Hôm nay, 20/9/2016, Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội)
đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 20 tháng tù giam đối với chị
Cấn Thị Thêu về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Tin này khiến cho tôi dù đang bận bao nhiêu việc, nhưng
không thể làm được gì, nếu không viết về chị. Tôi mắc nợ bài viết này đã từ
lâu. Chính xác là từ ngày 26/7/2015, khi tình cờ tôi xem một video bài phát
biểu của chị trước đông đảo bà con đón mừng chị hết hạn 15 tháng tù giam, trở
về Dương Nội. Trong tay ôm bó hoa, xúc động, gạt nước mắt, chỉ đã có bài “nói vo” gần 6 phút, trước đông đảo nhân
dân, khiến tôi vô cùng cảm động,
ngạc nhiên, khâm phục. Thú thực tôi chưa thấy một chính khách nào của ta khoảng
vài chục năm lại đây có nổi một bài hùng biện được như chị.
Tôi tò mò muốn biết chị là ai? Muốn viết một bài về chị,
tôi đã liên lạc được với cháu Phương, con chị. Cháu cho biết, mẹ cháu học hết
lớp 6, rồi ở nhà làm ruộng, thuần nông. Mẹ cháu quê ở Hòa Bình lấy bố cháu ở
Dương Nội, Hà Đông… Sau đó thấy nhiều người viết về chị rất hay, nên tôi thôi.
Hôm nay có một sự thôi thúc, tôi không thể không viết!
Cuộc đấu tranh giữ đất của nông dân Dương Nội, Hà Đông,
TP Hà Nội, kéo dài đã gần 10 năm. Vào năm 2007 – 2008 TP Hà Nội thực hiện
“Cưỡng chế, thu hồi đất” của dân giao cho các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô
thi mới… Ai cũng biết đất ngoại thành giá trị thế nào, vậy mà đền bù không thỏa
đáng, các quan chức và nhà đầu tư đã vội nôn nóng, ào ạt, ủi cả hoa màu, mồ mả
của dân… Đến lúc dân chống đối thì huy động hàng 1.000 cảnh sát đến đàn áp. Lúc
đó bị cảnh sát đánh đập, dân còn kêu “Ới Đảng ơi, ới Bác Hồ ơi, nó cướp miếng
cơm manh áo của dân thế này đây”! Người dân còn chửi công an: “mày ăn cơm Dân,
mặc áo Đảng, mà ác với dân thế à”?
Sự phản ứng của bà con cũng hoàn toàn mang tính tự phát,
bản năng: Nhiều chị bốc phân ném vào lực lượng cưỡng chế; giằng xé, cắn tay
những kẻ định bắt mình, lăn lộn, la khóc, chửi bới, gào thét… Trong đó Cấn Thị
Thêu là người hăng hái nhất, đưa ra nhiều lý lẽ đấu tranh…
Chị Thêu đã mau chóng nhận ra, bà con phải đoàn kết một
lòng, sống chết có nhau và đấu tranh bằng lý lẽ, bằng pháp luật… Người dân nêu
khẩu hiệu “Dân Dương Nội quyết tử giữ đất”. Chị dẫn đầu bà con, đưa đơn khiếu
kiện lên khắp các cơ quan công quyền…
Báo HN mới đăng: “Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho
biết, từ đầu năm 2008 đến nay, Cấn Thị Thêu cầm đầu số công dân phường Dương
Nội (từ 50 đến 200 người) mặc áo đồng phục, in các nội dung phản đối chính sách
của Nhà nước; các đối tượng này nhiều lần kéo đến trụ sở các cơ quan của Trung
ương và TP. Hà Nội đưa đơn khiếu kiện về đất đai.
Nội dung khiếu kiện của Cấn Thị Thêu và một số công dân
khiếu kiện tại phường Dương Nội đã hết thẩm quyền giải quyết, được Thanh tra
Chính phủ trả lời tại Kết luận số 1078/KL-TTCP ngày 24/5/2012 và Thông báo số
151/TB-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 16/5/2013 về chấm dứt thụ lý giải quyết
kiến nghị, khiếu nại của Cấn Thị Thêu và số công dân phường Dương Nội”. Thanh
tra chính phủ đến “phủ dụ” dân chúng rằng, trong 6 điểm yêu sách, công nhận chính
quyền có 2 thiếu sót, cần rút kinh nghiệm, còn 4 điểm đòi hỏi của dân là không
chấp nhận được! Cấn Thị Thêu và bà con hoàn toàn thất vọng, giận dữ. Chị Thêu
cãi lại Phó thanh tra chính phủ rất hăng, không đồng ý với kết luận của ông và
tiếp tục dẫn đầu bà con đấu tranh…
Trong bài viết” Cấn Thị Thêu, người phụ nữ kiên trung của
nông dân Dương Nội”, nhà văn Nguyễn Tường Thụy, cho biết: “Ngày 28-11-2012 chúng sử dụng hàng chục
tên xã hội đen kéo đến nhà chị đe dọa. Chúng chỉ vào mặt chị và nói rằng, nếu
còn đi khiếu kiện nữa thì sẽ gánh chịu mọi hậu quả”.
“Năm 2012, chị bị đầu độc bằng thạch tín trong một bữa ăn
có đông người. Chị được đưa đi cấp cứu ở Khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai và
điều trị ở đó nhiều ngày”
“Biết trước rằng, thế nào cũng bị chúng bắt, chị viết sẵn
bản di chúc để lại cho bà con:
“Khi tôi bị bắt thì gia đình và bà con hãy photo giấy ủy
quyền này để mỗi người đi đòi sự công bằng cho tôi đều cầm trong tay một bản
làm bằng chứng là đã có sự ủy quyền của tôi.
“Khi tôi bị bắt nếu Công an dùng nhục hình để ép cung,
mớm cung và tra tấn đánh đập tôi đến chết thì tôi nhờ bà con và gia đình mang
xác tôi đến các cơ quan chính quyền của thành phố Hà Nội và Chính phủ để làm
sáng tỏ sụ việc. Nếu chính quyền làm ngơ trước cái chết của tôi thì gia đình và
bà con hãy đưa thông điệp này đến Hội đồng nhân quyền Thế giới kêu gọi can
thiệp giúp đỡ để lấy lại sự công bằng cho tôi và cả dân tộc Việt Nam”.
Thế là bà con Dương Nội, người tiêu biểu là Cấn Thị Thêu,
đã giác ngộ ra rằng, không còn gì để tin vào chính quyền này nữa và cuộc đấu
tranh cho quyền sống, quyền làm người, quyền công dân còn quan trọng hơn cả
ruộng đất. Từ đây chị bắt đầu chụp ảnh, ghi hình các hành động bạo lực của các
lực lượng cưỡng chế và tố cáo trước công luận; chị kêu gọi dân oan các nơi hãy
đoàn kết lại; kêu gọi các nhân sĩ trí thức, những người đấu tranh cho dân chủ,
nhân quyền hãy giúp đỡ bà con Dương Nội trong cuộc đấu tranh này…
Ngày 25/4/2014, khi chi leo lên chòi cao để ghi hình lực
lượng cưỡng chế, thì công an đưa một cần cầu lên trên chòi và bắt chị đưa xuống
đất. Chị đã bị ngất, những CA vẫn đưa chi về trại giam… Chồng chi, và một số bà
con cũng bị bắt trong vụ này. Sau 2 phiên xử, chị bị kết án 15 tháng tù giam;
chồng chị, anh Trịnh Trịnh Bá Khiêm 18 tháng tù; anh Lê Văn Thanh 12 tháng tù;
anhTrần Văn Sang 20 tháng tù…
Trong bài viết về chị, Nguyễn Tường Thụy cho biết: “Ngày
29-8-2014 bà con Dương Nội nhận được lá thư của chị từ trong trại giam. Qua đó,
chị cho biết chúng lại tiếp tục dùng thủ đoạn để mua chuộc chị. Sau này, qua
hai người đã ra tù, bà con Dương Nội biết được chúng hứa cho chị 10 tỷ đồng,
một số lô đất và sắp xếp công việc cho 3 người con của chị. Nghe thì thật hấp
dẫn nhưng chúng đã nhầm đối tượng. Cấn Thị Thêu không đấu tranh cho quyền lợi
của riêng mình. Chị từ chối thẳng thừng sự mặc cả đó vì chị không thể phản bội
bà con Dương Nội, không phản bội lại lý tưởng tranh đấu của mình. Những lời nói
của chị trong Lễ ăn thề quyết tử giữ đất còn đó”.
Bất công, đàn áp, dối lừa và nhà tù đã biến Cấn Thị Thêu
ban đầu ngơ ngác như anh Pha, chị Dậu đã giác ngộ, trưởng thành một nhân cách
công dân; một con người không phải giác ngộ giai cấp mà cao hơn gấp vạn lần, là
giác ngộ đấu tranh cho quyền sống, quyền làm người, cho dân chủ, công bằng,
bình đẳng và tiến bộ xã hội đúng với những giá trị phổ quát của nhân loại tiến
bộ.
Viết đến đây, tôi lại muốn nghe một lần nữa bài phát biểu
khi chị ra tù cách đây hơn 1 năm, và hình dung bài phát biểu của chị thoát tù
lần này sẽ vang xa hơn nữa, thức tỉnh lương tri nhân loại…
Tại sao chúng ta im lặng?
Tháng 5/2015. Khi mới ra tù. Tôi định tĩnh dưỡng vài tháng, thậm chí
chừng năm chi đó, xong mới mở lại “Một Góc Nhìn Khác”.
Nhưng rồi thấy chị Thêu, Cấn Thị Thêu, người vợ bạn tù
của tôi, mới ra tù ngày trước, hôm sau đã lại phất băng rôn dẫn đầu đoàn quân
Dương Nội biểu tình đòi đất.
Nói với BBC khi đó, tôi bảo- có gì đấy, như một nỗi hổ
thẹn. Thật đấy! Hình ảnh những nông dân ít học, quần quật tối ngày, chân chất
lũ lam như chị, còn biết phản kháng. Lớp trí thức như mình, danh là phận… tinh
hoa, lại cam chịu nín im?
Vâng. Hình ảnh chị, như một động cơ, thôi thúc tôi
phải lên tiếng, không im lặng được. Tôi mở sớm trang Một Góc Nhìn Khác, ngay
sau khi ra tù chừng hơn tháng, vì vậy.
Hôm qua, nhìn bức ảnh chị Thêu trước toà, lại nhớ câu
của nhà văn Phạm Ngọc Tiến “tại sao chúng ta im lặng?”.
“Khi anh không dám mở miệng trước lâm nguy dân tộc,
thì mặc nhiên anh đã đứng ngoài cuộc, đứng ngoài số phận nhân dân”.
Ai, những ai, được ai- trong đội ngũ trí nhân khoa bảng giờ, biết hổ nhục
để can đảm thốt lên, dù chỉ một câu đắng lòng như Phạm Ngọc Tiến: “tại sao
chúng ta im lặng?”.