Những chuyện kỳ quái ở nông thôn ngày nay thì quá nhiều, kể cả năm không
hết. Kỳ trước tôi đã tường thuật cùng bạn đọc chuyện Ủy Ban Nhân Dân (UBND) thị
xã Hồng Lĩnh đã ra Thông báo điều động 21 giáo viên nữ từ bậc mầm non đến Trung
Học Cơ Sở (THCS), tham gia phục vụ tại chương trình “Liên Hoan Dân Ca Ví Dặm.”
Tóm tắt là quan xã bắt các cô giáo trẻ đẹp đi karoke cùng các quan trên. Còn
nhiều chuyện “độc và lạ” nữa tôi sẽ kể ở phần sau. Xin nói đến chuyện gần đây
nhất.
Loại bò mắc bệnh được quan xã bán cho dân mang về nuôi
Ngày 23 tháng 11 vừa qua, một người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã đến
UBND xã xin trả lại bò dự án đã mua hai tháng trước.
Bà Mang Thị Min cho biết nguyên nhân trả vì bò mắc bệnh lở mồm long móng
gần một tháng nay. Gia đình bà hàng ngày phải nấu cháo nuôi bò bệnh.
Theo bà Min, bà cùng 19 gia đình khác cùng thôn được xã gọi lên ký giấy vay
24 triệu đồng (hơn $1,000 Mỹ kim), lãi suất 0%, thời gian hoàn vốn 36 tháng. Xã
đưa dân đến trại bò ông Giảng ở thị trấn Phước Dân để chọn bò đưa về nuôi.
Bà Min kể, “Bò biếng ăn cỏ, mấy ngày sau bỏ cỏ. Tôi sợ nó chết nên nấu
cháo, chiết vào chai đổ vào mõm bò. Tôi có mời cán bộ huyện, xã, thôn cùng ông
Giảng, chủ bán bò đến xác minh và yêu cầu được trả lại bò nhưng họ không chịu”!
Tương tự, ông Bo Thông cũng vay mua bò dự án của xã về nuôi. Bò bỏ ăn rồi
sinh bệnh lở mồm long móng. Ông Thông nói, “Cả tháng nay kể từ ngày bò đổ bệnh,
vợ chồng tôi phải sống chung với bò trong nhà vì để ngoài mưa gió sợ nó chết.”
Sáng cùng ngày, trả lời về việc bò dự án mắc bệnh, ông Mang Ngọc - phó chủ
tịch UBND xã Phước Vinh - cho biết thôn Liên Sơn 2 có 20 gia đình nghèo được
chọn vay vốn mua bò của dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản do UBND
huyện Ninh Phước làm chủ dự án. Ngành Lao Động-Thương Binh và Xã Hội huyện giám
sát.
Ông Ngọc xác nhận số bò dự án sau khi đưa về nuôi thì mắc bệnh lở mồm long
móng. Cán bộ thú y huyện và xã có đến chích thuốc.
Về việc người dân yêu cầu trả lại bò bệnh, ông Ngọc cho biết khi bán bò
đồng loạt cho 20 gia đình dân, UBND xã có ký hợp đồng với trại bò ông Giảng,
trong đó phần bảo hành có ghi thời hạn 12 tháng, nếu bò không sinh đẻ, mắc bệnh
thì được trả lại.
Tuy nhiên, khi bò của bà Min, ông Thông mới nuôi một tháng đổ bệnh muốn trả
nhưng ông Giảng không nhận vì cho rằng bò bị lở mồm long móng chứ không mắc
bệnh (?).
- Đúng là kiểu trả lời vô lương tâm, vô trách nhiệm của các quan xã. Bò lở
mồm long móng không phải là bệnh thì là gì? Vậy thế nào mới là bò bị bệnh? Có
lẽ đợi đến khi nó lăn quay ra chết mới là bò bị bệnh chăng? Bò bị bệnh thì dân
chết chứ ông có chết đâu. Ông lại có thể đổ cho thời tiết lạnh làm bò chết chứ
không phải bệnh. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật ông có thông đồng với ông
Giảng chủ trại bò không? Ăn của dân nghèo như thế hèn chi ông cứ mập ra, mang
cái bụng đi khệnh khạng trong làng, thằng nào cũng sợ.
Xin các quan xã sống bên cạnh dân làm ơn nhìn xuống thằng dân đã khổ rồi
nay còn phải sống chung, nuôi nấng con bò mắc bệnh. Tiền nuôi con chưa đủ lại
còn phải đóng đủ thứ thuế và “phí”, làm quần quần quật ngoài đồng đến tối mịt
mới về nhà. Bụng đói mà thường phải nhường cơm cho vợ con. Người dân bây giờ
quá khổ rồi, không thể khổ hơn được nữa. Coi chừng tới lúc người dân phẫn nộ
thì đời các ông kể như tiêu tùng đấy.
Xin nói tiếp về chuyện trong nghề làm thầy cô giáo ở nông thôn ngày nay.
Một chuyện khôi hài cũng xảy ra gần đây cũng thuộc phạm vi giáo dục.
Hiệu trưởng học viện tự xưng giáo sư, tiến sĩ chửi học viên
Câu chuyện khá ngộ nghĩnh và khá dài, tôi tóm tắt nội dung chính.
Có một clip ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai người đàn ông về chuyện xin đi
học và chuyện tiền nong. Người đưa clip này lên trang YouTube cho biết, người
liên tục nói bậy trong clip là giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Hưng, hiện đang là
giám đốc một học viện danh tiếng. Học viện được thành lập năm 2015 tại Việt
Nam, là cơ sở giáo dục được nhà nước công nhận. Học viện này chuyên giới thiệu,
đào tạo học viên sang Hàn Quốc du học.
Hiệu trưởng học viện tự xưng giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Hưng đứng trên bàn chửi học viên. |
Hiệu trưởng học viện tự xưng giáo sư, tiến sĩ Phan Văn Hưng.
|
Giải thích về việc có có lời lẽ chửi bới học sinh trong đoạn video clip,
ông TS Hưng cho biết, hôm xảy ra sự việc, anh T. đã tới Học viện gây rối, không
cho giáo viên và học sinh học và giảng dạy.
Sau đó, TS Hưng đã xuống để làm việc với anh T. Trong lúc nói chuyện, do
quá nóng, không giữ được bình tĩnh nên ông Hưng đã có những lời lẽ chửi bới.
Ông Hưng cho biết thêm, “Trước khi xảy ra sự việc, học viên T. đã có thái
độ không đúng đối với Trung Tâm, cụ thể là đối với cá nhân tôi, thế nên tôi mới
hành động như thế. Ngay sau khi xảy ra sự việc cả tôi và T. cũng đã đến công an
phường sở tại để giảng hòa và T. cũng đã đồng ý xóa hai video đó. Tuy nhiên,
gần đây T. khôi phục lại thẻ nhớ và đã đăng tải video lên mạng xã hội.”
Anh Nguyễn Mạnh T. là học viên bị chửi, khẳng định trong suốt cuộc trò
chuyện không hề tỏ thái độ, hành động gì sai hay thiếu kiềm chế nào khiến thầy
giáo chửi bới, cư xử nặng nề như vậy.
Anh T. cũng cho biết, lúc bị trả lại hồ sơ, ông Hưng có đưa ra một bản cam
kết sẽ hỗ trợ hoàn lại tiền cho em trong vòng một tháng. Sau thời gian đó, anh
T. đến thì học viện không trả lời lại. Phải sau đó gần hai tháng, anh T. mới
nhận lại được toàn bộ số tiền 126 triệu đồng ($5,500) tiền đặt cọc. Anh T. phân
trần tiếp:
“Việc thầy giáo nói tôi ý thức học kém. Nghỉ học quá số buổi quy định, có
hành động quậy phá hay gây rối tại đây là không có thật. Cả khóa học tôi đi học
không hề gây rối, chỉ nghỉ học ba buổi nhưng có xin phép đàng hoàng. Lúc đầu
tôi không bận tâm lắm vì đoạn clip đó, nhưng bây giờ thầy Hưng nói như vậy,
thực sự đã động vào lòng tự trọng của tôi. Tôi sẽ còn làm việc trực tiếp với
thầy Hưng trong thời gian tới để làm rõ những nội dung trên.”
Dù thế nào thì đã là giáo sư tiến sĩ mà nhảy lên bàn chửi bới tay đôi, xưng
mày tao với học sinh cũng là điều không thể chấp nhận được. Các vị giáo sư tiến
sĩ ở VN có thấy xấu hổ không? Dạy học trò mà như thế thì sau này sẽ thành những
thằng du côn thôi.
Lại chuyện cô giáo đi đòi nợ thuê
Để thu được tiền của học sinh, nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải tìm đủ mọi
cách như: gọi điện, gửi giấy về nhà, thậm chí có giáo viên phải đến từng nhà.
Bản thân tôi cũng là “chủ nợ,” là kẻ “đòi nợ” như thế.
Học sinh phải đóng những khoản tiền gì?
Một cô giáo kể, “Thôi thì đủ thứ tiền giáo viên phải thu ngoài những khoản
thu hộ như tiền bảo hiểm, còn biết bao thứ tiền như tiền học phí, tiền hội phí,
tiền quỹ đội, tiền quỹ lớp, tiền mua sách giáo khoa, mua vở bài tập, tiền ăn
bán trú, tiền bán tăm, đồ dùng học tập cho người khuyết tật…
Cứ hết khoản tiền này lại thu đến khoản tiền khác. Ngoài một số tiền nêu
trên thu đủ một lần là xong, còn khoản tiền tháng nào thầy cô cũng phải nhắc
học sinh nộp đủ đó là tiền học buổi hai ở cấp tiểu học.”
Làm cô giáo ở làng quê đã không đủ ăn còn phải đi tiếp khách quý cho các
quan lại còn kiêm nghề “đòi nợ thuê.” Phận làm dân ngày nay ở VN khổ và nhục
thật.
Phụ huynh bị ép ký vào Giấy ủng hộ tiền?
Nhiều phụ huynh trường THCS Phan Chu Trinh (xã Nam Yang, Đăk Đoa, Gia Lai)
bức xúc sau khi con mình mang tờ “Giấy ủng hộ tiền” với nội dung “Tôi xin tự
nguyện ủng hộ nhà trường số tiền… Kính mong trường nhận cho tôi số tiền trên.”
Theo lời của phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS Phan Chu Trinh,
khoảng 10 ngày trước, con họ mang về một tờ giấy đưa cho họ tên là “Giấy ủng hộ
tiền,” và nói là giáo viên chủ nhiệm phát, yêu cầu phụ huynh điền tên và ký
vào.
Trong tờ “Giấy ủng hộ tiền” này có dòng chữ: “Tôi xin tự nguyện ủng hộ nhà
trường số tiền… Kính mong trường nhận cho tôi số tiền trên. Tôi xin chân thành
cảm ơn.” Và mục đích ủng hộ tiền là nhằm hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục của
nhà trường năm học 2016-2017; số tiền được “gợi ý” là 220,000 đồng (gần $10)
một em.
Một phụ huynh có con đang học lớp bảy của ngôi trường này khẳng định, tờ
giấy trên là do con em của họ mang về đưa cho họ và nói là do cô giáo chủ nhiệm
phát. Điều khiến phụ huynh bực mình nhất là đã nói họ “ủng hộ” tiền mà ghi
giống như họ năn nỉ trường nhận giùm! Và không biết nhà trường dùng số tiền này
để làm gì? Do quá tức bực nên phụ huynh này đã không ký vào tờ giấy trên.
Phụ huynh khác cho biết, dù tức bực nhưng do không muốn gặp phiền hà với
nhà trường nên họ đã ký để đưa con nộp. Còn nhiều phụ huynh khác không ký,
nhưng do các em học sinh sợ nhà trường nên đã tự ký thay bố mẹ và tự nộp.
Những kiểu “xin tiền” như thế này được gọi là “tự nguyện” là thứ bùa phép
đầy “tài tình sáng tạo” ở VN học được từ các quan trên đã thành bài học thuộc
lòng của các ngành các cấp của nhà nước, bất kể ngành nào kể cả ngành giáo dục!
Thật thảm hai cho hai chữ “giáo dục”ở VN.
Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 05.12.2016
Nguồn: Theo Khai Dân Trí