11 novembre 2014

Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục


Nguyễn Trọng Toàn

H1 - Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
Người dân Tây và Đông trèo lên bờ tường ở cổng Brandenburg,  ảnh chụp từ bên Tây Berlin
Tháng 3 năm 1985, Gorbachev lên nắm quyền Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô. Ông đưa ra hai tiêu đề mới làm phương châm cho chính sách tại Liên Xô là Perestroika (Cải tổ) và Glasnost (công khai hóa). Chính sách mới của Gorbachev đã gây bối rối và bực bội không ít cho giới lãnh đạo tại các nước cộng sản chư hầu ở Đông Âu. Ở Đông Đức, Eric Honecker, nắm quyền TBT từ 1971, phản pháo rằng "Chúng tôi đã thực hiện Perestroika từ 17 năm nay". Honecker cố tình lờ đi chinh sách mới ở Liên Xô khiến Gorbachev trong kỳ đại hội đảng 1986 của đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức SED (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, tức đảng cộng sản Đông Đức) lên tiếng cảnh báo "Tự phê bình là điều kiện không thể thiếu để đạt được thành công!".


Phần lớn người dân Đông Đức cảm thấy câu nói trên của Honecker là một tuyên bố láo lếu. Họ sống ở Đông Đức như trong một nhà tù lớn. Nhiều lợi ích đặc quyền chỉ dành cho thiểu số quan chức Đông Đức ăn trên ngồi trốc. Hằng triệu hộ dân phải chờ đợi lâu để có điện thoại. Nhiều thành phố bị sương khói quang hoá (smog) đến độ chính quyền phải cho xe phóng thanh đi kêu gọi dân chúng đóng kín cửa để tránh smog. Sông ngòi bị nước phế thải từ các nhà máy làm bẩn đến độ người dân phải ta thán "ở Đông Đức đâu đâu cũng xám xịt thê lương, chỉ có các con sông thì mầu sắc sặc sỡ". Tuy thực phẩm cơ bản hay tiền thuê nhà rẻ, gia đình có con trẻ đều có thể gửi nhà giữ trẻ, công việc vững chắc, nhưng những điều này người dân coi như đương nhiên phải có, và họ chờ đợi nhiều điều khác hơn. Trong khi đó chế độ bao cấp đã xoi mòn ngân quỹ nhà nước khiến cho hạ tầng cơ sở càng ngày càng suy thoái vì thiếu tiền chỉnh trang, máy móc trong các xí nghiệp sản xuất cũ kỹ vài chục năm mà không đuợc tân trang nên mức độ sản xuất không theo kịp đà tiến của thế giới, ngay ở Đông Đức các mặt hàng thiết yếu cho đời sống hàng ngày càng lúc càng khan hiếm. Dân chúng Đông Đức sống trong sự bất mãn tăng dần mà không dám hé môi vì đâu đâu cũng có công an, mật vụ và chỉ điểm viên. Ngay cả trường hợp cặp vợ chồng mà một trong hai người làm chỉ điểm viên báo cáo về vợ hay chồng mình không phải là không có, khi sự việc lộ ra sau khi nước Đức thống nhất thì gia đình đổ vỡ.
H4 - Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
"Cám ơn Gorbachev!" ai đó đã viết ngày 03/10/1990 trên một đoạn tường

Từ báo chui đến khám phá gian lận kết quả bầu cử
Nhưng một số người bất đồng chính kiến với chế độ ở Đông Đức đã nắm bắt và hiểu ngay những tín hiệu Perestroika, Glasnost phát đi từ Liên Xô. Cuối năm 1985, khoảng hơn 20 người bất đồng chính kiến, đa số sống ở Đông Berlin, đã kết hợp thành nhóm "Sáng kiến Hòa bình và Nhân quyền" (Initiative Frieden und Menschenrechte gọi tắt IFM). Năm 1986 nhóm này xuất bản tờ báo chui Grenzfall (Trường hợp tiếp cận lằn ranh), số đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 50 ấn bản với chủ để về tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và những nguy hiểm có thể xẩy ra từ các nhà máy điện hạt nhân ở Đông Đức. Sang năm 1987, tờ báo chui Grenzfall đã có thể tăng lên đến 1000 ấn bản, một nỗ lực đáng kể của một tờ báo in chui trong một nước đầy công an mật vụ. Truyền hình Tây Đức ARD tuờng trình về Grenzfall khiến thêm nhiều người biết đến tờ báo chui này. Tháng 11/1987 công an Đông Berlin ập vào Thư viện Môi trường (Umweltbibliothek) thuộc xứ đạo Zion ở Berlin với hy vọng bắt tại trận tội phạm in báo chui nhưng không tìm được một vết tích nào của Grenzfall, đây là lần đầu tiên công an xâm phạm địa phận của một nhà thờ và bị phản đối dữ dội. Sự việc này đã là một động cơ giúp cho những nhóm đối lập khác bắt đầu ủng hộ nhóm IFM và cùng phản đối vụ xâm phạm nhà thờ. Đến đây thì báo chui Grenzfall gặp khó khăn, không còn một nhà in nào dám nhận in nữa, nhưng Grenzfall đã hoàn thành nhiệm vụ của nó là khởi động phong trào công kích chính quyền. Đầu năm 1988, chính quyền Đông Đức bắt giam 70 người đối lập đồng thời kiểm duyệt báo chí chặt chẽ hơn. Nhật báo "Nước Đức Mới" (Neues Deutschland), cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Đông Đức SED đăng bài phê bình chính sách Perestroika của Gorbachev. Càng xiết chặt bao nhiêu thì càng đẩy người dân về phe đối lập, những ai muốn biết thêm tin tức mà báo lề đảng không đăng thì tìm đến các nhóm đối lập. Truyền thông Tây Đức - theo nhà sử học Ilko-Sascha Kowalczuk trong giai đoạn này cũng đóng một vai trò tương tự như truyền thông xã hội trên Internet thời nay, tin tức về đối thoại bàn tròn ở Ba Lan, về những đàn áp ở Leipzig, Rostock hay Bitterfeld được lan truyền tiếp tục.
Ngày 7 tháng 5 năm 1989 là ngày bầu cử địa phuơng để bầu các hội đồng hay ủy ban hành chính. Thông thường, kết quả bầu cử ở Đông Đức không bao giờ dưới 99%, tất cả các ứng cử viên đều nằm trong một danh sách thống nhất do Mặt trận Quốc gia (Nationale Front) trong đó kể cả "các" đảng, tổ chức xã hội dân sự v.v., tương tự như Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam. Bầu cử chỉ có tính cách bề ngoài trong khi thực chất là "đảng cử dân bầu" như ở Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tháng
​ ​
5/1989 có điều mới lạ là kết quả lần này số phiếu thuận tụt xuống dưới 99%, chỉ có 98,85%. Thành viên của nhóm đối lập "Nhóm hòa bình Weißensee" trước đó đã sửa soạn rất kỹ để đi quan sát việc kiểm phiếu trong địa phận quận Weißensee ở Berlin. Kết quả chính thức của quận Weißensee do chính quyền công bố là 42.007 phiếu thuận cho danh sách ứng cử viên của Mặt trận Quốc gia và 1011 phiếu chống trong khi Nhóm hòa bình Weißensee ghi nhận chỉ có 25.797 phiếu thuận và 2261 phiếu chống, nghĩa là bị thêm vào hơn 16000 phiếu thuận nhưng 1250 phiếu chống thì biến mất. Đây là lần đầu tiên có bằng chứng về gian lận kết quả bầu cử và không phải chỉ ở Weißensee mà nhiều nơi khác như quận Friedrichshain ở Berlin hay tại các thành phố Potsdam, Leipzig, Dresden v.v. Những tố cáo gian lận kết quả bầu cử nổi lên khắp nơi như những làn sóng đánh vào mặt đảng cộng sản SED Đông Đức. Trong khi đó cũng vào đầu tháng 5/1989, Hungary tháo bỏ những chướng ngại vật tại các cửa khẩu sang nước Áo và mở cửa biên giới nhưng không dành cho du khách Đông Đức, các nhóm đối lập ở Hungary đòi bầu cử tự do, tin tức về những vụ việc này dĩ nhiên cũng đến tai người dân Đông Đức.
Từ Budapest, Warsaw đến Prague: rời bỏ thiên đường cộng sản
Ngày 2/8/1989, tòa đại diện thường trực của Tây Đức (tương đương cấp sứ quán) ở Đông Bá Linh đóng cửa không tiếp khách vì ở đó có 130 công dân Đông Đức "xin tị nạn". Cũng cần nói rõ Đông Đức luôn luôn tranh đấu để Đông Đức được coi là một nước riêng độc lập và Tây Đức chấp nhận điều này, như thế một người dân Tây Đức không phải là công dân của Cộng hòa Dân chủ Đức tức Đông Đức nhưng ngược lại Tây Đức vẫn coi người dân Đông Đức là công dân của Cộng hòa Liên Bang Đức tức Tây Đức, khi một người dân Đông Đức đặt chân vào lãnh thổ Tây Đức thì đương nhiên có mọi bổn phận và quyền lợi của một công dân CHLB Đức.
Ngày 12 và 22/8/1989, sứ quán Đức ở Budapest thủ đô Hungary và ở Praque thủ đô Tiệp Khắc (Czechoslovakia) đóng cửa vì cũng có 181 và 140 người dân Đông Đức "lánh nạn" ở đó. Ngày 24/8/1989 hơn 100 người ở sứ quán Tây Đức tại Budapest được Hồng thập tự Quốc tế đưa sang Áo để về Tây Đức. Ngày 18/9/1989 sứ quán Tây Đức ở Warsaw thủ đô Ba Lan cũng đóng cửa vì không còn chỗ chứa. Tiệp Khắc là nước XHCN anh em duy nhất dân Đông Đức có thể đi du lịch mà không cần bất cứ một giấy phép nào, do đó sứ quán Tây Đức ở Prague trở thành địa điểm tập trung của những ai muốn trốn bỏ Đông Đức nếu có điều kiện đi du lịch. Giữa tháng 8/1989 sứ quán Tây Đức ở Prague báo tin đã nhận 200 người lánh nạn trong điều kiện vệ sinh khó khăn. Đến ngày 28/9/1989, đại sứ Đức ở Prague báo cáo về Bonn (thủ đô Tây Đức lúc đó) là trong phạm vi sứ quán Đức đã có khoảng 3.500 người lánh nạn, hầu hết các văn phòng bị dùng để chứa người lánh nạn, cầu thang cũng đầy người, thậm chí cơ quan Trợ giúp Kỹ thuật Tây Đức THW phải đưa lều sang cắm trong khuôn viên của sứ quán.
Ngày 3/10/1989 Đông Đức huỷ bỏ việc du lịch Tiệp Khắc không cần giấy phép nhưng đã quá muộn. Trong thời gian này, ngoại trưởng Tây Đức Genscher ráo riết thương lượng với Liên Xô và Đông Đức để tìm giải pháp cho người lánh nạn tại sứ quán ở Prague. Theo một ghi chú của bộ ngoại giao Tây Đức thì Liên Xô cũng làm áp lực với Đông Đức để giải quyết êm đẹp vấn đề, TBT Gorbachev còn dọa sẽ không sang Đông Berlin dự lễ quốc khánh 7/10/89. Đông Đức vì muốn giữ thể diện nên không chấp nhận để cho người Đông Đức lánh nạn ở thủ đô Tiệp Khắc về thẳng Tây Đức, ngoại truởng Genscher đề nghị đưa cảnh sát biên phòng Đông Đức sang Prague đóng dấu xuất cảnh Đông Đức nhưng cũng bị từ chối. Cuối cùng hai bên thoả thuận tất cả người lánh nạn trong sứ quán ở Praque sẽ được đưa về Tây Đức bằng xe lửa với điều kiện là xe lửa phải chạy qua lãnh thổ Đông Đức. Thoạt tiên những người Đông Đức vốn đã có kinh nghiệm đắng cay với nhà nước cộng sản không đồng ý đi qua lãnh thổ Đông Đức, ngoại truởng Genscher và cộng sự viên phải đưa giải pháp một số nhân viên ngoại giao cao cấp và cộng sự viên thân tín của ông Genscher tháp tùng họ trên xe lửa thì bấy giờ họ mới chịu rời sứ quán để lên đường về Tây Đức. Chuyến xe lửa đầu tiên xuyên qua lãnh thổ Đông Đức đưa họ về miền tự do ngày 30/9/89. Tổng cộng sáu chuyến xe lửa đưa gần 6000 người về quê hương xa lạ nhưng không mới và có tự do. Tờ "Nước Đức mới" của đảng SED thì công kích "dân tị nạn sứ quán" rằng "họ đã chà đạp lên các giá trị đạo đức và tự đào thải ra khỏi xã hội chúng ta. Không ai cần nhỏ một giọt nước mắt xót thương cho họ". Ngày nay người ta biết được câu này do chính Eric Honecker viết.
Sự kiện người dân Đông Đức lánh nạn ở các sứ quán Tây Đức hoàn toàn bị bưng bít nhưng vào giờ chót truyền hình Đông Đức loan tin cho phép một số dân Đông Đức ở Prague về Tây Đức vì lý do nhân đạo, chẳng khác gì Hà Nội tuyên bố tống xuất Điếu Cầy sang Mỹ vì lý do nhân đạo! Vụ việc ở Budapest, Warsaw và nhất là Prague cũng là một yếu tố gây nhiều biến động nội chính ở Đông Đức. 
H2 -Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
Biểu tình ngày thứ Hai 23/10/1989 tại Leipzig với 300.000 người
Biểu tình hằng tuần ngày thứ Hai
Tại nhà thờ Nikolai ở thành phố Leipzig, sau buổi cầu nguyện cho hoà bình thường lệ lúc 5 giờ chiều mỗi ngày thứ hai, cuộc biểu tình đầu tiên ngày 4/9/89 do hai nhà tranh đấu dân quyền là cô Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns khởi xướng với truyền đơn và 5 biểu ngữ trong dó phải kể đến biểu ngữ mang dòng chữ "Cho một đất nước cởi mở với những con người tự do" ("Für ein offenes Land mit freien Menschen"). Cuộc biểu tình này được khoảng 1200 người tham dự. Thời điểm biểu tình mỗi tối thứ hai được cho là chọn rất không ngoan vì nối tiếp ngay sau giờ cầu nguyện hoà bình trong nhà thờ Nikolai, không ai phải bỏ việc đi biểu tình, trong khi các đảng viên SED bắt buộc phải họp chi bộ trong cơ quan mỗi tối thứ hai. Mặt khác, gần giờ các cửa hiệu sắp đóng cửa, khách hàng bắt đầu ra về thì người biểu tình có thể đến chỗ tập họp mà khó bị để ý. Ngoài ra truyền hình Tây Đức có thể loan tin trong bản tin chính buổi tối, hình ảnh biểu tình phải được chuyển chui ra khỏi Leipzig vì ký giả Tây Đức không được phép đến thành phố này.
https://sites.google.com/site/fvn21f/home/mas/DemoFuereinfreiesLand.jpg
Biểu tình  Leipzig 4/9/1989 "Cho một đất nước cởi mở với những con người tự do"
Một tuần sau đó số tham dự không rõ nhưng có 55 người bị bắt. Đến ngày 2/10/89 thì số người biểu tình đã lên đến 10.000, ngày 30/10/89 300.000 và ngày 6/11/89 lên đến nửa triệu. Những biểu ngữ mang dòng chữ "Xuống đường!" (Auf die Straße!), "Không dùng bạo lực!" (Keine Gewalt!) hay "Chúng tôi là nhân dân" ("Wir sind das Volk") đã lôi cuốn được số đông người biểu tình mặc dù lúc đầu biểu ngữ cũng bị công an dành giựt cướp đi giống hệt như ở Việt Nam ngày nay. Đặc biệt người biểu tình luôn hô to khẩu hiệu "Chúng tôi là nhân dân!" có lẽ đã khiến chính quyền phải chùn tay. Mục sư Johann Richter của nhà thờ Nikolai lúc đó cho biết xe tăng của quân đội nhân dân Đông Đức đã dàn hàng tại ven thành phố Leipzig, các phi công của đội trực thăng ở Cottbus được đặt trong tình trạng khẩn trương, các bệnh viện ở Leipzig dọn chỗ sẵn sàng và các bình tiếp máu cũng được chuẩn bị. Rất may mắn là ở Leipzig không có đổ máu như ở Thiên An Môn 5 tháng trước đó.
Các cuộc biểu tình ở Leipzig đuợc coi như tiếng pháo lệnh lan đi như động cơ thúc đẩy biểu tình ở nhiều thành phố khác như Berlin, Dresden... Người dân Leipzig hôm nay vẫn tự hào về điều này. Trong số 48/1989, tuần san Der Spiegel (Tấm gương) gọi Leipzig là "Thủ đô của cách mạng".
Trước sự kiện công an đàn áp người chống đối trong dịp lễ mừng quốc khánh Đông Đức lần thứ 40 ngày 7/10/1989, tại Đại hội Diễn viên Kịch nghệ ngày 15/10 ở Đông Berlin với 800 tham dự viên, nữ nghệ sĩ Jutta Wachowiak đưa ra đề nghị tổ chức biểu tình cho một nước Đông Đức dân chủ và được tán thành. Một số diễn viên đã nộp đơn xin phép biểu tình chiếu theo điều 27 và 28 hiến pháp Đông Đức. Vào lúc này Eric Honecker đã bị lật đổ và TBT Egon Krenz cùng bộ chính trị tung ra chiêu bài mới là "Bước ngoặt" (Wende) với dụng ý nương theo phong trào phản kháng để thực hiện "Bước ngoặt" đổi mới nhưng do đảng SED lèo lái, do đó đã cho phép biểu tình tại thủ đô Đông Berlin ngày 4/11/89. Ban tổ chức chính thức là các nghệ sĩ của hí viện Berlin, Liên đoàn nghệ sĩ tạo hình, Liên đoàn các nhà làm phim ảnh và truyền hình cũng như Ủy ban cho Nghệ thuật giải trí Đông Đức.
Đường lối mới của TBT Egon Krenz là "đối thoại" và Krenz gửi các cán bộ đảng viên đi khắp nơi "đối thoại". Đồng thời bộ trưỏng công an Erich Mielke ra lệnh tung thêm nhiều chỉ điểm viên (Inoffizieler Mitarbeiter gọi tắt là IM - Nhân viên không chính thức) của bộ công an vào các nhóm chống đối để nằm vùng và lèo lái theo đuờng lối của đảng. Các nhóm chống đối bấy giờ đã mở ra không còn kín đáo nữa nên dễ bị chỉ điểm viên thâm nhập nhưng ngược lại cấu trúc tổ chức rất đơn giản, rất ít theo hàng dọc nên một cá nhân khó khuynh đảo. Trong khi đó chiến dịch "đối thoại" của Krenz thất bại thảm thương vì các cán bộ bao nhiêu năm chỉ quen nhận lệnh từ trên và chuyển lệnh xuống dưới, ít khi phải tranh cãi biện luận nên tỏ ra bất lực khi phải đối thoại và bị chất vấn.
Cuộc biểu tình 4/11/89 ở Đông Berlin diễn ra ôn hòa với gần nửa triệu người. Nhiều người mang theo các biểu ngữ tự làm nói lên nguyện vọng của dân chúng như "Trung cầu dân ý về đòi hỏi lãnh đạo của đảng SED" ("Volksentscheid zum Führungsanspruch der SED"), "Bầu cử tự do thay vì các con số gian lận" ("Freie Wahlen statt falscher Zahlen") và "Từ chức là tiến bộ" ("Rücktritt ist Fortschritt"). Đoàn biểu tình đi qua nhiều đuờng phố và kết thúc bằng cuộc mít tinh tại quảng trường Alexander với sự tham dự của các ông lớn trong đảng SED như trùm gián điệp Markus Wolf, bí thư thành ủy Đông Berlin Günter Schabowski nhưng khi lên phát biểu họ bị người biểu tình làm bẽ mặt qua những tiếng huýt sáo phản đối và tiếng kêu "Đừng nói nữa! Đừng nói nữa!". Bà Marianne Birthler, một nhà tranh đấu dân quyền nhận định về cuộc biểu tình: "Đó là bộ mặt của những người đã thoát khỏi sự sợ hãi. Họ không còn muốn lùi lại, họ đã cảm thấy được sức mạnh và đòi hỏi nhiều hơn". Bà Marianne Birthler sau này là dân biểu liên bang của đảng Xanh rồi giám đốc của Sở liên bang quản trị các hồ sơ báo cáo của chỉ điểm viên, người tiền nhiệm của bà ở Sở này là tổng thống Đức đương nhiệm Joachim Gauck. 
H3 - Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
Biểu tình 4/11/89 tại Đông Berlin với gần nửa triệu người
Quảng truờng Alexander - địa điểm mít tinh kết thúc chỉ đủ sức chứa 200.000 người

Ngày cáo chung của "Tường thành chống phát xít"
H7 - Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
1986 Đông Đức mừng 25 năm "Tường thành chống phát xít", chỉ 3 năm sau thì tường đổ
09/11/1989 - Đông Berlin, 9 giờ sángBốn sĩ quan của Bộ nội vụ họp để bàn soạn một bản thảo về một nghị quyết mới về việc du lịch mà bộ trưởng Friedrich Dickel giao cho họ. Vì số người "tị nạn" trong các sứ quán Tây Đức ở Đông Âu lên quá nhanh trong những ngày trước đó nên Đông Đức cần một điều lệ mới để ấn định việc du hành ra khỏi Đông Đức để giảm bớt sức ép của quần chúng trong vụ việc này. Họ tự ý đưa thêm khoản "du lịch tư nhân" theo đó "du lịch tư nhân có thể xin phép mà không cần giấy chứng minh có đủ diều kiện (lý do hoặc có thân nhân ở nước ngoài), đơn xin phép  sẽ được quyết định ngắn hạn".
16 giờTrong lúc nghỉ để hút thuốc lá giữa phiên họp Trung ương đảng, các uỷ viên bộ chính trị chấp thuận dự thảo diều lệ xuất cảnh do 4 sĩ quan bộ Nội vụ đề nghị. Sau đó TBT Egon Krenz thông báo cho các thành viên Trung ương đảng về "Nghị quyết thay đổi tình trạng du lịch thường trực của công dân Đông Đức sang Tây Đức và Tiệp Khắc", trong đó có điều lệ về "du lịch tư nhân".
17 giờ 30Egon Krenz đưa cho Günter Schabowski, một ký giả và lúc đó là người phát ngôn của Trung ương đảng, bản Nghị quyết mới kể trên và một Thông cáo Báo chí. Schabowski không tham dự hay theo dõi lúc Trung ương đảng bàn thảo về Nghị quyết xuất cảnh mới.
18 giờGünter Schabowski họp báo tại Trung tâm Báo chí Quốc tế. Cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên truyền hình và truyền thanh Đông Đức.
18 giờ 53Cuối cuộc họp báo, khi ký giả Ricardo Ehrman của thông tấn xã Ý ANSA hỏi thêm về thể lệ xuất cảnh thì Schabowski mới nói về việc này và đọc bản Thông cáo Báo chí, chỉ có trang đầu trong khi trang thứ nhì ghi rõ Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 11/11/1989 thì Grabowski lại không có. Do đó khi thông tín viên Peter Brinkmann của báo BILD hỏi khi nào nghị quyết có hiệu lực thì Schabowski trả lời là có hiệu lực ngay lập tức!". Ký giả truyền hình Mỹ Tom Brokaw nhớ lại buổi họp báo: "Khi Schabowski bắt đầu đọc tờ giấy đó thì cả hội trường thình lình bừng tỉnh... như thể bị điện giựt qua một tín hiệu từ không trung bắn xuống phòng họp. Các ký giả nhìn nhau và tự hỏi mình nghe có đúng không. Khi Schabowski rời phòng họp thì đám ký giả còn đứng lại và thảo luận ồn ào".
19 giờCửa khẩu đường Bornholmer. Trung tá Harald Jäger theo dõi cuộc họp báo và nói: "Tôi nghĩ điều này thật nhảm nhí, ngay lập tức? Làm thế nào mà ngay lập tức được. Tôi nói với nhân viên của tôi điều này thật điên khùng. Tôi bỏ đồ ăn tối một bên và gọi điện thoại ngay cho cấp trên". Nhưng cấp trên của ông ta cũng chẳng biết gì hơn và trả lời gọn "Không có gì cả. Thế là thế nào?".
Đại lộ Schönhauser. Bà Angela Merkel, 35 tuổi, cũng theo dõi cuộc họp báo trên truyền hình. Bà gọi điện thoại ngay cho mẹ của bà. Bà Merkel nhớ lại: "Chúng tôi có một mật khẩu là khi tường đổ thì nói "Chúng mình đi ăn sò ở Kempinski nhé". Tôi nói mẹ tôi tìm xem có đồng tiền Tây nào không, thời điểm có thể sắp đến rồi". Thế nhưng bà Merkel không tin ở độ khả tín của truyền hình Đông Đức nên như mỗi tối thứ năm bà đi hồ bơi Ernst-Thälmann-Park.
19 giờ 05Bonn. Associated Press là thông tấn xã suy diễn rất sớm Nghị quyết xuất cảnh mới chính là mở cửa biên giới và đưa tin khẩn cấp "Đông Đức mở biên giới".Sau đó các cơ sở truyền thông khác lần lượt loan tin.
20 giờ 15Đông Berlin. Theo báo cáo của Công an Nhân dân Đông Berlin thì đã có khoảng 80 người tụ tập ở các cửa khẩu đường Bornholmer, Invaliden và Heinrich-Heine. Tuy nhiên nhờ tin tức lúc 20 g của truyền hình Tây Đức ARD, số người tụ tập tăng vọt lên hằng trăm rồi hàng ngàn.
Warsaw. Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl đang dự dạ yến do thủ tướng Ba Lan khoản đãi thì được viên cố vấn của ông là Eduard Ackermann báo tin: "TS Kohl, ông hãy bình tĩnh nghe: dân chúng Đông Đức mở bức tuờng rồi", Ông ta không tin và hỏi lại  "Ông Ackermann ông có chắc chắn không?". Tôi kể cho ông là chính tôi đã theo dõi cuộc họp báo trên truyền hình".
Bonn. Phiên họp quốc hội liên bang được ngưng lại để các dân biểu theo dõi tin tức từ Đông Berlin.
21 giờ 50Cửa khẩu đường Bornholmer. Đám đông càng lúc càng lớn tiếng đòi mở cửa khẩu. Công an chọn chiến thuật cho xì van để giảm bớt sức ép của đám đông, họ chọn một số người có vẻ hung hăng để cho sang Tây Berlin, những người này bị đóng dấu vào thẻ căn cước (giấy CMND) mà không biết là như thế căn cước của họ mất giá trị và không được trở về. Chiến thuật này thất bại nhanh chóng vì đám đông phản đối tại sao người được đi người thì không.
23 giờ 30Cửa khẩu đường Bornholmer. Trung tá Harald Jäger bắt đầu lo sợ chuyện không may có thể xẩy ra cho nhân viên vì họ chỉ có vỏn vẹn 16 người trong khi đám đông càng lúc càng phản đối dữ dội, hàng rào phía trước cửa khẩu bị đè sang một bên. Harald Jäger tự quyết định mở cửa khẩu, đám đông dân chúng lập tức tràn sang Tây Berlin, đa số đi bộ xen lẫn một ít xe hơi, và được dân Tây Berlin chào đón nồng nhiệt. Trong đám đông đó có cả bà Angela Merkel. Trên đuờng từ hồ bơi Ernst-Thälmann-Park về nhà, bà Merkel nghe tin cửa khẩu đường Bornholmer đã mở và đi ngay đến đó. Trong đám đông bà bị cuốn hút sang bên Tây. Bà thủ tướng Merkel nhớ lại "Cũng như những người khác, tôi cảm thấy một nỗi vui mừng khôn tả. Sự tiếp đón ở Tây Berlin rất nồng nhiệt chân thành. Tôi được mời vào một căn hộ xa lạ để uống lon bia mừng tường mở".
H5 - Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
Dân chúng tràn sang Tây Berlin ở cửa khẩu đuờng Bornholmer ngày 09/11/1989
24 giờ - 2 giờ
Cổng Brandenburg. Dân chúng cả hai bên Đông Tây trèo lên bức tuờng, lúc đầu bị 40 - 50 công an Đông cố cản trở nhưng cuối cùng thì công an bỏ cuộc. Và cổng Brandenburg mở toang.
H6 - Những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục
Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Đông Đức giữ im lặng trước những diễn biến xẩy ra ở các cửa khẩu. Chỉ có bộ Nội vụ Đông Đức tuyên bố ngắn gọn: "Trong thời gian chuyển tiếp đến 8 giờ sáng hôm sau, chỉ cần thẻ căn cước (giấy CMND) có thể xuất nhập cảnh".
Gần một năm sau đó nước Đức thống nhất.
Ngày 09/11/1989 "Tuờng thành chống phát xít" (Antifaschistischer Schutzwall, tên chính thức ở Đông Đức) đổ vỡ. Bắt đầu xây dựng ngày 13/08/1961, tường thành dài tổng cộng 156,4 cây số bọc chung quanh Tây Berlin gồm có 111,9 cây số tường bê tông và đá, 44,5 cây số hàng rào kim loại, 302 tháp canh đủ loại. Lực lượng công an canh giữ tường thành có 11504 người trong đó có 1277 sĩ quan và 503 nhân viên dân sự. Ít nhất 136 người chết vì vượt tường. (Ảnh bên phải: Một tháp canh có trang bị súng được giữ lại làm vết tích của bức tuờng ô nhục)
Hôm nay là ngày kỷ niệm 25 năm ngày bức tường đổ, nước Đức đã có những may mắn vô ngần. Một cuộc đổi đời thể chế cho người dân Đông Đức và cuộc thống nhất hai miền Đông Tây diễn ra trong hoà bình không một phát súng, cũng không có hận thù mà chỉ có niềm vui dân chủ và thống nhất.
Nhìn lại những ngày tháng cuối cùng của bức tường ô nhục Berlin, chúng ta có thể rút ra được bài học gì ?
  • Nhận bắt tín hiệu và nắm đúng thời cơ. Tín hiệu Perestroika dẫn đến việc thành lập nhóm "Sáng kiến Hòa bình và Nhân quyền" IFM và tờ báo chui Grenzfall.
  • Cần có và bắt đúng được những sự kiện mang tính chất đánh động như việc gian lận kết quả bầu cử ở quận Weißensee Đông Berlin.
  • Trong mọi hành động cần có những đầu óc sáng suốt, không tự ái tự tôn không ganh tị để có những quyết định hay chiến thuật thích hợp nhất. Ngày hôm nay nhìn lại, sau khi nước Đức thống nhất chỉ có một số không nhiều những khuôn mặt nổi bật trong giới đối lập thời đó đi hẳn vào chính trường, số còn lại lui về sống trong vai trò một công dân bình thường dù đóng góp của họ cách đây 25, 30 năm rất lớn.
  • Các tổ chức xã hội dân sự luôn đóng vai trò cần thiết cho một cuộc chuyển hóa, điển hình là nhóm "Sáng kiến Hòa bình và Nhân quyền" IFM hay "Nhóm hòa bình Weißensee".
  • Đoàn kết trong tinh thần đồng nhất trong đa dạng (Unity in diversity / Einheit in Vielfalt). Ở khắp các thành phố như Leipzig, Dresden, Berlin, Rostock ... đâu đâu cũng có những nhóm chống đối đuợc thành lập, tuy không xuất hiện cùng lúc nhưng đã có những liên lạc với nhau. Tổng thống Đức đương nhiệm Joachim Gauck thời đó còn là mục sư Tin Lành ở Rostock cũng hay liên lạc điện thoại với Leipzig.
  • Khi dẹp bỏ được sự sợ hãi thì mỗi người đều là một sức mạnh đáng kể mà khi kết hợp lại là một sức mạnh bất khả kháng, như nhận định của bà Marianne Birthler  trên.
  • Cuối cùng và quan trọng nhất là khi số đông người dân đồng lòng đứng lên cất tiếng nói của mình thì không một chính quyền nào có thể làm ngơ hay đứng vững.
"Cuộc đấu tranh cho dân chủ chưa hết, nhưng bức tường đổ là một thắng lợi quan trọng"  Ngải Vị Vị, nghệ sĩ tạo hình Trung quốc nhận định.

Nguyễn Trọng Toàn
Kỷ niệm 25 năm ngày đổ bức tường Berlin.

CHLB Đức 09/11/2014