TP - Trong lúc cá chết
trắng bờ biển miền Trung chưa có dấu hiệu dừng lại, thì chim trời cũng dần thưa
thớt và mất bóng hẳn dọc các làng chài ven biển trong mấy ngày qua.
Xác chim và lông chim vương vãi khắp đảo.
|
Ngay như đảo Chim, từng được xem là vương quốc của hơn 2 triệu hải âu xám
(loài hải âu đặc hữu, quý hiếm) cách cảng Hòn La chừng 12 hải lí, thuộc huyện
Quảng Trạch (Quảng Bình), tuyệt không còn một bóng chim, nằm trơ trọi giữa bốn
bề sóng nước.
Vắng bóng chim trời
Thông tin về việc ngư dân phát hiện nhiều xác chim nằm bên xác cá dọc bờ
biển Quảng Bình, nghi ăn cá nhiễm độc mà chết khiến tôi giật mình nhớ đến đảo
Chim. “Thiên đường” của loài chim biển quý hiếm này nằm quá gần Vũng Áng (chừng
20 hải lí về phía Đông - Nam), nơi khởi nguồn hiện tượng cá chết bất thường
trong gần 1 tháng qua.
Ngư dân các làng chài ven biển Quảng Bình chẳng ai chịu nhận chở chúng tôi
ra đảo Chim dù trả giá cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Họ nói, không
muốn nhìn thấy xác cá trôi bồng bềnh trên biển, nỗi đau này chỉ có những ngư
dân như họ mới hiểu. Phải cậy hết các mối quan hệ, cuối cùng thì hai ngư dân
trẻ, người xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch “đành phải” nhận chở chúng tôi ra
đảo Chim, nhưng kèm theo cảnh báo: “Chim chết theo cá cả rồi, ra đó không thấy
chim thì đừng trách bọn tui đó nha”.
Vụ cá chết
trắng dọc bờ biển miền Trung đã khiến cho các bộ ngành khẩn trương vào cuộc tìm
nguyên nhân. Còn đó những câu hỏi về độ ảnh hưởng và hướng xử lý thế nào để ổn
định cuộc sống cho người dân.
Trời động giông, chiếc thuyền đánh cá trong lộng bé như chiếc lá tre, trồi
lên trụt xuống theo từng con sóng, đôi lúc nghĩ dại, sợ không đến được nơi cần
đến. Nhiều vô kể những xác cá dạt xô theo từng con sóng bạc đầu. Chủ thuyền
Dương Quang Trung, chưa vợ, buồn rầu tâm sự: “Gần tháng nay giờ em mới ra lại
biển. Dân làm nghề bãi ngang như bọn em, chỉ cần 2 ngày không ra biển là thiếu
gạo, nhiều nhà đói lắm rồi”.
Người dân trong vùng còn gọi đảo Chim là Hòn Gió. Còn vì sao gọi Hòn Gió,
theo anh Trung kể thì có vẻ rất ma mị. Anh Trung nói, bình thường đảo
Chim có hình ê líp, rộng chừng 1km, nằm theo hướng Tây - Đông, nhưng khi gió
thổi theo hướng nào, nhìn từ xa, đảo Chim như xoay theo hướng đó, nên có tên
Hòn Gió là vậy. Anh Trung cũng khẳng định, mặc dù trên đảo toàn đá nhưng đảo
Chim ngày một lớn ra, vì đá trên đảo là đá sống, nở ra theo thời gian.
Đến với Đảo Chim. |
Gần 3 giờ
đồng hồ lênh đênh trên biển, đảo Chim cũng xuất hiện trước mặt, nhưng ai cũng
cảm nhận được điều gì đó bất thường. Không một bóng chim bay lượn, không một
tiếng chim kêu cảnh báo có người lạ xuất hiện, như trước đây cách vài hải lý đã
râm ran tiếng chim rộn vang cả vùng sông nước. Đảo Chim nằm đó trơ trọi, vô hồn
giữa bốn bề gầm gào sóng bạc đầu.
Xác chim, lông chim vương vãi trên đảo
Mới đây ra đảo Chim, khi cách đảo chừng vài hải lý đã nghe tiếng chim
râm ran cả một vùng trời nước, những cánh chim hải âu rợp trời che mờ cả một
góc đảo. Cứ mỗi bước chân đi trên đảo cũng phải hết sức cẩn trọng để tránh giẫm
phải trứng chim và chim non trong tổ trải khắp bề mặt đảo.
Nhiều chú chim non nghe tiếng động, tưởng bố mẹ về há cái miệng đỏ hỏn đòi
ăn. Chim mẹ đang ấp trứng, dạn người đến mức không thèm rời tổ khi thấy bóng
người, chỉ cần đưa tay ra là có thể bắt được. Nhiều doanh nghiệp đã tính đến
chuyện đưa tour du lịch ra đây nhưng vẫn chưa được chính quyền chấp thuận, vì
sợ ảnh hưởng môi trường nguyên sơ trên đảo.
Vô số cua đá chết bất thường trong những hốc đá. |
Thuyền cập
bờ, mặc dù rất thất vọng nhưng chúng tôi vẫn quyết định lên đảo tìm nguyên
nhân. Một cảnh tượng thật hãi hùng đầu tiên đập vào mắt là vô số cua đá chết
trơ xác bên trong những hốc đá.
“Những mồ
chôn tập thể” này có nơi chứa cả trăm con cua chết đỏ au xếp chồng lên nhau.
Theo như anh Trung nói, thì đây là hiện tượng bất thường chưa bao giờ thấy.
Nhìn xác cua có thể biết chúng chết cách đây khoảng mươi ngày. “Chẳng lẽ độc
chất trong nước biển đã lan ra đến tận đây?” - anh Trung tự hỏi.
Bám theo những vách đá dựng đứng, chúng tôi tìm đường lên đỉnh đảo. Đã có
rất nhiều người đến đảo, bằng chứng là hai bên lối mòn lên đảo, vương vãi rất
nhiều vỏ chai nước giải khát. Anh Trung cho biết, có nhiều người dân đi thuyền
ra đảo Chim dưới dạng du lịch khám phá tự phát, nhưng cũng không ít người
thường xuyên ra đây để bắt chim và nhặt trứng chim về ăn hoặc bán lấy tiền. Có
người xem đây như một nghề và cứ vài ngày họ lại ra đảo một lần.
Chim chết bên xác cá |
“Trứng chim hải âu xám luộc ăn không ngon vì lòng đỏ không bao giờ
chín, nhưng họ dùng để ngâm rượu, nghe nói là “chồng uống vợ khen”. Vì vậy
trứng chim hải âu xám được xem là hàng hiếm nên giá bán rất cao. Riêng ngư dân
bọn em thì không bao giờ làm vậy, vì chim hải âu như là bạn của những người đi
biển. Dù lênh đênh trên biển, nhưng chỉ cần nhìn thấy cánh chim hải âu là có
cảm giác như ở nhà mình vậy” -Anh Trung tâm sự.
Trên đỉnh đảo, vẫn thảm thực vật từ những cây dại đan xen nhau xanh mướt,
nhưng tuyệt không tìm thấy một tổ chim còn trứng, hay chim non nào trong đó.
Nhiều chiếc tổ trống không, xơ xác. Tiếp tục luồn rừng đến đồi chim phía Tây
của đảo, chúng tôi bắt gặp không ít xác chim và lông chim vương vãi khắp nơi.
Trên nền đất, hay trong các lùm cây, một số xác chim đang phân hủy, số còn lại
đã rục xương chỉ còn lại những đám lông. Một cảm giác hoang vắng đến lạnh
người.
Lông chim vương vãi khắp đảo |
Theo anh Trung thì chim hải âu xám có đặc tính bắt mồi trên mặt biển. Chúng
thường bay lượn để quan sát, khi thấy cá nổi trên mặt biển là chúng lao xuống
thật nhanh và dùng chiếc mỏ dài kẹp lấy con mồi. Chúng ăn tất cả các loài cá
nhỏ, đủ vừa để nuốt hoặc mang về tổ.
“Đợt cá chết vừa rồi, cá to cũng chết mà cá nhỏ cũng chết trôi nổi đầy mặt
biển, kiểu gì chim hải âu cũng ăn phải cá chết nhiễm độc. Ngày cá mới chết được
một hai ngày, chưa hiểu chuyện gì nên bọn em vẫn ra biển, thi thoảng có thấy
xác chim hải âu trôi nổi trên mặt nước, nhưng vẫn không nghĩ là chim chết do ăn
phải cá nhiễm độc” - anh Trung nói.
Chúng tôi cố ngồi đợi đến cuối chiều, với hy vọng nhìn thấy một cánh chim
hải âu nào đó còn sót lại về trú đêm. Nhưng tuyệt nhiên không, thi thoảng chỉ
thấy thưa thớt vài cánh chim én chao liệng bắt muỗi hoàng hôn.
Một câu hỏi cứ mãi đeo đẳng chúng tôi sau khi rời đảo. Chẳng lẽ người ta
bắt chim, lấy trứng mà làm cho một vương quốc hải âu xám đến độ tuyệt diệt, hay
do chính những con cá nhiễm độc thời gian qua gây nên? Ai đã làm cho đảo Chim
hoang lạnh như hôm nay?
Những câu hỏi đó đối với những người làm báo chúng tôi thật khó để cắt
nghĩa, nhưng sự thật thì đảo Chim đã “chết”!.
Khi nghe thông tin người dân phát hiện nhiều xác chim nằm bên xác cá và đảo
chim vắng hẳn bóng chim hải âu xám, nghi do ăn phải cá nhiễm độc trôi dạt trên
biển, PV Tiền Phong đã điện thông báo cho lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Bình.
Ông giám đốc sở nói đi công tác Hà Nội, đề nghị phóng viên liên lạc với phó
giám đốc sở, ông Trần Đình Du. Ông Du nói, chim chết là việc chim chết, không
liên quan gì đến ông cả.