22 septembre 2016

Formosa nhập hàng trăm tấn bùn bô-xít để làm gì?


Việt Hoài
 
(GDVN) - Dù tất cả các ý kiến cũng là những giả thiết, nhưng cần phải làm rõ 3 tàu đã chở bùn bô-xít đã thông quan, Formosa dùng để làm gì?

Bộ Công Thương chính thức phản bác không cấp phép cho Formosa nhập bùn bô-xít như Chi cục Hải quan cảng Sơn Dương - Vũng Áng khẳng định. 
 
Cận cảnh lấy mẫu phân tích 168 tấn bột nhập khẩu của Formosa. Ảnh: Vietnamnet.
 
 


Trước đó (chiều ngày 15/9), kiểm tra tàu hàng Ying Rich, quốc tịch Hồng Kong, từ cảng Đại Liên (Trung Quốc) cập cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh), các cơ quan chức năng phát hiện có 160 tấn bùn bô xít đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ số hàng trên tàu.

Theo Formosa, số hàng trên gồm 70 tấn bùn bô-xit, 98 tấn bùn nhôm cacbon, nhập về để phục vụ xây dựng lò cao và các hoạt động khác. Toàn bộ số bùn trên đều có thủ tục thông quan.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Sơn Dương - Vũng Áng nói rằng, số hàng trên không nằm trong luồng đỏ, nên đã được thông quan. Đồng thời, số hàng này nằm trong danh mục được cấp phép nhập khẩu, được miễn thuế, được Bộ Công Thương cấp phép.

Tuy nhiên trong thông báo mới nhất, Bộ Công Thương khẳng định bùn bô-xít không nằm trong danh mục phải cấp phép của Bộ.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập (Bộ Công Thương), “có thể thuộc diện cấp phép của các bộ quản lý chuyên ngành”.

Hải quan thì bảo được phép của Bộ Công Thương, trong khi Bộ đã khẳng định là không. Vậy sẽ có hai tình huống xảy ra: Một là Chi Cục Hải quan càng Sơn Dương - Vũng Áng nói sai. Hai là, có thể như lời ông Hải nói, “bộ chuyên ngành đã cấp phép”.

Có nghĩa là cho đến giờ phút này, 5 ngày trôi qua, mọi chứng từ nhập khẩu 160 tấn bùn bô-xit ở Chi cục Hải quan càng Sơn Dương - Vũng Áng còn đó, sao vẫn chưa có trả lời là số bùn này ai cho phép nhập, dù là chất thải thì cũng phải được Bộ Tài nguyên - Môi trường câp phép, chứ không phải chất thải muốn nhập thì nhập.

Nên nhớ, đây không phải là lần đầu tiên Formosa nhập bùn bô-xít về, nhưng lần này vỡ lở vì Cảnh sát môi trường tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, tạm giữ.

Lại dấy lên tranh luận giữa các cơ quan chức năng là “bùn” hay “bột”? Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm rằng qua ảnh chụp thì có vẻ là bột nhiều hơn.

Các cơ quan chức năng lại vào cuộc để làm rõ 168 tấn bùn bô-xít đó bộ nào cho nhập? Là bùn hay bột bô-xít?

Dù là bùn hay bột thì đâu chỉ 168 tấn đã nhập cảng, còn ba chuyến hàng bùn nhập trước là bao nhiêu tấn, dư luận cũng cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.

Không chỉ thế, bùn bô-xít hay bột bô-xít có độc hại hay không, các nhà khoa học cũng phải làm rõ để dư luận yên tâm.

GS-TS, NGND Nguyễn Trọng Uyển - Chủ tịch phân hội khoa học và công nghệ các hợp chất vô cơ (Hội Hóa học Việt Nam) trả lời báo giới rằng, trong bùn thải bô-xít bao gồm các chất vô cùng độc hại như phenol, xyanua, kim loại nặng. Con người chỉ cần tiếp xúc một lượng nhỏ cũng gây ra đột biến tế bào.

Không ít người am hiểu chuyên môn đặt câu hỏi: Bùn bô-xít là chất thải của các nhà máy luyện kim. Formosa luyện thép, chất thải còn xử lý chưa xong vậy nhập bùn bô-xít để làm gì?

TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng lại có nhìn khác về việc Formosa nhập bùn bô-xít: Cũng có khả năng Formosa nhập bùn bô xít để làm vật liệu xây dựng lò cao, lò đứng, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng Formosa nhận “rác” thải về, bởi kinh doanh chất thải là một nghề siêu lợi nhuận.

TS Sơn viện dẫn: Ở các nước phát triển, chỉ cần chở rác thải đi là đã được trả tiền. Ngay ở TP.HCM, muốn thuê xử lý rác cũng đã mất tới 21 USD/tấn. Huống hồ rác thải công nghiệp thì còn tốn kém hơn nhiều.

Dù tất cả các ý kiến cũng là những giả thiết, nhưng cần phải làm rõ 3 tàu đã chở bùn bô-xít đã thông quan, Formosa dùng để làm gì?

Dư luận cũng mong mọi vấn đề được làm sáng tỏ chứ không lại “đánh bùn sang ao”?

Việt Hoài

Nguồn: Theo GDVN