14 décembre 2016

Thưa Bộ trưởng Tiến, chúng tôi đã chịu đựng như thế lâu rồi!


 Hiếu Lân
 
Bộ trưởng chứng kiến 4 bệnh nhân "nằm chung" 1 giường. Ảnh: Dân trí.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi lãnh đạo Viện K Trung ương: “Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không?”. Thưa bà! Tôi không biết các ông ấy thế nào chứ những điều như thế này, chúng tôi chịu đựng đã rất lâu rồi đấy ạ!
 
 


Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ trưởng Tiến bức xúc hay nhìn thấy những cảnh như vậy. Bà đã từng chứng kiến bệnh nhân nhí bò dưới giường bệnh ở Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM hai năm trước và nhiều cảnh tương tự những năm gần đây. Tôi cũng nhớ, mới tháng 8.2016, đã từng đọc bài báo tựa đề “Ngành y tế loay hoay giảm tải”. Những bài viết na ná nội dung như thế, hầu như vài tháng lại nổi lên ồn ào. Còn thực tế, không chỉ ở Viện K mà khá nhiều BV cấp trung ương khác hay các BV lớn ở TPHCM như Nhi Đồng 1, Ung bướu TPHCM hay Chợ Rẫy, bệnh nhân không nằm ghép hay 2-3 người chen nhau một giường mới là chuyện lạ.

Từ khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Tiến cùng các cộng sự và cả nhiều lãnh đạo tỉnh thành đầy nhiệt huyết đã quyết tâm giảm tải BV. Nhưng đã qua nhiệm kỳ thứ 2 của mình, bà Tiến vẫn phải bức xúc như trên và tôi cũng chưa thấy có nhiều dấu hiệu hứa hẹn việc ấy sẽ chấm dứt trong vài năm nữa. Cùng với thái độ của y bác sĩ, chi phí chữa trị, cộng giá thuốc cao, người bệnh lại càng “bệnh” thêm vì quá nhiều mối lo cùng sợ.

Có lẽ đổ những lỗi ấy lên chỉ ngành y chưa công bằng. Họ sẽ chẳng làm gì được nếu bệnh nhân vẫn đổ xô lên tuyến trên, BV tuyến dưới vừa thiếu vừa yếu về mọi mặt, và nhất là cán bộ, nhân viên y tế sống được bằng lương không nhiều.

Hơn nữa, ai đó thử đếm xem hàng chục năm qua đã mọc thêm được mấy BV công lớn ở Hà Nội và TPHCM? Ở đâu tôi không biết, chứ TPHCM vẫn chỉ là những BV dang dở. Rất nhiều hô hào sức khỏe là quan trọng nhất nhưng đầu tư vào đó để kiếm lợi nhuận thì dễ chứ vì cộng đồng e khó như “tìm kim đáy biển”. Với thu nhập của đại đa số hiện thời thì tìm đến những BV sang, sạch, đẹp, thân thiện và chữa trị tốt đồng nghĩa với vay mượn, bán tống bán tháo tài sản. Một việc mà người nghèo có muốn cũng không còn gì để làm.

Nhưng nói đi thì phải nói lại. Mới tuần qua, tôi được nghe Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng hỏi rằng, có nên tồn tại cùng lúc cả trung tâm y tế,  y tế dự phòng và cả bệnh viện quận, huyện? Ông Thăng cho biết, mô hình này có thể phù hợp ở các địa phương khác còn ở TP có thể không phù hợp và dễ dẫn tới sự lãng phí. Tôi nhận rõ điều đó khi đến những BV hay trung tâm y tế quận khá to, đẹp nhưng vắng ngắt, đìu hiu. Chỉ một câu chuyện trên cũng cho thấy, không phải cái gì ngành y cũng thiếu. Có điều, những cái thừa ấy đang được dùng không hiệu quả ra sao mà thôi.

Bộ trưởng Tiến đi nhiều, chỉ đạo không ít, còn kết quả ra sao, hồi sau sẽ rõ. Nhưng nhiều nơi, đoàn này đoàn nọ rộn ràng được vài tiếng, thắp lên ít hy vọng rồi đâu lại vào đó. Tôi mong rằng, không chỉ bà Tiến mà nhiều quan chức khác đi nhiều, tìm hiểu nhiều cùng cố lắng nghe tiếng nói thật thà. Và quan trọng hơn, cái gì đã quyết, đã hứa và đã chỉ đạo rồi sẽ thành hiện thực chứ không phải lại theo về như đã từng để lại…

Nguồn: Theo Lao Động