09 novembre 2017

Vài nét về quan hệ văn học Nga - Việt


Phan Hồng Giàng: "Trong nền văn học Nga Xô Viết trước đây đã tồn tại không ít những khuyết tật. Cái gọi là “phương pháp sáng tác ưu việt hiện thực xã hội chủ nghĩa” giờ không còn ai dám mạnh miệng nhắc đến - ở nước Nga cũng như ở nước ta. Có không ít tác phẩm, được chỉ đạo bởi các quan niệm mang tính chính trị - xã hội học dung tục, mang đậm tính minh họa giống như nhiều tác phẩm văn học nước ta trước đây mà cuối  năm 1987, cố nhà văn đáng kính Nguyễn Minh Châu đã rành rẽ đọc “lời ai điếu” ! 
Trong hoạt động của giới nhà văn Xô viết cũng không ít khi bị nhiễu loạn bởi những kẻ “bảo hoàng hơn cả nhà vua”,  luôn sẵn sàng chụp mũ đồng nghiệp, ra sức diệt trừ những tác phẩm trung thực. Căn bệnh chết người này, tiếc thay, có một thời cũng đã lây lan sang làng văn nước ta…"



Nhà văn Nga nổi tiếng K. Fêđin có nhận xét thâm thúy: “ Nhà văn Nga là một khái niệm gì đó lớn hơn bản thân nhà văn và rộng hơn nước Nga”.  Đúng vậy, nhà văn Nga không chỉ thể hiện mình trong các sáng tác mang đậm tính công dân mà còn gắn bó mật thiết với sự nghiệp cao cả giải phóng con người, không chỉ trong phạm vi nước Nga mà còn trên cả thế giới.

Từ đây ta dễ hiểu vì sao văn học Nga, trong đó có phần tốt đẹp nhất của văn học Nga Xô viết, giữ vị trí đáng kể trong tiến trình văn học thế giới từ hàng trăm năm nay.

Nhắc lại vài nét về mối quan hệ văn học Nga – Việt có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn vai trò, vị trí của văn học Nga đối với sự phát triển của nền văn học Việt Nam.


1.  Văn học Nga Xô viết là yếu tố ngoại sinh quan trọng bậc nhất trong sự phát triển của văn học cách mạng Việt Nam.


Năm 1923, nếu Nguyễn Ái Quốc không xúc động đến rơi nước mắt khi đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin thì Việt Nam đã không đi theo con đường Cách mạng tháng Mười. Lịch sử không có chữ “nếu” và Việt Nam – trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể - trên thực tế đã và đang đi theo con đường đó, kể cả khi quê hương Cách mạng tháng Mười đã từ bỏ con đường này!

Từ cái gốc lịch sử cách mạng đó, văn học Việt Nam,- ít ra là trên nửa phần phía Bắc của đất nước, - cũng đã đi theo con đường văn học Nga Xô viết.

Từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, văn học Xô viết, qua các bản dịch tiếng Pháp, đã đến tay các trí thức Việt Nam, đặc biệt là vào thời kỳ Mặt trân Bình dân thắng lợi ở Pháp (1936 – 1939). Đó là các tác phẩm của  Solokhov, Gladkov, Ostrovski… và nhất là của Gorki với nhiều chương trong tiểu thuyết “Người mẹ” qua bản dịch của Nguyễn Thường Khanh đã được đăng nhiều kỳ trên báo “Con người mới” (1938).

Nước Việt Nam độc lập ra đời  đánh dấu thời kỳ văn học Xô viết du nhập thuận lợi hơn vào Việt Nam. Toàn bộ bản dịch cuốn “Người mẹ”  nhắc đến ở trên được in thành sách riêng ngay trong năm đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Báo “Cứu Quốc” năm 1946 hàng ngày đăng nhiều chương tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của Solokhov.

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Chinh phủ rời thành phố lên chiến khu Việt Bắc. Sách vở, dù ít ỏi, cũng theo lên rừng. Nhiều nhà văn đã cùng nhau kiên nhẫn nhân bản các tác phẩm văn học Xô viết bằng cách chép tay, như nhà phê bình Hoài Thanh đã có lần kể lại về việc làm của chính ông và đồng nghiệp.

Từ năm 1948, các tác phẩm thơ của Simonov qua bản dịch tuyệt vời của Tố Hữu đã lan truyền nhanh chóng. “Đợi anh về”, “Aliosa nhớ chăng, những con đường Smolensk ? “... gần như đã có mặt tức thời trong sổ tay bao chiến sĩ.

Năm 1950 Liên Xô công nhận nước ta, quan hệ ngoại giao được xác lập; một thời kỳ mới mở ra cho sự phát triển của quan hệ văn học Nga – Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những dịch giả văn học Nga Xô viết đầu tiên. Năm 1951, dưới bút danh “Nguyễn Du Kích” cụ đã dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của Phedorov.

Dù chiến tranh chưa chấm dứt, liên tiếp các tác phẩm văn học Xô viết được xuất bản : “Suối thép” của  Seraphimovich,”Một người chân chính” của Polevoi, “Cầu vồng” của Vasileva, bút ký chính luận của Erenburg…

Năm 1954, chiến tranh kết thúc, miền Bắc Việt Nam bước vào xây dựng hòa bình. Giao lưu văn học Nga – Việt được dịp nở rộ. Chỉ trong 5 năm (1960 – 1965), số lượng các tác phẩm văn học Nga Xô viết được xuất bản xem ra còn nhiều hơn số lượng tác phẩm các nhà văn Việt Nam viết ra. Đó là : “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang” của Solokhov, “Con đường đau khổ” của A. Tolstoi, bộ ba tự truyện của Gorki, “Trường ca sư phạm” của Makarenko, “Đội thanh niên cận vệ” của Fadeev, “Mùa gặt” của Nikolaeva, “Thép đã tôi” của Ostrovski, “Bão táp” của Erenburg, “Chapaev” của Furmanov, “Ngày và đêm” của Simonov, “Mùa xuân trên sông Oder” của Kazakevich, “Con đường Volokolamskoie” của Bek, “Binh nhì Matrosov” của Jurba, “Truyện Joia và Sura” của Kosmodemianskaia v.v…

Nhiều tác phẩm văn học Xô viết trở thành hiện tượng xã hội ở nước ta. Có thể kể ra sự kiện tập bút ký “Chuyện thường ngày ở huyện” của Oveshkin đã gây ra tranh luận rộng rãi trên báo chí và ở nhiều cơ quan trong suốt  tháng ba, tháng tư năm 1978. Hoặc  trước đó, vở kịch có vẻ như khô khan “Biên bản một cuộc họp” của Gelman, do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng năm 1977, cũng đã từng làm xôn xao dư luận công chúng…

Tên tuổi nhiều nhà văn Xô viết được đông đảo độc giả yêu mến như  Paustovski với “Bông hồng vàng’, “Một mình với mùa thu”; Aitmatov với “Truyện núi đồi và thảo nguyên”, “Con tầu trắng”; Gamzatov với “Daghestan của tôi”; Bulgakov với “Trái tim chó”, “Nghệ nhân và nàng Margarita”; Grin với “Cánh buồm đỏ thắm” v.v…

Những tác phẩm nổi trội nhất của văn học Xô viết mang tính nhân văn – nhân loại  sâu sắc đã là những bài học nghề nghiệp nhỡn tiền đối với nhiều nhà văn nước ta, là món ăn tinh thần quý báu đối với hàng triệu độc giả Việt Nam.



2. Sự thể hiện nghệ thuật đề tài Việt Nam trong văn học Xô viêt


Tình cảm đặc biệt của nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc đã được thể hiện đầy tính nghệ thuật trong nhiều tác phẩm của các nhà văn Xô viết. Các tác phẩm  này đã chiếm được một vị trí đặc biệt trong nền văn học Xô viết nói chung.

Từ cuối thế kỷ XIX, nhà văn Nga Stanhiukevich (1843 – 1903) đã viết nhiều bút ký về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ.  Tháng 12 năm 1923, trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, nhà thơ Nga nổi tiếng Mandenstam (1891 – 1938) đã viết phóng sự đặc sắc về Nguyễn Ái Quốc với tiên cảm “từ Nguyễn Ái Quốc toát ra không phải là văn hóa châu Âu mà là văn hóa của tương lai”…

Năm 1949, nữ thi sĩ Nga Adalit in tập thơ “Đại dương phía đông” có bài thơ xuất sắc ca ngợi nhân dân Việt Nam. Năm 1955, nhà điện ảnh  hàng đầu Carmen làm bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam trên đường thắng lợi”, và liền sau đó, ông  còn viết 2 tập bút ký đầy đặn “Ánh sáng trong rừng sâu” và “Việt Nam chiến đâu”.

Năm 1960 nhà thơ lão thành Antokonski, người dịch “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch, viết tập sách “Sức mạnh Việt Nam”. Năm 1961 nhà văn nổi tiếng Soloukhin cho in tập bút ký mượt mà ”Những tấm bưu thiếp từ Việt Nam”. Nhà văn Armenhia Sevuns xuất bản tiểu thuyết lịch sử “Mùa xuân Việt Nam” (1963).

Từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc nước ta, trên khắp thế giới bùng lên làn sóng phản đối Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Các nhà văn Xô viết đi đầu trong sự nghiệp dùng ngòi bút làm vũ khí của lương tri. Nhiều tác phẩm liên tiếp được xuất bản : “Việt Nam chiến đấu” (1965) của Leonchiev; ”Việt Nam”, “Giáng trả” (1966), “Nhân dân trong chiến tranh” (1972) của Jukov và Sarapov; “Mười lăm cây số cách Sài Gòn”(1967), “Giông tố trên sông Hồng” (1967) của Sedrov; “Hãy sờ vào trái bom” (1968) của nữ nhà văn, Anh hùng Liên Xô Levchenko; “Tên lửa trên đầm sen” (1970) của Vasilev, “Tre đỏ đại dương đen” (1977) của Parnov v.v… Các nhà viết kịch cũng góp mặt với “Ngôi sao Việt Nam” (1966) và “Hai bước cách đường xích đạo” (1968) của Kupriianov; “Tình yêu bất diệt” (1970) của Avdumomunov.

Xuất hiện nhiều trường ca có giá trị như “Biên giới cháy xém” (1968) của Lukonhin;  “Hồi ức Việt Nam thức dậy” (1969) và “Lý trí nổi loạn” (1970) của Kugunchinov. Nhiều tập thơ xuất sắc ra đời như  “Cô gái vận đồ trắng”(1968) của Dolmatovski; ”Việt Nam, mùa đông năm 1970” (1971) của Simonov; “Đường số 1” (1972) của Evtuchenko; “Thiện và ác” và “Người trung úy bất tử” (1972) của Nikolaev.

“Không nỗi đau nào riêng của ai” (thơ của Simonov) đã trở thành châm ngôn sống của mọi người có lương tri trên thế giới.

Năm 1975, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta giành được thắng lợi, nhà thơ Gamzatov đã xúc động viết : “Tôi muốn ôm hôn từng người Việt Nam, những người đã chiến đấu không phải chỉ vì nền độc lập của đất nước mình, mà còn vì để giữ gìn vẻ đẹp của hành tinh này”.

Các tác phẩm viết về đề tài Việt Nam đã được mọi người nhớ đến vì chúng đã thoát được tính minh họa nhất thời.



3. Văn học Nga Xô viết và sự góp mặt của văn học Việt Nam trên trường quốc tế.


Chúng ta đều biết tiếng Việt không phải là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới.  Các tác phẩm văn học Việt Nam vì thế mà cũng phải chịu cảnh thiệt thòi khi phần lớn bị “giam hãm” trong phạm vi mảnh đất hình chữ S nhìn ra Biển Đông. Từ trước đến nay mới có một vài tác phẩm như “Truyện Kiều” được dịch ra một số ngôn ngữ nước ngoài. Đại bộ phận văn học Việt Nam hiện đại và đương đại, ngoài một vài tác giả lẻ tẻ, vẫn chưa được đông đảo bạn đọc các nước biết đến.

Riêng ở điểm này, chúng ta mới thấy các nhà văn, nhà dịch thuật của nước Nga đã góp phần to lớn để cho văn học Việt Nam đàng hoàng góp mặt trên tiến trình văn học thế giới. Bởi tiếng Nga là một trong 6 ngôn ngữ  được Liên Hợp Quốc yêu cầu sử dụng phổ biến chính thức. Thông qua tiếng Nga, nhà văn và độc giả nhiều nước, nhất là các nước Đông Âu, có cơ hội làm quen với văn học Việt Nam.

Nga là nước duy nhất trên thế giới đã lên kế hoạch tổng thể dịch các tác phẩm văn học Việt Nam.Trong vòng 5 năm, từ  năm 1979 đến năm 1984, các nhà văn Nga đã dịch và xuất bản bộ sách “Văn học Việt Nam” gồm 13 tập đầy đặn, giới thiệu khá đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu của văn học nước ta (chưa tính đến văn học Việt Nam cộng hòa và văn học Việt Nam hải ngoại) trong khoảng từ những năm 30  đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

Ta gặp ở đây các tên tuổi văn xuôi quen thuộc như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… đến Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Ma Văn Kháng, Chu Văn, Nguyễn Văn Bổng, Dũng Hà, Thu Bồn, Đỗ Chu…, các nhà thơ tiêu biểu như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Đức Mậu…

Trong công việc nặng nề này, chúng ta cần nhớ đến đóng góp quý báu của các nhà Việt Nam học tên tuổi như Nhikulin,Tkachev, Zimonina, Sokolov, Riftin, Filimonova, Semanov, Karpov… Nỗ lực của họ đã góp phần xây nên bệ phóng để đưa văn học Việt Nam đi xa.

Gần đây, được sự chu cấp tài chính của Quỹ Tổng thống Nga,  Việt Nam và CHLB Nga đã và đang thực hiện Chương trình quảng bá văn học Nga – Việt rất hiệu quả và hoành tráng.

***

Nói cho đúng ra, mối quan hệ văn học Nga – Việt không chỉ rặt một mầu hồng. Trong nền văn học Nga Xô viết trước đây đã tồn tại không ít những khuyết tật. Cái gọi là “phương pháp sáng tác ưu việt hiện thực xã hội chủ nghĩa” giờ không còn ai dám mạnh miệng nhắc đến - ở nước Nga cũng như ở nước ta. Có không ít tác phẩm, được chỉ đạo bởi các quan niệm mang tính chính trị - xã hội học dung tục, mang đậm tính minh họa giống như nhiều tác phẩm văn học nước ta trước đây mà cuối  năm 1987, cố nhà văn đáng kính Nguyễn Minh Châu đã rành rẽ đọc “lời ai điếu” ! Trong hoạt động của giới nhà văn Xô viết cũng không ít khi bị nhiễu loạn bởi những kẻ “bảo hoàng hơn cả nhà vua”,  luôn sẵn sàng chụp mũ đồng nghiệp, ra sức diệt trừ những tác phẩm trung thực. Căn bệnh chết người này, tiếc thay, có một thời cũng đã lây lan sang làng văn nước ta…

Còn nhiều, nhiều nữa những tác động không mong đợi từ phía nước bạn. Nhưng đó có lẽ sẽ là chủ đề của một bài viết khác.

Xin được tạm dừng ở đây.


3/11/2017

 P.H.G.