Hà Văn Thịnh
Căn biệt thự lấn chiếm đất công mà gia đình ông Hà Hoà Bình - Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đang sinh sống. (Ảnh: NLĐ). |
Tháng Chạp là tháng đủ đầy sau cùng của một năm sắp… nghỉ hưu, nếu thời gian cũng có chế độ… hưu trí. Chữ ‘hưu’ trong cái chiết tự cổ xưa bao giờ cũng có bộ mộc, hàm nghĩa về hưu rồi thì an nhàn, về vui với cảnh, cây, vườn tược. Cái nghĩa ẩn là bộ mộc cũng phán xét cái sự gần đất xa trời, tìm đến với ‘mộc’ để về cùng tiên tổ.
Qua chuyện của 3 nguyên: nguyên Tổng Thanh tra, nguyên Chủ tịch
UBND thành phố Hà Nội và nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc thì câu người xưa
nói mua danh ba vạn, bán danh ba đồng, chắc chẳng còn đúng nữa. Thời nay phải
nói mua danh ba vạn bán danh ba thước đất thì e là chính xác hơn.
Cả ba vị đều chây ì, kệch cỡm, lố lăng liên quan đến chuyện
đất đai, nhà cửa. Có cái sự vỡ tan vỡ tành của danh tiếng kéo dài nhiều năm như
ông Hoàng Văn Nghiên là 8 năm không chịu trả nhà công vụ, ông Trần Văn Truyền 4
năm, không trả trong khi có vô số nhà và, cũng có cả cái chuyện mới về hưu ngày
1.11.2014 đã, chỉ trong vòng mấy tuần, ông nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc -
Hà Hòa Bình, chiếm liền 400m2 đất công để bao luôn vào tường rào nhà mình.
Tất cả ba ông nguyên đều phạm vào cái lỗi sai rành rành, chỉ
nhìn qua là biết, vậy tại sao cả ba, trước khi bị dư luận chỉ trích tơi bời mới
hơi hơi hơi chịu hiểu?
Chợt nhớ mấy câu thơ tự trào của một ‘nguyên’ đáng để trân
trọng khi tự từ chức và làm thơ tự vui với điều thanh sạch: Có một ngày/ Rời bỏ
cảnh cây, đi về đất bãi/ Đất cằn hơn mà bãi rộng hơn/ Có một ngày/ Không sung
sướng cũng không ngần ngại/ Đi vào ngã rẽ của đời/ Nhọc nhằn hơn mà thanh thản
hơn…
Cái khác nhau của hai cách nghĩ, hai cách sống thực ra giản
dị lắm: Ba ông ‘nguyên’ cứ nghĩ rằng quyền lực trùm trời vẫn còn đó nhờ những
cái chân rết nào đó nên mặc sức tham, sai, chẳng lo bị trừng phạt đến nỗi ê chề.
Cái tư duy này thực ra không chỉ có ở ba ông mà còn có ở nhiều vị khác. Những
người đó, tạm gọi là các nguyên không còn nguyên, đặt lòng tự trọng, khả năng
‘biết’ xấu hổ ở cái thang bậc cuối cùng của nhận thức, đánh giá sự hiểu biết của
xã hội và dư luận thời @ không to hơn cái cọng rau má nên các vị ấy tự cho mình
cái quyền ưa chi được nấy, thích chi làm nấy.
Cái thói ăn trên ngồi trốc, cậy quyền cậy thế theo những cái
cách trời không thể ưa, người không thể chịu ấy thật là nguy hiểm. Nó làm cho
niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ bị xói mòn; nó tạo ra “tấm gương” tày
liếp vỡ, rạn nghìn mảnh để cho bất cứ ông quan hậu sinh nào soi vào cũng phải
rùng mình; nó cho ta thấy cái sức mạnh đáng sợ của kim tiền, tài sản, của chìm
của nổi vượt qua mọi rào cản, xếp xó mọi thứ bậc, vô hiệu hóa một cách tàn nhẫn
hai từ đạo đức…
Rồi ông Hoàng Văn Nghiên nhất định sẽ bị thu hồi căn nhà chiếm
dụng trái phép; ông Trần Văn Truyền thì vừa “xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân”;
còn ông Hà Hòa Bình đã đập tường sau khi xây vừa xong, vôi vữa chưa kịp… khô.
Thế nhưng, bài học của ba nguyên không còn nguyên thì vẫn y
nguyên: Một khi lòng tự trọng không còn nguyên nữa, cần phải có một chế độ rạch
ròi, dứt khoát để mọi sự dây dưa không còn đất sống, chính quyền không việc gì
phải đòi; cần phải có một biện pháp chế tài, trừng phạt nghiêm khắc để mọi sự tạo
ra ‘dấu hiệu’ phạm pháp của ông Trần Văn Truyền không còn đất sống và rất cần
phạt nặng để làm gương cái hành vi lấn chiếm trắng trợn đất công của ông Hà Hòa
Bình. Có như thế lòng dân mới yên, xã hội mới lành mạnh, sáng trong…
Hà Văn Thịnh