07 décembre 2016

Bắt Trịnh Xuân Thanh 'phải có thời gian'



Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng nói hôm 6/12/2016 về hai nhân vật Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng và nhấn mạnh lại quyết tâm 'chống tham nhũng' của bộ máy chính trị tại Việt Nam.


Tiếp xúc cử tri tại Đông Anh, Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận nói:
"Trịnh Xuân Thanh chỉ là Phó Chủ tịch của một tỉnh thôi nhưng đã ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu."
Nghe lời bình luận 'con voi mà chui qua lỗ kim' từ một cử tri về vụ nguyên Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh hiện đang trốn ở nơi nào không ai rõ, ông Trọng nói:
"Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu. Chúng ta làm theo luật pháp quốc tế nhưng phải có thời gian."
Còn khi nói về nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phú Trọng cho hay:
"Lần đầu tiên Quốc hội đã ghi vào trong Nghị quyết chất vấn là Quốc hội nghiêm khắc phê phán ông Vũ Huy Hoàng, việc này có người bảo như thế đã đau chưa..."
Giáo sư Trọng cũng nhắc lại đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xử lý nhiều cơ quan, gồm cả Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Tỉnh ủy Hậu giang, bảy cán bộ bị xử lý kỷ luật, theo trang Zing (06/12).
Liên tục hỏi về vụ Trịnh Xuân Thanh
Có vẻ như các lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam phải liên tục giải thích về vụ ông Trịnh Xuân Thanh 'bỏ trốn'.
Liên quan đến vụ việc về ông Trịnh Xuân Thanh khiến tỉnh ủy Hậu Giang bị kỷ luật, hôm 04/12, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã có lời giải thích với cử tri Ninh Kiều, Cần Thơ.


Trước câu hỏi của một cử tri "Tại sao tỉnh Hậu Giang xin cán bộ cho địa phương và được Ban tổ chức Trung ương đồng ý, nhưng cuối cùng nguyên Bí thư và Bí thư tỉnh này bị kỷ luật?", bà Ngân đã nói:
"Tôi biết, Hậu Giang có hai lần xin Phó chủ tịch tỉnh. Lần đầu tiên là xin một Phó chủ tịch, lần hai là xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh. Còn vì sao lãnh đạo tỉnh Hậu Giang bị kỷ luật, vì khi xin một Phó chủ tịch UBND tỉnh mà không thông qua Thường vụ Tỉnh ủy là sai nguyên tắc.
"Chỉ vì làm không đúng nguyên tắc đã ảnh hưởng đến Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra còn cái sai nữa là để lãnh đạo tỉnh đi xe biển trắng gắn biển xanh. Đó là hai cái sai của Hậu Giang."
Được biết, cử tri Cần Thơ cũng bày tỏ với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ý kiến "băn khoăn, chưa đồng tình về việc xử lý cán bộ đứng đầu liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh."




Theo báo Nhân Dân (04/12), các ý kiến này nói "hiện nay, Đảng chỉ mới xử lý cấp phó và cấp dưới, còn xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện, cho nên chưa tạo sự công bằng, đồng thuận trong nhân dân"
.
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó Chủ tịch Hậu Giang
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó Chủ tịch Hậu Giang

Trước đó, hôm 30/11/2016 ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN đã bị cử tri Đà Nẵng hỏi cũng về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Một cử tri ở Quận Thanh Khê, Đà Nẵng nói rằng "một người ăn cắp mấy triệu đồng dù có trốn đi đâu thì cũng bị bắt về quy án. Còn ông Thanh thì làm thất thoát cả nghìn tỷ đồng với nhiều sai phạm mà trốn đi nước ngoài không ai hay. Điều này quá vô lý."
Đáp lại, ông Đinh Thế Huynh bày tỏ sự thất vọng khi xảy ra những sai phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.
Theo các báo Việt Nam, ông Huynh cho biết:
"Không chỉ Bộ Công thương mà cả những đơn vị - nơi mà Trịnh Xuân Thanh từng công tác cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm liên đới."
Liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, trong cuộc họp ba ngày từ 28/11-30/11 ở Hà Nội, các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem xét xử lý, đề nghị kỷ luật bảy cán bộ cao cấp.
Đó là các vị Huỳnh Minh Chắc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015; Trần Công Chánh, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020; Trần Lưu Hải, nguyên phó Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Bùi Cao Tỉnh; bà Trần Thị Hà; ông Trần Anh Tuấn và ông Nguyễn Duy Thăng.
Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cho đến 2013.
Ông được luân chuyển về Bộ Công thương trước khi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang năm 2015.
Bộ Công an Việt Nam ngày 16/9/2016 đã ra quyết định truy nã ông vì liên quan vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Bộ này nói "sau khi xác định" ông Thanh bỏ trốn, công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.

Nguồn : BBC