"Tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có tiêu cực rất
lớn trong Hội đồng liên ngành. Nhà nước phải vào cuộc vấn đề này, vì chống tham
nhũng phải theo đúng tinh thần không có vùng cấm", ông Vũ Hào Quang, Ủy
viên Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường của Ủy ban TƯ MTTQ Việt
Nam nói.
Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa công bố
danh sách 1.226 giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được xét duyệt năm 2017. Con số
này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm Nhà nước tổ chức xét phong/công nhận
GS, PGS.
Trong số GS, PGS được xét duyệt, số người có công
trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp. Nhiều
chuyên gia uy tín cho rằng “có tiêu cực” trong việc xét duyệt GS, PGS. Báo SGGP
tiếp tục ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.
- PGS-TS Phạm Bích San - Viện
trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển: Đã có dư luận nói về
tiêu cực “chạy” phiếu trong các hội đồng. Rồi dư luận cũng phàn nàn vì nhiều vị
trí GS, PGS không gắn với công tác giảng dạy. Cần phải đặt câu hỏi một người
làm quản lý mà lại làm được cả GS? Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục sau
đại học, theo tôi, đầu tiên là phải tách chuyện học tiến sĩ để đi làm quản lý,
vì đây là 2 chuyện rất khác nhau. Quản lý là việc phải làm, xử lý ngay, còn
tiến sĩ thì có thể nghiên cứu cả đời cũng được.
- Ông Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội
đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Hiện
nhiều người tham gia quản lý, không giảng dạy gì cũng là GS, trong khi có những
thầy giáo rất giỏi, dạy bạc đầu cũng không được phong GS, PGS. Vì thế, cần
thiết trả việc xét duyệt GS, PGS về cho các trường. Bộ GD-ĐT chỉ là cơ quan xét
duyệt cuối cùng của các trường, không cần đến cơ quan trung gian là hội đồng
liên ngành như hiện nay. Đừng để râm ran dư luận rằng nỗi khốn cùng của người
trí thức là qua 3 cấp hội đồng như hiện nay.
Tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có tiêu
cực trong Hội đồng liên ngành. Đơn cử bản thân tôi là người trong cuộc, là bằng
chứng. Tôi nghĩ có thể nếu có quan hệ không tốt thì khi bỏ phiếu, họ cứ gạch
tên tôi đi, bởi bỏ phiếu có phải ghi tên đâu? Tôi đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thiếu
phiếu xét duyệt GS mà tôi cũng không biết vì đâu, có thể họ không thích tôi nên
không bỏ phiếu. Trong khi đó điểm của tôi đến 40,6; hội đồng tuyên bố thành
tích cao, tiêu chuẩn bài báo... đạt.
Tiêu cực chính là ở đó, tiêu cực ở quan hệ, bỏ cơ
chế bỏ phiếu không ghi tên. Vì thế tôi đề nghị cần thiết thì giải tán Hội đồng
liên ngành, chỉ còn 2 cấp hội đồng là cơ sở và Hội đồng Nhà nước. Hoặc không
thì trả việc xét duyệt GS, PGS về cho các trường. Nhà nước phải vào cuộc vấn đề
này, vì chống tham nhũng phải theo đúng tinh thần không có vùng cấm.
- GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc
gia Hà Nội): Nếu nói các ứng viên GS, PGS có hiện tượng chạy thì có thể có hội
đồng nọ, hội đồng kia, như ở Hội đồng Toán - Lý tôi khẳng định luôn là không có
chuyện đó. Nếu dư luận có chuyện tiêu cực thì phải làm rõ, chỉ rõ, không để
mang tiếng cho toàn bộ các hội đồng cũng như hệ thống phong học hàm của chúng
ta.
- TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch
HĐQT ĐH FPT): “Bản chất GS tức là phải gắn với giảng dạy. Ở nước ta GS, PGS
được xem là sự vinh danh và ngày càng biến tướng, thể hiện rõ nhất là năm 2017,
lượng GS, PGS tăng đột biến trước khi có quy định mới về công nhận GS, PGS
khiến dư luận bất bình. Giải tán Hội đồng chức danh GS Nhà nước, trả về cho các
trường công nhận, mọi việc sẽ ổn.
Về dư luận tiêu cực khi bỏ phiếu ứng viên ở các
hội đồng, theo tôi cũng dễ hiểu, vì ứng viên phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín ở hội
đồng các cấp. Tiêu chí xét duyệt ngày càng rõ ràng hơn, nhưng khâu bỏ phiếu lại
tiềm ẩn nguy cơ, vì có hội đồng theo quy định phải đạt 3/4 số phiếu, nhiều ứng
viên bỏ phiếu 5 - 7 lần vẫn trượt mà không hiểu nguyên nhân vì đâu.
Nhà nước cần đưa ra quy chế công nhận GS, PGS với
các tiêu chí rõ ràng, có thể cao, để xét duyệt GS, PGS; các trường căn cứ đặc thù
của mình để đưa ra tiêu chí xét duyệt, tiêu chí mỗi trường có thể khác nhau
nhưng ít nhất đều phải dựa vào tiêu chí của Nhà nước. Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện
vai trò quản lý nhà nước. Một khi đã có quy chế, tiêu chí rõ ràng thì sẽ tránh
được cảm tính, tiêu cực trong bỏ phiếu.
Theo Lâm Nguyên/SGGP