16 septembre 2016

“Tiền chùa”, người dân Thụy Sĩ và “tiêu tiền dân như đốt lá rừng”


(Dân trí) - Một điều vô cùng quan trọng là ở đất nước họ không có hai từ “tiền chùa”, không (hoặc rất ít) tham nhũng, lãng phí. Họ hiểu rằng mỗi một đồng tiền của họ tích lũy lại là con, là cháu họ được thụ hưởng. Với một môi trường như thế, việc nói “không” có lẽ cũng không lấy gì làm lạ. Còn môi trường ngược lại, thì không nói “có” mới là sự lạ.



(Minh họa: Ngọc Diệp)

 


 
Việc đặt ba khái niệm này trên một dòng tít nghe như chẳng có gì liên quan đến nhau. Nhưng nếu liên kết lại, có thể cho chúng ta một thông điệp gì đó chăng?

Trước hết, xin bàn về 2 từ “tiền chùa”. Chẳng biết cụm từ này xuất hiện từ bao giờ, ai là tác giả và trong từ điển, chắc cũng không (hoặc chưa) có cụm từ này. Thế nhưng, hình như nói lên là ai cũng hiểu, tiền chùa là tiền nhà nước, tiền từ nguồn ngân sách cũng tức là tiền thuế của dân.

Thế thì sao lại gọi là “tiền chùa”? Chịu. Nếu có thể giải thích, có lẽ chỉ có một sự liên hệ xa lắc, xa lơ. Đó là từ nội hàm của câu thành ngữ cổ: “Đất của vua, chùa của làng”. Đất của vua tức là của một con người cụ thể. Còn chùa của làng thì là của một cộng đồng, tức là quyền sở hữu tập thể và trong cộng đồng làng xã ấy, ai cũng là chủ. Vì ai cũng là chủ nên ai cũng có quyền.

Liên hệ với hai từ “tiền chùa” tức là tiền của chung và nếu có cơ hội, ai cũng có quyền… tiêu vô tội vạ.

Có thể vì hiểu như thế nên mỗi khi được tiêu “tiền chùa”, giá cả thường đội lên rất nhiều. Ít cũng vài ba chục phần trăm còn nhiều thì vài ba trăm phần trăm. Ví dụ như cái ụ nổi của Dương Chí Dũng, giá mua chỉ có 2triệu USD nhưng được khai khống lên đến 9 triệu USD (cao hơn khoảng 150 tỉ VND). Một trạm biến áp tại Quy Nhơn nhà thầu trúng thầu với giá 30 tỉ đồng, khi đấu giá lại, số tiền cuối cùng chỉ là 7 tỉ, chênh lệch tới 23 tỉ đồng…

Và người ta tiêu pha cũng rất… tiền chùa.

Trong bài “Tham quan, học tập" hay đi tiêu tiền "chùa"?” đăng trên BLOG Dân trí, Nhà báo Mạnh Quân cho biết chỉ trong năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một doanh nghiệp vốn nhà nước làm ăn cũng vào tầm… “bết bát” đã có gần 200 đoàn đi nước ngoài “tham quan, học tập”.

Ui cha, người xưa nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Gần 200 đoàn đi nước ngoài tức là ít nhất cũng mang về gần 200 cái “sàng khôn” mà chẳng hiểu sao làm ăn vẫn “bết bát” nhỉ? Hay là khôn quá hóa… rồ?

Rồi Bộ Công thương thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thế. Tấp nập các đoàn kéo nhau đi nước ngoài “tham quan, học tập”. Nói nhỏ, không biết cái bài “luân chuyển” ông Trịnh Xuân Thanh và bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai Bộ trưởng Hoàng có là “sản phẩm” của những chuyến đi “tham quan, học tập” hay không nhỉ?

Vẫn theo bài báo trên dẫn lời một cán bộ cấp Vụ ở chính bộ này cho biết: “Có những đoàn đi còn không ai biết tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào nên sang toàn phải nhờ cán bộ Thương vụ hoặc thuê người phiên dịch. Có đoàn thường có việc gì thì họp hành qua loa cho xong rồi đi chơi, đi shopping là chính”.

Không chỉ có thế, bài báo còn cho đăng một bức ảnh trong đó cả hình ông Hoàng “sang châu Âu gọi là đi đàm phán FTA nhưng tranh thủ ra sân golf làm vài gậy”.

Đọc những thông tin trên, khiến người viết bài này chợt nghĩ đến cuộc trưng cầu dân ý của đất nước Thụy Sĩ về việc có trợ cấp 55 triệu đồng/tháng cho mỗi người dân hay không và kết quả câu trả lời là: Không! Rất nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên vì quyết định này của người dân Thụy Sĩ, có cả ý kiến “xuýt xoa” rằng, giá…

Thế nhưng nghĩ kỹ lại, người Thụy Sĩ đã cực kỳ chính xác khi nói: “Không”. Lý do, có lẽ thứ nhất, họ là dân tộc cần cù lao động. Họ không muốn và không thích “ngồi mát ăn bát vàng”. Thứ hai, đó là dân tộc cần kiệm nên đã giàu, họ còn muốn giàu nữa, giàu mãi. Và thứ ba, một điều vô cùng quan trọng là ở đất nước họ không có hai từ “tiền chùa”, không (hoặc rất ít) tham nhũng, lãng phí. Họ hiểu rằng mỗi một đồng tiền của họ tích lũy lại là con, là cháu họ được thụ hưởng. Với một môi trường như thế, việc nói “không” có lẽ cũng không lấy gì làm lạ. Còn môi trường ngược lại, thì không nói “có” mới là sự lạ.

Nhớ lại cách đây ít lâu, một người bạn là doanh nhân sau khi tháp tùng đoàn cán bộ đi “tham quan, học tập” ở Braxin khi về đã thốt lên với mình rằng: “Họ (các cán bộ trong đoàn) tiêu tiền chùa như đốt lá rừng”.

Có lẽ bởi những thực trạng này nên ngay tại lễ nhậm chức trước Quốc hội chiều nay 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu mục tiêu phải tinh giản bộ máy, tiết kiệm tài sản công, xe công, giảm thiểu việc đi công tác nước ngoài.

“Chúng ta phải sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân” – Thủ tướng nói. Vâng, tiền thuế của dân không phải “tiền chùa” để cho những ai vô trách nhiệm, “tiêu tiền dân như đốt lá rừng”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám