Vụ
Việt Nam bắt giữ chủ trang blog Quê Choa Nguyễn Quang Lập, blogger thứ nhì
trong chưa đầy 2 tuần lễ, cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch trấn át
giới bất đồng chính kiến, theo các hãng tin quốc tế.
Hãng
tin AP hôm 7 tháng 12 nói rằng mạng internet là phương tiện duy nhất để những
người bất đồng nói lên quan điểm của mình, bởi vì ở Việt Nam truyền thông hoàn
toàn do nhà nước kiểm soát.
Hôm
29/11 một blogger khác ở TP. HCM, chủ trang blog Người Lót Gạch, Giáo sư Hồng
Lê Thọ, một Việt kiều có quốc tịch Nhật, cũng bị cơ quan an ninh điều tra bắt
giữ theo điều 258 Bộ luật Hình sự, cùng điều luật được sử dụng trong việc bắt giữ
nhà văn, blogger Nguyễn quang Lập, người thường được bạn bè gọi là Bọ Lập.
Chiến
dịch đàn áp giới blogger có dấu hiệu leo thang trong thời gian gần đây. Một
trong những thành viên sáng lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN), blogger Mẹ
Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị công an xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang chặn bắt
vào sáng hôm qua, 7 tháng 12, cùng với một nhóm 6 người khác.
Cô
Như Quỳnh cho biết nhóm của cô bị bắt tại một quán ăn, sau khi cô chụp một tấm
ảnh với một bảng hiệu ủng hộ nhân quyền trong một sinh hoạt cùng tham gia với
Đại sứ Quán Đức để đánh dấu Ngày Quốc tế Nhân Quyền 10 tháng 12 sắp tới.
Nói
chuyện với Ban Việt ngữ sáng hôm nay, cô Như Quỳnh giải thích:
“Cái
hình này là tôi thực hiện để tham gia với Đại sứ quán Đức ủng hộ Ngày Quốc tế
Nhân quyền. Những người tham gia thử thách này sẽ chụp hình của mình cùng với
thông điệp là tôi ủng hộ nhân quyền vì một lý do cá nhân nào đó, rồi đưa lên
trang của mình, cùng kêu gọi những người khác tham gia Ngày Quốc tế Nhân quyền
sắp tới. Tôi thì không muốn chụp trong nhà, mà tôi muốn chụp trong một đám đông
bởi vì tôi nghĩ đây là một ý kiến hết sức bình thường. Câu của tôi là “Tôi ủng
hộ nhân quyền bởi vì nếu không có nhân quyền thì tự do và dân chủ không tồn
tại.””
Blogger
Mẹ Nấm cho biết cô chụp tấm ảnh này trước một ngôi chợ, và sau khi chụp xong,
cô và nhóm bạn kéo nhau tới một quán ăn của một người bạn để ăn sáng, thì nhóm
6 người bị bắt. Cô Như Quỳnh kể tiếp:
“Rất
đông công an ập vào quán, và yêu cầu chúng tôi phải về công an xã Vĩnh Thạnh để
làm việc. Họ không giải thích lý do gì cả, cứ thế họ tịch thu giữ một số vật
dụng cá nhân rồi đưa tất cả chúng tôi về công an xã làm việc, rồi sau đó đưa về
công an thành phố Nha Trang, giữ ở đó đến 4 giờ chiều mới thả về.”
Tại
trụ sở công an Nha Trang, cô Như Quỳnh cho biết các nhân viên tự lập biên bản
và ký vào đó vì nhóm người không ai chịu ký tên vào tờ báo cáo của cảnh sát. Cô
Như Quỳnh cho biết công an cáo buộc nhóm người là tập trung chụp hình trong
quán cà phê, “có nội dung bất minh” và do đó được mời về công an xã làm việc.
Được
hỏi trong tình hình hai chủ blog nổi tiếng vừa bị bắt giữ, blog Người Lót Gạch
(29 tháng 11), và blog Quê Choa, Mạng Lưới Blogger sẽ phản ứng ra sao, và có kế
hoạch gì để tự bảo vệ? Blogger Mẹ Nấm nói:
“Trong
tình hình này, MLBVN nghĩ rằng cần phải có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Sắp tới
mạng lưới sẽ công bố để tất cả cùng hưởng ứng và phản đối điều 258 của Bộ Luật
Hình sự, đã vi phạm cái quyền tự do ngôn luận.” Về phản ứng của các bloggers
khác, cô Như Quỳnh nói cá nhân cô nhận thấy các bloggers khác không thấy sợ
hãi, mà chỉ quyết tâm hơn trong nỗ lực vận động để được quyền tự do bày tỏ ý
kiến.
Thời
gian gần đây, Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh liên tục bị sách nhiễu,
chặn bắt giữa đường, và đôi lúc bị tịch thu giấy tờ tuỳ thân hay vật dụng cá
nhân như điện thoại…
Trong
tháng 11, cô đã nhiều lần bị cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa triệu tập
làm việc về các phát biểu và bài viết trên blog và trang Facebook của cô.
Ngày
blogger Bọ Lập bị bắt, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu viết trên facebook cá nhân
của ông: “Thương Bọ Lập quá. Theo cái đà này, chắc phải chịu khó viết blog.”
Trong
một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ -VOA, ông Benjamin Ismail, Giám đốc
phụ trách Ban Á Châu -Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Ký giả Không Biên giới
(RSF) nói về xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ bloggers ở Việt Nam.
Ông
Benjamin Isrmail nói nếu Việt Nam muốn chứng tỏ mình thành thật khi ký kết các
công ước quốc tế và cam kết tôn trọng nhân quyền thì Việt Nam phải ngưng các
hành động sách nhiễu và bắt bớ các blogger.
Ông
Benjamin Ismail nói xu hướng đàn áp giới bất đồng của Hà Nội đã bắt đầu từ khi
ông Nguyễn Phú Trọng lên lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trọng được bầu
làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam thứ
XI vào ngày 19 tháng 1 năm 2011. Theo ông Ismail, dưới quyền lãnh đạo của ông
Trọng, số nhà báo và blogger tự do bị bắt không ngừng gia tăng.