Kết quả biểu
quyết thông qua Luật An ninh mạng hôm 12/6/2018.
|
Quốc hội VN
ngày 12 tháng 6 đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu
tán thành; bất chấp mọi kêu gọi và phản đối dự luật này.
Hãng AFP cho
biết trong số 466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết luật an ninh mạng 2018,
thì có đến 423 người tán thành, 15 người không tán thành và 28 người không biểu
quyết.
Ông Võ Trọng
Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh nói rằng việc đặt trung tâm dữ liệu
tại Việt Nam sẽ làm tăng kinh phí của các nhà cung cấp dịch vụ, nhưng đây là điều
cần thiết nhằm đáp ứng những yêu cầu về an ninh mạng cho VN.
Luật an ninh
mạng đưa ra nhiều quy định từ việc cấm người dùng phát tán tài liệu bị cho là
kích động biểu tình đến các tài liệu bị mà cơ quan chức năng nói là xúc phạm
quốc kỳ hay lãnh đạo, lãnh tụ của VN,… Nếu bài viết vi phạm sẽ bị Google và
Facebook gỡ xuống trong vòng 24 giờ.
Sau khi Quốc
Hội thông qua đến đầu năm 2019 luật sẽ có hiệu lực thi hành.
Trong số 15
đại biểu không tán thành, một số ý kiến nói rằng luật an ninh mạng đi ngược lại
những cam kết quốc tế và có thể sẽ gây ra tình trạng lạm dụng quyền lực.
Đại biểu
Nguyễn Lân Hiếu không đồng tình với điều luật cấm thông tin tuyên truyền chống
Nhà nước hay kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự,…Ông giải thích rằng
có nhiều thứ ranh giới đúng sai rất mong manh, vậy ai sẽ là người quyết định
thông tin đó có vi phạm luật hay không?
Ngay sau khi
luật an ninh mạng được thông qua, dư luận đặc biệt là giới hoạt động dân chủ
cho rằng luật này sẽ thắt chặt tiếng nói phản biện, và vi phạm quyền tự do ngôn
luận của người dân.
Nhà báo độc
lập Võ Văn Tạo nhắc lại những ý kiến về dự thảo Luật An Ninh Mạng cũng như ý
kiến của ông sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua luật này:
“Trước khi
Quốc hội Việt Nam thông qua thì có nhiều tổ chức như là Theo dõi nhân quyền,
rồi Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, đã lên tiếng phản đối, thế mà Việt Nam bất chấp, vẫn
để Quốc hội thông qua, thì tôi nghĩ họ đang làm một việc là bắn vào chân mình.
Thế giới sẽ nhìn với con mắt ghê tởm, có lẽ giống như ông Bắc Triều Tiên thôi.”
Nhiều tổ
chức nhân quyền quốc tế cũng lên tiếng phản đối luật an ninh mạng, cho rằng nó
sẽ cho phép chính phủ VN thêm quyền lực kiểm soát các hoạt động trên mạng của
người dân.
Tổ chức Ân
xá Quốc tế - Amnesty International, có trụ sở tại Luân Đôn, nước Anh ra thông
cáo báo chí phản đối Luật An ninh Mạng mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua ngày
12 tháng 6.
Thông cáo
báo chí dẫn phát biểu của bà Clare Algar, Giám đốc các hoạt động toàn cầu của
Amnesty International, rằng quyết định của chính phủ Hà Nội mang lại những hậu
quả hủy hoại quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam trong thời gian tới. Bà nói
thêm hiện Việt Nam đang ở trong bầu khí đàn áp nặng nề, nên không gian mạng là
nơi tạm ẩn để người ta có thể chia sẻ với nhau những ý kiến và quan điểm, mà ít
sợ phải bị kiểm duyệt bởi cơ quan chức năng.
Bà Clare
Algar thúc giục các công ty kỹ thuật điều phối internet và mạng xã hội không
nên tuân thủ những bắt buộc của Việt Nam mà hãy thách thức chính phủ nước này
về những qui định đó.
Vừa qua
Amnesty International đã viết thư ngỏ gửi đến cấp điều hành chính của các tập
đoàn Apple, Facebook, Google, Microsoft, Samsung để bày tỏ quan ngại về dự luật
An Ninh Mạng mà quốc hội Việt Nam đưa ra bàn thảo.
Được biết là theo đạo luật an ninh mạng vừa mới
được thông qua thì các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội phải
đặt máy chủ ở Việt Nam và phải cung cấp dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho
cơ quan an ninh, bất kể có giấy triệu tập của tòa án hay không.Nguồn: Theo RFA