16 septembre 2015

100% công chức cấp cao là Tiến sĩ thì dân ta đi ăn mày!


 Nguyễn Quang A

Nhìn cái tiêu đề “Có bằng Tiến sĩ mới đột phá tư duy” của bài báo, tôi nghĩ Vietnamnet phịa chuyện giễu chơi cho vui.

Nhưng khi thấy báo trích dẫn nghiêm túc một ông Tiến sĩ, quan chức cấp cao của Sở Nội vụ Hà Nội, thành viên Ban soạn thảo chiến lược cán bộ công chức khối chính quyền thành phố Hà Nội, thì tôi thực sự phát hoảng. Làm gì có sự ngu đần đến thế được? Hay là báo viết bậy, người ta nói một đằng lại viết một nẻo? Nếu thế thì Vietnamnet phải cải chính ngay đi không là gay đấy! Cũng chẳng hiểu báo đã liệt kê hết các chức danh vô cùng quan trọng của ông ấy chưa? Chưa liệt kê hết cũng có thể bị khó dễ khi làm việc với Sở của ông ta đấy! Dưới đây tôi viết với giả thiết những điều báo viết là đúng.


Sau vài phút bàng hoàng, tôi bình tâm lại và thấy chắc Vietnamnet viết đúng. Với cách làm nhân sự của các cơ quan nhà nước từ xưa đến nay thì quá dễ hiểu: không có những điều kì quái mà ông Tiến sĩ ấy nói ra mới là lạ!

Hayek đã phải dành hẳn một chương (chương 10) trong cuốn The Road to Serfdom từ 1944 của ông (Bản dịch của tôi là Con đường dẫn tới chế độ nông nô còn bản dịch mà NXB trí thức mới xuất bản có tựa đề Đường về Nô lệ; tôi nghĩ dùng từ “về” chưa lột hết nghĩa, cảnh nô lệ không đáng “về” và không phải ở quá khứ mà ở ngay trước mắt nếu…) để trả lời cho câu hỏi cũng là tựa đề của chương: “vì sao kẻ tồi nhất leo lên đỉnh”. Có thể tranh luận về các lí giải của Hayek, bạn đọc nên đọc chương đó và tự đưa ra lí giải của mình.

Hãy quay lại ý kiến của ông Tiến sĩ. Theo ông người ta đã tiêu (không rõ bao nhiêu) tiền đóng thuế của dân để tiến hành một “đề tài khoa học”. Đúng là loạn “đề tài khoa học”.

Có một sự lầm lẫn khái niệm ở đây.

Việc của công chức là công việc hành chính, là việc công. Công chức là người được bầu hay được chỉ định để phục vụ, để làm các việc công đó. Việc của công chức không phải là việc “nghiên cứu khoa học”. Nhân dân đóng thuế để nuôi họ làm việc công, không phải để họ nghiên cứu khoa học. Sự lẫn lộn khái niệm dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Phải tuyệt đối cấm công chức dùng thời gian và tiền bạc của Nhà nước để “được đào tạo” thành Tiến sĩ. Người dân đóng thuế nuôi các quan chức không thể để họ xài tiền của mình một cách phí phạm như vậy.

Xã hội chỉ phát triển nếu có sự phân công lao động hữu hiệu (nôm na là ai giỏi việc gì thì làm việc ấy). Vậy cớ chi vẽ ra lắm “đề tài khoa học” để cho các quan trở thành các “nhà nghiên cứu khoa học” hay chỉ để có thêm kinh phí cho các quan “cải thiện”. Nếu đó là công việc thuộc bổn phận của họ phải làm mà lại “vẽ ra” đề tài “nghiên cứu khoa học” thì có thể xem xét liệu có chuyện lạm quyền, tham nhũng hay không. Hãy minh bạch những chuyện đó, dần dần người dân sẽ hiểu, quan chức sẽ hiểu họ phải làm gì và không được làm gì.

Các nhà nghiên cứu khoa học thường làm việc tại các viện nghiên cứu và các trường đại học. Họ không phải là các công chức, họ là các viên chức có thể ăn lương từ ngân sách, họ không thuộc cơ quan công quyền. Cần phải rạch ròi chuyện này. Về cơ bản chỉ các nhà nghiên cứu khoa học thật sự đó mới viết luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Những người khác, các công chức, người dân thường cũng có thể tự do nghiên cứu khoa học và kiếm bằng Tiến sĩ nếu họ muốn, nhưng phải với tư cách cá nhân. Phải tuyệt đối cấm công chức dùng thời gian và tiền bạc của Nhà nước để “được đào tạo” thành Tiến sĩ. Phân công lao động xã hội hiện đại không đòi hỏi họ là nhà nghiên cứu. Nếu họ vẫn muốn, nên để họ thi tuyển vào các viện nghiên cứu và các đại học, nếu họ có khả năng thực sự và được nhận. Nếu các tổ chức nghiên cứu này là các tổ chức nghiên cứu thực sự, tôi tin 99,9% số Tiến sĩ ở các cơ quan công quyền sẽ không được nhận vào làm.

Công chức gương mẫu, mẫn cán, làm tốt công việc của mình được xã hội công nhận và danh tiếng xã hội của họ có thể khác, nhưng cũng có thể chẳng kém gì của các Giáo sư hay Tiến sĩ tử tế. Cái bằng không làm nên con người, danh tiếng của một người chỉ phụ thuộc vào những cống hiến thực sự của họ cho xã hội, dẫu họ có biết đọc biết viết hay không, chứ chẳng nói họ có cái mảnh bằng (thường là rởm) hay không. Sự đánh giá, tuyển dụng, cất nhắc nhân viên không theo công trạng chắc chắn sẽ dẫn đến sự lụn bại của tổ chức sử dụng họ, dẫu đó là một doanh nghiệp, một cơ quan hay Chính phủ.

Lầm lẫn khái niệm, đi biến cơ quan công quyền thành nơi “nghiên cứu khoa học” rởm cũng chẳng khác việc bắt thợ nề làm thợ mộc và cái nhà do họ xây chắc chắn sẽ bị sụp. Và người gánh chịu hậu quả của kiểu “trọng dụng nhân tài” này sẽ là những người đóng thuế, là nhân dân và cả dân tộc. Nếu vẫn lấy mảnh bằng làm thước đo khi tuyển chọn và đánh giá, cất nhắc; nếu chỉ lấy lòng “trung thành” với cái gì đó rất mơ hồ mà thực chất là trung thành với sếp; nếu vẫn làm nhân sự theo cách cũ, thì đất nước sẽ lụn bại. Nếu chỉ cần 15% chứ chưa nói đến 100% công chức chủ chốt có bằng Tiến sĩ thì chắc chắn dân ta đã phải chịu số phận ăn mày. Những người có bằng Tiến sĩ ấy sẽ “đập phá tư duy” đưa chúng ta đến chỗ chết.

Người dân đóng thuế nuôi các quan chức không thể để họ xài tiền của mình một cách phí phạm như vậy. Các Tiến sĩ hãy thi thố trên mặt trận khoa học. Tôi kiến nghị ông Chủ tịch thành phố Hà nội hãy để 56 Tiến sĩ hiện có trong bộ máy công quyền chuyển về các cơ sở nghiên cứu thực sự, nếu họ có năng lực khoa học và các cơ sở đó chịu nhận mà không có sức ép nào, còn nếu không thì nên để họ ra khỏi cơ quan, hãy để họ thử làm các nhà nghiên cứu tự do, tự làm, tự kiếm sống, xem họ có thể sống bằng cái “mảnh bằng Tiến sĩ” của mình hay không.

NQA
 
Nguồn: Theo Gocnhinalan