Nguyễn Đình Cống
TT Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: internet |
Tối 7/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (TT) đã dự lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp VN – 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp VN”. TT đã có một bài phát biểu, nghe qua thấy đúng và hay, nhưng phân tích kỹ mới thấy có thể đã bị nhầm. Đoán rằng bài phát biểu do thư ký chuẩn bị mà vì một vài lý do nào đó TT không phát hiện ra chỗ nhầm ấy.
Một điều rất quan trọng đối với người nói (diễn giả) là có hiểu biết về người nghe, cơ bản là biết họ đang muốn nghe gì để đáp ứng đúng nhu cầu. Trên thị trường người ta tôn trọng phương châm: “không phải bán cái mình có mà bán thứ khách hàng cần”. Tương tự, trong buổi nói chuyện, không phải nói điều diễn giả biết mà cần nói điều người ta muốn nghe. Sẽ rất nhàm chán, rất phản tác dụng khi người nói đưa ra những thông tin không có gì mới lạ, thậm chí người nghe còn biết rõ hơn (biết rồi, khổ lắm, nói mãi).
Những người nghe trong buổi lễ toàn là các doanh nhân có hạng, các lãnh đạo công ty. Họ biết rõ vai trò, tác dụng của văn hóa doanh nghiệp, các điều kiện cần và đủ để xây dựng nền văn hóa đó. Điều kiện cần xuất phát từ phía doanh nghiệp. Điều kiện đủ là những cơ chế, những luật lệ, thủ tục do Nhà nước tạo ra. Họ muốn nghe gì từ Thủ tướng? Muốn biết tương đối rõ thì phải thăm dò, điều tra. Tuy vậy, với những người có kiến thức và kinh nghiệm, dựa vào những trường hợp tương tự cũng có thể dự đoán với mức chính xác khá cao. Phải thăm dò để biết hoặc ít nhất cũng dự đoán điều người ta cần nghe để đặt ra mục tiêu và lựa chọn nội dung chứ không phải chỉ nói những điều mình biết mà người ta không muốn nghe. Vậy dự đoán trong trường hợp này người ta muốn nghe những điều gì, không muốn nghe điều gì?
Người ta rất muốn nghe Chính phủ sẽ tạo ra môi trường pháp lý, là điều kiện đủ như thế nào, Chính phủ hứa hẹn điều gì. Họ không muốn nghe phần lớn những điều Thủ tưởng đã nói, như là: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu. Những đặc trưng của văn hóa VN đó là lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng nhân ái, khoan dung, tính cần cù, giản dị. Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. v.v…Những điều như vậy các doanh nhân biết rõ hơn TT.
Để làm được một điều gì đó phải có đồng thời cả điều kiện cần và đủ. Trong thời gian qua nhiều cơ sở không xây dựng nổi nền văn hóa doanh nghiệp chủ yếu là vì thiếu điều kiện đủ, đó là môi trường pháp lý minh bạch, không tham nhũng, không sách nhiễu, không vu oan giá họa …Chắc TT đã biết rõ những vụ án oan nổi tiếng như vụ cướp đất Nông trường Sông Hậu và bỏ tù bà Ba Sương, một người mà hai cha con đều đeo huân chương đầy ngực và đều là Anh hùng lao động, hay như vụ án Trịnh Vĩnh Bình và vụ kiện của ông ra tòa quốc tế đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường 1 tỷ USD (Dư luận đoán rằng Chính phủ VN gặp nhiều khả năng thua kiện).
Thủ tướng nói: “Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân” Nói thì quá dễ. Người ta muốn biết Chính phủ đã làm được gì, cam kết sẽ làm gì để thể hiện sự quan tâm đó. Trong lời phát động TT nêu ra 5 nhiệm vụ. Cả 5 điều đó chỉ mới là một phần của các điều kiện cần, mỗi doanh nghiệp bình thường đều biết rõ, không những phải làm mà còn cần làm nhiều hơn thế. TT không hề cam kết hoặc hứa hẹn gì từ phía điều kiện đủ.
Qua phân tích như trên thì TT đã nhầm chỗ nào? Xin thưa, đó là nhầm trong việc đánh giá người nghe và tự đánh giá, dẫn đến nhầm trong việc chọn lựa nội dung bài nói. Nhầm vì cho rằng người nghe không biết gì về văn hóa doanh nghiệp, nói gì họ cũng phải nghe. Nhầm vì cho rằng những lời ngài TT nói ra là khuôn vàng thước ngọc, là những lời dạy bảo như các giáo sư dạy cho sinh viên.
Một điều nữa cũng có thể xếp vào loại nhầm là câu kết của bài phát biểu: Cuối cùng tôi xin chia sẻ với các đồng chí và cộng đồng doanh nghiệp một quan điểm đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 06/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành: “Xây dựng văn hoá trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hoá, nâng cao giá trị văn hoá trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương”. Câu trong Nghị quyết được trích từ mục 2-7: Bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc.
Tuy cũng viết về văn hóa, nhưng có hai vấn đề: 1- Bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc và 2- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp VN. Hai vấn đề này có nội hàm khác nhau, đưa cái này lồng vào cái kia là có phần gán ghép. Sự nhầm này có khả năng là có chủ đích, bình thường chẳng ai để ý, nhưng khi có chuyện đấu đá, nó có thể trở thành một cái cớ để quy chụp lẫn nhau.
Tôi đã gửi bài này đến địa chỉ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn và nhờ chuyển đến cho TT. Mong rằng sau khi đọc bài này TT cho hỏi thư ký xem lý lẽ phản bác trở lại như thế nào. Tôi rất muốn được nghe hoặc xem những lời phản bác đó để biết thêm lập luận của quý vị.
Nguồn : ABS