Tác giả: David Hutt
Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ
Lính hải quân Trung Quốc PLA trên một tàu hải quân ở Biển Đông. Nguồn: Twitter/ Asia Times |
Các nhà
phân tích cho rằng, Trung Quốc chọn VN để khơi chiến trước khi đụng độ
lớn hơn với Hoa Kỳ ở Biển Đông
Nếu những
căng thẳng âm ỉ bùng nổ trở thành cuộc xung đột toàn diện ở
Biển Đông, những phát súng đầu tiên bắn ra có vẻ sẽ là giữa Trung
Quốc và Việt Nam.
Vì tranh
chấp lãnh hải, cả hai đối thủ đã cố thủ suốt nhiều tuần lễ liền ở
Bãi Tư chính, một khu vực biển giàu năng lượng, mà không bên nào chịu
lùi bước. Trong khi Trung Quốc phản đối mọi hoạt động khai thác các
nguồn năng lượng trong vùng biển tranh chấp của đối thủ, cuộc đối
đầu của họ hiện nay với Việt Nam nhằm phục vụ chiến lược nước đôi.
Derek
Grossman, chiến lược gia quốc phòng cao cấp của tập đoàn RAND, một
nhóm chuyên gia tư vấn chính sách có trụ sở tại Washington, đã lập
luận rằng nếu Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công quân sự ở Biển
Đông, rất có thể họ sẽ chọn Việt Nam để giao chiến.
Vào đầu
năm nay, trước khi có sự bất đồng tại Bãi Tư Chính, ông đã viết
“Việt Nam là đối thủ được Trung Quốc chọn để khởi chiến” vì đó là
“quốc gia có sức mạnh trung bình dễ bị đánh bại”.
Mặc dù
cuộc xung đột vẫn chưa xảy ra, Bắc Kinh một lần nữa lại leo thang gây
chiến, áp dụng chính sách “ngoại giao pháo hạm” bằng cách ép buộc
Hà Nội phải chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh
chấp.
Vào tháng
Bảy, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc, cùng với một đội tàu
nhỏ có vũ trang, trong nhiều tuần lễ đã di chuyển gần Bãi Tư Chính,
một khu vực hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giữa tháng
8, dường như sau khi đã quay trở về Trung Quốc, tàu khảo sát lại xuất
hiện ở vùng biển Việt Nam, nơi các công ty năng lượng địa phương và
Nga đang hợp tác khai thác dầu.
Năm ngoái,
một áp lực tương tự từ Trung Quốc đã buộc Hà Nội phải huỷ hợp
đồng thăm dò dầu khí trị giá 200 triệu USD đã ký với công ty năng
lượng Tây Ban Nha Repsol. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần 90% Biển
Đông thông qua cái gọi là bản đồ đường chín đoạn, một giới tuyến
rộng lớn đã bị toà án trọng tài tại The Hague bác bỏ vào tháng
Bảy 2016.
Ngày 3
tháng Chín, chương trình việt ngữ đài BBC cho biết, tàu cần cẩu Lam
Kình đã được tập đoàn dầu khí Trung Quốc chuyển vào vùng biển Việt
Nam, một hành động chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng.
Nếu đây là
sự thật thì Trung Quốc và Việt Nam đang lặp lại tình trạng bất ổn
năm 2014, khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc do nhà nước điều
hành đưa giàn khoan dầu nửa chìm Hải Dương 981 và các tàu đánh cá
dân quân của họ vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền gần
quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc
bị cáo buộc đã di chuyển tàu cẩu Lam Kinh vào lãnh hải Việt Nam khi
Việt Nam và 9 thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
tham gia khai mạc các cuộc tập trận hải quân với Hoa Kỳ tuần này.
Nó cũng
diễn ra chỉ một tháng trước khi chủ tịch nước, kiêm Tổng bí thư đảng
Cộng sản Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ đến Washington trong chuyến
viếng thăm cấp nhà nước, theo đó Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng cấp các
mối quan hệ của họ lên thành đối tác chiến lược.
Năm 1988,
quân đội Trung Quốc và Việt Nam đã giao chiến ở bãi đá Gạc Ma quanh
Biển Đông, một trận chiến đã cướp đi sinh mạng của 64 người lính
Việt Nam. Sự kiện này xảy ra sau cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng
đẫm máu vào năm 1979, nơi hai bên đều mất hàng ngàn binh lính.
Thời thế
đã thay đổi từ khi các cuộc xung đột ngắn ngủi trước đó xảy ra. Quân
đội giải phóng nhân dân (QĐGPND) [Trung Quốc] hiện là một trong những
lực lượng quân đội lớn nhất và được trang bị tốt nhất thế giới. Năm
2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi QĐGPND “thay đổi
toàn diện để trở thành các lực lượng tầm cỡ thế giới” vào năm
2050. Tuy nhiên người ta cho rằng, Bắc Kinh vẫn rất lo lắng trước việc
quân đội chuẩn bị cách nào để đối phó với một cuộc xung đột có quy
mô lớn.
Tập đã
từng nói đến chuyện QĐGPND mắc “bệnh hòa bình” vì họ không ở trong
một tình trạng xung đột thực sự trong nhiều thập niên. Với sự chỉnh
đốn hàng ngũ quan chức cao cấp kể từ cuộc xung đột thực sự cuối
cùng vào năm 1979, hầu hết bọn họ chưa bao giờ tham gia một cuộc
chiến.
Hồi tháng
Hai, Denis Blasko, một quan sát viên nổi tiếng chuyên về quân đội Trung
Quốc, đã tuyên bố rằng tuy đã đầu tư đáng kể vào vũ khí và công
nghệ và cải cách cơ cấu lớn, vẫn còn có “sự hoài nghi về khả năng
của QĐGPND và sự yếu kém trong hệ thống giáo dục và đào tạo của
QĐGPND qua việc chuẩn bị các cấp chỉ huy và sĩ quan tham mưu cho chiến
tranh trong tương lai” .
Ông nói
thêm: “Vì vậy, lãnh đạo quân đội cấp cao của Trung Quốc tỏ ra rất
ít hay không hăng hái điều động QĐGPND ra mặt trận thực sự chống lại
một kẻ thù hiện đại nhưng chọn việc đe dọa và thái độ quyết chiến
do thường dân, dân quân và quân đội phối hợp thực hiện”, để đạt
được các mục tiêu quốc gia.
Tính bất
ổn này là nhân tố của những nước mà Trung Quốc xem là đối thủ thích
hợp. Giao chiến chống lại Ấn Độ ở đồng bằng hay trên dãy Hy Mã Lạp
Sơn, QDGPND cũng rút được chút kinh nghiệm tốt để chuẩn bị cho không
và hải chiến. Xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ vô cùng dữ dội và
gần nhà.
Gây chiến
với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc có thể sẽ kéo theo sự can
thiệp của quân đội Mỹ vì mỗi quốc gia đều có liên minh an ninh với
Hoa Kỳ. Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act) cam kết
Washington sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp quân đội Trung Quốc xâm
lược.
Bắc Kinh “thích
chọn một cuộc xung đột có thể thắng được” và “Việt Nam về cơ
bản không có khả năng hoạt động ngang tầm với Trung Quốc do thiếu
thốn về năng lực, đào tạo và nhân lực”, Grossman lập luận như
vậy.
Một phân
tích ít mang tính học thuật hơn đã tìm hiểu lực lượng Quân Đội Nhân
dân Việt Nam (QĐNDVN) tự đánh giá về vị trí của họ như thế nào. Hà
Nội có khuynh hướng bí mật hơn Bắc Kinh và giới khoa bảng còn kín
đáo hơn nữa. Bộ Quốc phòng đã công bố cuốn sách trắng lần chót
cách đây một thập niên nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập QĐNDVN.
Tuy nhiên,
các nhà phân tích đều đồng ý là Hà Nội ngày càng chú trọng đến
các vấn đề quân sự khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng từng năm.
Hồi tháng
Tư, Businesswire báo cáo rằng, chính phủ Việt Nam đã dành 5,1 tỷ USD
cho chi phí quốc phòng trong ngân sách năm nay, 1/3 trong số tiền đó sẽ
dùng vào việc mua sắm thiết bị quốc phòng. Một số nhà phân tích
ước tính chi tiêu quân sự của Hà Nội có thể tăng lên 7,9 tỷ USD vào
năm 2024.
Cũng có
một số dấu hiệu lo ngại nhất định về sự sẵn sàng ứng chiến của
quân đội – cần phải làm nhiều hơn nữa. Hồi tháng Sáu, tạp chí quốc
phòng quốc gia do Bộ quốc phòng Việt Nam điều hành, đã đăng một tiểu
luận về việc đào tạo quân đội và nguồn nhân lực.
“Việc
đào tạo cấp chỉ huy không đồng đều và mất quân bình; nội dung và
chương trình đào tạo vẫn còn chậm chạp, không kịp cải tiến; cập
nhật kiến thức và công nghệ quân sự mới không cao hơn”, bài tiểu
luận cảnh báo như vậy.
Rõ ràng
là Việt Nam có quân đội yếu hơn nhiều so với Trung Quốc.
Việt Nam
chi khoảng 5 tỷ USD cho quân đội của mình; Trung Quốc chi 220 tỷ USD.
Trung Quốc có số lượng nhân viên tích cực nhiều gấp 5 lần Việt Nam;
số lượng máy bay gấp 10 lần (TQ: 3187 / VN: 318); và số tàu hải quân
gần gấp 11 lần TQ: 714 / VN: 65). Trung Quốc cũng có thiết bị tốt hơn
nhiều. Lực lượng hải quân của QĐGPND có tàu sân bay và khu trục hạm,
những thứ Việt Nam còn thiếu.
Hầu hết
các nhà phê bình cho rằng, với sự bất cân xứng này, chọn lựa chiến
lược duy nhất của Việt Nam là phòng thủ nếu xảy ra xung đột. Tuy
vậy, ở Hà Nội vẫn không có sự đồng thuận về điều này.
Trong một
bài viết cho tạp chí quốc phòng quốc gia xuất bản vào ngày 30 tháng
Tám, bộ trưởng thông tin Nguyễn Mạnh Hùng – cũng là một thiếu tướng
trong QĐNDVN và là cựu chủ tịch Viettel, một tập đoàn thuộc quyền sở
hữu của quân đội – đã viết rằng, “trong tương lai, nếu chiến tranh
xảy đến với đất nước chúng ta, đó sẽ là một cuộc chiến của nhân
dân để bảo vệ một đất nước phát triển chống lại sự xâm lược của
kẻ thù”.
Tuy nhiên,
ông lưu ý rằng “trong những cuộc chiến chống lại tổ tiên chúng ta
trước kia và Đảng của chúng ta sau này, đất nước chúng ta thường
phải đối mặt với những kẻ thù có sức mạnh quân sự vượt trội, nhưng
chúng ta đã coi sự tấn công như tư tưởng thống trị thay vì thụ động
hay phòng thủ thụ động”.
“Suy nghĩ
tấn công”, ông nói tiếp, tạo ra sự đoàn kết trong nhân dân và niềm tin
là họ không đầu hàng dù kẻ thù mạnh đến mức độ nào. Tuy nhiên, ông
cũng sử dụng cụm từ “phòng ngự tích cực” giống như khái niệm phòng
thủ tích cực của Trung Quốc, một thuật ngữ được nhà lãnh đạo Đặng
Tiểu Bình sử dụng trong thập niên 1980, với ý nghĩa phòng thủ chiến
lược nhưng hoạt động tấn công.
Điều này
cho thấy, các quan chức cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam đang nghiêm
túc cân nhắc khả năng chiến tranh và sẽ tiến hành nó như thế nào.
Hẳn không phải ngẫu nhiên mà đảng Cộng sản đã dành khoảng thời gian
trống nhiều hơn cho báo chí viết về năm kỷ niệm cuộc chiến tranh biên
giới Việt – Trung.
Các báo
cáo từ đầu năm cho thấy, Việt Nam đã âm thầm mở rộng lực lượng dân
quân biển và trang bị thêm cho lực lượng bảo vệ bờ biển để chuẩn bị
chiến thuật công kích, thậm chí còn mạnh bạo hơn cả Trung Quốc.
Do thua kém
về quân sự, khả năng răn đe lớn nhất của Việt Nam rất có thể sẽ
thông qua quan hệ với các đối tác quốc tế. Hà Nội đã bận rộn kết
bạn mới. Chẳng hạn như tháng trước Việt Nam đã đồng ý mở rộng quan
hệ quốc phòng với Nam Phi, trong khi thủ tướng Úc Scott Morrison tái
khẳng định sự hợp tác quân sự của họ trong chuyến thăm dự kiến sẽ đến
Hà Nội.
Trong năm
nay, Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận quốc phòng mới với Liên minh
Âu châu và Nhật Bản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là, liệu Hà
Nội có thể giành được nhiều bảo đảm chiến lược hơn từ Hoa Kỳ, kẻ
thù trước kia trên chiến trường.
Do đó, đa
phần tùy thuộc vào chuyến thăm Washington sắp tới của Trọng. Cho đến
khi phần lớn còn dễ dàng – quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tốt hơn
nhiều so với những gì người ta nghĩ – nó sẽ gửi một tín hiệu mạnh
mẽ hơn, cho biết Washington ủng hộ Việt Nam và đóng vai trò răn đe lâu
dài đối với Trung Quốc, nếu hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ chiến
lược.
Gần như
chắc chắn, nó sẽ dừng lại ở một hiệp ước quốc phòng vì các quy
tắc trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam – cái gọi là chính sách “ba
không” – đã cấm họ ký hiệp ước quân sự với các quốc gia khác. Tuy
vậy, một quan hệ đối tác vô điều kiện có thể cho phép các tàu hải
quân Mỹ ghé thăm Việt Nam nhiều hơn – điều mà Washington muốn – và có
lẽ Hà Nội sẽ cam kết mua thêm thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.
Việt Nam
hiện mua 4/5 thiết bị quân sự của mình từ Nga và 1/10 từ Israel. Để
đền bù cho việc Việt Nam mua sắm quốc phòng nhiều hơn, Washington có
thể cho quốc gia này biết rõ là họ có bị trừng phạt hay không,
chiếu theo đạo luật dông dài tên là Countering America’s Adversaries
Through Sanctions Act (CAATSA: Đạo luật chống những kẻ thù của Mỹ thông
qua chế tài) mà Hoa Kỳ áp dụng để trừng phạt các quốc gia mua vũ
khí của Nga.
Việt Nam
tạm thời được miễn trừ CAATSA, như mong muốn của cựu bộ trưởng quốc
phòng James Mattis. Nhưng để được miễn trừ lâu hơn, Hà Nội phải chứng
tỏ họ đang giảm phụ thuộc vào Nga trong việc nhập khẩu quân sự.
Bằng cách
mua thêm thiết bị quân sự của Mỹ, Việt Nam sẽ giảm thặng dư thương mại
đáng kể với Mỹ, điều vốn vẫn làm chính quyền Trump khó chịu.
Washington
chắc chắn cương quyết chống lại các hành động mới nhất của Bắc Kinh
ở Biển Đông, điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là “sự can thiệp cưỡng
bức đối với các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam”. Tháng
trước, bộ ngoại giao cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang cố gắng ngăn
chặn sự tiếp cận với “nguồn tài nguyên hydrocarbon chưa được khai
thác, trị giá khoảng 2,5 tỷ USD” ở Biển Đông.
Đồng thời,
trong một báo cáo vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng,
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô đứng hàng thứ hai trên thế giới
và là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên đứng hàng thứ ba. Hơn nữa, do
phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu, chiếm 67% nhu cầu trong năm 2017, có
thể tăng lên 80% vào năm 2035, tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên
chưa được khai thác ở Biển Đông được nâng lên.
Hoa
Kỳ cần phải chứng tỏ là họ nghiêm túc bảo đảm an ninh cho Việt Nam
đối với Trung Quốc. Hà Nội chắc chắn không quên việc tổng thống Mỹ
Barak Obama từ chối bảo vệ một đồng minh khi Trung Quốc chiếm giữ Bãi
Cạn của Philippines năm 2012. Obama cũng không hề ủng hộ Việt Nam chống
lại vụ tàu Hải Dương 918 năm 2014.
Trump đa
phần cũng tiếp tục đi cùng hướng, đưa ra những tuyên bố nghiêm khắc
nhưng không ủng hộ bằng hành động khi Trung Quốc thành công buộc Việt
Nam phải hủy bỏ các thỏa thuận thăm dò dầu khí vào năm ngoái và
tại các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông năm 2017.
Các cuộc
diễn tập nhằm tạo áp lực của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính và việc
di chuyển tàu cẩu vào vùng biển Việt Nam đang bị lên án, trở thành
nguy hiểm hơn khi các tàu lớn của nước này gia tăng lui tới các cơ sở
nhân tạo của hải quân và không quân mà họ mới phát triển trên biển.
Điều này
có nghĩa là, các tàu không còn cần phải quay về lục địa Trung Quốc
để tiếp thêm nhiên liệu và bảo trì trong cuộc hành trình vào Biển
Đông. Đó cũng có nghĩa là, họ có thể tuần tra gần bờ biển Việt Nam
hơn và trong thời gian lâu hơn.
Tàu Hải
Dương 8 của Trung Quốc hiện đang đối đầu với các tàu của Việt Nam
tại bãi Tư Chính, theo báo cáo, đã đến một căn cứ hải quân mới được
thành lập trên Bãi Chữ Thập để tiếp nhận nguyên liệu trước khi trở
lại tiếp tục tranh chấp.
Nếu cuộc
đối đầu với Việt Nam leo thang thành cuộc xung đột vũ trang, nó có
thể cung cấp cho Trung Quốc một trường hợp thử nghiệm để tiến hành
một cuộc chiến lớn hơn có thể xảy ra ở vùng biển tranh chấp trong
những năm sắp tới.