27 septembre 2016

CÔNG AN HÀNH ĐỘNG NHƯ CÔN ĐỒ (?!)


Hình ảnh các nhà báo bị hành hung. Nguồn: FB HBK/ internet
 
Những hình ảnh dưới đây ghi lại một số nhà báo bị đánh dã man. Tôi đã nói nhiều rồi, không muốn nói nữa nhưng chẳng thể nào im lặng khi các đồng nghiệp của mình bị hăm doạ, bị hành hung, bị đánh dã man.




Để tình trạng càng ngày càng có nhiều nhà báo bị công an đánh, phải cay đắng mà nói rằng, trong này có lỗi của lãnh đạo các cơ quan báo chí và một số nhà báo. Tôi nói thế bởi vì vào ngày 24/4/2012, hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đuổi đánh dã man khi tác nghiệp vụ cưỡng chế ở Văn Giang.

Hình ảnh hai nhà báo bị một lũ người mặc sắc phục công an, mặc thường phục truy đuổi và đánh như đánh kẻ thù được phát nhiều trên truyền hình. Rất nhiều người phẫn nộ vì chuyện này và chờ vụ việc được xử lý nghiêm khắc, ít ra thì cũng đưa những người đánh nhà báo thành thương ra truy tố. Nhưng hỡi ôi, cũng chỉ dừng lại những lời xin lỗi là xong. Giá ngày đó lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và hai nhà báo bị đánh kiện và đưa những công an có hành động như bọn côn đồ ra toà thì sự lộng hành của công an có thể giảm đi ít nhiều.

Từ đó đến nay, có nhiều vụ nhà báo bị công an hành hung khi tác nghiệp, nhưng trắng trợn, thô bạo nhất phải kể đến vụ công an huyện Đông Anh, Hà Nội lao vào đánh và chửi mắng nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh). Hình ảnh và clip đồng nghiệp ghi lại đã nói rõ điều đó. Và lần này người ta cũng lại định chỉ xin lỗi là xong. Mà lời xin lỗi sao nhạt nhẽo và khó nghe đến thế!? “Cán bộ chiến sĩ của đơn vị có thái độ không đúng”, “đây là cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực…”. Không biết đây chỉ là những lời thanh minh vụng về hay là nhận thức đích thực của ông thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng đội CSHS công an huyện Đông Anh, Hà Nội? Nếu là nhận thức đích thực của một thượng tá thì trình độ của công an ta có vấn đề lớn.

Phải thấy hành động đánh nhà báo Quang Thế là hành động của kẻ côn đồ coi thường pháp luật. Nếu đấy là côn đồ thật thì chúng ta còn hiểu được, nhưng đây lại là công an thì biết hiểu thế nào đây? Có người đã ghi lên bức hình đó câu hỏi “Công an hay côn đồ?”. Nhìn vào hình ảnh là côn đồ, còn thực tế họ là công an. Mà như tôi đã nói nhiều lần, chỉ có công an và côn đồ là hay đánh nhà báo thôi. Vì vậy ở đây có thể trả lời là công an hành động như côn đồ.

Đáng ra giữa nhà báo và công an không nên có mâu thuẫn vì cả hai lực lượng đều có mục đích tốt đẹp. Ấy thế mà công an lại thường xuyên đánh nhà báo. Tôi sợ giữa công an và nhà báo không chỉ có mâu thuẫn bình thường, mà là mẫu thuẫn sâu sắc, có khi trở thành mâu thuẫn đối kháng. Mà mọi người đều biết mâu thuẫn đối kháng là như thế nào rồi đấy!

Hình ảnh các nhà báo bị đánh khi tác nghiệp. Nguồn: internet/ FB HBK








*     *     *

CHÚNG TA LÀ NẠN NHÂN TỪ LÂU RỒI!

Nhiều người, trong đó có cả các nhà báo, đang kêu gọi cộng đồng lên tiếng về vụ công an huyện Đông Anh đánh phóng viên báo Tuổi Trẻ, với lời nhắn: Nếu hôm nay bạn không lên tiếng, ngày mai nạn nhân có thể là chính bạn.

Thật ra, chẳng phải đến hôm nay, càng chẳng phải đợi đến ngày mai mới có các nhà báo là nạn nhân của thói côn đồ của công an.

Năm nào ở Việt Nam cũng có hàng chục vụ nhà báo và phóng viên (tức người làm báo nhưng chưa có thẻ) bị công an và người của cơ quan công quyền nói chung, và/hoặc côn đồ, tấn công gây thương tích từ nhẹ đến nặng. Các vụ hành hung ấy, sau đó, có thể lên báo hoặc không lên báo nên rất khó có thống kê chính xác. Nhưng dù thế nào thì con số cũng là rất cao và chuyện công an và/hoặc côn đồ đánh đập người làm báo cũng đã xảy ra từ rất lâu rồi.


Chỉ xin nhắc lại một vài vụ từ xa lắc:

– Nhà báo Võ Minh Châu (báo Tiền Phong) bị em trai Chủ tịch xã đánh trọng thương (Hà Tĩnh, 6/1/2010);

– Nhà báo Duy Bùi (báo Thể Thao 24h) bị bảo vệ sân Thiên Trường hành hung, bẻ tay, giật máy ảnh và xóa hết ảnh (Nam Định, 15/4/2010);

– Nhà báo Trần Công Lũy (báo Công Lý) bị đánh, còng tay, giật camera, dẫn giải như tội phạm (An Giang, 29/5/2011);

– Hai nhà báo Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm (Đài Tiếng nói Việt Nam) bị công an hành hung (đánh ộc máu mũi, sưng mặt…) tại hiện trường vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên, 24/4/2012); v.v.

Con số hàng chục đó là căn cứ trên những thông tin mà báo chí chính thống đã đăng tải, và xin các bạn lưu ý là báo chí chính thống chỉ đưa tin về những vụ hành hung nhà báo mà thôi.

Còn chuyện các blogger – những người làm báo không bao giờ có thẻ – bị công an đánh đập, bắt giữ tùy tiện, thậm chí bắt hẳn vào đồn để tra tấn, thì không được truyền thông chính thống đề cập đến và cũng chưa tính ở đây. Nếu tính cả, thì số vụ công an hành hung người làm báo ở Việt Nam phải lên tới hàng trăm trường hợp mỗi năm.

* * *

Chẳng nói đâu xa: Trong các cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày chủ nhật 8/5/2016 vừa qua, có ít nhất hai blogger Vũ Huy Hoàng và Đỗ Đức Hợp đã bị công an đưa về đồn và hành hung tập thể. Anh Hoàng bị một nhóm công an đấm đá đến độ đi tiểu ra máu khi trở về tới nhà.

Tình hình tệ hại đến mức… Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) tại Bangkok, ngày 13/5, đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại với chính quyền Việt Nam về tình trạng bạo lực của công an nhằm vào người biểu tình ôn hòa vì môi trường. Trong khi đó, báo chí quốc doanh không nhắc một câu tới tình trạng này. (Nhưng đăng tải bài của phía Việt Nam phản bác thông cáo của OHCHR, thì lại có).

Câu chuyện này chỉ cho thấy rằng cả hai bên – nhà báo và blogger – đều là nạn nhân của chế độ công an trị.