13 décembre 2016

NHÌN RA XA, RỒI NHÌN LẠI GẦN

Tương Lai

GS Tương Lai: "Đúng là “từ xưa đến giờ” chưa ai làm được điều như ông Trọng vừa làm là xử lý một bộ trưởng đã về hưu. Đây là điều mà nhà văn, nhà báo Phạm Việt Đào đã vạch rõ trong bài viết “Không có một mẩu đất pháp lý nào để xử lý hành chính ông Vũ Huy Hoàng”. Cho nênnếu để có cơ sở nhằm xử lý một dạng hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng mà cấp tốc ban hành một điều khoản như trên vào một nghị định nào đó thì vẫn là một sự khiên cưỡng về phương diện pháp lý: một dạng đám cưới chạy chửa hoang”! "

 

Một cái nhìn lướt về thế giới có thể gợi lên cảm giác về cơn sóng cồn đại dương đang dồn dập khuấy động cuộc sống của con người từ tây sang đông trong mọi quốc gia trên các châu lục từ cú sốc toàn cầu (a global upheaval) kể từ sau chiến tranh thế giới II. Cú sốc làm phá sản mọi “ý thức hệ” cùng các thứ “chủ nghĩa” từng ngự trị trong đầu óc của không ít những công dân của thế giới. Cú sốc này đang khuấy động tư duy của những cái đầu biết nghĩ và dám có trách nhiệm với chính mình và đất nước của mình để phải có một cách nhìn mới trước một trang mới của lịch sử được mở ra với những luật chơi mới trên bàn cờ quốc tế đang sắp xếp lại.  

 
Người ta không khỏi giật mình trước “giấc mơ Đại Trung hoa” của siêu cường hung đồ được họ Tập mở đầu bằng những cuộc thanh trừng quyết liệt các đối thủ chính trị cản đường với hơn 1,01 triệu quan chức bị điều tra tham nhũng, và những hành động ngạo ngược trên Biển Đông thách thức công luận trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, bên trời tây thì cùng với sự phá sản của ý thức hệ và các thứ chủ nghĩa của một thời, lại đang nổi cộm lên một trào lưu mới với các sự kiện Brexit, Putinism và rồi Trumpism cùng những nhánh phái sinh khác mang màu sắc dân túy. Tất cả những điều trên báo hiệu thời kỳ bất định chưa biết sẽ kéo dài bao lâu và đang tác động ở nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào các vị thế địa chính trị chiến lược không giống nhau nhưng đều nguy hiểm như nhau.

Lời nhắc nhở của Phuxich, nhà báo anh hùng của Tiệp Khắc trước thảm họa phát xít những năm 40 thế kỷ 20 “hỡi loài người, hãy cảnh giác”, được Dan Rather, nhà báo huyền thoại từng ghi dấu ấn trên hầu hết các sự kiện lớn của nước Mỹ, của thế giới, kể cả cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nhắc lại vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21: “Tôi muốn nói với tất cả các bạn, chúng ta hãy cảnh giác”! Đương nhiên, nội dung và cách thế cảnh giác thì không hoàn toàn như nhau nhưng đều biểu tỏ được tầm nhìn mang dấu ấn thời đại.

Nhìn ra ngoài thì như vậy, để trở lại với những “tầm vóc” của những quyết sách mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang cho thao diễn trước công luận trong và ngoài nước thì sao mà ngán ngẩm. Ngán ngẩm không phải vì sính ngoại, đương nhiên.

Mà ngán ngẩm vì khi kéo lại gần những sự kiện trong nước đối diện với những biến động dữ dội của thế giới lại cho thấy cái nhìn của người đang gánh vác trọng trách của đất nước đáng ra phải có,thì chao ôi, đôi mắt ông ta không vượt qua được cái lỗ mũi của chính ông! Như một người điếc không sợ súng, tiếng sóng gầm của đại dương không chút lay động lỗ tai “nhà lãnh đạo”, ông chỉ chú mục vào cái “đại sự nghiệp” của ông là dõi theo vụ Trịnh Xuân Thanh và những nhân vật, những sự kiện liên quan đang chiếm lĩnh não trạng của ông từ khi phát hiện ra được sau đít chiếc ô tô Lexus lại gắn cái biển số xanh ở tỉnh Hậu Giang. Những sự kiện với riêng ông ta là đại sự, nhưng với đất nước đang đối diện trước những biến động dữ dội của thế giới thì chỉ là nốt ngứa trên một cơ thể đang ung thư. Nốt ngứa như chính ông từng nói khi tiếp xúc vởi cử tri Quận Ba Đình ngày 27.9.2013 "Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu". Với thế giới thì đó chỉ là trò hề. không hơn không kém.

Khốn nỗi, riêng một vụ Trịnh Xuân Thanh đã ngốn của ông bao nhiêu sức lực, trí tuệ, tâm huyết mà vẫn chưa đâu vào đâu, mà nào là “hổ” cho cam, đây chỉ là mèo. Nó vọt mất tăm, lại còn vuốt râu khiêu khích. Đang lúng túng ra oai hù dọa con mèo lếu láo này thì lại đến “mèo Duy”. Cái ông phó tổng Vũ Đình Duy đang bị điều tra về tội làm thất thoát tài sản nhà nước còn lớn gấp đôi tội của Trịnh Xuân Thanh, thì lại đường hoàng xách va ly đi nước ngoài chữa bệnh, và vù luôn. Chưa xong chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” này thì lại đến Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) lại vọt mất tăm. Cứ như thể ai đó muốn trêu ngươi ông Trọng? Chẳng lẽ người ta định chơi trò “chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào” sao? Thì chẳng phải mèo vẫn hoàn mèo đấy ư?

Nên nhớ cho là Việt Nam là một trong 3 quốc gia trên thế giới còn giữ chế độ Hộ khẩu hà khắc và lạc hậu nhất trên thế giới, vì nó chà đạp lên những quyền tối thiểu của con người, “những quyền tạo hóa ban cho họ” như Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tuyên bố với thế giới. Hai nước còn lại là hai nước “XHCN anh em” Bắc Triều Tiên và Trung Quốc! Với chế độ Hộ khẩu tệ hại này, thân phận từng người dân bình thường, những “công dân” và gia đình họ bị quản lý, bị theo dõi rất ngặt nghèo. Vậy mà những nhân vật cộm cán kia lại đường hoàng cầm hộ chiếu xuất cảnh, ung dung lên máy bay, không gặp bất cứ trở ngại nào. Đèn xanh được bật từ ai, từ bao giờ và ở đâu vậy?

Làm sao mà không điên đầu được. Mà đã điên đầu thì lòng tự dặn lòng, phải tự trấn tĩnh để tiếp tục ra uy với lũ mèo ngạo ngược và những con hổ đang giấu mình. Nhưng ác một nỗi, “tâm không bình, khí không hòa thì nói hay lầm lỗi”, lời các cụ ta dạy cấm có sai.

Chỉ cần điểm lại những lời phát biểu mới đây của ông Tổng Bí thư là thấy ngay điều đó: “nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa". Đấy là lời vàng ngọc nói ở xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh ngày 13.11.2016. Tiếp đó, tại Đông Anh, Hà Nội, ông lại khoái chí nhắc chuyện nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “bị kỷ luật thế đã đau chưa”! Toàn văn câu đó được Tuổi trẻ online ngày 6.12.2016 đưa như sau “Từ xưa đến giờ ta đã xử lý cán bộ nào về hưu chưa? Nghị quyết của Quốc hội phê phán nghiêm khắc thì có đau không?”.

Đúng là “từ xưa đến giờ” chưa ai làm được điều như ông Trọng vừa làm là xử lý một bộ trưởng đã về hưu. Đây là điều mà nhà văn, nhà báo Phạm Việt Đào đã vạch rõ trong bài viết “Không có một mẩu đất pháp lý nào để xử lý hành chính ông Vũ Huy Hoàng”. Cho nên “
nếu để có cơ sở nhằm xử lý một dạng hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng mà cấp tốc ban hành một điều khoản như trên vào một nghị định nào đó thì vẫn là một sự khiên cưỡng về phương diện pháp lý: một dạng đám cưới chạy chửa hoang”!

PGS.TS Phạm Quý Thọ ở Học viện Chính sách và Phát triển của nhà nước thì chỉ rõ: “Cách chức một cá nhân khi không còn chức, rõ ràng hình thức kỷ luật trên mang tính 'biểu tượng', 'đạo đức' hoặc 'mang tính răn đe', song chính vì vậy mà đã hơn một tháng nay, Quốc hội và Chính phủ vẫn không thể vận dụng được, thậm chí chưa sửa được quy trình thể chế hiện hành để phán xét và xử lý đúng 'tội' khi ông Hoàng đã nghỉ hưu”. Vì thế, vị chuyên gia về chính sách này cho rằng “Sự bất ổn kinh tế và xã hội trong thời gian qua đã xé rách những luật lệ với những quy trình hiện có, báo hiệu một thời kỳ khó dự đoán về sự thay đổi thể chế chính trị để vượt qua những khó khăn phía trước, đưa đất nước phát triển”.

Sự phê phán này đúng là sâu sắc, nhưng thật ra cái luật lệ này đã bị rách bươm với sự “chỉ đạo” của Nguyễn Phú Trọng từ lâu rồi! Hãy nhớ lại lời phát biểu của ông Trọng về lãnh đạo việc Sửa đổi Hiến Pháp tại Phú Thọ ngày 23.2.2013 do VTV1 truyền đi ngày 25.2.2013:"Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì? Các đồng chí quan tâm xử lý cái này".
Vậy là, sự bất ổn đó khởi nguồn từ chính trị, từ thể chế toàn trị phản dân chủ đã kéo quá dài, khiến lòng dân ly tán, đất nước lụn bại. Cái thể chế toàn trị ấy một mặt duy trì mô hình kinh tế sai lầm đẩy đất nước đi vào ngõ cụt, mặt khác lại đẩy phần lớn bộ phận tinh hoa của đất nước, những trí thức có bản lĩnh, có trí tuệ, dám tự khẳng định mình, biết động não trước thời cuộc, có suy nghĩ hợp lòng dân ra khỏi guồng máy vận hành xã hội. Loại bỏ những chuyên gia giỏi, những nhà quản trị có tài ra khỏi đội ngũ lãnh đạo và quản lý thì làm sao đất nước phát triển được? Cái đã nói đến trong “mênh mông thế sự 48” bỗng tái lại, như một lời đay nghiến trước cái thực tế phũ phàng của đất nước hôm nay “người tầm thường mà nắm quyền lực phi thường mới là mối nguy hiểm chính cho nhân loại chứ không phải là kẻ ác ôn hay tàn bạo”.

Đúng là “từ xưa đến giờ” chưa một nhà chính trị hoặc một nhà lãnh đạo nào rầm rầm rộ rộ tổ chức một cuộc chiến quyết liệt nhằm “chống giặc nội xâm” năm này sang năm khác, ngốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân để “ta đánh ta” cả! BBC ngày 17.10.2016 giật một cái tít rất đậm để đăng lại lời đanh thép đó của ông Trọng do Vietnamnet đưa ra: "Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta". Chẳng thế mà ông rất nhạy bén vạch ra “âm mưu thù địch” từ trong dân. Thì đó, đề cập đến chuyện cá chết ở Hồ Tây gây xôn xao lòng dân Hà Nội thì ông Tổng Bí thư chỉ thị ngay: “Hồ Tây có Formosa đâu mà cá chết hàng loạt, phải xem liệu có sự phá hoại không?".

Formosa chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong não trạng của ông đến cỡ ấy khiến ông chẳng thể nghĩ gì đến người dân Hà Nội đang xót xa đứng bên bờ Hồ Tây mà đau vì cá chết tại một địa danh có ý nghĩa thiêng liêng với người Thủ đô. Xin nhớ cho rằng ngôi biệt thự ông đang ở chỉ cách Hồ Tây mấy bước chân! Và lòng ông lại chỉ hướng về Formosa!

Cho nên, cũng chẳng lạ khi càng chống thì tham nhũng càng tăng, “càng tinh vi, phức tạp” như ông Trọng than thở, để rồi hoảng hốt báo động về “những hậu quả khôn lường” và “có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng”. Thế là từ khi ông trực tiếp làm Trưởng ban Chống tham nhũng thì theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177, có nghĩa là thuộc nhóm 1/4 quốc gia cuối bản”! Vì thật ra, tham nhũng quyền lực là cội nguồn của tham nhũng thì ông lại là người tiêu biểu nhất. Ông ta làm sao mà chống chính ông được. “Ta đánh ta” ư? Cái tổ con tò vò nằm chính chỗ này!
Hay là những vấn đề quốc gia đại sự thuộc loại tuyệt mật ông không thể nói ra, chỉ âm thầm bàn mưu tính kế với các quân sư, còn những điều buột miệng vừa rồi chẳng qua chỉ là chuyện vặt vãnh? Nếu thế thì đại phúc cho đảng của ông! Hy vọng những điều ông Trọng buột miệng nói ra chỉ là cách học lõm thức “vô chiêu thắng hữu chiêu” trong võ Tàu, còn dấu kỹ bí kiếp “độc cô kiếm pháp” nhằm hạ gục kẻ thù xâm lược chứ không phải để hạ gục đối thủ chính trị khoác cái áo tham nhũng đâu. Nếu được thế thì may ra vận hạn của đất nước đỡ đi được phần nào chăng?

Nhưng rồi tôi cứ ngờ ngợ. “Người làm sao bào hao làm vậy”, các cụ ta chiêm nghiệm từ cuộc đời mà đúc kết tính cách, cá tính của con người dẫn đến ngôn từ, hành động phù hợp với nó. Nhắc đến “vận hạn” vì vừa rồi qua email, một người bạn gửi cho mấy lời giảng của một thức giả khi đề cập đến bài viết của cái anh phải gió nào đó về “cái hạn cuối năm của một nhân vật cao ngất ngưỡng: “Có một sự thật quan trọng nữa là, hôm nay, ngày 6/11 (tháng Canh Tý của năm Bính Thân) thì trong Ngũ hành Sinh khắc, là tháng bất lợi cho tuổi Canh Thân (Tuyền trung thủy, dòng suối nhỏ). Nếu cả năm Bính Thân (Lửa chân núi) đã làm bốc hơi "dòng nước nhỏ nơi khe suối" rồi, thì Bích thượng thổ đã được lửa chân núi nung cho rắn chắc hơn, có khả năng hút nốt những giọt nước cuối cùng của khe suối. Bởi vậy, xin chân thành khuyên những ai tuổi Canh Thân, phải hết sức biết giữ mình, hăng hái quá chỉ thiệt thân”.  Hãi quá mất thôi.
Dẫn ra chuyện giải số tử vi có khi những người kiên định về quan điểm vô thần khó chịu, xin trích dẫn lời nhà văn được giải Nobel văn chương, Albert Camus từng viết về kiểu nhà chính trị này vậy: vẫn luôn là cũng những từ ngữ đó nói cùng những lời dối trá đó. Và sự thật là người ta chấp nhận điều này. Rằng sự giận dữ của nhân dân không hề hủy diệt những thằng hề rỗng tuyếch đó”! Và đáng sợ chính là điều này.

Thì cứ mở báo “Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân”, “Công An Nhân Dân” và miên man những tờ báo của “nhân dân” do Nhà nước quản lý, rồi những màn hình tivi trình diễn cho “nhân dân” xem từ trung ương đến địa phương luôn tràn ngập những tụng ca, những tán dương nồng nhiệt, những nụ cười tươi rói dành cho nhà lãnh đạo là hiểu ra ngay thôi.

Nhớ rằng lý do tác phẩm của Camus được tặng giải Nobel vì ông là “người đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”. Liệu cái ánh sáng ấy có le lói được chút nào ở cái đất nước đau thương của hôm nay đã từng có một thời được không ít người có lương tâm trên thế giới xem là “lương tâm của thời đại”? Vậy thì trở lại với chủ đề “nhìn ra xa rồi nhìn lại gần” để cố le lói mường tượng ra chút hy vọng chăng.

 Tạp chí Time” vừa bầu chọn Donald Trump là nhân vật của năm 2016. Lý do được biên tập viên Nancy Gibbs của TIME đưa ra là "vì đã nhắc nhở nước Mỹ rằng sự thật có sức mạnh lớn lao như niềm tin ở những ai dám nói ra, vì đã tiếp sức cho đám đông cử tri im lặng bằng cách khuấy động sự giận dữ của họ, vì đã định hình văn hóa chính trị trong tương lai bằng cách xóa bỏ những gì thuộc về quá khứ".

Đọc thấy tin ấy, một ý nghĩ lẩn thẩn ập đến trong đầu, nên chăng, yêu cầu tạp chí danh tiếng này, cùng với tiêu chí tuyển chọn trên, nhưng đặt ngược lại để chọn một nhân vật của năm, thì có khi nước ta sẽ được danh vang bốn cõi nhờ có được một nhân vật như vậy : “ vì đã nhắc nhở nước này rằng sự thật có sức mạnh lớn lao một khi sự sụp đổ niềm tin của những ai đang còn giữ kín trong lòng được phơi bày, vì đã bịt miệng  đám đông cử tri phải dấu kín sự phẫn nộ của họ để chờ đến ngày bục vỡ, vì đã quyết liệt ngăn chặn khát vọng về một văn hóa chính trị trong tương lai bằng cách ngoan cố duy trì một ý thức hệ của quá khứ đã lụi tàn”. Có khi thuốc đắng dã tật cũng nên.

Ảo tưởng ư? Cũng có thể.

Nhưng sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố. Hình như câu này của Einstein thì phải.
Ngày 11.12.2016