06 septembre 2015

LAN MAN CHUYỆN NHÀ BÁO ĐỖ HÙNG BỊ THU THẺ NHÀ BÁO


Huỳnh ngọc Chênh

Đỗ Hùng là phó tổng thư ký tòa soạn của tờ Thanh Niên Online (TNO), là tờ báo do tui thừa lệnh khai sinh ra, xây dựng đội ngũ, phát triển và phụ trách suốt một thời gian dài.

Hồi tui phụ trách TNO, Đỗ Hùng vẫn còn làm ở ban thề thao rồi ban quốc tế. Anh là lứa phóng viên trẻ được tuyển vào báo theo con đường chính danh, nghĩa là bằng tài năng của mình chứ không do ai gởi gấm. Vào làm báo một thời gian, anh xuất hiện nổi bật vượt lên trên các phóng viên cùng thời. Nhờ vậy anh nhanh chóng được đề bạt và phân công phụ trách nhiều chức vụ chuyên môn quan trọng trong tòa soạn. Chức vụ cao nhất và cuối cùng của anh là phó tổng thư ký TNO như mọi người biết.


Hồi đó lấy lý do tui bắt đầu già cả không theo kịp thời đại thông tin nên ban biên tập chuyển tui qua phụ trách tờ báo nặng phần ăn chơi giải trí là tờ Thanh Niên Chủ Nhật, để nhường chỗ lại cho một nhà báo trẻ tài năng hơn tui về phụ trách TNO. Cũng kể từ khi đó, xếp hạng của TNO trên trang Alexa cứ tụt dần, từ vị trí thứ ba trong làng báo online VN (theo thứ tự Vnexpress, Vietnamnet, TNO và TTO), tờ TNO tụt dần xuống hạng dưới thứ 40. (hiện nay là thứ 48- Việc tuột hạng quá xa nầy là do nhiều yếu tố khách quan chi phối nữa). Để cứu vãn đà sa sut của TNO, nhiều nhà báo gạo cội và tài năng được tăng cường về, trong đó có Đỗ Hùng.

Nhẽ ra Đỗ Hùng có thể lên chức vụ cao hơn trong TNO, nếu như vào tháng hai 2014 anh không đăng bài báo về Hoàng Sa –Trường Sa hơi mạnh lời. Anh đã bị cảnh cáo nhưng thoát được. Về sự việc nầy hồi đó tui có đăng một stt lên facebook như sau:


Đến một cái chức quèn như phó tổng thư ký tòa soạn của 1 tờ báo bình bình như Thanh Niên, mà có ý chống Tàu trong vụ Hoàng Sa- Trường Sa thì cũng không yên thân với mấy thằng Tàu khựa ở tận Trung Nam Hải. Huống chi mấy sếp có chức cao hơn. Ai có thể yên ghế với thằng Tàu cộng?

Top of Form


Bài báo đó ngay sau đó đã được gỡ bỏ. Thật ra nội dung của nó so với các bài báo hiện nay viết về Hoàng Trường sa thì chẳng ăn thua gì. 

Nhưng từ trước đó, khá lâu, Đỗ Hùng đã bị lọt vào tầm ngắm của an ninh văn hóa và tuyên huấn rồi. Anh có một blog Mit tơ Đỗ khá nổi tiếng. Dù những bài viết trên đó cũng không hề nói gì đến thể chế, đến dân chủ, đến nhân quyền, chỉ tập trung vào vấn đề biển đảo. Anh đau xót trước thực trạng ngư dân bị bắn chết, bị hiếp đáp trên biển. Anh phẫn uất trước sự ngang ngược của bọn Tàu cộng, anh phản đối đường lưỡi bò sai trái của chúng, chỉ vậy thôi. À bên cạnh đó anh cũng là nhà báo nhiệt tình tham gia từ đầu các cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lăng. Sau nầy anh bị nhắc nhở nên thôi không tham gia nữa.

Anh lại có tên trong danh sách 10 nhà báo thuộc khối đoàn TNCS (bao gồm các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Thủ Đô…) hay viết lên mạng bị tuyên huấn và an ninh lưu ý với trung ương đoàn. Báo TN góp vào danh sách nầy 3 người: anh, Nguyễn Thông … Tui không có trong danh sách nầy vì lúc đó đã nghỉ hưu, nhưng thường được mang ra trong các cuộc họp giao ban ở trung ương để nhắc nhở như một tấm gương “xấu” cần phải tránh: “Đừng để anh em làm báo đi vào con đường như Huỳnh Ngọc Chênh”. Ka ka.

Sau lần nhắc nhở đó, hầu hết các nhà báo có blog đều phải đóng blog, Đỗ Hùng và Nguyễn Thông phải đóng blog là vậy. Rồi ai có tài khoản facebook cũng tuyệt đối không được còm like vào các stt nhạy cảm, hạn chế tối đa việc viết stt, nếu có viết thì cũng viết chuyện ăn chơi nhảy múa hoặc đùa nghịch tào lao cho vui thôi.

Đúng là làm báo dưới thể chế nầy cực còn hơn cái gì. Các bạn ấy thấy bao như thứ bức xúc cần lên tiếng, tay chân ngứa ngáyt lắm mà không thể nào viết được. Khổ.  Tức anh ách, giống như đi đại tiện mà không cho tiểu tiện vậy. Nguyễn Thông về hưu rồi thì sung sướng như chim xổ lồng. Đỗ Hùng còn làm việc nên bức bối lắm. Anh không nhịn được nên nhiều lúc cũng lên face phang ra các stt vui vui.

Dịp 2/9 vừa qua, anh cũng vì quá vui mà phang lên một stt  theo kiểu rap rất tếu táo. Thế là anh bị dính quả ngay. Bị cách chức, rồi nghiêm trọng hơn bị thu thẻ nhà báo. Điều đó có nghĩa là anh không còn được phép hành nghề trong hệ thống báo lề đảng nữa.

Cũng có rất nhiều người tuy không bị thu thẻ nhà báo nhưng có lệnh miệng ngầm vĩnh viễn không cho hành nghề báo chí nữa, như tui chẳng hạn.

Nhân chuyện anh Đỗ Hùng, tưởng cũng nên nhắc lại chuyện tui một chút vì từ lâu ni có rất nhiều người thắc mắc khi còn làm báo, tui viết blog đình đám như vậy có bị xử lý chi không?

Tui bắt đầu viết blog từ năm 2009 thời Yahoo 360, dưới cái nick Hồ Ly Tiên nên ít ai để ý lắm. Hầu hết là các bài báo chống Tàu cộng. Không biết tại sao vào nắm 2010 thì phải, Nguyễn Hữu Vinh lại biết các bài báo của tôi, mang lên giới thiệu trên trang Ba Sàm lừng lẫy của anh, thế là tui được mọi người biết đến. Cũng thời gian đó, tui chuyển từ Yahoo qua blogspot với tên thật . Và cũng bắt đầu từ đó, AN văn hóa thường xuyên qua “hành hạ” anh em trong ban biên tập về các bài viết của tui. Mỗi tuần qua làm việc một lần thì phải.

Anh em trong ban biên tập cũng khổ sở với tui lắm, nhưng tôn trọng tui nên không hề gây áp lực gì với tui về chuyện phải đóng blog. Các bạn đó chỉ khuyên tui nên viết nhẹ nhàng và khéo léo hơn, đồng thời cũng ra lệnh miệng cho anh em trong báo không được vào đọc blog tui và tuyệt đối cấm vào còm. He he.

Cuối năm 2011, có thời gian tui tự đóng blog, đó là tự tui đóng theo yêu cầu của con gái út của tui chứ không phải theo yêu cầu anh em trong ban biên tập. Hồi đó cháu còn quá bé, suốt ngày nghe các cô chú bạn mẹ hăm dọa tui sắp bị bắt nên đã mất ăn mất ngủ khóc lóc năn nỉ tui ngưng viết. Tui lo cho sức khỏe và việc học hành của cháu nên phải đóng blog lại cho cháu yên tâm. Sau đó tìm cách thuyết phục cho cháu quen dần, bớt sợ hãi, tui mới mở blog trở lại.

Tui mở lại và viết hăng quá, từ vấn đề biển Đông, tui lấn dần sang các vấn đề bất đồng chính kiến, vấn đề thể chế chính trị, tù nhân lương tâm, dân oan…

Ban biên tập cũng bắt đầu bị áp lực nặng nề từ phía trên. Thế là tui bị xử lý.

Tui không hề bị một quyết định công khai nào về việc cách chức, không hề bị thu thẻ nhà báo, tui vẫn tiếp tục nhận mức lương và các khoàn tiền trách nhiệm khá cao, nhưng tôi không phải làm chi hết. Tui nhận một cái lệnh miệng vào giữa năm 2011, anh không phải phụ trách tờ TNCN nữa, giao công việc ấy lại cho thư ký tòa soạn khác, cứ ngồi chơi và lãnh lương cho đến khi về hưu vào giữ năm 2012. OK, tui vui vẻ chấp nhận ngay.

Tui không bị xử lý công khai vì thời đó chưa có quy định về việc cấm phóng viên viết blog, các bài viết của tui lại rất nghiêm túc, lập luận chặt chẽ, nói lên sự thật rất khó có gì để bắt bẻ. Thêm vào đó, tui là nhà báo đầu tiên còn đương chức mà dám viết blog phản biện lại đường lối chủ trương cũng như bày tỏ sự bất đồng chính kiến nên các cơ quan chủ quản đã lúng túng chưa biết xử lý làm sao. (trước tôi cũng có vài nhà báo đương chức viết blog, nhưng hầu hết đều không dám phản biện đường lối cũng những bày tỏ sự bất đồng chính kiến). Hơn nữa tui cũng gần đến ngày về hưu nên người ta cũng không muốn gây ra ồn ào.

Đến hiện nay tui vẫn còn giữ thẻ nhà báo có giá trị cho đến hết năm 2016, thỉnh thoảng tui vẫn mang ra hù dọa các anh csgt mỗi khi bị huýt còi, he he. Bởi vậy có khi thiên hạ nghi tui là tc 2 hay an cũng có lý.

Cái nền báo chí của VN hiện nay là vậy. Tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ. Kiểm sóat từ cái đầu của phóng viên lên đến ban biên tập. Nhân chuyện anh Đỗ Hùng bị xử lý, nhiều bạn bức xúc lên mạng viết chửi bới ban biên tập báo Thanh Niên là thế nầy thế nọ, tội nghiệp anh em ấy, không xử lý nhân viên của mình, thì chính mình bị xử lý. He he.
 
Huỳnh Ngọc Chênh