Nguồn: Theo Đất Việt
Thành Luân
Ông Hoàng Văn Tiệu: "Nhà nước đang để cho nông dân tự bơi. Đối với nông dân, khó nhất là tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp nước ngoài làm được điều này nên người chăn nuôi Việt Nam cứ phải phụ thuộc. Đặc biệt, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn cho chế biến, dự trữ trong khi Việt Nam lại đang yếu trong khâu này nên giá trị sản phẩm không cao."(Thị trường) - Phải cân nhắc giữa được và mất, cái gì Việt Nam làm tốt thì tập trung vào đó, cái gì chưa làm được thì nên nhập. Đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi xung quanh những ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang quá phụ thuộc vào nước ngoài.
Không làm được thì cứ nhập
Theo PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, ngành chăn nuôi Việt Nam đang bị mang tiếng rất nhiều và chưa được nhìn nhận đúng giá trị.
PGS.TS Tiệu thừa nhận, dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam đang phải nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô. Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu ngô về Việt Nam đạt gần 3,7 triệu tấn, trị giá 952 nghìn USD, tăng 143,22% về lượng và tăng 96,07% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
"Diện tích ngô của Việt Nam rất ít, năng suất chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước nên lượng ngô nhập khẩu nhiều. Nhà nước cứ nói phải đưa chăn nuôi trở thành ngành chính và dành một số đất tương ứng phục vụ chăn nuôi nhưng hiện ngành chăn nuôi chỉ chủ yếu sử dụng đất không thể trồng được lúa, đất cho đồng cỏ cũng không có, chủ yếu là đồng cỏ tự nhiên, kể cả đất cho chuồng trại cũng rất khó khăn", ông Tiệu nói.
Đó là thức ăn tinh, còn thức ăn đạm như bột cá, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, Việt Nam có bờ biển dài, có thể đáp ứng một phần nhu cầu cho chăn nuôi trong nước nhưng hiện nay lại chưa làm được nhiều. Việt Nam có nguyên liệu chế biến remix khoáng nhưng công nghiệp chế biến sản phẩm này chưa được đầu tư vì rất tốn kém. Tương tự, remix vitamin Việt Nam cũng phải nhập. Điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào ngành chăn nuôi mà phụ thuộc vào đầu tư và đầu tư vào cái gì cũng phải có lợi nhuận.
"Tại sao đầu tư vào nông nghiệp cho đến nay còn rất ít, nếu có thì cũng chỉ đầu tư vào chế biến thức ăn? Rõ ràng đầu tư trong lĩnh vực này có nhiều khó khăn, thị trường không hấp dẫn lắm. Cái gì nước ngoài đã làm sẵn, với quy mô lớn và có truyền thống, giá thành hạ hơn thì mình cứ nhập. Tôi cho rằng nhập và xuất là những điều kiện có đi có lại, có xuất ra thì có nhập vào chứ không phải Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc. Ở nước ngoài cũng thế thôi, dù chuyên môn hóa rồi nhưng họ cũng phải nhập".
Đối với hệ thống dây chuyền, thiết bị phục vụ chăn nuôi, PGS.TS Hoàng Văn Tiệu cho rằng, đây không phải là lợi thế của Việt Nam, dù trình độ trong nước không phải là không làm được.
Ông Tiệu dẫn chứng, ông có nhiều năm làm việc ở trung tâm nghiên cứu gia cầm, ở đó chỉ nhập một vài máy ấp theo các dự án, còn lại vẫn học hỏi và tự chế tạo. Máy ấp trong nước giá chỉ bằng một nửa so với máy nước ngoài trong khi tỷ lệ áp nở không thua kém, thậm chí các dụng cụ thay thế rất sẵn.
"Chúng tôi có dự án vịt từ năm 1990 đã nhập máy ấp trứng của Ý nhưng về đây sử dụng không hơn máy của Việt Nam tự sản xuất. Máy của Ý công suất lớn nhưng một thời gian sau, do điều kiện Việt Nam nóng ẩm nên trục trặc nhiều bộ phận. Sau khi sử dụng hết đời máy ấy, chúng tôi tự làm lấy. Hiện ở các trung tâm gia cầm đã có bộ phận chuyên sản xuât các máy ấp. Máy ấp của Trung Quốc ngày xưa cũng rất rẻ nhưng bây giờ không vào được Việt Nam nhiều nữa. Tương tự, đối với hệ thống máng uống Việt Nam cũng rất khuyến khích tự động hóa nhưng nó đòi hỏi phải phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi từng nhập dây chuyền máng uống nhưng khi sử dụng do nước có nhiều canxi nên bị đóng cặn, không chảy được, gà không đủ nước uống".
PGS.TS Hoàng Văn Tiệu nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam sản xuất các dây chuyền, thiết bị chăn nuôi thì phải theo hướng công nghiệp, có bài bản mà như vậy phải đầu tư rất lớn, trong khi nếu chỉ phục vụ cho mỗi thị trường Việt Nam thì đầu tư tốn kém như vậy có xứng đáng? Việt Nam còn nghèo, nếu đầu tư chắp vá thì không có hiệu quả, vì thế phải cân nhắc giữa cái được và cái mất, được lợi thì hẵng làm. Cái gì Việt Nam làm tốt thì hãy cứ tập trung vào đó và nếu thấy rằng phát triển được thì Nhà nước cần có chính sách và đầu tư đồng bộ, trực tiếp. Còn cái gì không có lợi thế thì áp dụng tiến bộ kỹ thuật của nước ngoài vào.
Một lý do khác lý giải cho việc chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc nước ngoài, theo ông Tiệu, đó là khi nông dân Việt nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, việc sử dụng dây chuyền máy móc của họ là điều kiện bắt buộc. "Họ muốn giới thiệu sản phẩm của mình, đồng thời nguồn tiền họ đã bỏ ra đầu tư phải quay về nước họ. Nếu là Việt Nam thì cũng làm thế", ông Tiệu nói.
Bởi vậy, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi nói rằng, khi đánh giá chăn nuôi Việt Nam đang bị phụ thuộc vào nước ngoài thì phải nhìn hai mặt và cần thiết phải đánh giá đúng giá trị của ngành chăn nuôi.
"Ngành chăn nuôi đã tiến được một bước dài và có đóng góp quan trọng trong việc cải thiện đời sống người dân. Bây giờ nông dân kiếm tiền để nuôi con ăn học, tiêu pha chủ yếu là từ chăn nuôi chứ có mấy ai phải bán thóc. Giá trị của chăn nuôi mới được thống kê có hơn một nửa. Người ta cứ thống kê Việt Nam nhập lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng thực ra trong đó có cả thức ăn cho thủy sản, phải tách bạch ra mới đúng. Thứ nữa, đóng góp của chăn nuôi mới đang được tính một vòng trong năm, trong khi thực tế gia cầm thịt quay vòng 3,5 lần/năm, lợn thịt 2,2 vòng/năm, tức là đóng góp của chăn nuôi ít nhất phải tăng gấp đôi", PGS.TS Hoàng Văn Tiệu giãi bày.
Nông dân làm thuê không xứng đáng
PGS.TS Hoàng Văn Tiệu cho biết, nông dân Việt đang nuôi gia công giá rẻ cho nước ngoài rất nhiều, trong đó chủ yếu cho Tập đoàn CP Thái Lan. Đây là tập đoàn có truyền thống đầu tư lâu đời, nguồn vốn dồi dào, có kinh nghiệm đầu tư và phát triển chăn nuôi.
"CP đã tính toán rất khôn ngoan khi thuê nông dân Việt nuôi gia công cho họ. Họ cử cán bộ chuyên môn xuống tận các cơ sở để tư vấn cho nông dân, đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi và đây chính là khâu họ kiếm lời nhiều nhất. Nhưng họ biết sử dụng cái nông dân Việt đang có, đó là nguồn nhân lực, chuồng trại, đất đai, những thứ mà lẽ ra họ phải bỏ ra khoản tiền rất lớn để đầu tư. Thủ tục đất đai ở Việt Nam rất phức tạp, người dân Việt Nam lại có sẵn rồi. Họ yêu cầu nông dân xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn của họ. Đặc biệt, CP không động chạm đến vấn đề xử lý môi trường mà để người chăn nuôi tự lo. Như vậy, tất cả những thứ cần đầu tư nhiều nhất thì CP khoán cho nông dân Việt và người nông dân đi làm thuê không xứng đáng. Nhìn trước mắt thì người nông dân có việc làm, có thu nhập nhưng cân đối lại thì nó không xứng với những gì nông dân bỏ ra. Lãi thì doanh nghiệp nước ngoài hưởng, còn thua thiệt thì nông dân Việt phải chịu", ông Tiệu chỉ rõ.
Ông Tiệu cũng thẳng thắn, Nhà nước đang để cho nông dân tự bơi. Đối với nông dân, khó nhất là tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp nước ngoài làm được điều này nên người chăn nuôi Việt Nam cứ phải phụ thuộc. Đặc biệt, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn cho chế biến, dự trữ trong khi Việt Nam lại đang yếu trong khâu này nên giá trị sản phẩm không cao.
"Đã có những mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo nên chuỗi khép kín nhưng người Việt Nam có đặc thù mạnh ai nấy làm, ít có tính cộng đồng, chính bởi nghĩ ngắn như vậy nên chưa mở rộng được. Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ các mô hình này phát triển, đồng thời có những chính sách, quy định thực tiễn. Ngay như quy định vận chuyển con giống, sản phẩm chăn nuôi cứ đòi hỏi phải có xe chuyên dụng nhưng nông dân làm ăn nhỏ lẻ thì kiếm đâu ra xe như thế? Chính những khó khăn như thế đã đẩy người nông dân thành người nuôi gia công cho nước ngoài", ông nói.