Ảnh minh họa |
Nếu như nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh
tế nửa đầu năm 2016 sụt giảm nghiêm trọng là do thiên tai và sự cố môi trường,
thì lý do khiến nó tiếp tục không đạt trong nửa sau của năm có lẽ đang đến từ
chính những tồn tại trong cơ chế điều hành hiện nay.
Vấn đề con số tăng trưởng chắc chắn là câu chuyện đáng chú ý của nền
kinh tế Việt Nam trong năm 2016, khi sự biến động của nó vượt ra khỏi gần như
mọi sự dự đoán.
Mục tiêu tăng trưởng cho năm 2016 mà Việt Nam
đặt ra hồi đầu năm là 6,7% - tương đương với mức đạt được trong năm 2015. Nhưng
sau hai sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng nặng tới nền kinh tế là hạn mặn ở phía Nam
và môi trường biển ở miền Trung hồi giữa năm, nó đã được điều chỉnh xuống mức
khá linh hoạt là 6,3-6,5%, và không ít chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước
dự báo Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi chỉ còn khoảng
nửa tháng nữa là năm 2016 sẽ khép lại, thì có ngày càng nhiều quan điểm cho
rằng tăng trưởng của Việt Nam sẽ chỉ dừng lại ở con số 6% - thấp hơn mức đã
được điều chỉnh hồi giữa năm. Nhưng nếu như nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh
tế nửa đầu năm sụt giảm nghiêm trọng là do thiên tai và sự cố môi trường, thì
nguyên nhân khiến nó tiếp tục không đạt trong nửa sau của năm có lẽ đang đến từ
sự yếu kém của cơ chế.
Trên thực tế, không phải đến thời điểm tháng 12
thì những dự báo về việc kinh tế Việt Nam trong năm 2016 chỉ đạt khoảng 6% mới
xuất hiện. Ngay từ bản báo cáo hồi đầu tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự
báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 chỉ khoảng 6%, giảm 0,2% so với lần dự báo
trước đó vào tháng 6 (theo The Saigon Times). Lý do được WB đưa ra là ảnh hưởng
tiêu cực từ hạn nặng và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm trong bối cảnh tăng
trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những con số thống kê,
thì có vẻ như khả năng để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn mức 6%
là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt
Nam lần lượt là 5,48% trong quý 1 và 5,78% trong quý 2 (sụt giảm mạnh so với
cùng kỳ 2015 do hạn mặn), mức tăng trưởng hồi phục mạnh trong quý 3 khi lên tới
6,4%, và nếu duy trì được đà tăng này nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được tốc
độ 7% trong quý 4.
Đây là mục tiêu được dự báo có thể đạt được do
những tháng cuối năm luôn là thời điểm bùng nổ tăng trưởng của nền kinh tế Việt
Nam. Theo báo cáo của Chính phủ, nếu tăng trưởng trong quý 4 đạt 7%, thì tăng
trưởng cả năm sẽ đạt mức mục tiêu đề ra là 6,3% (theo CafeF). Còn nếu như tăng
trưởng quý 4 chỉ đạt 6,4% (tương đương quý 3) thì cả năm 2016 chỉ đạt 6%. Nếu
kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2016 như WB và nhiều
chuyên gia đã dự báo, và đồng nghĩa với việc tăng trưởng quý 4 chỉ tương đương
với quý 3 là 6,4%, thì đâu là nguyên nhân?
Các số liệu khá bi quan về tình hình giải ngân
vốn ngân sách nhà nước vừa được Chính phủ công bố có thể là nguyên nhân cho sự
sụt giảm tăng trưởng khá nặng nề này. Theo công điện 2144/CĐ-TTg mà Thủ tướng
Chính phủ gửi các bộ ngành, địa phương yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư
công 2016, thì tính đến hết tháng 11 tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ
đạt 70,2% kế hoạch, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt kết quả rất
thấp – chỉ đạt 46,6% so với kế hoạch năm (theo The Saigon Times), trong khi chỉ
còn chưa đầy 1 tháng nữa là năm 2016 sẽ kết thúc.
Điều đáng nói hơn nữa là Kho bạc Nhà nước đã
hoàn thành sớm kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay (280.794 tỉ
đồng), và việc giải ngân vốn trái phiếu chỉ đạt chưa đầy 50% kế hoạch năm đang
đồng nghĩa với phân nửa số tiền huy động được nằm chết cứng không thể lưu
thông, trong khi phần lớn có kỳ hạn ngắn (5 năm) và áp lực trả nợ rất lớn. Xét
về khía cạnh tài chính, đó là một sự lãng phí khủng khiếp trong bối cảnh gánh
nặng nợ nần đang đè nặng trên vai Việt Nam.
Tốc độ giải ngân vốn ngân sách chậm chạp, là một
trong những nguyên nhân hàng đầu làm sụt giảm tăng trưởng GDP quốc gia. Theo
báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11 chi đầu tư phát triển đạt
173,4 ngàn tỉ đồng, chỉ bằng 68% dự toán năm, trong đó giải ngân vốn đầu tư xây
dựng cơ bản cũng chỉ đạt khoảng 68% dự toán năm mà thôi (theo The Saigon
Times). Chính điều này là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa làm sụt
giảm nghiêm trọng tăng trưởng GDP quý 4 và của nền kinh tế trong cả năm 2016,
buộc Thủ tướng phải ký công điện 2144 thúc giục các bộ ngành và địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này lại đến
từ không gì khác ngoài cơ chế. Trong đó, nguyên nhân chủ đạo được đánh giá là
do những lỗ hổng về pháp luật, mà cụ thể ở đây là Luật Đầu tư công.
Theo đánh giá từ phía Chính phủ, kể từ khi Luật
Đầu tư công chính thức có hiệu lực vào ngày 1.1.2015, thì hệ thống văn bản đi
kèm vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ, dẫn đến việc trì trệ trong quá trình giải ngân.
Dù bộ luật này được xem là một bước tiến trong quá trình nâng cao tính hiệu quả
và minh bạch của đầu tư công, nhưng việc thiếu hệ thống văn bản chính sách đang
làm giảm hiệu quả của luật, tạo ra rất nhiều khoảng trống khiến các bộ ngành và
địa phương trì hoãn việc giải ngân vốn.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng, thì nguyên nhân chính là do các bộ ngành và địa phương chậm giao kế hoạch
vốn của năm 2016 và thủ tục còn rườm rà. Đặc biệt nhiều địa phương còn chưa
thành lập ban quản lý dự án chuyên ngành theo quy định của Nghị định
59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, khiến việc triển khai các dự án
mới bị đình trệ hoặc chậm trễ rất nhiều (theo The Saigon Times).
Dễ dàng nhận ra, nếu như nguyên nhân chủ đạo kéo
lùi tốc độ tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm là do thiên tai hạn mặn và sự cố môi
trường vốn bất khả kháng, thì nguyên nhân chủ đạo kéo lùi tăng trưởng quý cuối
năm lại đến từ chính sự yếu kém về cơ chế của Việt Nam.
Trước hết nó đến từ sự yếu kém về khả năng xây
dựng luật pháp, dẫn đến nhiều lỗ hổng; sau đó nó đến từ chính sự cố tình của
nhiều cơ quan quản lý trọng yếu. Khá nhiều bộ ngành và địa phương gần như không
mặn mà với các chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí trì hoãn một cách cố
tình. Nếu tình trạng này không được cải thiện, thì đừng hy vọng gì về sự thành
công của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Không một kế hoạch cải cách nào,
dù hiệu quả đến đâu, có thể thành công khi được triển khai bởi một cơ chế lạc
hậu và kém hiệu năng.
Nhàn Đàm
Nguồn: Theo Một thế giới mới