26 février 2018

Gốc rễ sâu xa vấn đề kém hiệu quả của DNNN liên quan đến con người


Duy Cường

Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương


VTV.vn- Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, con người là một trong những nhân tố tác động tới việc làm ăn kém hiệu quả ở một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian qua.

 

Thưa ông, trong nhiều năm qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ... Là một chuyên gia kinh tế, ông có lý giải như thế nào về nguyên nhân của tình trạng này?

Câu chuyện DNNN làm ăn thiếu hiệu quả không phải là vấn đề gì mới mẻ. Tính kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp này mang tính phổ biến trên thế giới, kể cả ở các thể chế kinh tế chính trị khác nhau.



Tuy nhiên, gắn với đặc thù điều kiện của Việt Nam là phát triển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mà ở đó DNNN gần như là tất cả, để sang nền kinh tế thị trường hội nhập; cùng với đó là những tư duy về vai trò của kinh tế Nhà nước, của DNNN trong một nền kinh tế. Những yếu tố này đã khiến vấn đề của các DNNN ở Việt Nam đặt ra lớn hơn xét dưới góc độ hậu quả lại nghiêm trọng hơn. 

Như vậy, một trong những lý do là tính đặc thù của giai đoạn chuyển đổi cơ chế, từ kế hoạch hóa, duy ý chí sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, như vậy, nghe có quá chung chung không, thưa ông? Chắc chắn phải có những nguyên do cốt lõi nào đó. Ông có thể lý giải chi tiết hơn? 

Gốc rễ sâu xa vấn đề kém hiệu quả của DNNN liên quan đến con người, liên quan đến tham nhũng, gắn với hai tính chất của sở hữu Nhà nước là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Trong đó, việc xung đột lợi ích chính là việc lợi ích của một bộ phận, một nhóm người, của một cá nhân có thể đi ngược lại với lợi ích chung như: Sự phát triển đất nước, sự phát triển của doanh nghiệp.
Vấn đề xung đột lợi ích luôn song hành với tính chất thứ hai của sở hữu Nhà nước là sự rủi ro đạo đức. Điều đó có nghĩa là việc làm, trách nhiệm cũng như gánh chịu hậu quả không đồng nhất với nhau tức là tôi làm, tôi gây ra hiệu quả nhưng người "chịu trận" lại là Nhà nước. 

Theo ông, để khắc phục tình trạng làm ăn kém hiệu quả, do suy thoái về đạo đức, lối sống hay sự tham ô, tham nhũng của cán bộ ở các doanh nghiệp nhà nước thì có thể có những giải pháp nào? 

Với việc các DNNN vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, điều cần làm hiện nay là giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước bằng cách rút vốn, cổ phần hóa. Cùng với đó là tính minh bạch hóa kết hợp với sự giám sát trên cơ sở "cây gậy và củ cà rốt" (có thưởng, có phạt).
Nói thì đơn giản tuy nhiên để thực hiện tốt các điều này không phải là vấn đề đơn giản. Trên thực tế để thực hiện các biện pháp như rút vốn, cổ phần hóa, bên cạnh tư duy và xử lý vấn đề lợi ích, việc các DNNN đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế khiến cho vấn đề này trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, khi tiến hành cổ phần hóa, rất nhiều lao động sẽ phải chuyển đổi, thậm chí mất việc làm khiến phí chuyển đổi tăng cao. Cùng với đó là chi phí đền bù, hỗ trợ, đào tạo. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa còn khiến quyền lợi của một số người, nhóm người mất đi. Và họ sẽ làm các cách để trì hoãn, vượt qua nhóm này không phải là điều dễ dàng.
Ngoài vấn đề lợi ích, để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, rút vốn hiệu quả hơn cũng như tăng hiệu quả ở các DNNN, một khía cạnh rất quan trọng mà chúng ta còn cần phải cải thiện rất nhiều đó là tính minh bạch.
Hiện Việt Nam chưa có một hệ thống kiểm toán, thống kê, kế toán chưa chuẩn mực, chưa đáp ứng những quy chuẩn quốc tế tốt. Cùng với đó chúng ta chưa có những chế tài thực thi đủ mạnh. Ví dụ như việc yêu cầu các DNNN cổ phần hóa dù chưa lên sàn vẫn phải minh bạch tài chính, điều này chúng ta làm chưa tốt. Hay việc yêu cầu các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải nhanh chóng lên sản để tăng tính minh bạch, chúng ta mới có những nỗ lực hơn kể từ năm 2016. Cùng với đó là việc nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam chưa áp dụng hệ thống quản trị tiêu chuẩn, đã và đang đặt ra vấn đề lớn cho vấn đề minh bạch.



Tiếp theo tính minh bạch, một yếu tố cần phải đẩy mạnh cải thiện hơn nữa đó là công tác giám sát khi tại đây chúng ta đang có rất nhiều vấn đề.
Đơn cử như tại mảng DNNN mang tính thương mại thị trường cao, những người đứng đầu có phải là người được sàng lọc? Các hệ thống động lực có giám sát được việc làm cũng như quy trách nhiệm của họ như tại những công ty tư nhân? Hay về nguyên tắc chúng ta vẫn coi những người đứng đầu này là các công chức? Khi mà tính trách nhiệm chưa rõ ràng thì việc giám sát trở nên vô cùng khó khăn.
Trong khi tại mảng DNNN phải làm (dịch vụ công, an ninh, quốc phòng..), tương tác giữa trách nhiệm, giải trình giữa người đứng đầu doanh nghiệp với các cơ quan liên quan là rất không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp tính nguy cơ xung đột lợi ích cao, chưa kể tới trong nhiều trường hợp các doanh nghiệpđược hưởng lợi từ sự độc quyền, từ sự ưu ái. Điều này làm trì trệ sự sáng tạo và tính hiệu quả của nền kinh tế nói chung.
Điều này đặt ra tầm quan trọng rất lớn cho công tác giám sát tại các DNNN, trong đó nổi lên là vai trò của Quốc hội. Ngoài ra, công tác giám sát trong nội tại bộ máy Nhà nước với cơ quan chủ quản DNNN, sự giám sát của thị trường và sự giám sát của công chúng cũng cần phải được phải được cải thiện, minh bạch hóa trong thời gian tới.
Không dừng lại ở đây khi mà Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tư do, đồng nghĩa với việc chúng ra bước ra sân chơi công bằng và cạnh trạnh hơn, công tác giám sát và đảm bảo tính minh bạch còn cần được đề cao hơn rất nhiều. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!