Nguồn: Theo RFA
Kami
"Sống như Anh" tên một tác phẩm văn học có từ ngày xưa ca ngợi một tấm gương anh hùng trong chiến tranh. Đến bây giờ tuy là thời bình, song có lẽ chúng ta vẫn nên dùng câu đó để dành cho Bọ Lập, một chiến sĩ thông tin, một blogger đồng thời là một trí thức có trách nhiệm đối với đất nước. Đó cũng là để giáo dục ý thức trách nhiệm cho mỗi người trí thức chúng ta đối với vận mệnh đất nước của mình.
Bọ Lập ơi, tôi sẽ sống như Anh !
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa - Files photos |
Trong giới bloggers người Việt, người tôi có cảm tình nhất là Bọ Lập - Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa. Lý do tôi thích Bọ Lập không phải vì do Bọ Lập là người nổi tiếng, cũng không phải vì Bọ Lập từng là văn nghệ sĩ của 4 Hội và càng không phải vì ông từng "thú nhận" trong một bài viết của mình rằng ông thích đọc các bài viết của tôi. Mà lý do tôi thích và quý Bọ Lập vì ông là một chiến sĩ thông tin một cách đúng nghĩa, một blogger đồng thời là một trí thức có trách nhiệm đối với đất nước.
Tin Bọ Lập bị bắt giữ không làm tôi bất ngờ, vì việc Bọ Lập sẽ bị bắt vì vi phạm điều 258 của Bộ Luật Hình sự là điều chắc chắn, hầu hết những người chơi blog tinh ý đều biết và đó là điều không cần phải bàn cãi. Ngay cả bản thân Bọ Lập cũng thừa biết chuyện này sẽ xẩy ra đối với mình trong một tương lai không xa. Điều đó có nghĩa là vì chơi blog ông sẽ phải chấp nhận bị bắt giữ và tù đày, đây là một sự đánh đổi. Đó chính là lý do Bọ Lập đã chọn slogan của blog Quê Choa của mình là "Đường xa mới biết sau này mà kinh". Đây là một câu trong chuyện Kiều của Nguyễn Du mà nguyên văn là: "Một mình lưỡng lự canh chầy / Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Qua đó để thấy Bọ Lập cũng đã từng trăn trở, lưỡng lự và rất nặng lòng. Không chỉ thế, ông cũng có rất nhiều tâm tư, thậm chí đã từng sợ khi nghĩ tới bạo quyền, tù đày mang lại khi cho ra đời blog Quê Choa, một trang thông tin đa chiều về các vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, xã hội nhằm đưa sự thật đến cho người dân để mở mang dân trí.
Về tin Bọ Lập bị cơ quan an ninh bắt giữ vì vi phạm điều 258 Bộ Luật hình sự, có người cho rằng đó là động thái "dằn mặt" của nhà nước đối với giới bloggers, phân tích đó là có phần đúng nhưng chưa đủ. Nếu xét về tên tuổi các bloggers bị bắt giữ, đó là các bloggers như: Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) hay mới đây là Hồng Lê Thọ và mới nhất là Bọ Lập thì thấy rằng các bloggers nói trên bị bắt giữ vì lý do "đăng tải bài vở có nội dung được cho là xuyên tạc, chống nhà nước". Nghĩa là phạm tội dùng blog để truyền tải thông tin gây bất lợi cho nhà nước. Và trên thực tế cho thấy hầu hết các blogges có tên trên, trừ Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào thì các bloggers còn lại rất ít viết các bài báo có nội dung xấu, chống nhà nước. Nói như vậy để thấy trong một thể chế chính trị chỉ có duy nhất một đảng theo chủ nghĩa Cộng sản về mặt hình thức như ở Việt nam. Ở đó một nhóm người giữ quyền lực và tự cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, với phương châm độc quyền cả về vấn đề lãnh đạo tư tưởng của mọi tầng lớp trong xã hội thì việc độc quyền, kể cả bưng bít thông tin cũng như cản trở việc tìm kiếm tìm hiểu thông tin của người dân là chuyện đương nhiên. Vì thế việc các cá nhân sử dụng blog như một phương tiện tuyên truyền thông tin, với các tin tức đa chiều là điều bị coi là nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Thời gian gần đây, blog Quê Choa của Nhà văn Nguyễn Quang Lập là một địa chỉ tìm đến để tìm hiểu tin tức của đông đảo người dân trong nước. Đặc biệt là kể từ khi Bọ Lập quyết định chuyển blog Quê Choa từ sử dụng dịch vụ của Wordpress sang dịch vụ của Google đã tránh được các sự cố kỹ thuật hay việc tấn công từ chối dịch vụ thì blog Quê Choa là một trang thông tin với số lượng truy cập lớn nhất trong các trang website lề trái. Với số lượng truy cập bình thường một ngày khoảng trên 200 ngàn lượt truy cập/ngày, ngày cao điểm có thể tới 450 ngàn lượt truy cập/ngày. Số lượng người truy cập tại cùng một thời điểm đến hàng nghin người, tới mức vì vấn đề an toàn của mình chủ nhân blog đã phải tự dỡ bó các công cụ đếm số lượng truy cập. Đây chính là lý do khiến chủ nhân blog Quê Choa từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh và vấn đề chỉ là thời điểm sẽ bắt khi nào? Thông qua sự thăng trầm của blog Quê Choa về mặt tin tức bài vở được đăng tải, cũng cho thấy điều đó. Đó là cường độ cũng như tính chất nhạy cảm của các bài viết được đăng tải trên blog này thì thấy, khi ở thế công, khi ở thế thủ làm cho chúng ta có cảm giác Bọ Lập đã phải vận dụng hết trí tuệ để khéo léo cố gắng kéo dài sự tồn tại của blog Quê Choa mà ông biết trước sau cũng bị chính quyền dẹp bỏ. Khoảng 10 ngày trở lại đây điều đó đã thể hiện rất rõ trên blog Quê Choa, hình như Bọ Lập đã có linh cảm.
Và cái ngày đó cũng đã đến, đó là ngày thứ 7 mùng 6 tháng 12 năm 2014, nhân viên an ninh đã đến bắt ông đi với “Lý do bắt quả tang đang tải bài vở đăng những nội dung được cho là xuyên tạc, chống nhà nước". Theo vợ ông, bà Hồ Thị Hồng nói rằng: "Anh Nguyễn Quang Lập dặn, yên tâm, nếu sau 9 ngày không thấy về thì chắc khoảng 3 năm.", điều đó cho thấy khi bị bắt, Bọ Lập ở trong trạng thái tâm lý tốt vì hình như đã được chuẩn bị sẵn cho tình huống này. Bọ Lập đã bước vào lao tù thanh thản như trong tâm trạng của một người "vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng".
Đối với riêng cá nhân tôi, Bọ Lập thực sự là một nhân tài, được biết ông vốn là một kỹ sư Vô tuyến điện Bách khoa, nhưng bằng tài năng của mình ông trở thành một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm được bạn đọc người Việt trong và ngoài nước yêu thích. Không chỉ thế, ông còn là hội viên chính thức của 04 Hội tên tuổi như: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Nếu cũng như vô vàn các văn nghệ sĩ khác ở Việt nam hiện nay, ông sống theo kiểu ngậm miệng ăn tiền chụp giật để sống và làm giàu thì chắc hẳn Bọ Lập cũng sẽ có một cuộc sống sung túc, chấp nhận được như mấy bạn bè hiện nay của ông. Song, ông không nghĩ như bao kẻ tầm thường khác. Bọ Lập đã chọn cho mình một con đường riêng, vì sự tiến bộ và phồn vinh của đất nước, của dân tộc Việt nam thông qua việc chấn hưng dân trí như của cụ Phan Chu Trinh đã từng làm. Trong Tuyên ngôn Độc lập của Bọ Lập đã khẳng định rằng "Bọ Lập không còn trẻ nữa để chơi trò câu view, bọ cũng thừa nổi tiếng (trong nước) để không cần phải nổi tiếng hơn nữa, chỉ vì bọ nghe theo cụ Phan Châu Trinh: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Đó là lời kêu gọi luôn đúng cho mọi thời, thời này càng đúng đắn và khẩn thiết... Bọ Lập không có khả năng và trình độ để khai dân trí, chấn dân khí nhưng lại có khả năng dùng blog Quê Choa làm con thuyền chuyên chở SỰ THẬT đến với dân.".
Điều đáng nói, chủ nhân blog Quê Choa là một người đang trong trạng thái tàn tật, bị liệt nửa người do tai biến về não sau một tai nạn giao thông. Hiện tại Bọ Lập vẫn chịu di chứng của việc liệt nửa người, nên đi lại rất khó khăn vẫn phải chống gậy để lết từng bước. Và rất ít người biết Bọ Lập - người chủ của blog Quê Choa có trên 120 triệu lượt truy cập trong vòng không đầy 3 năm, đã chỉ dùng một ngón tay của bàn tay lành lặn duy nhất của mình, bền bỉ như thế để đăng tải các bài viết trên blog của mình nhằm đưa thông tin trung thực và đa chiều đến bạn đọc. Đáng ngạc nhiên là, một người "tàn nhưng không phế" như Bọ Lập đã mang lại nỗi lo sợ của một chính quyền độc tài với trong tay muôn vàn họng súng, lưỡi lê, nhà tù... đó là: Sự thật. Điều mà các chính quyền độc tài sợ nhất.
Từ lâu, tôi đã có ý định viết về Bọ Lập với tư cách là một blogger của ông, song vì nhiều lý do nên tôi còn ngần ngại chưa dám viết. Vì sợ bản thân ông cũng như người khác nghĩ rằng tôi làm trò bốc "thối" hay là sự phong thánh cho người đang sống, điều tôi nghĩ một người khảng khái và tự trọng như Bọ Lập sẽ không thích điều đó. Tôi viết về Bọ Lập hôm nay bằng tất cả sự trân trọng của một con người với một con người. Đối với tôi Bọ Lập đáng kính phục, ông là một người trí thức đúng nghĩa có tâm đối với đất nước này, dân tộc này. Ông xứng đáng là đàn Anh của tôi
"Sống như Anh" tên một tác phẩm văn học có từ ngày xưa ca ngợi một tấm gương anh hùng trong chiến tranh. Đến bây giờ tuy là thời bình, song có lẽ chúng ta vẫn nên dùng câu đó để dành cho Bọ Lập, một chiến sĩ thông tin, một blogger đồng thời là một trí thức có trách nhiệm đối với đất nước. Đó cũng là để giáo dục ý thức trách nhiệm cho mỗi người trí thức chúng ta đối với vận mệnh đất nước của mình.
Bọ Lập ơi, tôi sẽ sống như Anh !
Ngày 06 tháng 12 năm 2014
© Kami