07 août 2015

Cố lên, Vịt què!

                    
Nguyễn Nguyên Bình
                                                      

      
  Trước đây, khi nghe báo chí Vệt Nam nói đến Tổng thống vịt què nào đó của nước Mỹ, tôi cứ tưởng đó là họ chê trách một ông cụ thể nào, và về việc gì đó… Té ra không phải. Một người bạn từng sống lâu trên đất Mỹ, gần đây đã đính chính cho tôi khỏi sự kém hiểu biết đó.Bạn cho biết, cụm từ “tổng thống vịt què”không dùng chỉ riêng tổng thống nào, cũng không chê trách năng lực phẩm chất của ai cả. “Vịt què” (lam duck) là nói về tình trạng các tổng thống trong một giai đoạn khó khăn mà họ phải trải qua….Tìm hiểu thêm qua báo chí thì được biết: “Vịt què” là một từ lóng ở Mỹ, dùng để chỉ một quan chức (do bầu bán), đang trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, nhất là những người ít có khả năng tái đắc cử. Ở Mỹ, suốt hơn trăm năm qua, “vịt què” dùng để chỉ các chính khách sắp mãn nhiệm, gặp nhiều hạn chế; đặc biệt “vịt què” thường gắn với các nguyên thủ hơn.
 

        Có thể nói, giai đoạn “vịt què” của tổng thống Obama bắt đầu từ sau cuộc bầu cử  giữa nhiệm kì vào cuối năm 2014. Khi đó, ông phải đối phó với nhiều sự phản đối của phe Cộng hòa đã chiếm ưu thế trong cả Thượng viện và Hạ viện; ngay cả trong nội bộ Đảng  của ông, cũng có ý kiến trái chiều trong việc thúc đẩy Quốc hội chuẩn y những thay đổi về xã hội và kinh tế được mong đợi từ lâu ở nước Mỹ. Nhưng, ở giai đoạn vịt què này, ông Obama cũng có thuận lợi: do không còn bận tâm về việc tranh cử, ông được tự do theo đuổi các tư tưởng lớn và bảo vệ di sản của mình. Obama đã thẳng thừng tuyên bố với phe Cộng hòa rằng ông sẵn sàng thỏa hiệp với họ, nhưng đổi lại, ông cũng sẽ kiên quyết có được những gì ông muốn. Trên thực tế, tổng thống Obama, với nhiều nỗ lực, đã tiếp tục gặt hái những thành quả đáng kể về đối nội, đối ngoại. Và thời gian qua, báo chí nước Mỹ (tự do) người ta đã phải thừa nhận: vị tổng thống này là “có sự dũng cảm chính trị.” 

        Ở Việt Nam, chưa có báo chí quan phương nào dám gọi các chính khách sắp mãn nhiệm và không còn khả năng tái cử là “vịt què” như kiểu bên Mỹ. ( Mà thực ra, trước nay các chính khách ở nước ta, dù đi đến cuối nhiệm kì và không còn cơ hội tái cử, cũng đã ai có tư tưởng lớn nào mà được đưa ra tranh biện công khai với Quốc hội hoặc Đảng đối lập đâu, vì vậy chẳng ai phải rơi vào giai đoạn “ vịt què”). 

        Tuy nhiên, nhìn nhận trên một góc độ nào đó, trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, thì ở Việt Nam có thể đã bắt đầu có hiện tượng “chính khách vịt què”. Tại thời điểm này, tại sao không thể nghĩ ông Tổng Trọng cũng đang thể nghiệm giai đoạn vịt què như ông Obama? Chắc chắn, đến Đại hội 12 của Đảng cầm quyền, ông Trọng cũng phải bỏ lại chức Tổng bí thư; và nếu ông thực lòng muốn thực thi những việc ông đã nói, đã làm và đã kí kết trong chuyến đi Mỹ vừa qua (những điều được nhiều người hoan nghênh và thấy ông không hẳn là “Lú”), thì bây giờ ông cũng đang phải đối phó một cách khá vất vả với một số thế lực trong và ngoài nước. Có một điều đáng chú ý nữa là: cách đây mấy năm, bỗng xuất hiện một tin có vẻ lạ trên Blog Hoa Mai (chưa biết chủ blog này là ai) ngày 27- 12- 2012 rằng: “ Vào thời gian Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, ông Trương Tấn Sang đã thúc đẩy ông Nguyễn Phú Trọng đưa vào chương trình nghị sự Hội Nghị Trung ương 2 ( tháng 7- 2011) việc nghiên cứu để chuyển đổi theo hướng dân chủ xã hội. Đây là mô hình phổ biến ở Bắc Âu, được coi là anh em song sinh của CNXH. Hội nghị này cũng đã đồng ý tiến hành nghiên cứu mô hình chuyển đổi của Myanmar, đồng thời cũng không xác định “các thế lực thù địch” như là nguy cơ của chế độ.Vào tháng 10- 2011, tại kì họp thứ nhất của Hội đồng Lý luận trung ương ( nhiệm kì 2011 - 2015), ông Trọng đã có một bài phát biểu về việc nghiên cứu những mô hình đổi mơi. Đó là một bài diễn văn rất tiến bộ, hiếm có của ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó đề cập mô hình dân chủ xã hội. Tuy nhiên, sau Hội nghị Trung ương 2, Trung Quốc đã ra tay phá hoại quyết liệt xu hướng này thông qua bàn tay Nguyễn Tấn Dũng…”

       Tôi muốn tin vào thông tin này quá, chỉ mong chí ít nó cũng chuyển tải được một phần nào là sự thật. ( Nếu có việc đó thì càng phải xét lại cái hỗn danh Trọng Lú). Nhưng tôi lại không muốn tin cái ý rằng Trung Quốc mượn tay ông Nguyễn Tấn Dũng để phá ý tưởng dân chủ hóa đất nước của các ông Sang, Trọng. Tôi nhớ, báo Pháp luật thành phố HCM ngày 10 -4 – 2010 đã loan tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ở Myanmar: “ Với cương vị Chủ tịch ASEAN, tôi chuyển thông điệp tới Chính phủ và Nhân dân Myanmar, mong muốn Myanmar triển khai có hiệu quả lộ trình dân chủ, vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các Đảng phái: qua đó để sớm ổn định và phát triển đất nước”. 

      Ôi, thật xiết bao vui mừng nếu thật lòng các chính khách hàng đầu của đất nước đều có tư tưởng muốn dân chủ hóa đất nước, ai cũng coi việc đó là đúng đắn, là cần thiết. Không ai coi tư tưởng muốn đất nước chuyển đổi sang dân chủ một cách êm thấm như Myanmar là phản động. 

      Người ta có câu “ Tư tưởng lớn thì gặp nhau”. Tiếc rằng, đến lúc này, nhân dân Việt Nam vẫn chưa nhận ra có sự gặp nhau giữa những chính khách cùng mang tư tưởng lớn đó. Có lẽ, giữa họ còn có sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn về địa vị, quyền lực, lợi ích và bản lĩnh chính trị? Hình như họ còn gờm nhau? Hình như họ còn chưa nhận ra được thời điểm này là thích hợp để chuyển đổi tư tưởng thành Nghị quyết, thành Cương lĩnh của Đảng? Có lẽ họ còn đang chịu áp lực rất lớn trong quan hệ với “bạn vàng bốn tốt”? ( Biết chắc chắn rằng ‘bạn’ luôn rỉ tai tai cả 3 ông, khuyên rằng “ Không nên Tây hóa”.Tây hóa nghĩa là thiết lập thể chế dân chủ đa nguyên như phương Tay) 

       Trở lại với câu chuyện về giai đoạn “ vịt què” (nếu có) của Tổng Trọng. Nhiều người nhận xét ông Trọng thiếu bản lĩnh, làm việc gì cũng nửa vời: chống tham nhũng thì bảo “ném chuột sợ vỡ bình”; chống xâm lược thì ngại “ nước bạn có 1,3 tỷ dân, mình có 90 triệu, bằng một tỉnh của họ”(chắc ai cũng đã nghe những lời này là chính miệng ông công khai nói ra trước bàn dân thiên hạ). Cũng đã nghe người tâm phúc của ông nói rằng: sở dĩ ông chưa dám làm trái ý Bạn là vì ông muốn tránh cho nước Việt Nam một cuộc chiến tranh tàn phá!Ông sợ Bạn giận, sẽ đem 1,3 tỷ dân sang trừng phạt? Ông nhìn nhận vấn đề như vậy phải chăng vì đôi mắt sụp mí của ông nó đã hạn chế tầm nhìn? Giá như ông cố mở được to đôi mắt mà “ nhìn bốn phương tám hướng. Trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau. Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu” như lời “thày Tố Hữu” ngày xưa đã dạy, thì hẳn ông sẽ thấy sự tình hoàn toàn không đáng sợ như ông nghĩ. 

      Ông Tổng Trọng nếu muốn giũ bỏ hẳn cái hỗn danh Trọng Lú như dân gian đã đặt, thì trong giai đoạn “ vịt què” này, ông hãy cố bứt phá, cố vận nội công nội lực để có được sự “ dũng cảm chính trị”, như tổng thống Obama đã bảo vệ tư tưởng tiến bộ của mình đi. Tin rằng, một khi ông nỗ lực cất cánh bay lên được, ông sẽ thoát lốt vịt què mà trở thành Đại bàng dũng mãnh. Lúc đó, dù ông không muốn tạo dấu ấn cá nhân (như ông từng nói), thì dấu ấn của ông vẫn sẽ được ghi bằng màu son trong trang sử dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, một khi ông đã bứt phá, tung cánh Đại bàng thì chắc chắn không ít chính khách  cũng đang trong giai đoạn Vịt què sẽ cất cánh theo ông. (được biết, ngay cả trong Bộ chính trị. Trong Trung ương cũng không ít người suy nghĩ như nhân dân mong mỏi. Dám chắc như vậy vì đã nghe nhiều lần chính tờ báo Quân Đội Nhân Dân thừa nhận: trong Đảng đang có “ nguy cơ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhận thức của cán bộ,từ đó dẫn đến những thay đổi đường lối chính sách, chuyển hóa chế độ XHCN Việt Nam sang quỹ đạo khác”). Nếu giờ đây, sự “ tự diễn biến”lại khở đầu từ Tổng bí thư thì ai ngăn chặn được cả một trào lưu “tự diễn biến” trong cán bộ các cấp( kể cả chính khách vịt què lẫn chưa phải vịt què) và trong toàn xã hội.  

      Khi đó, nếu Bạn vàng bên kia biên giới còn đủ dũng khí để “hạch tội” lãnh đạo Việt Nam sao không theo lời khuyên của họ,thì khó gì mà không thể trả lời rằng: “ Thưa các ngài, đó là công việc nội bộ của chúng tôi, không phương hại gì đến lợi ích chính đáng của Trung Quốc.” Còn khi họ bất chấp tất cả mọi lẽ phải trên đời mà đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam, thì cũng không khó để nói với họ rằng: “ Các ngài hãy bình tĩnh mà đếm xem, thế giới này có bao nhiêu nước sẽ lập tức gây khó khăn cho các ngài trong khi các ngài đổ sức vào cuộc chiến “ trừng phạt” Việt Nam? Các ngài thường cậy đông dân, vậy các ngài có bảo đảm huy động cả 1,3 tỷ người ra bắt nạt chúng tôi không? Điều gì sẽ xảy ra sau lưng các ngài?” 

   -----------------------

Chú thích: Chúng tôi có thể cung cấp danh mục tư liệu về hành xử kiểu “mềm nắn rắn buông” của Trung Quốc đối với Myanmar sau khi nước này đã tiến hành dân chủ hóa không theo ý lãnh đạo Trung Quốc. 
 

                                                                                               Nguyễn Nguyên Bình