Nói về những dự án nghìn tỷ thua lỗ, nằm “đắp chiếu”, không ít chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng đó là một nỗi đau của đất nước, của nhân dân.
Đáng chú ý, trong thời gian là ‘‘tư lệnh’’ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng và Hội đồng thành viên PVN đã ban hành chủ trương, quyết định đầu tư nhiều dự án không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn tiền của Nhà nước.
Tương tự, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh từ năm 2007 đến năm 2013, PVC đang từ đơn vị làm ăn có lãi trở thành con nợ lớn của các ngân hàng.
Các dự án có quy mô hàng nghìn tỷ đồng cũng lần lượt “đắp chiếu” vì hoạt động không hiệu quả, thiếu vốn.
Một ví dụ điển hình như Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), một trong những tập đoàn đang sở hữu số đại dự án thua lỗ lớn nhất của Bộ Công Thương như dự án đạm Hà Bắc; dự án đạm Ninh Bình; dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng.
Mới đây, dự án muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng trong tình trạng “đắp chiếu” sau khi tập đoàn này đã rót hơn một nghìn tỷ đồng.
5 dự án khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất.
Hai dự án về thép là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai.
Một dự án lĩnh vực giấy là Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Trước vấn đề quản lý nguồn vốn nhà nước thời gian vừa qua có nhiều bất cập, hạn chế, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09 thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, sai phạm ở những dự án nghìn tỷ thời gian qua đã tạo ra tiền lệ xấu trong quản lý kinh tế. ảnh: VP. |
Theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, 12 dự án thua lỗ của ngành công thương được đưa ra chỉ là những dự án điển hình, còn có những dự án làm ăn thua lỗ nhiều tỷ đồng khác xảy ra tại không ít bộ ngành, địa phương chứ không riêng ngành công thương.
Thực tế, một số bộ ngành, địa phương cũng để thất thoát liên quan đến đến những dự án kém hiệu quả gây thua lỗ, thất thoát ngân sách chưa bị đưa ra.
Ông Cao Sỹ Kiêm đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua để xử lý những dự án thua lỗ lớn ấy và mong rằng trong năm mới Mậu Tuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ngăn chặn thực sự hiệu quả, không để xảy ra những dự án thua lỗ như vậy nữa.
Ông Kiêm phân tích: “Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến các dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Thứ nhất, do quản lý yếu kém, định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực chưa sát với thực tế.
Một thời gian dài chỉ hô hào làm cho có số lượng, có thành tích. Việc buông lỏng khâu phê duyệt, tính toán, giám sát dự án dẫn đến dự án không đạt được mục đích, gây thua lỗ, thất thoát.
Thứ hai, công tác cán bộ cũng có nhiều vấn đề phải bàn, các cán bộ này đã phải ra hầu tòa. Đó là do sự nhận thức của cán bộ chủ chốt, cán bộ điều hành không đầy đủ, không đúng, đạo đức kém, kỷ cương kỷ luật không được nghiêm minh.
Để kiểm soát được quyền lực, tránh sai phạm, trước hết công tác tổ chức cán bộ phải chọn những người có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật cao.
Thứ ba, công nghệ khoa học của chúng ta vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới. Chúng ta cũng chưa biết cách tiếp cận, thậm chí không thể tiếp cận được. Bởi vậy, năng suất lao động so với các nước thấp hơn nhiều nên hoạt động không hiệu quả.
So với các nước trong khu vực, năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào và Campuchia. Điều này rõ ràng năng suất thể hiện công nghệ, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chúng ta còn kém.
Để một thời gian thành lỗi hệ thống rất lớn, muốn sửa phải sửa lỗi hệ thống này. Hôm nay lòi ra cái này mai lại lòi ra cái khác.
Cả ba vấn đề trên gồm cơ chế, nhận thức và cách điều hành dẫn đến các dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ”.
Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, kỷ luật bị buông lỏng cộng với đạo đức cán bộ kém |
Kỷ cương không nghiêm, cấp này làm được, cấp kia cũng làm được dẫn đến thiệt hại, thua lỗ nặng”.
Không ít người cho rằng, công tác giám sát Quốc hội trong thời gian để xảy ra hàng loạt các dự án thua lỗ ngàn tỷ cũng chưa thực sự hiệu quả.
Về việc này, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm (từng là Đại biểu Quốc hội) cho hay: “Có thể nói sự vào cuộc của Quốc hội đối với các dự án thua lỗ ngàn tỷ vừa qua là chưa kịp thời, thiếu hiệu quả.
Quốc hội cũng cử cán bộ đi kiểm tra, nhưng năng lực, trình độ còn hạn chế nên việc báo cáo, xử lý các sai phạm tại các dự án này còn chưa đúng mức, mà khi xử lý không thật nghiêm thì khó quy trách nhiệm người đứng đầu".
Trong khi đó, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng: “Việc chọn nhân sự quản lý doanh nghiệp nhà nước có sự can thiệp của nhiều bộ, nhiều cơ quan, điều này tạo nên kẽ hở.
Cùng với đó là điều hành, trong điều hành quản lý chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, chưa theo kịp những thay đổi của hội nhập. Tất cả những vấn đề trên tạo nên lợi ích nhóm, nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, các quy định về quản lý doanh nghiệp nhà nước đang còn nằm trong các bộ, các địa phương, tức là quản lý nhà nước kiêm quản lý doanh nghiệp. Như vậy dễ dẫn đến hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, do quản lý không chuyên nghiệp”.
Vũ Phương
GDVN