(Cuộc chơi giành vương quyền kiểu Châu Á)
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân): "The
Twilight of Communist Party Rule in China" American Interest,
15-12-2015
Bản dịch của
Phạm Gia Minh
Chiến lược sinh tồn của ĐCSTQ sau sự kiện Thiên An Môn đang hết tác dụng
và chiến lược mới dường như lại thúc đẩy nhanh hơn sự sụp đổ của nó.
Trong giai
đoạn sau Chiến tranh lạnh chưa có chế độ chuyên chế nào trên thế giới lại thành
công như ĐCSTQ. Năm 1989 chính quyền đã có một cuộc đàn áp đẫm máu và chết chóc
nhưng được bưng bít khi hàng triệu người phản kháng biểu tình trên hầu hết các
thành phố chính trong cả nước để kêu gọi dân chủ và trút sự căm giận của mình
lên chính quyền tham nhũng. Đảng chỉ thoát chết nhờ sự trợ giúp của Quân giải
phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) với hàng đoàn xe tăng nghiến nát những người
biểu tình ôn hòa trên khu vực quảng trường Thiên An Môn ở Bắc kinh ngày 4 tháng
6. Một phần tư thế kỷ kể từ thời điểm cuộc thảm sát Thiên An Môn đã trôi qua
nhưng ĐCSTQ luôn phớt lờ mọi dự báo về hồi kết không tránh khỏi của mình. ĐCSTQ
đã sống sót sau cú sốc của Liên xô sụp đổ và còn thích ứng được với cuộc khủng
hoảng tài chính Châu Á những năm 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm
2008. Kể từ sự kiện Thiên An Môn, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gần 10 lần
theo các điều khoản thực tế. GDP tính theo đầu người đã tăng từ 980$ lên 13.216
$ tính theo sức mua tương đương (PPP) trong cùng giai đoạn, đưa quốc gia này
lên hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập trên trung bình.
Một
cách dễ hiểu thành tích đó đã khiến nhiều nhà quan sát, kể cả những người từng
trải về Trung Quốc tin tưởng rằng ĐCSTQ đã trở thành một chế độ chuyên chế dẻo
dai với nhiều sức mạnh nội tại mà đa phần các chế độ chuyên chế khác không có.
Ngoài ra, ĐCSTQ được biết đã xây dựng một quy trình hiệu quả cho việc lựa chọn
đội ngũ lãnh đạo kế thừa dựa trên các quy định, chuẩn mực để phát hiện những
công chức có năng lực cho hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Khác với chế độ
cứng nhắc kiểu Xô viết dưới thời Leonid Bregiơnhev, ĐCSTQ đã thể hiện năng lực
đáng nể trong học hỏi và thích ứng (1).
Đáng tiếc là
đối với những người ủng hộ lý thuyết về sự “chuyên chế dẻo dai”“ các giả định
của họ, bằng chứng và những kết luận rút ra ngày càng khó bảo vệ dưới ánh sáng
của những diễn biến gần đây ở TQ. Các biểu hiện của cuộc chiến quyền lực căng
thẳng trong giới lãnh đạo cao cấp, tham nhũng tràn lan, tính năng động kinh tế
bị đánh mất và chính sách đối ngoại hung hăng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tất cả đều
đang hiển hiện. Kết quả là ngay một số học giả mà công trình của họ gắn liền
với luận đề về chế độ chuyên chế dẻo dai cũng đã buộc phải tự nhìn nhận lại
(2). Càng ngày càng thấy rõ rằng những diễn biến gần đây làm thay đổi nhận thức
về tính bền vững của ĐCSTQ không mang tính chu kỳ mà có tính hệ thống. Chúng là
triệu chứng cho thấy sự suy kiệt, hết tác dụng của sách lược sinh tồn mà chế độ
đã đề ra sau biến cố Thiên An Môn. Một số trụ cột của sách lược đó như sự đoàn
kết của tầng lớp lãnh đạo cao cấp, tính hợp pháp dựa trên hiệu quả, sự tham gia
của các giai tầng tinh hoa trong xã hội và chủ trương kiềm chế chiến lược trong
đối ngoại đã hoặc là đã sụp đổ hoặc trở nên sáo rỗng buộc ĐCSTQ phải ngày càng
phải dựa vào đàn áp và kích động chủ nghĩa dân tộc để tiếp tục cầm quyền.
Bởi lẽ đó,
giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang phải đối mặt với một sự lựa chọn quả
quyết nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn: mô hình phát triển tư bản thân hữu độc
tài chuyên chế sau 1989 thì nay đã chết và giờ đây họ chỉ có thể hoặc là tham
khảo Đài loan và Hàn quốc để dân chủ hóa, giành được cội nguồn bền vững cho
tính hợp pháp, hoặc là sẵn sàng thực thi chính sách đàn áp gia tăng để duy trì
chế độ một đảng cầm quyền. Việc họ sẽ lựa chọn như thế nào sẽ có ảnh hưởng
không chỉ Trung Quốc mà cả châu Á và toàn thế giới.
Bất chấp
hình ảnh có tính đại chúng về các cuộc cách mạng “quyền lực nhân dân”
hay “mùa Xuân Ả rập”, cội nguồn quan trọng duy nhất của sự thay đổi
trong các chế độ chuyên chế chính là sự sụp đổ của tính đoàn kết trong giới
lãnh đạo cấp cao. Diễn biến này có nguyên nhân chủ yếu là do gia tăng mâu thuẫn
và xung đột trong giới lãnh đạo cấp cao đối với vấn đề sách lược tồn vong của
chế độ và phân chia quyền lực cũng như lãnh địa bảo trợ. Kinh nghiệm chuyển đổi
dân chủ từ giữa những năm 1970 cho thấy một khi chính quyền chuyên chế đối mặt
với những thách thức đến từ các lực lượng xã hội đòi hỏi các đổi thay về chính
trị thì vấn đề gây chia rẽ nội bộ giới lãnh đạo cấp cao chính là hoặc đàn áp
các lực lượng đó thông qua leo thang bạo động hoặc là hòa giải với chúng thông
qua quá trình tự do hóa.
Khi lực
lượng cải cách chiếm ưu thế các bước ban đầu tiến tới chuyển đổi chế độ diễn ra
tiếp theo thường là giảm nhẹ sự quản chế về chính trị và xã hội. Nếu như lực
lượng cứng rắn thắng trong cuộc đấu thì đàn áp sẽ mạnh hơn nhưng các cuộc đụng
độ xã hội và chính trị cũng sẽ leo thang và điều này sẽ tiếp diễn cho tới khi
chế độ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác buộc nó phải xem xét lại câu hỏi
phải chăng đàn áp là sách lược đúng đắn nhất (3). Một dạng chia rẽ phổ biến
khác trong giới lãnh đạo cấp cao đó là những xung đột do phân bổ quyền lực và
đi cùng với nó là ranh giới các lãnh địa của sự bảo trợ (đôi khi đó cũng là sự
bảo kê về kinh tế và chính trị - ND).Trong các chế độ chuyên chế được hình
thành vững chắc, ví như ở các quốc gia hậu toàn trị (post- totalitarian) do
đảng CS Leninit lãnh đạo thì xung đột này có xu hướng gia tăng khi mà cuộc ganh
đua giành quyền lực dẫn tới tình trạng vi phạm các quy tắc và chuẩn mực được
thiết lập từ lâu (ví dụ như làm trái Điều lệ Đảng - ND) nhằm bảo vệ sự cân bằng
tinh tế về quyền lực trong giới lãnh đạo tinh hoa cũng như vì sự an toàn thân
thể của họ. Trong nhiều trường hợp, nếu như không phải là tất cả các trường hợp
– và Trung Quốc cũng không là ngoại lệ - khi những vi phạm đó được cam kết bởi
các nhóm gia đình và điều này thể hiện một sự cha truyền con nối trong chính
trị (4).
Trong trường
hợp Trung Quốc, sự sụp đổ của tính đoàn kết trong giới lãnh đạo cấp cao phát
sinh không từ cuộc tranh cãi giữa những người theo đường lối cứng rắn với những
người cải cách mà lại bởi cuộc đấu đá nội bộ giữa những người theo đường lối
cứng rắn với nhau để giành thế thượng phong.
Dấu hiệu
khởi phát của sự mất đoàn kết trong giới chóp bu chính là việc thanh trừng Bạc
Hy Lai, một cựu lãnh đạo đang bay cao của ĐCS ở Tứ Xuyên ngay trước Đại hội
ĐCSTQ lần thứ 18 năm 2012. Sau này các sự kiện đã cho thấy sự ra đi của họ Bạc
chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc thanh trừng làm sạch nội bộ ĐCS lớn nhất kể từ
thời Cách mạng văn hóa. Sau đó,Tập Cận Bình, người thắng cuộc đã chính thức đảm
nhận vị trí TBT đồng thời là Chủ tịch quân ủy PLA vào tháng 11/2012 liền triển
khai một chiến dịch chống tham nhũng hung hãn chưa từng thấy nhằm đạt được thế
thượng phong chính trị qua con đường tiêu diệt các đối thủ của mình. Cho dù
chiến dịch do họ Tập khởi xướng ngày một trở nên lan rộng nhưng dường như sau
một đêm nó đã tháo rời toàn bộ hệ thống mà giới lãnh đạo tinh hoa của ĐCSTQ đã
dày công xây nên trong thời kỳ hậu Thiên An Môn nhằm gìn giữ tính đoàn kết,
thống nhất của họ.
Có ba trụ
cột chống đỡ cho hệ thống này. Cái thứ nhất là sự cân bằng tinh tế của quyền
lực chính trị ở chóp bu được biết đến dưới cái tên sự lãnh đạo tập thể được
thiết kế ra nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của một lãnh tụ kiểu Mao Trạch Đông,
người đã có thể áp đặt ý chí của mình cho toàn đảng. Trong hệ thống này mọi
quyết định quan trọng đã được hình thành thông qua quá trình xây dựng sự đồng
thuận và thỏa hiệp nhằm bảo đảm quyền lợi của các lãnh đạo cấp cao cùng nhóm
lợi ích của họ. Cột trụ thứ hai là an toàn cá nhân tuyệt đối cho các lãnh tụ
chóp bu, được xác định bất kể đương chức hay đã về hưu đối với các Ủy viên
thường vụ BCT cũng đã tiêu tan cùng với sự rớt đài của Zhou Yongkang (Chu Vĩnh
Khang) – một cựu ủy viên thường vụ BCT, người đứng đầu ngành an ninh nội bộ đã
lãnh án tù chung thân vào năm 2015 sau khi bị kết tội tham nhũng. Những nỗ lực
chống tham nhũng và các biện pháp khắc khổ đi kèm theo đã chấm dứt ít ra là tạm
thời thực trạng chia chác của cướp được trong giới lãnh đạo cấp cao, gây ra cho
họ nhiều nỗi đắng cay và theo báo cáo thì điều này đã thúc đẩy họ chống đối
bằng cách ngưng trệ công việc. Trong khi còn nghi vấn liệu cuộc chiến chống
tham nhũng của họ Tập sẽ thực sự nhổ được tận gốc vấn nạn này hay không thì nó
đã rất thành công trong việc phá nát cấu trúc khuyến khích bên trong của chế độ
được hình thành sau biến cố Thiên An Môn.
Xét về bản
chất riêng của mình, sự chuyển biến từ “ lãnh đạo tập thể” sang “ nguyên tắc
một cá nhân mạnh lãnh đạo” chưa chắc đã làm sáng tỏ một cách cần thiết thứ chủ
nghĩa Lê Nin mang màu sắc Trung Quốc. Tuy vậy, kết cục ban đầu dễ thấy nhất của
sự chuyển biến này cho đến nay đó là sự bốc hơi của tính đoàn kết, thống nhất -
chất keo đã gắn kết cả một hệ thống hình thành sau biến cố Thiên An Môn. Mặc dù
vậy hiện nay chưa thấy những dấu hiệu thách thức quyền lực của Tập Cận Bình
trong ĐCSTQ và có thể đánh cuộc một cách an toàn khi cho rằng các đối thủ của
họ Tập đang đấu thầu thời gian để đợi tới thời điểm phù hợp thì sẽ đánh trả.
Nếu như sự
mất đoàn kết và thống nhất trong giới tinh hoa đang bị biến thành cuộc đấu
chính trị cuối cùng để giải quyết chanh chấp dẫn tới sự chối bỏ hệ thống mà họ
Tập đang cố gắng xây dựng thì chỉ có thể xẩy ra 2 kết cục. Một- đó là trở lại
với hệ thống tham nhũng hậu Thiên An Môn. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ như một
giải pháp nhiều cám dỗ và hứa hẹn nhất, tuy nhiên lại bất khả thi bởi lẽ một số
điều kiện cơ sở làm nền móng cho hệ thống hậu Thiên An Môn, cụ thể là sự tăng
trưởng kinh tế do đầu tư mang lại và sự hài lòng về chính trị của tầng lớp
trung lưu được bảo đảm bởi sự thịnh vượng gia tăng chưa từng có phần lớn đã
biến mất. Nếu như nguyên trạng như trước đây không thể phục hồi thì ĐCSTQ sẽ
cần một lối thoát khác. Trong khi mà chưa ai có thể biết ĐCS sẽ lựa chọn gì thì
cũng đáng để nhớ lại rằng,vào những thời khắc đó ĐCS sẽ cố thử lại và tận dụng
đến cùng 3 mô hình quản trị chuyên chế: đó là Maoit (Chủ nghĩa Cộng sản cực
đoan), Đặng (chủ nghĩa tư bản thân hữu) và Tập (cá nhân mạnh lãnh đạo). Thật
mỉa mai là ĐCSTQ có thể bị rơi vào tình thế tuyệt vọng và tàn khốc như ĐCS Liên
xô vào giữa những năm 1980: đó là thiếu ý tưởng và chiến lược phục vụ việc duy
trì mãi mãi hệ thống lãnh đạo độc đảng và khi đó nó có thể đủ tuyệt vọng tới
mức dám đánh cược vào bất cứ thứ gì, kể cả cải cách dân chủ và đa nguyên chính
trị như là sách lược lâu dài để giúp ĐCS có sức sống trong một đất nước Trung Hoa
đã chuyển biến hoàn toàn bởi quá trình hiện đại hóa đời sống kinh tế- xã hội.
Nếu như tính
đoàn kết, thống nhất là chất kết dính của hệ thống hậu Thiên An Môn thì hiệu
suất kinh tế như mọi người đều thừa nhận đó chính là cội nguồn quan trọng cho
tính hợp pháp trong quần chúng của đảng cầm quyền. Một phần tư thế kỷ phát
triển với tốc độ cao đã đem lại cho ĐCSTQ thời kỳ tương đối ổn định xã hội cùng
với những nguồn lực khổng lồ để tăng cường năng lực đàn áp và mua chuộc những
giới tinh hoa xã hội mới cùng tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở các vùng đô
thị. Tuy nhiên, hiện nay khi mà “ sự thần kỳ kinh tế của TQ” đã kết thúc thì
cột trụ thứ 2 của hệ thống hậu Thiên An Môn cũng đang sụp đổ theo.
Nhìn bề
ngoài, sự suy giảm mạnh của kinh tế Trung Quốc có vẻ như là một sự giảm tốc tự
nhiên sau mấy thập kỷ tăng trưởng nóng. Nhưng một cái nhìn gần hơn vào nguyên
nhân dẫn đến “ sự rớt đài vĩ đại của TQ” cho ta thấy chính những trở ngại mang
tính cơ cấu và thể chế chứ không phải các yếu tố mang tính chu kỳ mới là chủ đạo
và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế từ thấp tới khiêm
tốn nên điều này sẽ rất nguy hiểm đối với tính hợp pháp của ĐCSTQ.
Tin
tức của báo chí về những rắc rối kinh tế của Bắc Kinh gần đây phần lớn chỉ tập
trung vào các biểu hiện dễ thấy và đầy kịch tính của căn bệnh kinh tế Trung
Quốc chẳng hạn như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán mang tính bong bóng hay
việc đồng Nhân dân tệ mất giá một cách đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự suy giảm
tăng trưởng của Trung Quốc có cội rễ sâu xa hơn.
Về mặt cơ
cấu, sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc thời kỳ hậu Thiên An Môn đã được thúc
đẩy chủ yếu bởi các nhân tố và hoàn c ảnh xảy ra một lần và không lặp lại (one-
off) chứ không nhờ tính ưu việt có mục đích của nhà nước chuyên chế. Trong số các
nhân tố và hoàn cảnh đó thì nhân tố “ cổ tức nhân khẩu học” (demographic
dividend) là quan trọng nhất vì nó đã cung ứng gần như không có giới hạn đội
ngũ công nhân Trung Quốc trẻ, khỏe lương thấp để phục vụ cho công cuộc công
nghiệp hóa. Ngoài chuyện lương thấp, các công nhân từ nông thôn lên thành phố
có thể tạo ra một sự gia tăng nhanh chóng năng suất lao động khi kết hợp với
máy móc, thiết bị mà không cần đào tạo thêm nhiều. Kết quả là chỉ riêng việc
tái bố trí lực lượng lao động dư thừa từ nông thôn sang các nhà máy, cửa hàng
thương mại và công trường xây dựng ở thành phố nền kinh tế đã đạt năng suất lao
động cao hơn. Theo số liệu của Trung Quốc, năng suất lao động của một công nhân
ở thành thị cao gấp 4 lần một nông dân. Trong 3 thập kỷ vừa qua có khoảng 270
triệu người lao động nông thôn (không tính gia đình của họ) đã dịch chuyển ra
thành thị và hiện nay chiếm tới 70% lực lượng lao động nơi đây. Một số nhà kinh
tế ước tính rằng khoảng 20% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm 80
và 90 thế kỷ trước là do tái bố trí lực lượng lao động nông thôn tạo nên.(5).
Tuy nhiên bởi vì dân số Trung Quốc đang già đi khá nhanh nên sự dịch chuyển dân
số ào ạt từ nông thôn ra thành thị đã đạt điểm đỉnh. Nhân tố thuận lợi mang
tính cơ cấu này chỉ xảy ra có một lần mà không lặp lại.
Một cú hích
tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc thời kỳ hậu Thiên An Môn
chính là việc quốc gia này ra nhập WTO vào năm 2001.Vào những năm 1990
tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trung bình đạt 15.4% hàng năm nhờ có sự
hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên sau khi ra nhập WTO Trung Quốc đã
đạt tăng trưởng xuất khẩu 21.7% trong suốt giai đoạn 2002-08. Sự gia tăng nhờ
xuất khẩu bắt đầu chậm lại sau 2011. Giữa các năm 2012 và 2014 xuất khẩu chỉ
tăng trưởng có 7.1% tức là bằng 1/3 tăng trưởng của thập kỷ trước đó. Bảy tháng
đầu năm 2015 xuất khẩu co lại khoảng 1% , sự việc diễn ra có lẽ đã khiến Bắc
kinh nhanh chóng hạ giá đồng tiền của mình.
Nhưng có lẽ
khía cạnh gây rắc rối nhất trong triển vọng phát triển kinh tế dài hạn của
Trung Quốc chính là sự suy giảm lãi xuất từ các khoản đầu tư được hoạch định
bởi chiến lược tăng trưởng của quốc gia này. Trong tư cách là một nước đang
phát triển với số vốn tương đối thấp, ở thời kỳ ban đầu Trung Quốc đã hưởng lợi
lớn từ sự tăng trưởng bền vững của các khoản đầu tư. Trong các năm 1980 Trung
Quốc đã đầu tư trung bình khoảng 35.8% GDP vào các nhà máy, hạ tầng cơ sở và
nhà ở. Tỷ lệ này đã tăng lên 42.8% trung bình trong các năm 2000 và đạt 47.3%
từ năm 2010. Sự gia tăng đầu tư ào ạt này đã tạo ra hơn một nửa mức tăng trưởng
GDP của Trung Quốc và là động cơ tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong hai
thập kỷ rưỡi.
Tuy nhiên
tăng trưởng dựa vào đầu tư trong bối cảnh của Trung Quốc có 3 hậu quả xấu. Một
là lãi xuất từ các khoản đầu tư giảm dần bởi lẽ mỗi đơn vị gia tăng của
đầu ra đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn và được tính bởi tỷ lệ vốn/sản lượng
(capital output ratio – lượng đầu tư cần thiết để sản xuất ra thêm một đồng
nhân dân tệ trong GDP). Trong những năm 1990 tỷ lệ sản lượng vốn của Trung Quốc
là 3.79 ,đến những năm 2000 đã tăng lên 4.38. Xu hướng tăng trưởng đòi
hỏi phải tăng đầu tư rõ ràng không mang tính bền vững. Trung Quốc gần đây
đầu tư gần như một nửa GDP của mình, một con số phi thường đã trở thành
hiện thực nhờ sự quản lý của nhà nước trong phát triển hạ tầng cơ sở .
Mức độ dư thừa công suất và phân bổ vốn bất hợp lý cũng là một con số phi
thường.
Một tác hại
nữa gây bất lợi cho nền kinh tế đó là các khoản đầu tư đã vắt kiệt tiêu dùng
của các hộ gia đình (36% GDP năm 2013 nếu so với 60% ở Ấn độ) làm nảy sinh tình
trạng mất cân đối cơ cấu khiến sự tăng trưởng bền vững hầu như là không thể. Sự
tăng trưởng đó cần bắt đầu từ việc quay lưng lại với phương thức lấy xuất
khẩu làm chủ đạo để trở lại với tăng trưởng thị trường trong nước, tuy nhiên
điều này không thể đạt được khi mà tiêu dùng hộ gia đình đang ở mức thấp một
cách giả tạo.
(xin bổ sung thêm một ý giải thích vì sao tiêu dùng hộ gia đình nói
riêng và thị trường trong nước ở Trung Quốc luôn ở mức thấp đó là do chính sách
hộ khẩu và an sinh xã hội mang tính kỳ thị người nhập cư từ nông thôn ra thành
thị khiến họ phải gia tăng tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng để đề phòng khi ốm đau,
hết tuổi lao động thì còn có nguồn dự trữ - ND).
Chi phí sau
cùng của tăng trưởng dựa vào đầu tư đólà quá trình này được cung cấp tài chính
bởi các khoản tín dụng và sau đó đầu tư vào vào những ngành công nghiệp đã dư
thừa công suất tới mức nguy hiểm. Với tỷ suất dư nợ / GDP vượt ngưỡng 280% GDP
hiện nay (so sánh với 121% năm 2000) rủi ro của sự bùng nổ toàn diện một cuộc
khủng hoảng tài chính đã tăng cao bởi lẽ những con nợ lớn là chính quyền địa
phương, các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp phát triển bất động sản
chỉ sở hữu năng lực chi trả yếu kém do nền tảng các nguồn thu từ thuế khá eo
hẹp (với các chính quyền địa phương), dư thừa công suất và lợi nhuận thấp (với
các doanh nghiệp nhà nước), bong bóng bất động sản xì hơi (với các doanh nghiệp
phát triển bất động sản).
Nếu những
rắc rối trong tương lai phát triển kinh tế dài hạn của Trung Quốc đơn thuần chỉ
mang tính cơ cấu thì tương lai của đất nước chưa đến mức tàn khốc. Những cuộc
cải cách hiệu quả có thể tái phân bổ nguồn lực một cách hữu hiệu giúp cho nền
kinh tế có năng suất cao hơn. Tuy nhiên thành công của những cải cách đó lại
gắn kết chặt chẽ với bản chất của nhà nước Trung Quốc và các thể chế chính trị
của nó. Việc tạo ra của cải một cách bền vững chỉ có thể tồn tại ở các quốc gia
nơi mà quyền lực chính trị bị giới hạn bởi luật pháp, quyền sở hữu tư nhân được
bảo đảm thực sự và có nhiều phương tiện để tiếp cận các cơ hội. Ở các quốc gia
bị chi phối bởi một nhóm nhỏ cầm quyền thì xảy ra điều ngược lại: những kẻ nắm
quyền điều hành chính trị sẽ trở thành dã thú, sử dụng những công cụ cưỡng bách
của quốc gia để bòn rút của cải từ xã hội, bảo vệ đặc quyền của mình và làm
nghèo người dân (6)
Quả thực các
chính sách kinh tế của ĐCSTQ đã thay đổi tới mức không thể nhận ra kể từ thời
Mao. Tuy nhiên, đảng và nhà nước Trung Quốc còn chưa từ bỏ bản năng dã thú cùng
các thể chế của mình. Bất chấp những lời tự nhận hùng biện về tôn trọng thị
trường và quyền sở hữu, thực tế chỉ đạo và chính sách của các tầng lớp lãnh đạo
cấp cao của Trung Quốc cho thấy họ không tôn trọng quyền sở hữu tư nhân và cũng
chẳng muốn bảo vệ nó. Bằng chứng về sự thiếu vắng mong muốn hạn chế những bản
năng và thèm muốn dã thú của nhà nước độc đảng lãnh đạo chính là việc giới lãnh
đạo chóp bu không dấu diếm sự thù hằn đối với bất kỳ ý tưởng nào về chủ nghĩa
hợp hiến mà bản chất của nó là đặt ra những giới hạn phải được thực thi đối với
chính quyền và những người nắm quyền lực. ĐCSTQ khước từ mọi giới hạn đối với
quyền lực của mình và trên thực tế đã dẫn đến việc Trung Quốc không thể có thể
chế tư pháp độc lập hoặc các tổ chức điều hành đủ năng lực thực thi pháp luật.
Bởi lẽ, các nền kinh tế thị trường đích thực không thể hoạt động nếu thiếu
những thể chế và tổ chức như vậy, cho nên rõ ràng là một khi đảng tự đặt mình
cao hơn luật pháp thì cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường là điều
bất khả thi.
Nhiều nhà
quan sát lập luận rằng chế độ độc đảng này tuy thế vẫn đủ năng lực thực hiện
các cải cách mang tính thị trường với dẫn chứng là diễn biến lịch sử của thời
kỳ sau Mao. Lý lẽ này đã bỏ qua một sự thật rất quan trọng đó là những cải cách
sau Mao tuy tạo ra ấn tượng bề nổi nhưng nay đã cạn kiệt tiềm năng bên trong.
Hơn thế nữa, cần phải hiểu rằng hệ thống Maoit kém hiệu quả tới mức dù chỉ một
vài cải cách mang tính bộ phận đã có thể giải phóng sự gia tăng mạnh mẽ năng
suất lao động, đặc biệt là trong một xã hội mà năng lượng kinh doanh của người
dân còn đang bị sự khủng bố chuyên chế đè nén trong ba thập kỷ vừa qua. Điều
quan trọng hơn là những cải cách từng phần đó còn chưa đi vào các bộ phận quan
trọng trong nền móng kinh tế do ĐCSTQ lãnh đạo: đó là khu vực sở hữu nhà nước
với những tài sản có năng suất cao nhất như ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên,
sản xuất điện, viễn thông, ngân hàng, các dịch vụ tài chính và công nghiệp
nặng. Chắc chắn không phải khu vực kinh tế tư nhân năng động đang kìm hãm nền
kinh tế Trung Quốc mà chính là các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu năng vẫn tiếp
tục được nhận hỗ trợ và tiêu phí dòng vốn quý giá (7).
Cải cách
kinh tế toàn diện và đích thực nếu được chấp nhận trên thực tế sẽ đe dọa phá vỡ
nền móng đó. Khả năng nhiều nhất là nó sẽ xóa bỏ phần lớn sự kiểm soát hiện hữu
đối với nền kinh tế và khối tài sản quốc gia khổng lồ của Trung Quốc, kết cục
sẽ là sự sụp đổ về mặt tổ chức của ĐCSTQ. Đảng này cấp kinh phí và hỗ trợ một
mạng lưới tổ chức hạ tầng cơ sở rộng khắp của mình – các đảng bộ, đảng ủy các
cấp và chi bộ …thông qua số lượng lớn các quỹ đảng nhưng chính xác là bao nhiêu
thì còn là một ẩn số. Phần lớn kinh phí cho các tổ chức và hoạt động của đảng
được tài trợ từ ngân sách không minh bạch của nhà nước TQ. Nếu như ĐCSTQ từ bỏ sự
kiểm soát nền kinh tế của mình và các khoản chi tiêu của chính phủ được minh
bạch hóa thì đảng sẽ không còn nguồn tài chính để tồn tại. Sẽ không thể duy trì
các đặc quyền và bổng lộc hậu hĩ của đảng ví như chăm sóc sức khỏe chất lượng
cao, quỹ cho các hoạt động giải trí, nhà công vụ và còn nhiều khoản phụ cấp đối
với các quan chức như là tiêu chuẩn được hưởng khi là thành viên của câu lạc bộ
tầng lớp tinh hoa.
Còn một hậu
quả thảm khốc nữa của cải cách theo hướng thị trường đó là sự sụp đổ của hệ
thống bảo trợ mà ĐCSTQ sử dụng để đảm bảo có được sự trung thành từ những người
ủng hộ mình. Nền móng của hệ thống này là các doanh nghiệp nhà nước, các cơ
quan kinh tế và các tổ chức điều hành do đảng kiểm soát. Nếu như cải cách định
hướng thị trường dẫn tới tư nhân hóa thực sự các doanh nghiệp nhà nước ( nhóm
doanh nghiệp này sản xuất ít nhất cũng vào khoảng 1/3 GDP) thì ĐCSTQ sẽ không
thể ban phát cho đội ngũ trung thành với mình bằng những hợp đồng và công việc
béo bở và điều này đe dọa sẽ lấy đi sự ủng hộ của họ. Xin cung cấp thông tin
rằng trong bản hướng dẫn chi tiết kế hoạch kinh tế của ĐCSTQ phát hành mùa Thu
năm 2013 lãnh đạo đảng đã nhắc nhở đảng sẽ không bao giờ từ bỏ các doanh nghiệp
nhà nước.
Như vậy, sự
tiếp tục của các thể chế mang tính dã thú và bòn rút, cướp đoạt ở Trung Quốc
đang ngăn chặn những cải cách thị trường triệt để, toàn diện và thành công.
Tính bất khả thi của nhiệm vụ xây dựng một nền kinh tế thị trường đích thực
được hậu thuẫn bởi nguyên tắc thượng tôn pháp luật có thể minh họa bằng câu ngạn
ngữ Trung quốc khôn ngoan yuhumoupi có nghĩa là đừng mặc cả với hổ về bộ
da của nó. Triển vọng lâu dài cho sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là đáng bi
quan bởi vì khu vực tăng trưởng nhanh nhờ có cải cách từng phần và các nhân tố
cũng như hoàn cảnh thuận lợi chỉ diễn ra một lần đang chấm dứt. Một sự tăng
trưởng bền vững cho Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải nhìn nhận lại triệt để thể chế
kinh tế và chính trị để đạt được hiệu quả cao hơn.Nhưng bởi lẽ bước đi quan
trọng có tính quyết định này sẽ hủy hoại nền tảng lãnh đạo của ĐCSTQ cho nên
khó có thể tin được rằng đảng sẽ cam kết tự vẫn về kinh tế và do đó cả về chính
trị. Những ai còn chưa bị thuyết phục bởi lập luận này hãy nên đếm lại có bao
nhiêu nhà độc tài trong lịch sử đã tự nguyện từ bỏ các đặc lợi cùng đặc quyền
kiểm soát nền kinh tế của mình nhằm mục đích bảo đảm cho một tương lai thịnh
vượng dài lâu của quốc gia.
Lừ lừ hướng tới đàn áp và chủ nghĩa dân tộc
Nếu như tình
trạng kinh tế trì trệ trong dài hạn đã được khẳng định thì sự ủng hộ của tầng
lớp trung lưu Trung Quốc với hiện trạng sẽ bị mai một. Sự tham gia của tầng lớp
đang tăng trưởng nhanh này là một trụ cột chủ chốt nữa trong sách lược sinh tồn
của ĐCSTQ thời kỳ sau biến cố Thiên An Môn và đã góp phần vào sự bùng nổ kinh
tế trong ¼ thế kỷ vừa qua. Kinh tế phát triển chậm lại chắc chắn sẽ giảm bớt cơ
hội, kỳ vọng và hạn chế tính năng động đi lên đối với các thành viên của nhóm
xã hội quan trọng này và sự chấp nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ từ nhóm này
chỉ là ngẫu nhiên do vừa qua đảng đã mang đến sự phát triển kinh tế liên tục và
đáng hài lòng.
Cùng với sự
bốc hơi của (chất keo gắn) sự đoàn kết, thống nhất trong giới lãnh đạo cấp cao,
nguy cơ kinh tế trì trệ và thái độ xa lánh rất có thể xảy ra của giới trung lưu
thì mô hình hậu Thiên An Môn chỉ còn có 2 cột trụ: đó là đàn áp và kích động
chủ nghĩa dân tộc. Các chế độ chuyên chế ngày nay vì thiếu tính hợp pháp trong
công chúng (mà đáng ra phải đạt được qua quá trình cạnh tranh chính trị) chủ
yếu dùng ba phương tiện để giữ quyền lực của mình. Một là mua chuộc quần chúng
bằng các lợi ích vật chất. Hai là đàn áp nhân dân bằng bạo lực và nỗi sợ. Ba là
kêu gọi tình cảm dân tộc của họ. Ở những chế độ chuyên chế tinh vi và thành
công những kẻ cầm quyền thường dựa vào tính hợp pháp có được nhờ thành tích đạt
được (mua chuộc) hơn là sử dụng nỗi sợ hãi và chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến.
Nguyên nhân chính là đàn áp thì tốn kém mà chủ nghĩa dân tộc thì có thể trở nên
nguy hiểm. Trong thời kỳ hậu Thiên An Môn có thể tin chắc rằng ĐCSTQ đã sử dụng
cả 3 phương tiện, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thành tích phát triển kinh tế nhưng
vẫn dùng phương tiện đàn áp và chủ nghĩa dân tộc một cách có chọn lọc như các
biện pháp cầm quyền dự phòng.
Tuy nhiên,
những xu hướng kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012 cho thấy
đàn áp và chủ nghĩa dân tộc được coi là đóng vai trò ngày càng nổi bật trong
chiến lược sinh tồn của ĐCSTQ. Lời giải thích hiển nhiên là tăng trưởng kinh tế
không chắc chắn của Trung Quốc đang gây nên căng thẳng xã hội và bào mòn sự ủng
hộ của quần chúng đối với ĐCS, và như vậy buộc chế độ phải ngăn cản những thách
thức tiềm ẩn từ xã hội bằng sức mạnh và chuyển hướng sự chú ý của công chúng
sang chủ nghĩa dân tộc. Vậy mà nhiều nhà quan sát đã bỏ qua lời giải thích có
giá trị này.
Một chiến
lược sinh tồn phụ thuộc vào việc đem lại tăng trưởng kinh tế nhằm duy trì tính
hợp pháp vốn dĩ không bền vững không chỉ bởi lẽ tăng trưởng kinh tế là điều
không thể bảo đảm chắc chắn và sự kỳ vọng của công chúng thì bao giờ cũng gia
tăng nên cũng không thể luôn luôn đáp ứng được mà còn vì sự tăng trưởng kinh tế
bền vững sẽ làm phát sinh những thay đổi kinh tế- xã hội mang tính cơ cấu. Và
chính những thay đổi đó ắt sẽ đe dọa độ bền vững của chế độ chuyên chế như các
nghiên cứu xã hội học và lịch sử các cuộc chuyển đổi dân chủ đã cho thấy.
Các nhà nước
chuyên chế khi buộc phải chấp thuận tính hợp pháp dựa trên thành tích phát
triển (nguyên văn là Faustian bargain – giao kèo với quỷ dữ - ND) thì mặc nhiên
là chúng sẽ thua cuộc bởi lẽ những đổi thay kinh tế- xã hội do tăng trưởng kinh
tế đem lại sẽ củng cố năng lực tự trị của các lực lượng xã hội ở thành thị, ví
dụ như các nhà kinh doanh tư nhân, trí thức, người làm nghề, các tín đồ tôn
giáo, công nhân phổ thông nhờ trình độ học vấn cao hơn, tiếp cận với thông tin
dễ dàng hơn, tích lũy được tài sản cá nhân nhiều hơn và năng lực tổ chức hoạt
động tập thể cũng được cải thiện. Nhiều công trình nghiên cứu hàn lâm đã chỉ ra
sự tương quan chặt chẽ giữa trình độ phát triển kinh tế với sự hiện diện của
dân chủ cũng như giữa thu nhập gia tăng với khả năng sụp đổ của các chế độ
chuyên chế (8). Trong thế giới ngày nay, mối tương quan tích cực giữa tài sản
(được tính bằng GDP theo đầu người) và dân chủ có thể được thể hiện trong biểu
đồ (9) và nó cho thấy tỷ lệ phần trăm các nền dân chủ (được định nghĩa bởi tổ
chức Freedom House) tăng đều đặn cùng với mức tăng của thu nhập. Có một bộ phận
các quốc gia dân chủ giảm trong khi thu nhập tăng lên. Sự phân bố các quốc gia
không dân chủ hoặc độc tài trên biểu đồ đã hình thành nên đồ thị hình chữ U.
Trong khi có nhiều hơn các chế độ độc tài tồn tại ở những nước nghèo hơn (phần
đáy của 2/5 các quốc gia có thu nhập trên đầu người ) thì sự hiện diện của
chúng ở phần trên của danh sách 2/5 các quốc gia dường như đã phản bác lại nhận
định cho rằng sự thịnh vượng có tương quan cùng chiều (nguyên văn tương quan
dương tính – ND). Tuy nhiên khi xem xét kỹ hơn số liệu sẽ thấy hầu hết các quốc
gia giàu có nhưng nằm dưới chế độ độc tài đều là những nước sản xuất dầu mỏ,
nơi mà giới tinh hoa cầm quyền có đủ năng lực tài chính để mua chuộc người dân
của mình để họ chấp thuận chế độ chuyên chế (9).
Nguồn: Tính toán sử dụng dữ liệu thu nhập dựa
trên sức mua trên đầu người (PPP) do Ngân hàng Thế giới cung cấp. Chỉ số tự do
do Freedom House cung cấp.
Những nhà cầm quyền Trung Quốc nếu
như nhìn qua biểu đồ sẽ cảm thấy lo lắng cho triển vọng trong trung và dài hạn
của mình. Hiện nay 87 quốc gia có thu nhập theo đầu người (chuẩn PPP – sức mua
tương đương – ND) cao hơn Trung Quốc và 58 quốc gia trong số đó được đánh giá
là có dân chủ, 11 quốc gia được Freedom House sếp hạng “ tự do một phần” và 18
quốc gia bị coi là độc tài (nguyên văn là “ không tự do” theo Freedom House).
Tuy nhiên trong số 18 quốc gia “ không tự do” có thu nhập theo đầu người cao
hơn Trung Quốc thì có tới 16 quốc gia sản xuất dầu mỏ (Belarus được tính trong
nhóm này bởi vì được Nga trợ cấp đáng kể nhu cầu năng lượng), Hai quốc gia
không sản xuất đầu mỏ là Thái Lan (chính quyền quân sự độc tài đã lật đổ chính
quyền nửa dân chủ vào năm 2014) và Cuba (cũng là một quốc gia Leninit độc đảng,
độc tài). Trong số 11 quốc gia tự do một phần Mexico và Malaysia là những nhà
sản xuất dầu mỏ đáng kể trong khi Cô oét và Venezuela là những nước sản xuất
dầu mỏ kinh điển. Điều làm cho các lãnh đạo của ĐCSTQ có thêm lý do để lo ngại
đó là thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc vào khoảng $ 13.216 (PPP) năm
2014 cũng chỉ bằng mức của Đài Loan và Hàn Quốc vào cuối những năm 1980 khi cả
hai quốc gia này bắt đầu tiến trình dân chủ hóa (10). Nếu như kinh nghiệm chuyển
đổi thể chế ở các nước có thu nhập trên trung bình như Đài Loan và Hàn Quốc có
thể được đem ra tham khảo và áp dụng thì ĐCSTQ cần phải tính đến nhu cầu và
những sự vận động xã hội đang dâng cao để tiến hành những thay đổi chính trị
trong thập kỷ tới (một vài tín hiệu của sự vận động này đã được ghi nhận).
Hàm ý duy nhất có thể rút ra từ phân
tích này đó là trừ khi Trung Quốc muốn đi theo tấm gương của Cuba và duy trì
một nền kinh tế đóng để đảm bảo sự tồn vong của chế độ độc đảng, quốc gia này
sẽ phải đối mặt với tình trạng lợi thế ngày một suy giảm trong nỗ lực giữ
nguyên quyền lực (miễn là Trung Quốc một cách kỳ diệu không trở thành một nước
giống như Ả rập Saudi). Nhưng bởi lẽ Trung Quốc sẽ không bao giờ là quốc gia
dầu lửa nên ĐCSTQ vì sự tồn vong của mình trong dài hạn còn có cơ hội khai mở
một số hình thái của thể chế chính trị có cạnh tranh và trở thành một chế độ “
tự do một phần” – và đây là một bước trọng yếu tiến về phía trước so với chủ
nghĩa Leninnit hiện nay. Một cách khác, Trung Quốc có thể chống lại ngay cả
những cải cách khiêm tốn nhất và đặt cược sự tồn vong của mình vào việc leo
thang đàn áp và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc.
Đánh giá những chính sách và biện
pháp được ban lãnh đạo hiện nay của ĐCSTQ thông qua thì dường như đảng này có ý
định đặt cược chống lại lịch sử. Trong 3 năm gần đây đảng đã rất nỗ lực gia
tăng đàn áp. Trong số các bước đi đáng để ý nhất: ĐCSTQ đã mạnh mẽ thắt chặt
kiểm duyệt Internet, truyền thông xã hội, báo chí, thông qua Luật về an ninh
quốc gia chủ yếu nhắm tới việc ngăn chặn các tổ chức phi chính phủ để bảo đảm
an ninh cho chế độ, phá hủy hàng trăm cây Thánh giá của nhà thờ Thiên Chúa nhằm
hạn chế tự do tín ngưỡng, tăng cường kiểm soát tư tưởng trong các ký túc xá
trường Đại học, cao đẳng và bắt bớ hàng chục luật sư nhân quyền, nhà hoạt động
vì quyền công dân trên cơ sở các bằng chứng ngụy tạo. Theo nhiều cách nhìn
nhận, mức độ đàn áp của ngày hôm nay là cao hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ cuộc
trấn áp Thiên An Môn.
Cũng không kém phần đáng lo ngại và
còn nguy hiểm hơn đó là những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa có tính leo thang của
Trung Quốc. ĐCSTQ nhận thức mọi điều nhưng lại từ bỏ chủ trương đối ngoại của
Đặng Tiểu Bình là dấu mình chờ thời và không đối đầu để ủng hộ cho một chiến
lược đối ngoại khoe cơ bắp và điều này đã làm cho Trung Quốc đi theo một tiến
trình xung đột với Hoa Kỳ. Bằng chứng về lời kêu gọi mới đây kích động chủ
nghĩa dân tộc và chính sách ngoại giao quả quyết của Bắc Kinh có thể tìm thấy
trong màn diễu binh lần đầu tiên kỷ niệm sự kiện bại trận của Nhật Bản trong
chiến tranh thế giới lần thứ II (mặc dù Trung Quốc và ĐCSTQ chỉ đóng vai trò
rất phụ trong cuộc chiến đó), đó còn là chiến dịch tuyên truyền kỷ niệm “ giấc
mơ Trung Hoa” (nội dung chủ yếu là sự phục hưng của Trung Quốc với vị thế một
siêu cường) và đòi hỏi gần như công khai vị thế ngang hàng với Hoa Kỳ (được
diễn đạt bằng ngôn từ “ quan hệ kiểu mới giữa các siêu cường” trong tuyên bố
của Bắc Kinh), những cuộc tấn công trên mạng không ngơi nghỉ nhằm vào các cơ
quan chính phủ và các cơ sở thương mại Hoa Kỳ cùng với những cuộc khiêu khích
và thủ đoạn gây hấn đẩy tình hình tới miệng hố chiến tranh ở Biển Hoa Đông và
Nam Trung Hoa (Biển Đông – ND). Cụ thể là thiết lập vùng nhận dạng hàng không
ADIZ trên vùng trời đảo Senkaku, cải tạo hàng loạt bãi chìm và xây dựng trên
các đảo thuộc vùng lãnh hải còn đang tranh chấp ở Biển Đông).
Nếu như ĐCSTQ tin rằng leo thang đàn
áp và chủ nghĩa dân tộc sẽ giúp cho đảng duy trì quyền lực trong giai đoạn đang
có hỗn loạn trong giới lãnh đạo cấp cao, kinh tế suy thoái và căng thẳng xã hội
dâng cao thì đảng cũng nên nhìn nhận những rủi ro to lớn và cái giá phải trả
cho chiến lược sinh tồn mới này. Ngoài việc khiến Trung Quốc bị lạc hậu chiến
lược này tỏ ra không bền vững và nguy hiểm. Trấn áp có thể có tác dụng trong
một thời điểm nhưng các chế độ chuyên chế quá phụ thuộc vào nó sẽ phải sẵn sàng
gia tăng việc sử dụng bạo lực liên tục và áp dụng những biện pháp hà khắc để
ngăn cản các lực lượng chống đối.
Đàn áp có thể là không tốt cho việc
kinh doanh, vì khi đó nhà cầm quyền buộc phải ngăn chặn dòng thông tin và tự do
kinh tế để bảo đảm an ninh cho chế độ (quả thực, các hãng phương Tây đang phàn
nàn về những bất tiện do tường lửa Vạn lý Trường thành gây ra). Gia tăng mức độ
đàn áp trong lúc kinh tế đang chìm đắm trong đình đốn sẽ gây căng thẳng và áp
lực lên các nguồn lực của ĐCSTQ bởi lẽ việc trấn áp đòi hỏi phải duy trì mạng
lưới tốn kém những kẻ nội gián chuyên cung cấp thông tin, công an chìm, nhân
viên kiểm duyệt và các lực lượng bán vũ trang. Đàn áp còn làm phát sinh những
chi phí khổng lồ về đạo đức và có thể nhóm lửa cho những cuộc tranh luận bên
trong chế độ.
Hãy đặt câu hỏi một cách rõ ràng:
liệu Trung Quốc có thực sự sẵn sàng để trở thành một Bắc Triều Tiên khác?
Sử dụng chủ nghĩa dân tộc và khoe cơ
bắp có thể đem lại những lợi ích chính trị nhất thời nhưng ĐCSTQ sẽ phải trả
giá bằng an ninh của mình trong dài hạn. Một trong những lựa chọn chiến lược
khôn ngoan nhất của Đặng Tiểu Bình là phát triển các mối quan hệ bạn bè với
phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm thúc đẩy chương trình hiện đại hóa Trung
Hoa. Trong thời kỳ hậu Đặng Tiểu Bình hai nhân vật tiền nhiệm của họ Tập là
Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã học bài học cốt tử từ sự sụp đổ của Liên
Xô: xung đột chiến lược với Hoa Kỳ sẽ gây nguy hiểm cho chính sự tồn vong của
ĐCSTQ. Chi phí cho một cuộc chạy đua vũ trang sẽ ở mức không chịu đựng nổi và
sự thù địch công khai trong quan hệ Trung – Mỹ sẽ phá hủy mối quan hệ kinh tế
song phương.
Không rõ ban lãnh đạo ĐCSTQ có nhận
thức được những rủi ro mà chiến lược sinh tồn mới đang hoàn thiện của họ sẽ
mang lại hay không nhưng nếu các thành viên trong ban lãnh đạo tin chắc rằng
chỉ có chiến lược đó mới cứu vãn được sự lãnh đạo của đảng và do hiện đang lo
sợ bởi sự sụp đổ của những trụ cột quan trọng trong mô hình hậu Thiên An Môn
thì rất có thể họ sẽ tiếp tục đường lối hiện nay. Và thật mỉa mai, đường lối
đó, nếu như phân tích ở trên là đúng thì chắc chắn sẽ thúc đẩy sự kết thúc của
ĐCSTQ thay vì ngăn chặn nó.
Thăng long- Hà nội 24/02/2016
Bản dịch của Phạm Gia Minh
Tài liệu tham khảo
1The
literature on China’s “resilient authoritarianism” is large. Representative
works include Andrew J. Nathan, “Authoritarian Resilience,” Journal of
Democracy (January 2003); David L. Shambaugh, China’s Communist Party:
Atrophy and Adaptation (University of California Press, 2008).
2Andrew Nathan acknowledged in 2013 that, “The
consensus is stronger than at any time since the 1989 Tiananmen crisis that the
resilience of the authoritarian regime in the People’s Republic of China (PRC)
is approaching its limits.” Nathan, “Foreseeing the Unforeseeable,” in Andrew
Nathan, Larry Diamond, and Marc Plattner, eds., Will China Democratize?
(Johns Hopkins University Press, 2013); David Shambaugh published a much-noted
long essay, “The
Coming Chinese Crackup,” in the Wall Street Journal on March 6, 2015
arguing that the endgame for the CPC regime has begun.
3Samuel P. Huntington, The Third Wave:
Democratization in the Late Twentieth Century (University of Oklahoma
Press, 1993); Guillermo O’Donnell and Philippe C. Schmitter, Transitions
from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democracies
(Johns Hopkins University Press, 2013).
5Cai Fang Wang Dewen, “Impacts of Internal
Migration on Economic Growth and Urban Development in China,” in Josh DeWind
and Jennifer Holdaway, eds., Migration and Development Within and Across
Borders (The Social Science Research Council, 2008.)
6The literature on the predatory state and extractive
institutions is vast. The most influential works are Daron Acemoğlu and James
Robinson, Why Nations Fail (Crown Publishing, 2012); Douglass North, Institutions,
Institutional Change and Economic Performance (Cambridge University Press,
1990).
7The huge inefficiency of state-owned enterprises, as
compared with the dynamism of the Chinese private sector, is detailed in Nick
Lardy, Markets over Mao: The Rise of Private Business in China (Peterson
Institute for International Economics, 2014)
8Seymour Martin Lipset, “Some Social Requisites of
Democracy: Economic Development and Political Legitimacy,” American
Political Science Review (March 1959); Adam Przeworski, Democracy and
Development: Political Institutions and Well-Being in the World, 1950–1990
(Cambridge University Press, 2000).
9Academic research has also established a strong link
between oil and dictatorship. See Michael Ross, “Does Oil Hinder Democracy?” World
Politics (April 2001).
10Yu Liu and Dingding Chen, “Why China Will
Democratize,” Washington Quarterly (Winter 2012).
Minxin Pei is the Tom and Margot Pritzker ’72
Professor of Government at Claremont McKenna College and a non-resident senior
fellow of the German Marshall Fund of the United States. His latest book, China’s
Crony Capitalism: Dynamics of Regime Decay, will be published by Harvard
University Press in 2016. This article is drawn from a larger research project
on China’s likely regime transition that has received financial support from
the Smith Richardson Foundation, the Carnegie Corporation of New York, and the
John D. and Catherine T. MacArthur Foundation.