11 février 2018

Tỵ nạn


Manh Kim
 
Việt Khang đến Mỹ

Thêm một cựu tù chính trị (Việt Khang) lại được qua Mỹ, tiếp nối danh sách dài những cựu tù chính trị được “thả” qua Mỹ dưới sức ép hoặc can thiệp của các tổ chức nhân quyền hoặc chính trị gia Hoa Kỳ. Mỹ lại trở thành nơi “dung thân” của các nhà đấu tranh, cùng chung hàng ngũ với “bọn phản động ba que”, “bọn lưu vong” “bám càng đế quốc”… 



Nhưng mà Mỹ cũng là nơi mà con cái của những người trung thành tuyệt đối với chế độ đang theo học với số lượng ngày càng cao. Mỹ bây giờ còn có một thành phần “lưu vong” “bám càng đế quốc” mới: những viên chức chế độ hoặc gia đình viên chức chế độ đang công khai bỏ nước ra đi và họ có nhiều tiền đến mức có thể mua dễ dàng những căn nhà trị giá hàng triệu đôla. Giữa hai nhóm “lưu vong” mới này – thành phần cựu tù chính trị, và thành phần viên chức chế độ, tôi tự hỏi nhóm nào mới là những người đáng tin hơn, khi nói về lòng yêu nước, yêu đồng bào và yêu quê hương? Nhóm nào mới là những người đáng khinh, giữa những người có tinh thần xây dựng một Việt Nam mới tốt đẹp hơn, và những người chỉ tàn phá đất nước rồi phủi tay chuồn mất?
Tôi không nghĩ những người “căm thù bọn nói xấu chế độ” thật sự tin vào sức mạnh của chế độ họ, cũng như tin vào sự tồn tại vĩnh viễn của chế độ họ. Hơn bất kỳ người nào trong chúng ta, họ hiểu rõ và nhìn thấy từng centimet rạn nứt của chế độ, dù họ vẫn luôn tự tin: “Đừng có mà mơ chế độ này bị lật đổ!”. Không chỉ tỵ nạn giáo dục, tỵ nạn môi trường, tỵ nạn thực phẩm, tỵ nạn y tế, họ cũng là những kẻ “tỵ nạn chính trị” đúng nghĩa, để thoát khỏi những hỗn độn mà hệ thống chính trị của họ tạo ra, để tìm đến một xã hội dân chủ và một khái niệm tự do mà chính họ đã bóp nghẹt trong nước của mình. Không như Việt Khang hay những người tương tự, họ là những kẻ “tỵ nạn chính trị” không được chào đón.
Vài lần tận mắt chứng kiến cảnh đàn áp cực kỳ tàn bạo những người biểu tình, tôi thấy có một đám đông nạn nhân đang được sử dụng để trấn áp một đám đông nạn nhân khác. Có những người trở thành “nạn nhân” bởi sự thôi thúc quyền làm người, trở thành nạn nhân hoặc thậm chí tù nhân chỉ vì muốn “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”. Và cũng có những người đã trở thành “nạn nhân” của một công cụ mà đồng lương của họ không bao giờ đủ để cho con đi học trường tư, để có thể đi nước ngoài chữa bệnh, để được ăn thực phẩm an toàn. Họ là những nạn nhân thấp nhất của chế độ mà họ phục vụ và họ không bao giờ có cơ hội để “tỵ nạn chính trị” như những ông sếp vừa ra lệnh “Đánh chết mẹ chúng đi!” vừa chuẩn bị một cuộc “tháo chạy” cho mình hoặc gia đình mình…
Gần như tất cả đều là nạn nhân, không hình thái này thì cũng hình thái khác. Tất cả đều là những kẻ tỵ nạn, tỵ nạn nước ngoài hay tỵ nạn trên chính quê hương mình. Đừng nghĩ tôi cực đoan và bế tắc. Tôi vẫn luôn hy vọng. Tôi vẫn tin vào thôi thúc của những người có lương tri. Tôi không chỉ tin vào cái chết. Tôi còn tin vào sự tái sinh.

Việt Khang ngày đến Mỹ (hôm nay, khoảng 1g30 pm giờ địa phương; 4g30 am giờ VN)