21 février 2018

Huy động toàn xã hội chống tham nhũng


"Ông Francesco Checchi, cố vấn Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc khu vực Đông Nam Á cho rằng cần có các luật và quy định để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình ra các quyết định, phân bổ ngân sách, theo dõi sự thực thi của các chính sách… Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng điều này, kể cả cấp độ phường, xã. Các DN, tổ chức, cá nhân đều có tiếng nói trong quá trình đưa ra quyết sách tại địa phương, giám sát thực thi pháp luật, ngân sách được sử dụng ra sao. Người dân cần được minh bạch thông tin và tiếp cận. Chính phủ, cơ quan nhà nước phải công bố thông tin về thu chi, dự án, công khai hóa thủ tục hành chính… khi đó công tác PCTN sẽ có hiệu quả hơn."




Chính phủ Việt Nam muốn trao đổi với các thành viên APEC về thúc đẩy sự tham gia cộng đồng doanh nghiệp, của người dân vào việc phòng chống tham nhũng

Ngày 18-2, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 chính thức khai mạc với 7 hội thảo quan trọng. Trong đó, hội thảo về nâng cao sự tham gia của xã hội vào hoạt động chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ chủ trì đã thu hút nhiều đại biểu tham gia. Hội thảo đưa ra nhiều biện pháp nhằm phòng chống tham nhũng (PCTN) và minh bạch hóa trong bộ máy nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp (DN).


Bị kìm hãm vì phí “bôi trơn”


Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ, đánh giá tham nhũng là một tội phạm không biên giới. Công ước Liên Hiệp Quốc về PCTN đã khẳng định tính nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra có thể đe dọa sự ổn định an ninh xã hội; xâm phạm các thể chế và các giá trị dân chủ, đạo đức, công lý; cản trở sự phát triển bền vững là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. “Chính phủ Việt Nam coi tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Công tác PCTN là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thường xuyên và cấp bách, khó khăn, phức tạp, lâu dài” - ông Sáu khẳng định.

Theo ông Sáu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đầy sôi động hiện nay, tham nhũng còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, rửa tiền, làm thất thoát và sử dụng sai trái một phần nguồn lực của các quốc gia. Qua đó, tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị, phát triển bền vững, làm cạn kiệt nguồn đầu tư nội địa, làm giảm đáng kể các dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Các đại biểu thảo luận xung quanh việc phòng chống tham nhũng góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế




Tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho kinh tế vĩ mô mà còn kìm hãm các hoạt động của DN nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh của quốc gia. Hàng hóa bị suy giảm vì chi phí cao do các thủ đoạn, thủ tục rối rắm, chi phí thủ tục “bôi trơn”.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ đây đến hết năm, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp đặc trách về PCTN của APEC 2017. Việt Nam đưa ra sáng kiến mới chính là thúc đẩy vai trò của người dân, DN, gắn với mục tiêu quan trọng của APEC là tự do hóa thương mại đầu tư. Điều này giúp cho môi trường kinh doanh được minh bạch, lành mạnh.

Chính phủ Việt Nam muốn trao đổi với các thành viên APEC về thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng DN, của người dân vào việc PCTN. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc họp trao đổi sâu thêm về thu hồi tài sản tham nhũng, chống buôn lậu, rửa tiền… đây là những vấn đề mà nhiều năm nay các quốc gia thành viên quan tâm, trao đổi với nhau.


Biện pháp chưa đủ mạnh


Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ngay trong phiên đầu tiên, hội thảo đã có 12 tham luận của các nước thành viên. Những tham luận này giúp các thành viên APEC có cái nhìn tổng quan về các nỗ lực nhằm góp phần đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy phát triển nền kinh tế lành mạnh, liêm chính.

Đại diện Thái Lan cho biết ở nước này, chính phủ tổ chức rộng rãi trên toàn quốc cho phép người dân đánh giá độ liêm chính của các cơ quan công quyền. Cho phép người dân bỏ phiếu tín nhiệm của họ đến từng cơ quan nhà nước cụ thể.

Ông Jeong Jeachang, đại diện Hàn Quốc, đưa ra một ví dụ rất mạnh mẽ, hiệu quả từ Hàn Quốc được nhiều đại biểu đánh giá cao là việc bảo vệ người tố cáo. Theo đó, ở nước này, nếu người dân tố cáo tham nhũng bị trả thù, mất việc thì cơ quan chống tham nhũng sẽ tham gia kết luận về việc đó. Nếu người dân tố cáo đúng thì DN, cơ quan nhà nước phải phục hồi công việc cho người tố cáo. Cơ quan này tiếp tục giám sát, bảo vệ người tố cáo chống lại hành động trù dập, chuyển việc…

Ông Thanh cho rằng Việt Nam đã thi hành Luật PCTN hơn 10 năm nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi nên cần tiếp tục tham vấn những giải pháp tốt, kinh nghiệm tốt từ các nước để áp dụng. “Theo tôi, đó là một giải pháp hữu hiệu để chống lại sự trả thù về mặt việc làm. Bên cạnh đó, cơ quan công an sẽ có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo chống lại sự đe dọa về tính mạng, sức khỏe. Ở Việt Nam, quy định hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để bảo vệ người tố cáo. Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến này” - ông Thanh cho biết.

Theo chương trình, hội nghị tổng thể đầu tiên của APEC 2017 với 56 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của 38 ủy ban và nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ diễn ra từ ngày 18-2 đến 3-3.


Hoan nghênh ý kiến của Việt Nam


Đại diện Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc khu vực Đông Nam Á hoan nghênh ý kiến của Việt Nam trong việc nâng cao vai trò của DN, người dân vào công tác PCTN. Trong bối cảnh hiện nay, PCTN không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhà nước, chính phủ mà của toàn xã hội. Trong đó, người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các DN, cơ quan truyền thông là những nhân tố góp phần quan trọng trong việc phát hiện và đấu tranh chống lại mọi dạng thức của loại tội phạm này.


Công khai, minh bạch mới phát triển


Về việc PCTN ở Việt Nam, ông Francesco Checchi, cố vấn Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc khu vực Đông Nam Á, nói: “Hôm nay, chúng ta ngồi với nhau lắng nghe nhiều diễn giả từ các cơ quan PCTN, các mạng lưới của các tổ chức tư nhân, xã hội dân sự của các nền kinh tế thành viên APEC. Điều này thể hiện sự cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN cũng như tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, người dân tham gia vào điều này. Tôi cho rằng điều này thể hiện Chính phủ Việt Nam không sợ khi gặp phải sự phê bình. Phê bình cũng là động lực để phát triển. Có thể nói, Việt Nam mong muốn có cuộc thảo luận thẳng thắn, trung thực để làm thế nào thúc đẩy việc PCTN trong thời gian tới. Đó là dấu hiệu tích cực”.

Ông Francesco Checchi cho rằng cần có các luật và quy định để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình ra các quyết định, phân bổ ngân sách, theo dõi sự thực thi của các chính sách… Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng điều này, kể cả cấp độ phường, xã. Các DN, tổ chức, cá nhân đều có tiếng nói trong quá trình đưa ra quyết sách tại địa phương, giám sát thực thi pháp luật, ngân sách được sử dụng ra sao. Người dân cần được minh bạch thông tin và tiếp cận. Chính phủ, cơ quan nhà nước phải công bố thông tin về thu chi, dự án, công khai hóa thủ tục hành chính… khi đó công tác PCTN sẽ có hiệu quả hơn.

Ở một số nước đã thực hiện công khai tài sản của công chức cho người dân. Tuy nhiên, để áp dụng được điều này, phải lưu ý về quyền riêng tư và an ninh an toàn. Do đó, phải có quy định để bảo đảm các quyền này không bị xâm phạm. Philippines đã yêu cầu các công chức có chức vụ cao phải kê khai tài sản, tổng tài sản cho người dân được biết nhưng không nêu rõ số tài sản này ở đâu. Bên cạnh đó, phải có bộ phận giám sát bảo đảm việc kê khai đúng, nếu phát sinh phải kê thêm chứ không phải “quên”. Phải kê khai tài sản nhưng tập trung ở một số người giữ các vị trí nhạy cảm, dễ tham nhũng.

Việc đưa ra những quyết định, quy định có lợi cho một nhóm người là vấn đề phức tạp xảy ra ở nhiều nước. Đây có thể hiểu là những xung đột lợi ích của một nhóm lợi ích, công ty hoặc một cá nhân với lợi ích của cái chung, của xã hội, nhà nước mà nhóm lợi ích này có quan hệ gần gũi với cơ quan, cá nhân quan chức. Cần hoàn thiện thể chế pháp luật, chế tài để xử lý. Như việc trước khi bổ nhiệm một cá nhân lên vị trí có quyền lực, dễ tham nhũng thì phải công khai tài sản, cổ phiếu nắm giữ ở DN… Cơ quan thực thi pháp luật không chỉ biết rằng người đó có tài sản mà phải có khả năng phân tích xem người này có vị trí, vai trò ảnh hưởng như thế nào đối với một ngành nhất định hay không? Như một số người có quyền quyết định đưa ra một chính sách thầu có lợi cho nhóm công ty của họ chẳng hạn.

Cần có chính sách ngăn cản việc xung đột lợi ích này bằng quy định cụ thể, như người đó không được giữ vị trí, ra các quyết định có lợi liên quan đến lợi ích nhóm.

Các nước ở châu Âu có những quy định chặt chẽ về việc ban hành các chính sách, quản lý chính sách và đủ thông tin để giám sát thực hiện các chính sách. Vấn đề cốt yếu ai sẽ là người chịu trách nhiệm giám sát việc xung đột lợi ích nhóm này? Có thể trong ngành nhỏ, công ty có thể cử ban thanh tra chịu trách nhiệm về điều này nhưng ở tính chất quốc gia thì nhiệm vụ này phải có một cơ quan độc lập.


Bài và ảnh: Kỳ Nam
Nguồn: Theo NLĐ