Thạch Đạt Lang
Bị trúng mấy phát đạn của Kami, An Dân, Gió thấy mạng mình cũng mỏng manh như thành tích đấu tranh cho tự do, dân chủ, phong trào No-U trước đây. Thế là Gió lạnh cẳng, tìm cách bỏ cuộc sớm để tự cứu lấy thân và gia đình. Điều này không ai có thể trách cứ Gió được, nhưng do lúc đầu Gió nổ hơi bạo về mình, về những cuộc gặp gỡ các nhân vật bí mật từ Houston tới Berlin nên bây giờ bị hố.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Mặt Trận Trọng – Thanh đã kết thúc?
Như một ngọn đèn dầu sắp tắt, trước khi tàn rụi còn lóe sáng lên rồi mới chịu ngủm đi, mặt trận Trọng – Thanh, đột ngột im tiếng súng sau hai đợt pháo dồn dập của Người Buôn Gió vào ngày 14.09.2016, cùng sự tham chiến của hai xạ thủ ưu tú (XTƯT) – làm ăn tùy theo từng vụ, thuộc loại săn tiền thưởng (Bounty Hunter), khá nổi tiếng cộng đồng mạng – Kami, Nguyễn An Dân cùng các fans của Gió.
Sau khi Buôn Gió chính thức tuyên bố ngưng bắn, không làm xạ thủ cho Xuân Thanh nữa, không gian trở lại yên tĩnh hoàn toàn, không còn tiếng ầm ì của pháo 130 ly, tiếng cắc bùm của CKC hay CheyTac M200 dù khói súng vẫn còn mù mịt. Cộng đồng mạng, nhất là thành phần “phản động” ngơ ngác nhìn nhau, thất vọng hoàn toàn. Mọi người đang hồi hộp, háo hức trông chờ những viên đạn pháo của xạ thủ Buôn Gió cho nổ tan tành tổng hành dinh của tổng Trọng, chợt thở ra chán chường, thất vọng. Có người phát biểu: Đúng là đầu voi đuôi chuột.
Một số người (trong trung ương ĐCS) thở ra nhẹ nhõm, khẽ khàng hỏi nhau: Thằng Thanh hết đạn rồi sao? Không có lẽ? Nghe nói nó định quất sụm bà chè cả trung ương lẫn anh cả Trọng mà? Có người vẫn còn đang run rẩy như cầy sấy, lắp bắp, thì thào, tiếng được tiếng không: Thằng Gió mà…tiếp tục… ít ngày nữa, chắc tôi… tiêu…
Nói chung, khi Buôn Gió bất ngờ tuyên bố công khai, từ bỏ nhiệm vụ xạ thủ cho Thanh thì có người mừng, người lo, người thất vọng, người nguyền rủa, nhưng chắc ai cũng muốn tìm biết nguyên nhân nào Gió chia tay Thanh trong mặt trận này một cách nhanh chóng như vậy? Sau viên đạn trái khói điều chỉnh tọa độ đầu tiên của Gió, hầu hết mọi người đều nhận định rằng: Đây là môt mặt trận sinh tử không có đường thối lui, chỉ có sống hay chết. Đó cũng chính là ý trong câu nói của Gió với Thanh trước khi quyết định nhận vai trò pháo thủ cho Thanh – Thanh và những nhân vật bí ẩn đã cười và đồng ý. Vậy tại sao, dù mặt trận chưa ngã ngũ nhưng phần thắng đang nghiêng về phía mình, Gió bất chợt buông bỏ mọi việc?
Nếu hiểu Gió, vốn là một giang hồ từng trải, nhiều kinh nghiệm chiến đấu để sống còn, dù trình độ văn hóa kém nhưng thông minh, nhanh nhẹn, sắc bén, biết mình, biết người, biết nhận định thời cơ, chụp lấy dịp may nhưng đồng thời biết tiến, biết lùi đúng lúc, biết buông bỏ khi thấy nguy hiểm cận kề… thì sẽ không ngạc nhiên về quyết định bất chợt này của Gió.
Hãy đọc những lời khuyên của Gió viết cho Trịnh Xuân Thanh để hiểu rằng, bản thân Gió lúc đầu biết là nguy hiểm khi nhận lời làm pháo thủ cho Thanh, nhưng không thể thấy rõ nguy hiểm đến mức nào. Gió chỉ đơn giản nghĩ nguy hiểm là cho Thanh thôi, chứ bản thân mình thì không có gì đáng ngại. Cho đến khi bị Kami, Nguyễn An Dân, hai tay “săn tiền thưởng” khá nổi tiếng tấn công, bắn sẻ, Gió mới giật mình nhận ra, mình đang đối đầu với nguy hiểm thực sự, có lẽ còn hơn cả nguy hiểm đối với Thanh vì gia đình Gió còn ở Việt Nam và bản thân mình vẫn chưa nhận được thường trú hay tị nạn tại Đức. Do đó, có thể Gió nhắn tin khuyên Thanh nên ngừng lại việc tấn công, trả thù cả Trọng và ĐCSVN – Thư Gió gửi cho Thanh khá dài, người viết chỉ trích dẫn những đoạn liên quan đến việc Gió ngưng chiến.
Trích: “Tôi viết cho Trịnh Xuân Thanh thế này.
– Tôi nghĩ anh hãy yên lặng, với khả năng anh có, anh dễ dàng tạo được cho mình một cuộc sống ở bất kỳ đâu trên thế giới này. Trọng Lú không thể với tới anh, tội gì anh phải nói hay làm gì nữa cho mệt. Hôm qua Trọng đã sai Huynh chỉ đạo báo chí ngưng đưa tin về anh, hoặc có đưa thì ẩn dưới không được lên trang nhất, ở những vj trí khó tìm.
Anh đừng chú trọng đến chuyện đòi công lý, công bằng, dân chủ nữa, đó là một cuộc chiến dài và hao tổn thể xác cũng như tinh thần. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ là của những nhà dân chủ. Cuộc chiến giữa những phe phái trong đảng là của những phe phái đó tiếp diễn với nhau. Anh đã ra ngoài rồi, sống cuộc sống bình lặng và chăm lo cho hai đứa bé mà anh đã nhận từ trại mồ côi để chúng lớn khôn, hưởng cuộc sống văn minh. Việc làm khuấy động của chúng ta vừa qua đã ảnh hưởng đến những nhà đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước. Họ đang có những kế hoạch lớn lao, những hoạch định lý tưởng đẹp đẽ …chúng ta ở góc độ nào đó, đã thực sự có lỗi khi đã làm ảnh hưởng đến công cuộc mà họ đã bỏ bao nhiêu tâm sức”
Tại sao ngay từ đầu Gió không nói với Thanh những điều này? Phải chăng khi bắn viên đạn đầu tiên vào thành trì của tổng Trọng cách đây khoảng gần 2 tuần, Gió chưa nhận thức được rằng mình đã khai chiến với cả một chế độ có đầy đủ phương tiện, tài chánh, vật lực, nhân lực cũng như thủ đoạn phản công? Chưa chắc! Với đầu óc thông minh, sắc sảo, nhạy bén, có thể Gió nhận biết những nguy hiểm khi mình tham gia canh bạc, nhưng vì những hứa hẹn của Thanh và bộ tham mưu quá hấp dẫn làm mờ lý trí Gió.
Hơn nữa, khi đưa ra lý do từ bỏ cuộc chiến vì nhận thấy viêc làm của mình, giúp Thanh trả thù Trọng, đảng CSVN, hay tìm công lý là làm cản trở, ảnh hưởng đến những kế hoạch đòi hỏi tự do, dân chủ của các mạng xã hội, các tổ chức, đoàn thể đang đấu tranh với chế độ CS… Người Buôn Gió đã ngụy biện.
Trích: “Họ là những nhà tư tưởng, lý luận và chiến lược gia dân chủ hàng đầu như họ tự nhận, đang hướng cả một phong trào dân chủ đang lớn mạnh đi trên con đường chính nghĩa, và dường như họ thấy kết quả sắp thành công. Chúng ta đừng nên vô tình khuấy nước để làm sổng mất con cá của họ. Nếu không cả đời anh và tôi không gánh được, vì anh biết, con cá sổng bao giờ cũng là con cá to nhất, to đến mức không ai hình dung bởi không ai nhìn thấy bởi vì đã bắt đươc đâu mà thấy. Nhưng người ta căn cứ vào cái quẫy đuôi tạo thành sóng để ước lượng con cá to đến đâu. Lúc đó thì cả cuộc đời anh lẫn tôi không bù đắp được, nếu họ thương tình, đời chúng ta đổi được một cái vảy con cá ấy là may mắn lắm rồi”.
Gió không nhận mình là một nhà dân chủ cũng đúng. Ngay cả những người đấu tranh thât sự cho tự do, dân chủ cho đất nước, cho người dân, không ai dám nhận mình là nhà dân chủ, nhà tư tưởng, chiến lược gia dân chủ hàng đầu như Gió viết ở trên. Ngoài ra, so với việc tù tội, bị giam giữ, tra tấn, kết án, đe dọa, triệt đường sinh sống… của Phạm Thanh Nghiên, Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày, Tạ Phong Tần… thành tích tranh đấu của Gió quá mỏng, quá ít.
Tuy nhiên, việc phơi bày, tố cáo những tệ trạng tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình của cán bộ, đảng viên đảng CS, những bao che, nâng đỡ hoặc đấu đá, giành ăn, thanh toán nhau trong nội bộ đảng CS thì chẳng có gì để gọi là làm cản trở, gây khó khăn hay ảnh hưởng đến những hoạt động tranh đấu của các tổ chức xã hội dân sự, hội đoàn…, mà ngược lại còn có thể thúc đẩy thêm sự tham gia của nhiều người vào các tổ chức này, những người trước đây vốn thờ ơ với hiện trạng bi đát của xã hội. Chẳng có tổ chức dân sự, hội đoàn nào đi tìm bắt các nhà dân chủ trong vụ Trọng – Thanh. Gió chỉ vờ vịt, so sánh bất cập.
Một nguyên nhân khác – theo sự nhận định của người viết – không kém phần quan trọng, đưa đến quyết định buông bỏ cuộc chiến của Gió có thể là lá thư xin được xét xử công khai của Thanh gửi bộ chính trị ĐCSVN ngày 11.9.2016 với nhân sự do Thanh đề nghị. Tất nhiên đời nào Cả Trọng chịu. Gian ác, nham hiểm, thủ đoạn, lì lợm, ngoan cố… như Ba Ếch còn bị Trọng quất một phát văng từ Hà Nội về miền Tây câu cá, đuổi gà… thì Thanh là cái đếch gì mà đòi đàm phán?
Nhận ra được điều này, đồng thời bị trúng mấy phát đạn của Kami, An Dân, Gió thấy mạng mình cũng mỏng manh như thành tích đấu tranh cho tự do, dân chủ, phong trào No-U trước đây. Thế là Gió lạnh cẳng, tìm cách bỏ cuộc sớm để tự cứu lấy thân và gia đình. Điều này không ai có thể trách cứ Gió được, nhưng do lúc đầu Gió nổ hơi bạo về mình, về những cuộc gặp gỡ các nhân vật bí mật từ Houston tới Berlin nên bây giờ bị hố.
Trích: “Anh hãy chọn nơi nào đó sống yên bình, cộng sản không thể vượt qua đống hàng rào quan hệ pháp lý quốc tế để mò đến anh, khi anh ở vai trò nhà đầu tư thế này, chỉ cần anh tạo công việc cho 5 đến 10 người làm là anh yên tâm vị thế của mình ở nước sở tại. Tôi nghĩ, với người đã từng trải qua những chức vụ lo công việc cho cả ngàn người như anh, thì việc tạo công ăn việc làm cho dăm mười người ở đây chả nghĩa lý gì. Chẳng những cộng sản không với được đến anh, mà cả những người chống cộng sản họ cũng không thể làm gì được anh. Nếu họ làm được thì không có chuyện Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Ngọc Lập, Phùng Tuệ Châu …nghênh ngang đi lại giữa Bolsa như vậy”.
Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản sẽ chẳng ai đụng đến Trịnh Xuân Thanh làm gì, Thanh sống, chết, làm gì không liên quan đến họ, nhưng những người CS thì chưa chắc. Nếu Thanh biết quá nhiều bí mật trọng đại, nguy hiểm đến sự sinh tồn của đảng hay nắm giữ các bằng chứng nguy hại cho chế độ, các lãnh đạo cộng sản trong quá khứ hoặc đương thời, Thanh có thể bị sát hại.
Vợ con Thanh qua Pháp ngày, tháng nào, an ninh CS đã nắm rõ. Họ có thể bí mật theo dõi vợ con Thanh và rồi sẽ tìm ra Thanh đang ở nơi đâu. Việc chế độ CS đưa một toán sát thủ đi hạ sát Thanh không phải là một chuyện khó đối với CSVN. Nếu cần, họ cũng có thể nhờ Quốc Tế Tình Báo Sở của Trung Cộng giúp đỡ, Tổng Trọng là một kẻ thâm hiểm, thù dai vả thủ đoạn. Chưa chắc Trọng sẽ tha thứ, cho dù Thanh hoàn toàn im lặng, không cựa quậy, lên tiếng gì nữa cho đến cuối đời.
Bằng những lời khuyên nhủ “chí tình” Buôn Gió chỉ muốn phủi tay, trốn tránh trách nhiệm những việc đã làm với Thanh vừa qua, dính dáng đến Trọng và đảng CSVN.
Trích: “Tuy nhiên nếu anh vẫn muốn theo đuổi cuộc chiến của mình, cuộc chiến với Trọng lú hay cuộc chiến đấu tranh đòi sự công bằng. Anh cần có sự liên kết, làm việc với các luật sư quốc tế, luật sư về kinh tế, có chuyên môn am hiểu ngành nghề kinh doanh. Qua những luật sư này, họ sẽ có những liên hệ với các hãng truyền thông quốc tế để hỗ trợ sự vụ. Rất nhiều người luật sư, nhà báo đang sẵn sàng giúp đỡ anh.
Và lời sau cùng, dù anh có chọn quyết định nào, khi anh cần, tôi vẫn ở bên anh như một người bạn tri kỷ. Với những vừa qua. Ở hai số phận và hai cuộc đời rất khác xa nhau, định mệnh đẩy chúng ta đi cùng một chặng đường nhỏ ngắn ngủi, cùng chơi một trận bóng hè đường. Nhưng đó là một đoạn đường ngắn, một trận bóng nhỏ mà chúng ta có thể mất đi đến cả tính mạng.”
Đoạn trích trên đây chứng tỏ Gió thật sự lạnh cẳng. Nếu những nhân vật thần bí ở phía sau lưng Thanh, tìm được Gió từ Houston tới Berlin, có được số điện thoại của Gió thì chẳng lẽ tình báo, an ninh của Trọng lại chịu dưới cơ, không tìm ra? Tại sao ngay từ những ngày đầu, Gió không khuyên Thanh nên trực tiếp tìm đến những luật sư, những nhà báo, truyền thông quốc tế… để nhờ yểm trợ?
Giờ này nằm cạnh vợ con ở một nơi nào đó, Xuân Thanh đang nghĩ gì về những điều Gió vừa viết cho mình? Chắc chắn là không vui và cũng chẳng yên tâm. Trở về VN nhận tội với tổng Trọng ư? Chết là cái chắc, nhưng chết như thế nào mới đáng nói. Hơn nữa, trở về VN, Thanh sẽ làm liên lụy, gây nguy hiểm thêm cho nhiều người, những người đã ăn chịu với Thanh hoặc đã giúp Thanh trốn đi. Nhưng biết tìm ai thay thế Gió để tiếp tục trận chiến với Trọng? Luật sư, truyền thông báo chí, cộng đồng NVHN… chắc chắn là không ổn và rất tốn kém.
Đi chung một đoạn đường ngắn ngủi, trong khoảng thời gian chưa đến 2 tuần, nhưng cuộc chia tay với Gió cũng để lại cho Thanh một nỗi chua chát, đắng cay lẫn điên đầu, chưa biết phải ứng phó ra sao, làm gì trong những ngày sắp tới? Thôi đành phải hát mấy câu: Đến đây là xong nửa chuyện, chưa biết rồi ai sẽ cứu ai?