17 juin 2018

BIỂU TÌNH, BẠO ĐỘNG: Kẻ nào là thủ phạm ?


Phan Tất: "Giá như không có những toan tính về câu chuyện “Luật đặc khu”, chắc chắn không có biểu tình, bạo loạn. Vậy ai là thủ phạm về việc này? Ai đã nghĩ ra những chữ nghĩa xảo ngôn, mập mờ như thay vì nói: “ công dân nước bạn Trung Quốc” thì lại dài dòng rằng: “công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại Quảng Ninh...” (mục 4, điều 55 của dự luật). Làm luật Nước là lấy Văn trị Quốc. “Tại sao lại như vậy? Tại sao phải vòng vo, lươn lẹo chữ nghĩa nếu thâm tâm mình trong sáng ?” Những “Thần áo mũ” này phải được xem xét lại, nếu cần nên loại bỏ!"



Vừa rồi việc Quốc Hội chuẩn bị thông qua “Luật đặc khu’ đã làm nẩy sinh bao điều bức xúc. Chưa bao giờ một dự luật của Quốc hội lại được dư luận các giới trong xã hội quan tâm đến vậy, vì nó liên quan đến sự phát triển của đất nước, đến vận mệnh dân tộc, sự an nguy của Quốc gia.

Làm thế nào đề Việt Nam vươn lên, phát triển ngang tầm với các nước tiên tiến là khát vọng của cả dân tộc, của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Điều ấy thật đáng trân trọng, khuyến khích, hoan nghênh.

Qua theo dõi phát biểu tại Quốc hội và ý kiến của nhiều Nhân sỹ trí thức, các nhà khoa học và đông đảo nhân dân, thấy rằng đây là vấn đề hệ trọng, nhưng chưa được đồng thuận. Chúng ta đã có nhiều bài học về hệ lụy của một số chủ trương thiếu cân nhắc, chủ quan, không lắng nghe ý kiến nhân dân dẫn đến hậu quả tai hại cho đất nước... Ba địa điểm được chọn làm đặc khu đều là những vị trí hiểm yếu, nếu trao quyền sở hữu cho nước ngoài dù 90 năm, 70 năm hay 30 năm đều khiến lòng dân bất an, lo ngại, hoang mang !

Trong tình trạng đất nước hiện tại, phản đối của nhân dân là sự thật mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, cảnh tỉnh. Biểu tình đã nổ ra nhiều nơi trong cả nước: Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Nghệ An...
Ngày nay, những đất nước văn minh, dân chủ đều có luật biểu tình. “Một quốc gia văn minh và hùng mạnh khi mỗi người dân đều có ý thức và trách nhiệm trước vận mệnh chung. Qua việc bày tỏ chính kiến của người dân, nhà cầm quyền có thể thấy được chính sách nào được dân chúng ủng hộ, chính sách nào bị phản đối và lý do mà họ phản đối. Trên cơ sở đó, để có thể điều chỉnh chính sách cho hợp lý hơn với nguyện vọng của dân chúng”. Đó cũng là kế sách trị nước muôn đời của ông cha ta: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” (Nguyễn Trãi).

Thật đáng tiếc trước sự việc trên, một bộ phận không nhỏ của chính quyền đã lúng túng, né tránh, rồi hướng dư luận vào lực lượng thù địch, coi nhân dân là thiếu nhận thức, bị xúi dục, “lòng yêu nước đặt không đúng chỗ”...
Những cuộc biểu tình khá lớn, có sự quá khích như phá hoại tài sản công, gây bạo động, rối loạn trật tự xã hội, ngưng trệ công việc, nhiều người bị xô xát, bị bắt, phải vào vòng lao lý... gây ra bao thiệt hại cho Dân, cho Nước. Điều mất mát lớn nhất là làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Giá như không có những toan tính về câu chuyện “Luật đặc khu”, chắc chắn không có biểu tình, bạo loạn. Vậy ai là thủ phạm về việc này? Ai đã nghĩ ra những chữ nghĩa xảo ngôn, mập mờ như thay vì nói: “ công dân nước bạn Trung Quốc” thì lại dài dòng rằng: “công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại Quảng Ninh...” (mục 4, điều 55 của dự luật). Làm luật Nước là lấy Văn trị Quốc. “Tại sao lại như vậy? Tại sao phải vòng vo, lươn lẹo chữ nghĩa nếu thâm tâm mình trong sáng ?” Những “Thần áo mũ” này phải được xem xét lại, nếu cần nên loại bỏ !
Thiết nghĩ đã đến lúc Đảng, Nhà nước, Quốc Hội cần nhìn nhận lại nguyên nhân gây ra sự bất an vừa qua. Kẻ nào là thủ phạm ?! Quyết không có vùng cấm cho những kẻ đã làm thiệt hại đến Dân, đến Nước.

16/6/2018
https://www.facebook.com/tat.phan/posts/1876984039019732