13 novembre 2016

Con em chúng tôi không phải hòn đất sét để thí nghiệm!

QUANG ÂN (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
 


 
Một hòn đất sét. Hôm nay ta nắn hình một chú robot đẹp trai, nho nhã. À không, mai ta không thích anh chàng nho nhã ấy nữa, ta nghịch ngợm cho mất một cánh tay, rồi ngày nữa thì đủ hai tay nhưng có đôi chân như chú lính chì… Chỉ là đất sét thôi mà, ta nặn ra hình thù gì mà chả được!

Nhưng với trẻ con thì không thể và không được phép như thế. Đọc bài “Phụ huynh khóc với công nghệ giáo dục” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 8-11, tôi - may phước, con cái đã lớn, không có đứa nào phải học tiểu học,  vẫn muốn khóc.



Trẻ biết gì mà “thu đủ bù chi”

Theo phản ánh của các giáo viên trực tiếp dạy chương trình công nghệ giáo dục (CNGD), việc dạy cho các cháu ráp vần, làm quen với con chữ hoàn toàn khác trước, gây không ít khó khăn cho giáo viên; vất vả cho phụ huynh trong việc kèm cho con học ở nhà.

Cụ thể, dạy ráp vần, các giáo viên nhận xét phương pháp của chương trình CNGD sa vào việc dạy tiếng Việt như cho người nước ngoài chứ không phải cho người Việt. Ví dụ, chữ “oan”, chương trình CNGD dạy đọc o-an-oan trong khi chương trình hiện hành dạy đọc o-a-nờ-oan. Chữ “”, chương trình CNGD: ba-huyền-bà, chương trình hiện hành: bờ-a-ba-huyền-bà. Chữ “mẹ”, chương trình CNGD: me-nặng-mẹ, chương trình hiện hành: mờ-e-me-nặng-mẹ

Tuy nhiên, nội dung bộ sách giáo khoa tiếng Việt 1 CNGD mới làm phụ huynh dở khóc dở cười. Tư tưởng của GS Hồ Ngọc Đại, tác giả của chương trình CNGD, khẳng định nền giáo dục hiện tại là phải “gỡ ra làm lại từ đầu”. Phải chăng vì vậy mà tác giả đã gỡ và thay vào lắm những điều trái khoáy. Chẳng hạn, dùng từ không thống nhất: Trong một câu vừa dùng từ “mẹ” vừa dùng từ “má” khiến các cháu mới học chữ bối rối. Ví dụ, là chị dì Na/ Bà là mẹ cả má, cả dì Na; Bé Ngân đi nghỉ mát ở bể/biển Nha Trang... Hoặc sách dùng từ không phù hợp với trẻ lớp 1. Trẻ con biết gì mà học những cụm từ “Thu đủ bù chi”, “bạt ngàn man dã”, thậm chí là…“sàm sỡ”, “xập xí xập ngầu” (?). Thậm chí sách đưa cả từ không có trong từ điển vào sách giáo khoa như “quằm quặp/khuýp khuỳm khuỵp”, “quyềnh quàng/huyếch hoác”... Trẻ lớp 1 mới làm quen với con chữ sao sách giáo khoa tiếng Việt CNGD lại đưa vào nhiều từ khó đọc và “đời” đến thế?

Chương trình giáo dục tiểu học cần thiết thực, dễ hiểu và cụ thể. Ảnh: HTD

Học lõi đời từ lớp 1

Chưa hết, câu chuyện Quả bứa mà bài báo đã đề cập cho thấy trẻ con đã được dạy cách sống láu lỉnh, ranh ma. Xin nhớ rằng khi đọc sách giải trí, trẻ tiếp thu câu chuyện ở tâm trạng khác, tâm lý khác, biết đó là truyện “cười cho vui ấy mà”, tự rút tỉa những điều nên/không nên làm nhưng khi đưa vào sách giáo khoa, vô hình trung toàn thể trẻ em được dạy rằng cứ sống như thế, vì thầy cô dạy kia mà. Chúng ta có ai muốn con, cháu mình bé xíu mà lõi đời thế không?

Tôi được biết và càng lấy làm lo ngại khi chương trình tiếng Việt 1 CNGD hiện đang được triển khai ở 48 tỉnh, thành. Điều khó hiểu là ngót 38 năm thí điểm, đến nay vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá chính thức về chương trình này. Khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục ghi rõ: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”. Sách giáo khoa tiếng Việt 1 CNGD đã được Hội đồng quốc gia thẩm định chưa? Chúng tôi rất cần sự phản hồi chính thức từ Bộ GD&ĐT để kết luận vấn đề này.

Con em chúng tôi không phải là hòn đất sét để có thể lúc được nặn theo hình thù này, học chương trình này; lúc lại biến thành hình khác, học chương trình khác. Các vị thí nghiệm đến bao giờ?


Tôi có cháu nội từng học qua chương trình CNGD. Chương trình này khi áp dụng ở Việt Nam có những thăng trầm, có điều mấy chục năm trôi qua, hình như càng ngày nó càng bị dư luận chỉ trích. Tôi cũng đi dạy học và một anh giáo làng đã nói với tôi: “Trường em là trường thí điểm CNGD. Thí điểm mãi mà ba chục năm rồi chưa có tổng kết". Nói rồi anh ấy cười hóm hỉnh.

Chuyện các cháu ở Hải Phòng phải học quá 10 quyển sách theo chương trình trên thì tôi đã thấy tại gia đình mình. Cháu nội tôi đi học về, ủ rũ bảo: “Ông làm ơn nói với mẹ cháu đi, cháu không lúc nào được chơi cả”. Tôi bảo con dâu chuẩn bị quần áo, sách vở để ông đưa cháu về nhà ông một tuần. Con dâu đáp: “Đây là sách vở của cháu ạ”. Trời ơi, tôi không tin được! Chỉ môn tiếng Việt mà cỡ 10 quyển sách. Dạy tiếng Việt mà nhồi vào đầu óc trẻ những từ ngoài đường phố khá “mất vệ sinh”. Tôi từng được xem qua chương trình dạy về vệ sinh, phòng bệnh gồm cả nhiễm HIV của Hoa Kỳ. Cấp I: Hãy dùng tay che miệng khi ho và hắt hơi, đừng sờ tay vào máu, nếu bị thương hãy gọi người lớn bên cạnh giúp. Các cấp cao hơn, học sinh ở lứa tuổi lớn hơn cũng loạt bài giảng đó họ dạy về phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (đến phần tình dục này, phụ huynh có thể từ chối không cho con mình học).

Chúng ta hãy dạy các cháu tiểu học những gì cụ thể, thiết thực và dễ hiểu. Học làm gì vội những polymer, paneau... trong khi sau này các cháu sẽ được làm quen trong quá trình học môn hóa học, môn tiếng Pháp?

BS NGÔ VIỆT HÙNG, chuyên gia độc lập về
y học nhiễm trùng và nhiệt đới

Năm học trước, trường tôi dạy thử nghiệm chương trình CNGD đối với tiếng Việt; giáo viên, học sinh, phụ huynh đã muốn ngất. Hiện trong kho của trường thừa rất nhiều sách của chương trình này không dùng tới. Năm nay không hiểu sao có thêm môn giáo dục lối sống. Nhiều phụ huynh phản ánh với giáo viên là không dạy được con. Mà chính chúng tôi cũng khó dạy.

Một giáo viên Trường Tiểu học ĐC,
huyện An Dương, TP Hải Phòng

Con cái chúng tôi không phải là chuột bạch để thử nghiệm công trình nghiên cứu. Trẻ lớp 1 mà người viết sách ép phải học những bài đọc quá nhiều nguyên âm, phụ âm, đến người lớn còn đọc méo cả miệng. Tôi chỉ có thể dạy toán cho con, còn tiếng Việt thì lúng túng không biết phải dạy kiểu gì. Lớp 1 mà nếu không học đêm thì không thể theo kịp, không có thời gian nghỉ ngơi, vất vả kinh khủng luôn. Con đi học mà mẹ sụt mấy ký vì lo lắng.

Ngôn ngữ hằng ngày, ngôn ngữ nói sẽ được trẻ vận dụng tùy tình huống thực tế cuộc sống nhưng đã là ngôn ngữ đưa vào môi trường giáo dục phải là ngôn ngữ chọn lọc. Hãy dạy trẻ có văn hóa, văn minh trước, bày dạy chi tư duy ăn cắp, ích kỷ.

Chị VÕ THỊ THU HIềN, 242 Nguyễn Văn Cừ,
TP Vinh, Nghệ An

HẢI ĐƯỜNG ghi

QUANG ÂN (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

 

Nguồn: Theo PLO