100 năm Cách mạng Tháng Mười
và đại hội 19 của ĐCSTQ vừa
mới bế mạc
Nguyễn Trung
I. Về ảnh hưởng của Cách Mạng Tháng Mười
Thừa nhận những ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu của Cách mạng tháng Mười Nga,
nhiều báo chí và học giả trên thế giới gọi 100 năm qua là thế kỷ “đỏ”.
Đánh giá này trước hết dựa vào những tác động của Cách mạng Tháng 10 đã làm
thay đổi sâu sắc diện mạo thế giới và xu thế phát triển của nó với những dấu ấn
khác nhau suốt 100 năm qua, mặc dù nước Nga của tổng thống Putin không có lễ kỷ
niệm sự kiện này.
Sự thật là:
- CMTM đã diễn ra như một tất yếu lịch sử của sự phát triển ở nước Nga đã
đi tới bước khốn cùng và trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế đang ở đỉnh cao trong cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột tàn tệ của chủ
nghĩa tư bản tại thời kỳ này. Cuộc cách mang này mang trong nó những lý tưởng
cao đẹp về giải phóng con người, hứa hẹn khả năng mở ra một con đường phát phát
triển mới đầy hy vọng, vì lẽ này nó được coi như mùa xuân của nhân loại, đã cổ
vũ nức lòng trào lưu tiến bộ trên thế giới. Những người chống lại quan điểm này
gọi CMTM là một cuộc đảo chính bôn-xê-vich!
- Xuất hiện cường quốc XHCN Liên Xô với tính cách là một trong những yếu tố
quyết định cùng với các lực lượng đồng minh đánh bại các thế lực phát xít trong
chiến tranh thế giới II.
- Tạo ra sự hình thành hệ thống thế giới XHCN - trong đó có sự ra đời của
CHND Trung Hoa - đối kháng với hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, làm xuất hiện
cục diện chiến tranh lạnh I với nội dung “2 phe 4 mâu thuẫn”.
- Thúc đẩy và hậu thuẫn mạnh mẽ phong trào giành độc lập dân tộc của các
nước thế giới thứ ba - qua đó góp phần quan trọng vào việc xóa bỏ chủ nghĩa thực
dân và chủ nghĩa thuộc địa. Trong quá trình phát triển này chủ nghĩa đế quốc
với nội hàm cổ điển coi như đã cáo chung,
- vân vân...
Cùng với những thay đổi tự thân tất yếu trong quá trình phát triển cũng như
trong quá trình tham gia toàn cầu hóa của các nước phương tây - đứng đầu là Mỹ,
sự xuất hiện hệ thống thế giới XHCN đã góp phần nhất định vào những thay đổi ở
các nước phương Tây với những nội dung như: khắc phục ở mức có thể những khuyết
tật của hệ thống tư bản chủ nghĩa, chuyển sang giương cao ngọn cờ tự do - dân
chủ - nhân quyền và ngọn cờ toàn cầu hóa, tham gia vào và đẩy mạnh cuộc đấu
tranh “ai thắng ai?” do phe XHCN đề xướng giữa hai con đường XHCN và TBCN trong
chiến tranh lạnh...
Có thể sẽ không phải là quá lời nếu nói rằng: Trong suốt thời kỳ này các
nước phương Tây đã có những thay đổi theo hướng tự hoàn thiện và nâng cao khả
năng cạnh tranh của chính mình để thích nghi với cục diện quốc tế ở thời kỳ
này. Một phần đáng kể những thay đổi này đã chịu những tác động nhất định trực
tiếp hoặc gián tiếp từ hệ thống thế giới XHCN - rõ nét nhất là những diễn biến
trong khoảng thời gian này đã làm xuất hiện và cuối cùng là đã làm mất đi chủ
nghĩa thực dân mới của các nước phương Tây, vì phương thức này đã trở thành “đồ
cổ” trong cục diện mới của thế giới đương thời. Có lẽ cũng không sai nếu cho
rằng CNTB đã học được nhiều điều và khai thác được đáng kể những khuyết tật của
hệ thống thế giới XHCN; đến lượt nó - chủ nghĩa tư bản, đã tích cực tham gia
hoặc tạo ra được những ảnh hưởng / tác động vào quá trình làm sụp đổ hệ thống
thế giới XHCN. Tuy nhiên trước sau vẫn phải nhấn mạnh: Sự sụp đổ của các nước
Liên Xô - Đông Âu trước hết và chủ yếu là do các nguyên nhân tự thân bên trong
của những quốc gia này.
Như
một quy luât khách quan, sau khi tận dụng hết khả năng trong nước phát triển
theo chiều rộng, hệ thống chính trị của các nước LXĐÂ đứng trước hai thách thức
cơ bản không vượt qua nổi:
(a) Hệ thống chính trị ra đời từ bạo lực cách mạng và chiến tranh, nhưng
trong quá trình phát triển sau đó của đất nước trong thời bình dần dần hệ thống
này đã bộc lộ nguyên hình và hoành hành trọn vẹn với tính cách là chế độ toàn
trị với nhiều hệ quả rất nghiêm trọng - bao gồm cả những
tội ác khủng khiếp - cho chính những quốc gia này cũng như cho thế giới còn
lại;
(b) Sự phát triển theo chiều rộng của nền kinh tế kế hoạch hóa và bao cấp
đã đi tới ngưỡng ách tắc và tất yếu đổ vỡ.
Ngoài ra còn phải kể đến một loạt những nguyên nhân lịch sử và chính trị
sâu xa không thể hàn gắn được trong các mối quan hệ giữa một bên là Liên Xô và
một bên là các nước XHCN đông Âu, và sức ép cạnh tranh giữa 2 hệ thống thế giới
đã tới mức không chịu đựng nổi. Trong khi đó ngay từ rất sớm CHNDTH đã tách ra
tranh giành ngọn cờ lãnh đạo của Liên Xô.
Tất cả những lý do nêu trên giải thích sự sụp đổ tất yếu của các nước LXĐÂ.
Thừa nhận như trên, còn phải thừa nhận những diễn tiến khác của thế kỷ
“đỏ”:
-
Cách mạng Tháng 10 đã phá bỏ được chế độ Nga hoàng, nhưng không thể
thực hiện được những lý tưởng và giá trị cao đep mang tính xã hội chủ nghĩa đã
tạo ra chính cuộc cách mạng này. Bởi vì bạo lực cách mạng chỉ có thể xóa bỏ
được chế độ sa hoàng thối nát không còn lý do để tồn tại. Nhưng bạo lực cách
mạng không thể mang lại cho Liên Xô chủ nghĩa xã hội theo những lý tưởng đã
viết trên lá cờ cách mạng của nó, cho dù nước Nga trong giai đoạn ban đầu này
đã tạo ra được những “thần kỳ” (miracles) nào đó - bao gồm cả sức mạnh đánh bại
phát xít Đức và Nhật trong chiến tranh thế giới II - và với những cái giá đã
phải trả đắt như thế nào! Sau khi khai thác hết những nguồn lực có thể huy động
được của thời kỳ đầu, chế độ toàn trị của Liên Xô -
ra đời tư bạo lực của Cách mạng Tháng 10 và chiến tranh - cuối cùng đã không
thể mang lại cho Liên Xô sự phát triển mới lẽ ra phải có. Cách mạng Tháng 10
với sự sụp đổ sau này của Liên Xô nói riêng và của các nước XHCN Đông Âu nói
chung cho thấy xây dựng một xã hội mới với những giá trị mới phải là kết quả và
thành quả của phát triển, chứ không thể đơn thuần là làm cách mạng và dựa vào
bạo lực của quyền lực mà có thể tạo ra được. Thực ra trước đó Cách mạng
tư sản Pháp (1789) đã chứng mình thực tế quyết liệt này như một quy luật tất
yếu, (tìm hiểu thêm vấn đề: “cách mạng ăn thịt những đứa con của mình” của cuộc
Cách mạng này).
-
Hoàn toàn không thể có chuyện sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là thất bại của chủ
nghĩa xã hội mô hình xô viết. Bởi vì kết luận như thế, ắt dẫn tới những câu
hỏi: Vậy mô hình đúng của chủ nghĩa xã hội là gì? Mô hình
này đã có ở đâu trên trái đất này?.. Ai trả lời được?.. Thậm chí còn phải quay
lại những câu hỏi kinh điển cũ không dễ gì trả lời, ví dụ: Thế nào là chủ nghĩa
xã hội? theo định nghĩa nào? chủ nghĩa hay và ý thức hệ nào?.. CNXH nên được
hiểu là mục tiêu, là những giá trị cần đạt được do những thành quả của phát
triển đem lại, hay là phương tiện? là con đường?.. Có hay không một CNXH như
một thể chế chính trị gắn với ý thức hệ Mác - Lênin như thế?..
Sự phát triển của các nước Bắc Âu đang được cọi là “CNXH hiện thực” hiện
nay của trào lưu dân chủ xã hội, nhưng chủ nghĩa dân chủ xã hội đã bị chính
Quốc tế III (Comintern, 1919...) và CNML lúc đương thời bác bỏ, không thể coi
nó cũng là một sản phẩm của thế kỷ “đỏ”, nên xin dành cho một dịp bàn luận
khác.
- Vân vân...
Song sự sụp đổ của các nước LXĐÂ đã cho phép kết luận: CNXH được xây dựng
theo ý tưởng và phương thức ra đời từ CMTM trên nền tảng của chủ nghĩa Mác -
Lênin (như đang định hình là nền tảng tư duy của ĐCSVN) đã tự chứng mình là ảo
tưởng, tất yếu thất bại. Nên coi thất bại này - cũng là
một sản phẩm rất quan trọng của thế kỷ “đỏ, vì đấy là bài học nhiều quốc gia đã
phải trả giá đắt, ngay nay rất cần biết tới trong tư duy và trong những quyết
định mới cho hiện tại và tương lai. Trước hết đấy cũng là bài học lớn và đã
phải trả giá đắt của chính nước ta trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ
tổ quốc suốt 42 năm độc lập - thống nhất vừa qua. Cuộc sống trên thế giới
trong suốt thời gian 100 năm sau CMTM đã khẳng định: Để giành được những tiến
bộ xã hội đáng mong muốn, nhất thiết phải thông qua con đường tạo ra phát triển
mà văn minh nhân loại đã tổng kết.
Thuộc
về thế kỷ “đỏ” này, còn phải kể đến những tàn dư nó để lại với không
ít hệ lụy cho đến hôm nay trong nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đã từng có các
phong trào “cánh tả”, cho dù những phong trào này mang tên gọi là gì và nhuốm
mầu sắc chính trị nào, nhất là các phong trào cánh tả “mao-ít”.
Song trong khoảng gần ba thập niên cuối cùng của thế kỷ “đỏ” này - nghĩa là
sau khi các nước LXĐÂ sụp đổ, không hề có một biểu hiện nào xảy ra trên thế
giới cho phép kết luận tiến lên CNXH (như đang được hiểu theo ý thức hệ
của CNML) là xu thế tất yếu của xã hội loài người. Trong khi đó lại đang
diễn ra một xu thế khác rất đặm nét của tính “chế độ toàn trị”, đang chi phối
sâu sắc sự phát triển của thế giới hiện tại, đó là:
- Từ sự sụp đổ của Liên Xô XHCN
- cái nôi của CMTM - đang dần dần trỗi dậy trở lại đế chế Nga vóc dáng kiểu sa
hoàng dưới thời Putin hiện nay;
- và từ CHNDTH xã hội chủ nghĩa
đặc sắc TQ, một đế chế Trung Hoa đang trên đường phục hưng với giấc mộng Trung
Hoa.
II. Chẳng lẽ sau
thế kỷ “đỏ” sẽ là thế kỷ “xám”?
Vâng,
sau thế kỷ “đỏ” có thể sẽ là thế kỷ “xám”!?..
Đấy là ý nghĩ ngay tức khắc của tôi, sau khi thấy thiên hạ đưa ra khái niệm
thế kỷ “đỏ” trong bàn luận về 100 năm Cách mạng Tháng Mười. Nhất là ít lâu nay
đó đây trên thế giới đã có ý kiến coi thế kỷ 21 là của Trung Quốc.
Sự thật suy nghĩ trên là một phản sạ tự nhiên rất tiêu cực trong tôi, trước
hết[1] xuất phát từ những kinh
nghiệm cay đắng trong quan hệ của nước ta với TQ trên chặng đường kể từ hội
nghị Geneva 1954 về Đông Dương cho đến hôm nay. Chặng đường này có nhiều cột
mốc đau khổ, thậm chí không hiếm những chặng đường vô cùng đẫm máu cho nước ta,
rồi còn biết bao nhiêu sự can thiệp khác nữa vào nước ta của quyền lực rắn và
quyền lực mềm “made in China”... Rồi còn biên giới / biển đảo của nước ta bị
xâm phạm, đất nước đang bị uy hiếp, trên thực tế đang bị bao vây chiến lược, sự
lệ thuộc nguy hiểm chưa có lối ra...
Chặng đường đau khổ này tất cả mọi người đều biết, xin miễn kể lại tại
đây... Người Việt nào có thể nhắm mắt trước sự thật nghiêm trọng này? Tôi cũng
vậy, mặc dù không lúc nào tôi ngừng suy nghĩ, gạn đục khơi trong, cố níu kéo
những điều tốt đẹp đã có, ngày đêm hì hục đi tìm con đường xây dựng mối quan hệ
hữu nghị thật, hợp tác thật không thể thiếu giữa nước ta và nước láng giềng
khổng lồ này.
Đại
hội 19 của ĐCSTQ không làm cho cảm nghĩ tiêu cực nêu trên của tôi mất đi. Thật
lòng thì phải nói: Đại hội 19 của ĐCSTQ với kết cục như chúng ta đã biết, đang
tăng thêm sự lo lắng trong tôi, vì hai lẽ:
1. TQ kể từ thời Đặng Tiểu Bình
đã và đang trở thành vấn đề của cả thế giới chưa có lời giải; sau đại hội 19
thách thức này đối với cả thế giới càng gia tăng, trước hết là cho các nước
láng giềng, trong đó có nước ta.
2. Không thể nói đất nước ta đã
được chuẩn bị sẵn sàng cho đối mặt với mọi vấn đề của cục diện thế giới đã sang
trang hôm nay đang thách thức nước ta, trong đó trước hết là những vấn đề xuất
phát từ đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng đang trực tiếp đặt ra cho nước
ta.
III. Về cái thế kỷ “xám”
Có
thể nói lịch sử đế chế Trung Hoa với bản sắc văn hóa và chính trị đã kiến tạo
ra nó là liên tục cho đến hôm nay, ngoại trừ khoảng một thế kỷ gián đoạn kể từ
khi xảy ra chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839 - 1842). Nguyên do của sự
gián đoạn này là thế giới từ lâu đã chuyển sang thời kỳ phát triển của chủ
nghĩa tư bản, trong khi đế chế trung tâm này (Trung Quốc) vẫn còn đang ngủ. Khi
CHNDTH ra đời năm 1949, đế chế này đã tức khắc thức dậy, cho dù nó khoác trên
mình chiếc áo cộng sản.
Ngay từ lúc còn thân cô thế cô trong thời Mao, đế chế thức dậy này đã ấp ủ
khát vọng “gió Đông thổi bạt gió Tây”, thực hiện những chiến dịch phát triển
cuồng vỹ với nhiều tội ác đẫm máu cho theo đuổi khát vọng bá vương, xử sự với
thế giới bên ngoài theo phương châm “thiên hạ đại loạn, Trung quốc đại trị!”,
“mục tiêu biện minh cho biện pháp”...
Mao thất bại vì quá vỹ cuồng, song đế chế thức dậy này kể từ thời Đặng Tiểu
bình cho đến hôm nay đã tìm ra được con đường phục hưng của nó: Nương vào sự
vận động của thế giới, đem toàn lực và lợi thế nước đông dân số 1 thế giới để
trở thành công xưởng của thế giới, khai thác như vơ vét triệt để quá trình toàn
cầu hóa kinh tế thế giới đang ở thời kỳ cao trào theo cách có lợi nhất cho
Trung Quốc.
Quá trình phát triển nêu trên khởi đầu từ quan điểm chiến lược “dò đá qua
sông”, “giấu mình chờ thời” trong thời Đặng, rồi đến chặng đường “trỗi dậy hòa
bình”... Với nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới và là một thị trường mà
kinh tế thế giới không thể bỏ qua, quyền lực mềm của Trung quốc đã luồn sâu
đáng kể tại không ít quốc gia trên thế giới, đồng thời chủ nghĩa thực dân mới
của Trung Quốc đã bỏ xa chủ nghĩa thực dân mới của các nước tư bản thời sau
chiến tranh thế giới II... Ngoài những căn cứ quân sự xây trên các đảo Trung
quốc lấn chiếm trên Biển Đông, thiết lập vùng cấm bay trên biển Hoa Đông, Trung
Quốc đã thuê được căn cứ quân sự ở Djibouti (châu Phi), sẽ mở tiếp ở Pakistan,
đã tăng cường ảnh hưởng ở nhiều nước châu Phi, là nhân vật số 1 của diễn đàn
BRICS (khối các nước nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới).., v... v... Hơn
nữa nhiều thể chế và định chế là rường cột làm nên trật tự kinh tế và chính trị
hiện hành của thế giới đã và đang bị Trung Quốc và phương thức phát triển của
nó làm méo mó hoặc bị lũng đoạn đáng kể.
Trong khi đó việc các cường quốc phương tây xây dựng “luật chơi” mới
nhằm thay đổi xu thế vận động này của Trung Quốc không thành công.
Mọi nỗ lực của Mỹ và phương Tây muốn lôi kéo Trung quốc cùng đi với mình để trở
thành một cường quốc có trách nhiệm đối với thế giới, hoặc muốn kiềm chế Trung
Quốc, đều thất bại.
Bằng những chiến lược thực dụng khác nhau qua từng thời kỳ phát
triển, GDP per capita của Trung quốc năm 1978
(khi bắt đầu đổi mới theo quan điểm “mèo trắng, mèo đen...”) là 200 USD, hiện
nay đạt khoảng 8000 USD, tăng gấp 40 lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 sau
Mỹ, không xa sẽ vượt qua quy mô của Mỹ. Hiển nhiên khó tìm ra được một nước nào
trong một khoảng thời gian ngắn lịch sử khoảng 4 thập kỷ đã có thể làm được như
vậy để so sánh.
Không thể nói khác: Đế chế thức dậy này của nước 1,3 tỷ dân đã đi được một
chặng đường dài trên con đường phục hưng của nó, đang trở thành một nhân tố chi
phối theo cách của nó sự phát triển của thế giới. Nói thế giới hôm nay chưa có
giải pháp nào hữu hiệu cho “Frankenstein Trung Quốc” chính là vì những lẽ này.
Hôm nay, với tiềm lực kinh tế và quân sự đã đạt được trong tay, đế chế này
qua diễn văn khai mạc đại hội 19 của Tập Cận Bình (18-10-2017), đã trân trọng
tuyên ngôn trước toàn thế giới mục tiêu sẽ trở thành lãnh đạo thế giới, bằng
nền kinh tế sẽ đứng đầu thế giới, với lực lượng quân sự sẽ vượt lên hàng đầu
thế giới, với chiến lược “một vành đai, một con đường” là công cụ kinh tế và
chính trị hỗ trợ sự thực thi... Tất cả được gói ghém trong “giấc mộng Trung
Hoa”, trên nền tảng tư tưởng Tập cận bình đã được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ, với sự
xác lập đảng là số một quân đội là số hai dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của một
lãnh tụ duy nhất được xếp ngang với Mao hoặc thậm chí vượt Mao, được dẫn dắt
dưới lá cờ của CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.
Tôi nghĩ, nên vượt lên trên mọi suy nghĩ cảm tính để nhìn thẳng vào sự
thật: Trong trò chơi tranh giành quyền lực (games of power), tuyên
ngôn này là sự lựa chọn có lý và cần thiết ở thời điểm này cho Trung
Quốc trên con đường phục hưng vai trò đế chế của nó. Điều này còn hàm nghĩa với
những rối loạn hiện thời, cục diện thế giới đã sang trang hôm nay đang mang lại
cơ hội nhất định cho sự lựa chọn như vậy. Thậm chí đây còn là sự lựa chọn duy
nhất có thể để Trung Quốc thoát khỏi nguy cơ tan rã trong thế giới toàn cầu hóa
hôm nay và nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội phục hưng đế chế sờ thấy được trong
cục diện quốc tế hiện đang rối loạn này. Nghĩa là một sự lựa chọn chớp thời cơ,
vượt nguy cơ ách tắc và tan rã bên trong, tập trung quyền lực cao nhất, quyết đẩy
Trung quốc lên phía trước, tất cả thể hiện không thể hiểu nhầm trong khẩu khí
vừa hoành tráng vừa đe dọa trong suốt toàn bài diễn văn hơn 3 tiếng đồng hồ!..Đấy
là sự lựa chọn rất quyết liệt chưa từng có của trí tuệ và ý chí của giới tinh
hoa trong truyền thống đế chế Trung quốc cho Trung Quốc, nó khác hẳn với những
gì rối bời đang diễn ra trong giới cầm quyền ở Mỹ! Sức nặng của mọi vấn đề mà
thế giới nói chung và nước ta nói riêng sẽ phải chịu đựng trong đối mặt với đế
chế Trung Quốc trên đường phục hưng nằm trọn vẹn trong sự lựa chọn này và khả
năng thực thi nhất định của nó.
Đương nhiên, giữa khát vọng giấc mộng Trung Hoa dù được thiết kế tinh khôn
như thế nào và thực tế của đời sống thế giới luôn luôn có khoảng cách, rộng hẹp
ra sao còn tùy diễn biến của thời cuộc quốc tế. Điều chắc chắn “giấc mộng Trung
Hoa” vừa là khát vọng phục hưng đế chế, vừa là một dilemma đời
đời của Trung Quốc. Bởi chưng không tập quyền cao độ thì tan rã, đổ vỡ và không
phát triển, không đẩy Trung Quốc lên được. Nhưng càng tập quyền nguy cơ đổ vỡ
càng gia tăng. Đổ vỡ thời Mao đã minh chứng điều này. Những giá trị cơ bản của
truyền thống văn hóa Trung Quốc và sự hình thành cùng với lẽ tồn tại của quốc
gia đế chế này tạo ra cái dilemma cố hữu này, có thể
nói cố hữu tới mức như là trời buộc, ngoại trừ cho đến khi có sự thay đổi đột
biến nào đó! Đây là nhược điểm, đồng thời cũng là chỗ yếu căn bản của đế chế
Trung Hoa. Đặc tính này có thể gây khó / dễ cho thế giới, nhiều hay ít tùy diễn
biến và phản ứng của thế giới. Chính đặc tính này khiến nó không có khả năng,
không có lợi ích trở thành một cường quốc có trách nhiệm với cộng đồng thế
giới. Do đó khát vọng vai trò lãnh đạo thế giới sẽ chỉ là một loại thuốc không
thể thiếu cho kích thích tinh thần người dân Trung Quốc nhiều hơn là một khả
năng hiện thực. Chưa nói đến sự phát triển trên thế giới ngày nay đã đi rất xa
không còn chỗ cho một sự lãnh đạo như thế.
Song mối nguy hiểm lớn nhất của “giấc mộng Trung Hoa” đối với thế giới bên
ngoài nằm ở chỗ tính mỵ dân của nó kích thích chủ nghĩa dân tộc nước lớn trong
tâm lý nhân dân Trung Quốc ở tầm ảnh hưởng và sự tác động lớn chưa từng có,
nhất là tại quốc gia này vốn dĩ có truyền thống lịch sử và văn hóa từ ngàn xưa
nuôi dưỡng tâm lý dân tộc nước lớn, trước hết là trong đối xử với các nước láng
giềng nhỏ yếu hơn... Xin đừng quên nhân dân hai nước Đức và Nhật đã bị đẩy vào
chiến tranh thế giới II như thế nào!
Cục diện thế giới hôm nay còn đậm lên một vấn đề thời sự mới khác trước:
Trong mối quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ, Trung, Nga với tính cách là những diễn
viên chính trên sân khấu tranh giành quyền lực thế giới, dù xảy ra xung đột cục
bộ ở bất kỳ đâu, hoặc đạt được thỏa hiệp nào với nhau cho bất kỳ vấn đề gì trên
thế giới này, đều có thể làm cho một khoảng trống quyền lực nào đó dưới một
dạng nào đó còn đang tồn tại ở khu vực Biển đông càng trở nên “trống rỗng” thêm
(more emptier), các nước trong khu vực sẽ lĩnh đủ.
Nhân
đây cũng xin lưu ý, trong diễn văn tại đại hội 19, tư tưởng Tập Cận Bình có một
nội dung chủ ý nhấn mạnh đến chủ nghĩa Mác đã được Trung Quốc hóa và
CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới như một phát kiến
mới về lý luận và ý thức hệ để tiếp tục dẫn dắt Trung Quốc trên con đường thực
hiện giấc mộng Trung Hoa. Đây là một món ăn tinh thần mới, không thể thiếu trong
thực đơn của giới tinh hoa trong truyền thống đế chế Trung Quốc chuẩn bi cho
nhân dân Trung Quốc, để giữ mộng và xây mộng. Người nước ngoài như chúng ta
không có phần trong bữa tiệc này. Nếu tham ăn cố tình dự tiệc, sẽ có thể bị ngộ
độc thực phẩm. Chỉ có 6 âm tiết thôi “trung, quốc, hóa, thời, đại, mới”, nhưng
đủ nói lên tất cả, không thể “trệch hướng” vào đâu được, và đủ để cho lãnh đạo
Trung Quốc tùy nghi vận dụng, cho đối nội cũng như cho đối ngoại. Thực là tài
quá! Giỏi quá!.. Là người có khuyết tật hay viết dài, tôi bái phục thừa nhận
đây là bậc thầy của sử dụng ngôn từ. Lại tự nhủ mình phải đọc hay nghe những âm
tiết này bằng kinh nghiệm.
Tôi
nghĩ, không nên võ đoán hoặc suy nghĩ theo thành kiến về hiện tại hay tương
lai, để không một giây phút rời tai rời mắt đối với mọi diễn biến tốt / xấu của
hiện tại và tương lai. Càng không nên để cho thần hồn nát thần tính. Nhưng cũng
xin đừng bao giờ xem thường kinh nghiệm đã tích lũy được. Nhìn lại 40 năm qua,
thú thực nhiều lúc tôi có cảm nghĩ sự lớn mạnh của một Trung Quốc bá vương cho
đến nay cứ ngày một ngày hai liên tục lừng lững như một con lũ không gì cản
được, nhất là tại khu vực Đông Nam Á này, và ảnh hưởng của nó, nhất là sự tham
gia của quyền lực mềm Trung Quốc theo kiểu mỗi tình huống đều là một cơ hội
“ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, đã gây ra nhiều điều xám xịt trên thế giới những
thập kỷ vừa qua, và ngay cả trên nước ta, với nhiều hệ quả lâu dài trùng điệp
thiên la địa võng.., trong đó có sự lệ thuộc đang rất khó gỡ của nước ta. Cái
cảm giác thế kỷ “xám” của tôi bắt nguồn từ đây.
Không thể không suy nghĩ về cái thế kỷ “xám” có thể này, trước mắt là cho
những năm tới, cho một vài thập kỷ tới.
IV. Lời kết
Mối
nguy lớn nhất đối với một quốc gia cũng như một con người không phải là chính
bản thân mối nguy ấy - dù là nội dung hay kích cỡ mối nguy ấy như thế nào, mà
là sự nhắm mắt trước mối nguy ấy vì bất kỳ lý do nào. Nếu đấy là sự nhắm mắt do
khiếp đảm, hoặc do lẩn tránh sự thật, cũng đều đồng nghĩa với tự nộp mạng cho mối
nguy ấy.
Như
đã nhận đinh bên trên: Không thể nói đất nước ta đã được chuẩn bị sẵn sàng cho
đối mặt với mọi vấn đề của cục diện thế giới đã sang trang hôm nay đang thách
thức nước ta, trong đó trước hết là những vấn đề xuất phát từ đế chế Trung Hoa
trên đường phục hưng đang trực tiếp đặt ra cho nước ta.
Từ
chỗ đất nước ta không được chuẩn bị sẵn sàng như vậy đến chỗ “nhắm mắt” cách
nhau bao xa? Hay là sự không sẵn sàng này chính là hiện tượng đang nhắm mắt?..
Xin
coi hỏi như thế là nhiệm vụ vô cùng nghiêm trọng cho từng người dân Việt Nam,
song trước hết là cho ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của nó, để quyết định thái độ
và hành động.
Với quyền lực nắm trọn vẹn vận mệnh đất nước trong tay, trách nhiệm chuẩn
bị mọi mặt cho đất nước sẵn sàng với cái thế kỷ “xám” này duy nhất đặt lên vai
ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của nó. Đảng sẽ có công hay tội đối với đất nước hoàn
toàn tùy thuộc vào thực thi thành công hay thất bại, hay lẩn tránh trách nhiệm
ràng buộc này. Ngay bây giờ Đảng phải tự hỏi mình: Hiện nay Đảng không sẵn
sàng, hay chưa đủ sẵn sàng, hay đang nhắm mắt?!
Mở mắt nhìn thẳng vào sự thật, khó khăn
nào cũng có lối ra, trước hết để xác lập nhận thức và ý chí phải có, tạo ra sức
mạnh đồng thuận của cả nước đưa đất nước ra khỏi những khó khăn hiện nay, có
thực lực và bản lĩnh đối mặt với cái thế kỷ “xám”. Đây còn là con đường giành
lấy và xây dựng hữu nghị thật, hợp tác thật nước ta không thể thiếu trong quan
hệ với Trung Quốc, phải cùng đi với cả thế giới mà giành lấy. Mọi liều thuốc
giả đều là tự sát, dù tên gọi của nó là gì, “đại cục”, “tương giao”, “tương
đồng”.., dù bằng các liệu pháp trấn áp, cấm đoán, dùng đội ngũ dư luận viên,
phát triển hội cờ đỏ...
Cũng xin nhắc lại một lần nữa: ĐCSVN không
phải là hay giống như ĐCSTQ, nhiệm vụ chính trị của nó đối với quốc gia Việt
Nam hoàn toàn khác với nhiệm vụ này của ĐCSTQ đối với Trung Quốc, như nước khác
với lửa, như ngày khác với đêm. Một bên là làm cho đất nước có thực lực, ý chí
và bản lĩnh trở thành láng giềng được tôn trọng, một bên là phục hưng đế chế
trung tâm thiên hạ. Trong cái thế kỷ “xám” này Việt Nam trước sau vẫn là cái
đích của đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng./.
Nguyễn Trung
Hà Nội, Võng Thị, ngày
06 tháng 11 - 2017
Tác giả gủi
cho viet-studies ngày 6-11-17