14 mai 2016

Một con đường, một vành đai” – Chiến lược nước lớn và cái bẫy hội nhập



H1
TPP – Hội nhập châu Á – Thái Bình Dương. Nguồn: internet
Tôi có được đọc bài viết “Việt Nam không thể đứng ngoài sân chơi Một vành đai, một con đường” đăng ngày 10/05/2016, dẫn lời hai chuyên gia là Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành của viện nghiên cứu Verp và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, giám đốc chương trình giảng dạy Fullbright. (*) Một kiến nghị về chính sách của Việt Nam với chiến lược địa chính trị của các nước lớn là điều rất bình thường, nhưng trước thềm chuyến thăm của ông Obama sang Việt Nam, mà chắc chắn một nội dung trọng yếu sẽ được đem ra bàn là các biện pháp thúc đẩy thực thi một chiến lược khác là TPP, do Mỹ làm trung tâm khiến tôi buộc phải xem xét kỹ vấn đề và từ đó thấy rằng phải đưa ra một góc nhìn khác.

Ý kiến của tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho rằng Việt Nam phải tham gia cuộc chơi do TQ khởi xướng, bằng cách kết nối hạ tầng với khu vực nếu không sẽ bị đứng ngoài lề và trở thành vệ tinh của TQ. Ông Thành cũng đặt vấn đề về nguồn vốn cần cho kế hoạch này và câu hỏi cần lấy ở đâu. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành cũng đưa ra quan điểm tương tự, tuy nhiên, đi sâu hơn khi đặt ra các vấn đề xoay quanh việc kết nối trung gian với các nền kinh tế Thái Lan, Campuchia… Tuy nhiên cả hai ông đều không nhắc gì đến nội dung quan trọng nhất: Lợi ích kinh tế và thương mại của Việt Nam sẽ là gì, kể cả khi vay nợ được để tiến hành các khoản đầu tư hạ tầng tốn kém này, và mất bao nhiêu năm mới hoàn được vốn? Chiến lược này sẽ giúp thương mại xuất khẩu của Việt Nam tăng được thêm bao nhiêu?
Khi phân tích chính sách mà không đánh giá về lợi ích, thì sẽ là thiếu sót quá lớn, thậm chí khiến những đề xuất trở thành sai lầm.
Hiệp định đối tác xuyên thái bình dương TPP và chiến lược Một vành đai, một con đường là hai luật chơi thương mại khác hẳn nhau về bản chất, do hai cường quốc mạnh nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc khởi xướng. Mỗi nước đang cố gắng thu hút càng nhiều càng tốt các nước khác tham gia chiến lược thương mại của mình, qua đó áp đặt ảnh hưởng toàn cầu. Với một số nước ở rất xa, ví dụ EU, có thể họ đánh giá cả hai chiến lược này đều có ảnh hưởng tương tự nhau đối với nền kinh tế toàn khối. Nhưng với những nước như Việt Nam, tác động của TPP và chiến lược Một vành đai, một con đường là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
TPP nhắm nhiều vào và tạo cơ hội cho việc thúc đẩy thương mại của tất cả các nước thành viên. Muc tiêu chính của nó là gia tăng thương mại giữa các nước thành viên qua việc đề cao xuất xứ hàng hoá, giảm thuế nội khối và do đó gạt dần các nước không tham gia TPP ra khỏi thị trường nội địa của các nước TPP. Với sự hiện diện của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất, quan trọng nhất thế giới và của Nhật, một siêu cường kinh tế, khiến TPP trở nên rất quan trọng. Một tác động của TPP mà dù không nói rõ nhưng ai cũng hiểu, là các ngành hàng xuất khẩu của nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, sẽ bị gạt dần ra khỏi nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới là Mỹ bằng các sắc thuế, vì TQ không có khả năng tham gia TPP trong tương lai gần. Do đó, sẽ để lại khoảng trống thị trường cho nhiều nước thành viên TPP khác. Khoảng trống này rất lớn, ví dụ chỉ một ngành hàng dệt may khi TQ bị gạt dần khỏi Mỹ, đã có khả năng giúp khoảng 5 nước có quy mô tương tự ngành dệt may hiện tại của Việt Nam chiếm lĩnh, vì thế Việt Nam được cho là một nước hưởng lợi lớn từ TPP. Đây là cơ hội, còn đạt được lợi ích thế nào thì phụ thuộc vào sự chuẩn bị của Việt Nam. Tôi buộc phải nói rằng cả chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm được gì nhiều để đón TPP 2018. Do đó, tôi nhấn mạnh rằng Trọng tâm chính sách và đầu tư của chính phủ Việt Nam trong hai năm tới phải tập trung vào việc chuẩn bị đón lấy các cơ hội mà TPP mang lại.
Trong khi đó, chiến lược Một vành đai, Một con đường để kết nối đường dây kinh tế Á Âu của TQ hoàn toàn khác. Nó không giúp những nước giống Việt Nam tăng được gì từ thương mại hay nền sản xuất nội địa, mà chỉ thúc đẩy việc tạo ra một chuỗi hệ thống cơ sở hạ tầng, để phục vụ hàng hoá Trung Quốc tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường chính ở châu Âu và khu vực Trung Á. Mục đích của chiến lược này mang tính địa chính trị sâu sắc với Trung Quốc. Thứ nhất, nó giúp dòng thương mại của TQ ra thế giới bớt lệ thuộc vào cái cổ chai Mallaca khi có nhiều tuyến đường khác để đi, đồng thời giúp TQ gia tăng ảnh hưởng sâu vào khu vực Trung Á. Thứ hai, thông qua việc cho vay các khoản đầu tư hạ tầng, Trung Quốc sẽ thành chủ nợ lớn của các nước nghèo nằm trên tuyến đường này như Việt Nam, trong khi hạ tầng được tạo ra sẽ chủ yếu để phục vụ cho dòng hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc. Các nước ven tuyến đường này khó thu thêm được gì ngoài phí trung chuyển hàng hoá, đồng thời hạ tầng phát triển khiến hàng hoá Trung Quốc dễ chèn ép chính nền sản xuất các nước này do chi phí vận tải hàng từ TQ sẽ giảm xuống.
Do mọi phân tích đều mang tính định tính mà thiếu số liệu, vì mọi dữ kiện đều ở thì tương lai, nhưng dựa trên những đặc điểm hiện tại của Việt Nam, về năng lực sản xuất nội địa, chỉ số cạnh tranh và quy mô nền kinh tế, tôi có thể nhận định nhanh như sau:
(1) Là quốc gia có đường biển kéo dài, và mọi khu vực nội địa đều thông với các cảng biển với khoảng cách ngắn, kinh tế Việt Nam vẫn phải lấy hướng biển là hướng thương mại quan trọng nhất.
(2) Ngoài Trung Quốc, hai nước giáp biên giới đất liền với Việt Nam là Lào và Campuchia đều là những thị trường nhỏ bé. Hàng hoá Việt Nam xuất đi tất cả các nước khác theo đường biển vẫn là đường có chi phí vận tải nhỏ nhất, trong khi vận tải đường bộ chi phí rất lớn, khi khoảng cách trên 500 km tính từ biên giới Việt Nam. Từ ý nghĩa đó, việc đầu tư hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia quá tốn kém mà hiệu quả thúc đẩy thương mại và sản xuất nội địa không đáng là bao.
(3) Năng lực hệ thống cảng biển hiện nay của Việt Nam chua được khai thác hết với quy mô của nền kinh tế hiện tại. Còn nếu đầu tư ồ ạt cảng biển để thu phí trung chuyển hàng hoá thì phải tính toán rất kỹ vì khoản phí trung chuyển không đáng là bao so với quy mô vốn phải bỏ ra, nhất là trong bối cảnh nợ công Việt Nam đã rất lớn. Nếu đầu tư cảng biển để xuất hàng thu phí trung chuyển cho Trung Quốc thì đó mới thực sự là Việt Nam mắc kẹt nợ nần và biến thành nền kinh tế phái sinh của Trung Quốc.
Vì thế, yếu tố trọng yếu nhất không phải ở chỗ Việt Nam có tham gia hay không chiến lược Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, mà là phải trả lời ba câu hỏi sau:
(1) Chiến lược này của Trung Quốc có giúp gì cho hàng hoá Việt Nam ra thế giới hơn hiện nay? Và mức độ ảnh hưởng sẽ ra sao với sản xuất nội địa khi hạ tầng kết nối với Trung Quốc phát triển giúp hàng hoá Trung Quốc vào sâu Việt Nam dễ hơn, rẻ hơn?
(2) Vốn đầu tư cho hạ tầng kết nối đường bộ với TQ, Lào, Campuchia và các cảng biển để phục vụ hàng hoá TQ trung chuyển sẽ lấy từ đâu? Vay Trung Quốc? Vay ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á do TQ sáng lập? Hay vay các nước khác?Lợi ích tăng thêm ra sao, thuế, phí tăng thêm được bao nhiêu? Bao nhiêu năm mới hoàn vốn đầu tư. Vay nợ thêm những khoản khổng lồ có ảnh hưởng gì đến khả năng vỡ nợ của Việt Nam khi nợ công đã chạm giới hạn chi trả của ngân sách hiện tại?
(3)Trong bối cảnh các nguồn lực của Việt Nam có hạn, tập trung cho cái này sẽ phải giảm bớt cái khác. Nếu Việt Nam dành các nguồn lực hạn chế của mình để tham gia chiến lược của TQ thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tập trung nguồn lực chuẩn bị cho TPP?
Từ những góc độ trên, tôi cho rằng ý kiến của tiến sỹ Nguyễn Đức Thành và tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành có phần vội vàng, nếu không muốn nói là thiếu cơ sở. Tôi không nghĩ rằng một nước với nguồn lực hạn chế và vị trí đặc thù như Việt Nam mà cứ phải tham gia mọi cuộc chơi do các nước lớn đưa ra vì nỗi ám ảnh bị cô lập hay gạt ra bên lề là một nỗi sợ có tính thổi phồng. Ngược lại, việc tham gia cái gì và vào thời điểm nào phải dựa trên những đánh giá được mất rõ ràng, vì nguồn lực của Việt Nam chỉ có thế và vị trí thì vẫn ở đó và không di chuyển đi đâu khác được.
Hội nhập có thể xấu, có thể tốt, quan trọng là nó mang lại cái gì.
____
Lưu ý: Bài viết này được tác giả giữ bản quyền và đồng ý chia sẻ tự do, với điều kiện dẫn tên tác giả và đường link đến trang facebook này.