn Đình Ấm xuất hiện trong bài
viết “Sân golf đuổi sân bay” đầy sức thuyết phục, đầy tâm huyết, khi người ta
định đưa ra Quốc hội để thông qua dự án sân bay Long Thành đầy hiểm hoạ cho đất
nước.
Viết đến đây tôi lại nhớ những lời tiên tri của bác Nguyễn Khắc Viện. Đại
hội VI (1986) vừa xong, bác vỗ vai tôi nói ngay: Đổi mới kinh tế mà không đổi
mới chính trị thì bọn tư bản nó sướng lắm! Nó sẽ được đầu tư vào một nước mà ở
đó xí nghiệp, nhà máy của nó không phải bảo vệ môi trường, không có công đoàn
độc lập để bảo vệ người lao động, không có báo chí tự do để tố cáo tội ác của
các ông chủ tư bản, nhất là ông chủ tư bản ở các nước tư bản châu Á mới ngoi
lên. Nó tha hồ vơ vét. Mà đã là tư bản thì càng lời càng tốt, càng vơ vét nhiều
càng tốt. Đút lót các quan tham ở nước sở tại là xong hết. Thiên nhiên ở nước ta
sẽ bị tàn phá tối đa. Các công trình rất “hoành tráng” (tàu cao tốc, sân bay
khủng – LPK), các resort cao cấp sẽ mọc lên, bãi biển đẹp sẽ được cho thuê, tất
cả chỉ để phục vụ bọn giàu có và man rợ, dân chúng thì càng ngày càng nghèo đói
và bị đuổi đi để chúng chiếm đất… Tư bản ở chính nước nó thì nó không làm được
những điều đó, vì có thiết chế dân chủ kìm chân…
Những lời bác Viện văng vẳng bên tai tôi… Hình ảnh đồng bào qua suối bằng
cáp treo tự chế hiện ra trước mắt tôi…
Liệu các đại biểu của dân có thông qua dự án khủng sân bay Long Thành
không? Hãy chờ xem!!!
L.P.K