Đoan Trang
Diêm dân ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hát bài "Trả lại cho dân" trên cánh đồng muối bỏ không. Ảnh chụp tháng 8/2016. |
Theo dõi những diễn biến trong đời sống chính trị Việt Nam gắn với cộng đồng mạng trong hai năm qua, có thể thấy một số điểm thú vị. Chẳng hạn, trong bất cứ vụ việc nào, từ chuyện Formosa xả thải vào biển miền Trung hồi tháng 4 năm nay, chuyện chính quyền Hà Nội tổ chức chặt phá hàng loạt cây xanh năm ngoái, đến chuyện một giáo sư đề nghị dạy chữ Hán trong trường học mới đây… luôn luôn có hiện tượng: Cứ khi cộng đồng đang thể hiện sự bức xúc, bất mãn, thậm chí phẫn nộ với nhà nước, thì thể nào cũng có một vài giọng nói ôn tồn kêu gọi mọi người bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, không hùa theo đám đông bầy đàn, cảm tính, tát nước theo mưa…
Thường thì những tiếng nói như vậy đến từ một số trí thức – những người có xu hướng cho rằng họ duy lý, hoặc tôn sùng sự duy lý (mà nếu lại là “duy lý hoài nghi” nữa thì càng tốt, nghe càng giống trí thức hơn).
Phẫn nộ vì chính quyền chặt cây hàng loạt ư? Cảm tính quá, chặt đâu mà chặt, đấy là cải tạo, thay thế, vì mục đích phát triển đô thị. Phản đối dạy chữ Hán trong trường học à? Thật là đầu óc dân tộc hẹp hòi, cực đoan, che giấu sự tự ti bệnh hoạn trước nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại. Căm giận Formosa xả thải vào biển miền Trung và muốn kiện, muốn đuổi họ sao? Hồ đồ quá, cho đến giờ đã làm gì có bằng chứng nào khẳng định 100% Formosa là thủ phạm làm biển nhiễm độc, cứ nghe thông tin linh tinh trên mạng rồi làm ầm làm ĩ lên, rõ là bầy đàn…
Ngẫm ra người đọc Việt Nam, nói rộng ra là người dân Việt Nam, khổ thật. Họ luôn ở thế thấp kém trước cơ quan công quyền đã đành, mà ngay cả trước một thiểu số trí thức tinh hoa, họ cũng ở chiếu dưới, có thể bị đánh giá là “đám đông ngu dốt, cảm tính, tầm nhìn hạn hẹp…” bất kỳ lúc nào.
Duy lý vs. cảm tính
Các nhà kinh tế học cổ điển và tân cổ điển cho rằng bản chất của con người là duy lý, tự chủ và ích kỷ (theo đuổi tư lợi), và một cách tự nhiên, trong quá trình con người hành động duy lý vì lợi ích cá nhân, xã hội cũng được hưởng lợi và trở nên thịnh vượng. Nói chung, duy lý là một phẩm chất tốt. Người duy lý là người hành động theo một cách có lý, có logic, thay vì cảm tính, thậm chí bản năng như con vật.
Chỉ tiếc là, duy lý được thì tốt nhưng trên thực tế người ta lại không duy lý. Vào những năm 1970, hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman đã nghiên cứu cách não bộ xử lý thông tin, đối chiếu với các mô hình kinh tế, và rồi rút ra một kết luận: Khi đối diện với tình huống bất trắc, con người không hề hành xử duy lý, cũng chẳng bừa phứa ngẫu nhiên, mà là theo những quy tắc được tự hình thành từ trước, có thể dự đoán, và bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và/hoặc môi trường. Ví dụ, ai đã từng bị bỏng khi sờ tay vào chảo nóng thì có xu hướng sẽ cẩn thận hơn sau này, mỗi khi cầm chảo.
Tất nhiên, kết luận của Tversky và Kahneman cũng chỉ là một trong vô vàn lý thuyết. Nhưng nói chung, con người không duy lý, bởi nếu duy lý họ đã không ồ ạt mua/bán chứng khoán, đổ xô đi rút tiền ngân hàng, hút thuốc lá đến khan cả cổ hay làm nhiều chuyện khác không mang lại tư lợi cho họ. Thế nên các nhà tâm lý học và kinh tế học hành vi mới cho rằng giả định “con người duy lý” là một giả định sai; con người có xu hướng phản ứng với cảm xúc (yêu, ghét, phấn khích, ghen tuông, đau khổ…) hơn và chính vì thế họ trở thành cảm tính, phi lý trí.
Vấn đề là, trong những tình huống bất trắc, thì đám đông ai cũng phi lý trí cả. Đòi hỏi sự duy lý ở cộng đồng mạng, nhất là trong một bối cảnh chính trị rối ren, lòng dân vốn đã đầy ức chế và bức xúc, là một đòi hỏi ngớ ngẩn; chưa nói đến chuyện nó còn có hại.
Tác hại của duy lý rởm
Cái đáng nói ở đây, trong trường hợp Việt Nam, là tác hại của những lời kêu gọi duy lý không phải lối.
Câu chuyện Formosa xả thải vào Việt Nam và tàn sát môi trường biển là một ví dụ điển hình: Điều tra để tìm ra được những bằng chứng khoa học, xác thực, là chuyện tất nhiên, nhưng trong khi đó, từ giác độ chính sách công, việc có những phản ứng chính sách đối với Formosa và các doanh nghiệp liên quan (trong khi vẫn chờ bằng chứng khoa học) là việc bắt buộc phải làm ngay, không thể chỉ ngồi chờ bằng chứng.
Ngay cả ở Mỹ, trong lúc các nhà khoa học còn đang tranh cãi về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với nước Mỹ và trái đất, thì chính quyền vẫn cứ phải làm ra luật (có 7 đạo luật lớn về bảo vệ môi trường) và thi hành luật gắt gao, mặc cho các doanh nghiệp, tập đoàn và nhóm lợi ích kêu gào (đương nhiên, họ cũng nhân danh “phát triển kinh tế”).
Đó là ở Mỹ, còn ở Việt Nam, với trình độ khoa học như hiện nay mà chờ “kết luận khoa học” về sự liên quan của Formosa rồi mới hành động… thì chắc dân đen chúng ta xanh cỏ cả rồi.
Hãy nhớ rằng, kết quả nghiên cứu khoa học cũng chỉ là một khía cạnh của tiến trình chính sách; những người làm chính sách phải biết căn cứ cả vào các giác độ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, luật pháp… để giải quyết vấn đề.
Hãy nhớ rằng, nghiên cứu khoa học không thể cho ra kết quả điều tra ngay, trong khi đó, những hậu quả của thảm họa môi trường do Formosa gây ra là có thật và đang ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của gần 4 triệu người dân miền Trung.
Sự thực là hàng nghìn thanh niên miền Trung đang thất nghiệp và tất cả các ngành nghề dựa vào biển đều bị ảnh hưởng.
Sự thực là đã có ít nhất một thợ lặn chết sau khi lặn trong vùng xả độc của Formosa.
Sự thực là chưa có đồng nào trong 500 triệu USD bồi thường đến tay người dân, và cứ cho là toàn bộ số tiền đó đến tay nhân dân miền Trung hết đi, thì tính ra mỗi người cũng chỉ được khoảng… gần 3 triệu đồng.
Sự thực là Vân Lâm (Yunlin), nơi đặt trụ sở Formosa Plastic Corporation (một trong các công ty lớn nhất Đài Loan), vẫn là vùng nghèo nhất xứ Đài và bị ô nhiễm nặng nề cả không khí lẫn nguồn nước, mà người dân ở đó không sao đuổi “nó” đi được vì “nó” quá mạnh: Formosa với Đài Loan có vẻ cũng như Tân Hiệp Phát với Việt Nam vậy.
Sự thực là Formosa đã có những dự án bị đình chỉ ở Đài Loan và… họ mang chúng sang Việt Nam – địa điểm đầu tư lý tưởng với những tiêu chuẩn cực kỳ thấp về sản xuất công nghiệp và môi trường.
Sự thực là Formosa đang lợi dụng chuyện “chưa có kết luận khoa học” để tìm cách phản cung và giảm nhẹ tội lỗi của họ đối với môi trường và người dân Việt Nam.
Và cuối cùng, phải nói rằng loại quan điểm “nhân danh khoa học” nghe rất có lý, rất thuyết phục, nhưng nó khéo léo gạt bỏ một thứ quyền rất quan trọng của người dân, là quyền được... chửi lãnh đạo, hay nói đúng hơn, quyền biểu đạt ý kiến, bày tỏ sự phẫn nộ một cách bản năng, không khoa học.
Còn bạn, bạn thấy bức xúc, muốn lên tiếng ư? Bạn cứ nói đi, đừng sợ bất cứ điều gì. Đừng sợ phạm pháp, vì lên tiếng bày tỏ quan điểm vốn là quyền của bạn. Đừng sợ sai, vì phải có sai mới thành đúng, miễn là bạn chịu khó lắng nghe để sửa sai (chứ không như các ông bà lãnh đạo cộng sản). Và đừng sợ bị coi là “cảm tính”, “bầy đàn”, vì những lý do đã nêu ở trên. Duy lý được thì tốt, nhưng nếu không thì cũng chẳng phải lỗi của bạn.
Nhược bằng muốn được hưởng sự duy lý, tỉnh táo, sáng suốt nhất, mời bạn đóng facebook vĩnh viễn và tìm đến các hội thảo khoa học có chất lượng cao…