NHỮNG ĐIỂM HỚ CỦA LÃNH ĐẠO BỘ TNMT
Ngày 4/5/2016 báo chí đồng loạt đưa tin, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng
Chính phủ giao (sáng 28/4) truy tìm nguyên nhân làm cá chết, Bộ Khoa học và
Công nghệ đã thành lập Hội đồng khoa học quốc gia gồm hơn 100 chuyên gia từ hơn
30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước do viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ
tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ tịch. Như vậy lả Bộ
KH&CN phải chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân chứ không
phải Bộ TNMT nữa (từ 27/4 trở về trước).
Thế mà Bộ Tài Nguyên, Môi trường đã chủ động đầu tiên, làm việc trước với
các chuyên gia Đức, Mỹ và Israel, nhờ giúp đỡ truy tìm nguyên nhân, thăm
quan, lấy mẫu phân tích xác định các độc tố cũng đã được tiến hành.
Dưới đây là một số tuyên bố với báo chí của các lãnh đạo Bộ Tài Nguyên, Môi
trường cho thấy họ bị “hở hoặc hớ” về chuyên môn:
1) 8:00 tối 27/4 ông Võ Tuấn Nhân, Thứ
trưởng Bộ TNMT chủ trì họp báo công bố kết quả điều tra sau gần 3 tuần. Ông
nêu ra 2 nguyên nhân làm cá chết. Một là độc tố do con người thải ra. Hai là do
hiện tượng tự nhiên tảo nở hoa còn gọi là thủy triều đỏ. Ông nói chưa thấy
mối liên quan giữa cá chết và hoạt động xả thải của công ty Formosa . Tức
là ông đã loại trừ nguyên nhân đầu và để ngỏ nguyên nhân hai (tảo nở hoa, thủy
triều đỏ).
Hớ thứ nhất ở đây là công luận và nhiều thường dân
nghĩ ngay đến do con người xả thải gây ra thảm họa cá chết, lặn xuống biển
truy tìm đường ống xả thải của Formosa thì ông lại loại trừ yếu tố Formosa
.
Hở thứ hai là ông nói có thể do tảo nở hoa – hiện
tượng thủy triều đỏ: Tôi không thích dùng từ “tảo nở hoa”. Vì làm gì có hoa
hoét gì ở đây. Chẳng có gì vui vẻ cả, chỉ có thiệt hại và đau buồn mà thôi. Từ
tiếng Anh đầy đủ của nó là “Harmfull Algal Bloom, HAB”, phải nói chính
xác là “sự bùng nổ của tảo gây hại”. Trên Trái đất có cả
trăm loài tảo (algae) độc hại (harmfull, toxic). Về chuyên môn
không biết loài tảo có nở hoa như các loài thực vật khác không mà lại dịch là
nở hoa? Những loài tảo gây hại thường có mầu đỏ tạo nên một vùng nước biển mầu
đỏ - RED TIDE – Thủy triều đỏ. Cá ăn những loại tảo này vào
có thể bị độc và chết. Tất nhiên là thủy triều đỏ là không có lợi cho hoạt động
du lịch, nghỉ ngơi, tắm biển. Vì vậy, thay vì nói tảo nở hoa nên nói
là sự bùng nổ của tảo gây hại - HAB.
Hở thứ ba là coi tảo nở hoa, thủy triều đỏ là
nguyên nhân tự nhiên (tự nhiên có, tự hình thành trong thiên nhiên, không
phải do con người gây ra). Nhầm to! Cách đây khoảng 25 năm, trong
khóa học 9 tháng tại Hà Lan về Môi trường, tôi đã có khái niệm về
EUTROPHICATION. Từ này không có trong từ điển Anh – Việt thông dụng. Tôi tạm
dịch là hiện tượng PHÚ hay PHÌ DƯỠNG của nước. Đó là hiện tượng do con
người xả thải quá nhiều “dưỡng chất” – “nutrients” có chứa Nitơ và
Phốt-pho vào nước, thông qua các hoạt động nông nghiệp ví dụ như: bón rất nhiều
phân N-P-K mà cây trồng không hấp thụ hết, lãng phí, bị rửa trôi vào sông, hồ,
ao, biển. Hay những trang trại chăn nuôi lớn thải loại nước thải phân chuồng
v.v.. vào các nguồn nước. Hay các khu dân cư tập trung ven biển/hồ thải loại
phân rác của mình vào biển/hồ. Tất cả những thải loại này đều DO CON NGƯỜI GÂY
RA tạo nên hiện tượng PHÚ DƯỠNG trong nước. Do quá nhiều dưỡng chất, đặc biệt
cao về N và P nên các loài algae (tảo) bùng nổ, phát triển cực mạnh. Do vậy, sự
bủng nổ của tảo, trong đó có các loài tảo đỏ độc hại – red tide, chỉ là hệ
quả/kết quả của EUTROPHICATION và ĐỀU DO CON NGƯỜI GÂY RA.
Hở thứ tư: Trong mấy ngày trước đó ông đã phát
biểu (có ý bảo vệ Formosa ) “nước thải từ trong các nhà máy sẽ đi qua đường
ống này, khi tới trạm quan trắc tự động sẽ được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật
Việt Nam rồi được đưa tới bể và thải ra ngoài”!!!. Trạm quan trắc chỉ
gồm các thiết bị đo đạc các thông số môi trường. Còn xử lý nước thải là cả một
ngành công nghiệp với nhiều các biện pháp hóa, lý, sinh khác nhau để loại bỏ
các pollutants về nồng độ cho phép. Monitoring là monitoring, hoàn toàn khác
với wastewater treatment plant. Không có chuyện monitoring station lại
tự động xử lý nước thải cả. Chưa ở đâu có như vậy trên thế giới này.
2) Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các bộ trưởng nói chung là “khôn”, trước bức xúc
của dư luận về lĩnh vực mình phụ trách, hoặc chất vấn gay gắt của các đại biểu
Quốc hội, đều “xin lỗi” nhận trách nhiệm, thiếu sót v.v.. làm êm dịu dư
luận. Có vẻ để làm dân yên lòng, Bộ trưởng đã yêu cầu Formosa phải làm ống xả
thải nổi, thay vì để “ngầm” dưới đáy biển như hiện nay. Đây là yêu cầu
hớ của Bộ trưởng, đã bị chuyên gia kỳ cựu về môi trường là TS. Tô Văn
Trường phản bác trong một thư ngỏ gửi chính Bộ trưởng. Mặc dù chính đường ống
xả thải ngầm đó được Bộ TNMT đồng ý, cấp phép năm 2014. Việc đi đường ống xả
thải nổi hay chìm/ngầm chẳng có liên quan đến việc công khai, minh bạch hay
gian lận cả. Trong Luật môi trường cũng không có qui định làm ống xả thải phải
xin phép cả. Ống xả thải chỉ là 1 bộ phận/đường ống của hệ thống xử lý nước
thải mà thôi, thế mà khi làm nó cũng phải xin phép? Mỗi một “xin
phép” là kèm một phong bì, nên càng nhiều phép càng hay. Chủ đầu tư tùy
theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và kinh tế có thể làm chìm, hoặc nổi. Chất
lượng nước thải sau xử lý hoàn toàn có thể kiểm tra được ngay tại bể chứa, tại
đầu vào của đường ống “ngầm” dài này, chẳng cần phải lấy mẫu tại đầu ra đặt tại
đáy biển cách bờ 1,5km làm gì. Một ống xả thải dài như vậy, đường kính khoảng
1m bắt làm nổi thì sẽ là đường ống xả thải đắt nhất hành tinh!
Sóng gió thủy triều có thể hất tung, và cản trở tầu bè đi lại nữa.
Trên thế giới có rất nhiều ống xả ra biển. Nếu ai nhìn thấy ống xả nước thải ra
biển mà đi nổi như vậy mới là điều kỳ lạ đấy! Yêu cầu này là bất khả thi và
Formosa sẽ không thể thực hiện được.
3) Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “cá
chết do nhiều nguồn gây ô nhiễm như vi khuẩn, các yếu tố độc trong nước”:
nhầm lẫn giữa nguồn gây ô nhiễm (pollution sources); ví dụ: các nhà máy
xả thải khí qua các ống khói; các doanh nghiệp, nhà máy, khu dân cư xả thải
nước qua các cống vào sông ngòi hồ ao v.v.. với các yếu tố độc hại trong nước (pollutants)
ví dụ các vi khuẩn độc hại, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, kim loại nặng
v.v.. vượt nồng độ cho phép.