25 février 2018

Einstein và Đức tin


By Walter Isaacson

Trần Ngọc Cư dịch



Einstein biết nói chậm. “Cha mẹ tôi lo lắng đến nỗi phải hỏi ý kiến một bác sĩ,” sau này ông nhớ lại. Thậm chí sau khi bắt đầu biết nói, vào khoảng hơn hai tuổi, Einstein phát triển một dị tật khiến cô giúp việc tặng cậu biệt hiệu “der Depperte,” thằng trì độn. Mỗi lần muốn nói một điều gì, cậu bé thường tự thử qua thính giác của mình trước, nói thì thầm trong miệng cho đến khi nghe thuận tai mới phát âm lớn. Cô em gái vốn coi Einstein như thần tượng nhớ lại, “Bất cứ câu nào anh ấy thốt ra, dù thông thường đến đâu, anh cũng mấp máy môi lặp đi lặp lại thì thầm trong miệng trước.” Tật này khiến mọi người hết sức lo lắng, cô nói. “Anh ấy gặp khó khăn với ngôn ngữ khiến mọi người chung quanh sợ rằng anh sẽ không bao giờ học hành gì được.”




Sự phát triển trì trệ đi kèm với tính bất trị và ngỗ nghịch đối với quyền trên [authority] đã khiến một hiệu trưởng đuổi Einstein ra khỏi trường và một hiệu trưởng khác tuyên bố thẳng thừng rằng tương lai của cậu bé sẽ không ra gì. Những cá tính này làm cho Albert Einstein trở thành thánh bổn mạng của các học sinh lơ đảng ở khắp mọi nơi. Nhưng chúng cũng giúp ông trở thành thiên tài sáng tạo nhất trong thời hiện đại, hay mãi về sau ông mới suy đoán ra điều này.



Tính ngông nghênh khinh mạn quyền trên đã thúc đẩy Einstein đặt nghi vấn đối với trí tuệ được tiếp thu trong những cung cách các đệ tử thành thục của giới hàn lâm không bao giờ nghĩ đến. Còn về khả năng ngôn ngữ chậm phát triển của ông, ông tin rằng điều này đã cho phép ông quan sát các hiện tượng thường ngày bằng đôi mắt ngạc nhiên trong khi người khác lại coi thường. Thay vì thắc mắc về những điều bí nhiệm, ông chỉ thắc mắc về chuyện tầm thường. “Mỗi lần tự hỏi vì sao chỉ một mình tôi tìm ra thuyết tương đối, tôi cảm thấy hình như việc đó đã rơi vào trường hợp sau đây,” Einstein có lần giải thích. “Người lớn bình thường không bao giờ bận tâm về các vấn đề không gian và thời gian, mặc dù đây là những điều họ từng nghĩ đến khi còn bé. Nhưng trí óc tôi đã phát triển chậm đến nỗi tôi chỉ bắt đầu tra hỏi về không gian và thời gian vào lúc tôi đã hoàn toàn khôn lớn. Do đó, tôi đã nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này hơn bất cứ một đứa trẻ bình thường nào có thể làm được.”



Nhìn lại đời ông, gần như ta có thể lý giải rằng sự kết hợp giữa thái độ kinh ngạc và sự nổi loạn của Einstein đã giúp ông trở thành một nhà khoa học xuất chúng. Nhưng một điều ít ai biết đến là hai đặc điểm này còn kết hợp lại để ảnh hưởng lên hành trình tâm linh và xác định bản chất đức tin của ông. Phần nổi loạn [the rebellion part] trong ông bắt đầu diễn ra ngay từ đầu đời: trước tiên, ông bác bỏ chủ nghĩa thế tục [secularism] của cha mẹ mình và về sau ông bác bỏ luôn các quan niệm về lễ nghi tôn giáo và về một Thượng đế mang hình bóng con người [a personal God] thường xuyên can thiệp vào các vận hành hàng ngày của thế giới. Phần kinh phục [the awe part] trong ông diễn ra vào tuổi ngũ tuần khi ông chấp nhận một thái độ hữu thần [a deism] dựa vào điều mà ông gọi là “tâm linh hiển hiện trong các qui luật của vũ trụ” và một đức tin thành khẩn đặt vào một “Thiên chúa mặc khải chính Mình [Himself] trong sự hài hòa của mọi điều hiện hữu.”



Einstein là hậu duệ, bên nội cũng như bên ngoại, của những chủ cửa hàng và những người bán hàng rong Do Thái đã kiếm sống khiêm tốn trên hai thế kỷ tại các làng quê vùng Swabia miền Tây Nam nước Đức. Với mỗi thế hệ trôi qua, họ ngày càng hội nhập vào văn hóa Đức mà họ đem lòng yêu mến – hay họ tin như thế. Mặc dù là người Do Thái trên danh nghĩa văn hóa và bản năng đồng loại, họ ít quan tâm đến chính tôn giáo của dân tộc mình.



Trong những năm về già, Einstein thường kể một câu chuyện đùa xưa cũ về một ông bác theo chủ nghĩa bất khả tri [agnostic]1 vốn là người duy nhất trong gia đình đi nhà thờ Do Thái giáo. Khi được hỏi vì sao ông làm như vậy, ông bác trả lời ỡm ờ, “À… mà biết đâu lại có Thượng Đế.” Cha mẹ của Einstein, trái lại, “hoàn toàn vô tín ngưỡng.” Họ không ăn kiêng mà cũng chẳng đi nhà thờ Do Thái giáo. Theo lời kể của một người bà con, cha của ông là Hermann coi các lễ nghi Do Thái là “những điều mê tín thời cổ.”



Vì thế, khi Albert lên 6 đến tuổi phải đi học, cha mẹ cậu không mấy bận tâm về việc không có trường Do Thái gần nhà. Thay vào đó, cậu đến học tại một trường Công giáo lớn nằm trong khu láng giềng của họ. Là người Do Thái duy nhất trong 70 học sinh cùng lớp, Einstein theo học lớp giáo lý tiêu chuẩn dành cho người theo đạo Công giáo và rốt cuộc cậu thích thú vô cùng.



Bất chấp khuynh hướng thế tục của cha mẹ mình, hoặc có lẽ chính vì điều này, Einstein đột nhiên phát triển một nhiệt tình sâu sắc với Do Thái giáo. “Tình cảm của ông nồng nàn đến nỗi ông tự mình giữ lấy giới luật Do Thái giáo đến từng chi tiết,” em gái ông kể lại. Ông tránh ăn thịt heo, chịu kiêng cử và giữ giới luật của ngày Xa-ba [ngày thờ phượng Chúa của người Do Thái giáo, tức ngày thứ Bảy, DG]. Ông còn đặt cả những bài thánh ca để tự hát thì thầm trên đường đi học về.



Kích thích trí tuệ lớn nhất đối với Einstein đến từ một sinh viên nghèo tới dùng bữa với gia đình ông mỗi tuần một lần. Mời một đạo sư nghèo [a religious scholar] đến chia sẻ bữa ăn gia đình vào ngày Xa-ba là phong tục lâu đời của người Do Thái; thay vì như vậy, gia đình Einstein cải biên truyền thống này bằng cách mời một sinh viên y khoa đến dùng bữa vào ngày thứ Năm. Tên anh là Max Talmud, và anh bắt đầu ghé lại hàng tuần khi anh 21 tuổi và Einstein 10 tuổi.



Talmud mang cho Einstein các sách khoa học, gồm cả một bộ sách có hình ảnh minh họa nổi tiếng được gọi Sách Khoa học Tự nhiên của Đại chúng, “một tác phẩm tôi đọc chăm chú gần như nín thở,” Einstein kể lại.  21 tập của bộ sách này được Aaron Bernstein soạn ra, trong đó ông nhấn mạnh các tương quan giữa sinh học và vật lý đồng thời ghi lại rất chi tiết các thí nghiệm được thực hiện lúc bấy giờ, đặc biệt tại Đức.



Talmud còn giúp Einstein khám phá các điều kỳ lạ trong toán học bằng cách tặng cậu bé một cuốn sách giáo khoa hình học hai năm trước khi cậu có thời biểu học môn này ở nhà trường. Cứ mỗi thứ Năm vào lúc Talmud ghé lại nhà, Einstein thích thú đưa cho anh xem những bài toán cậu đã giải xong tuần đó. Thoạt đầu, Talmud còn đủ sức kèm cậu bé, nhưng chẳng bao lâu anh bị người học trò qua mặt. “Sau một thời gian ngắn ngủi, chỉ vài tháng, Einstein đã làm hết các bài tập trong sách,” Talmud kể lại. “Chẳng bao lâu đường bay của thiên tài toán học Einstein vươn tới một chiều cao tôi không còn theo dõi được nữa.”



Việc Einstein có cơ hội tiếp cận khoa học và toán học đã tạo ra một đột biến [a sudden transformation] ở tuổi 12, đúng vào thời điểm lẽ ra cậu phải chuẩn bị để làm lễ thành niên [bar mitzvah]. Einstein đột nhiên bỏ Do Thái giáo. Quyết định này không có vẻ gì là phát xuất từ các sách của Bernstein, vì tác giả đã giải thích là ông không thấy có mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Bernstein viết: “Thiên hướng tôn giáo nằm trong ý thức lờ mờ có sẵn trong con người, rằng tất cả thiên nhiên, kể cả con người trong đó, chắc chắn không phải là một trò chơi ngẫu nhiên [an accidental game], mà là một tác phẩm của tính qui luật, ngụ ý có một nguyên nhân cơ bản cho mọi hiện hữu trong vũ trụ.”



Về sau, Einstein sẽ tiến gần đến những cảm nghĩ này. Nhưng vào lúc này, bước nhảy vọt tránh xa đức tin tôn giáo là một bước nhảy vọt cực đoan. “Qua quá trình đọc các sách khoa học thịnh hành loại này, chẳng bao lâu tôi đi đến chỗ tin chắc rằng phần lớn những câu chuyện trong Thánh kinh có thể không có thật. Hậu quả là một sự hồ hởi cuồng tín tích cực về tự do tư tưởng kết hợp với cảm nghĩ rằng tuổi trẻ bị Nhà nước cố tình lừa bịp thông qua các chuyện láo khoét; đó là một cảm tưởng cực kỳ ác liệt [a crushing impression].”



Tuy nhiên, Einstein vẫn giữ lại tàn dư của thời ngoan đạo niên thiếu, một đức tin sâu sắc và lòng sùng kính đối với sự hài hòa và vẻ đẹp của cái mà ông gọi trí tuệ của Thượng đế, được biểu lộ trong việc tạo dựng vũ trụ và các qui luật của nó. Khoảng thời gian ông bước qua tuổi ngũ tuần, Einstein bắt đầu phát biểu rõ ràng hơn – trong các bài tiểu luận, các phỏng vấn và thư từ khác nhau-- về nhận thức ngày càng sâu sắc đức tin của mình đối với Thượng Đế, mặc dù đó là một phiên bản Thượng Đế không mang hình bóng con người [a rather impersonal version of God]. Một buổi tối đặc biệt của năm 1929, năm ông đến tuổi ngũ tuần, đã đánh dấu dấu đức tin hữu thần ở tuổi trung niên của Einstein. Ông và vợ đang dự một bữa tiệc tại Berlin thì một thực khách bày tỏ sự tin tưởng của mình vào khoa chiêm tinh [astrology]. Einstein nhạo báng quan niệm này là hoàn toàn mê tín. Một thực khách khác xen vào và chê bai tôn giáo một cách tương tự. Tin vào Thượng đế, người khách nhấn mạnh, cũng là một mê tín không hơn không kém.



Nhân lúc đó, chủ nhà cố gắng bịt miệng ông ta bằng cách nêu lên sự thể là, ngay cả Einstein cũng ấp ủ trong lòng một đức tin tôn giáo. “Không thể nào có chuyện ấy!” người khách vô thần nói tiếp, đồng thời quay về phía Einstein để hỏi có thật là ông tin vào tôn giáo không. “Vâng, bạn có thể nói như vậy,” Einstein bình tỉnh trả lời. “Hãy thử xâm nhập vào các bí mật của thiên nhiên bằng các phương tiện giới hạn của chúng ta, bạn sẽ thấy rằng, đằng sau các qui luật và các mối tương quan có thể nhận ra được, vẫn còn một cái gì rất tế nhị, không thể nắm bắt, không thể cắt nghĩa được. Sự sùng kính đối với lực tác động này vượt lên trên mọi điều mà chúng ta có thể hiểu được, đấy là tôn giáo của tôi. Ở mức độ đó, tôi thật sự là người có tôn giáo.”



Chẳng bao lâu sau ngày sinh nhật thứ 50 của ông, Einstein cũng trả lời một cuộc phỏng vấn rất kỳ thú, trong đó ông bày tỏ rõ ràng hơn bao giờ cả tình cảm tôn giáo của mình. Người phỏng vấn là George Sylvester Viereck, vốn sinh ra ở Đức, di cư sang Mỹ khi còn bé và về sau dành hết cuộc đời để làm những bài thơ hoa mỹ khiêu dâm, phỏng vấn các vĩ nhân và bày tỏ tình yêu ngổn ngang đối với Tổ quốc [Đức] của mình. Einstein tưởng Viereck là người Do Thái. Trên thực tế, Viereck rất tự hào truy cứu dòng họ của mình đến tận hoàng gia Kaiser của Đức, và sau này trở thành một cảm tình viên của Đức Quốc xã, bị giam giữ tại Mỹ trong Thế chiến II về tội tuyên truyền cho Đức.



Viereck bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách hỏi Einstein ông tự coi mình là người Do Thái hay là người Đức. “Có thể cả hai,” Einstein đáp. “Chủ nghĩa dân tộc là một căn bệnh trẻ con, bệnh sởi của loài người.”



Người Do Thái có nên cố gắng để hội nhập [vào xã hội Đức] không?  “Người Do Thái chúng tôi quá sẵn sàng hi sinh mọi thứ lập dị của mình để chịu tòng phục.”



Ông chịu ảnh hưởng Ki tô giáo đến mức độ nào? “ Thuở nhỏ, tôi học giáo lý từ Kinh thánh lẫn Luật luận Do Thái giáo [the Talmud]. Tôi là một người Do Thái, nhưng tôi say mê hình ảnh sáng ngời của Giê su.”



Ông có nhìn nhận sự hiện hữu của Giê su trong lịch sử không? “ Không thắc mắc! Không ai có thể đọc Phúc âm mà không cảm thấy sự hiện diện có thật của Giê su. Nhân cách của ông sống động trong từng con chữ. Không có gì huyền thoại chứa đựng trong cuộc đời ấy.”



Ông có tin Thượng đế không? “Tôi không phải là người vô thần. Tôi không nghĩ tôi có thể gọi mình là một kẻ phiếm thần [pantheist]2. Vấn đề được nêu ở đây quá rộng lớn đối với trí óc hạn hẹp của chúng ta. Chúng ta chỉ ở vị trí của một đứa bé đi vào trong một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa bé biết rằng chắc có một người nào đó đã viết những sách ấy. Bé không biết sách đã được viết ra bằng cách nào. Bé không hiểu ngôn ngữ trong những sách ấy. Bé chỉ mù mờ nửa tin nửa ngờ rằng có một trật tự huyền bí trong việc sắp đặt những cuốn sách đó nhưng không biết rõ trật tự đó là gì. Hình như đối với tôi, đó là thái độ cần có của ngay cả một người thông minh nhất đối với vấn đề Thượng đế. Chúng ta nhận thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số qui luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu lờ mờ những qui luật này.”



Có phải đây là một quan niệm Do Thái về Thượng đế? “Tôi là một người tin vào thuyết tất định [determinist]. Tôi không tin có ý chí tự do [free will]. Người Do Thái tin vào ý chí tự do. Họ tin rằng con người quyết định lấy cuộc đời của chính mình. Tôi bác bỏ một lý thuyết như vậy. Trong khía cạnh này, tôi không phải là một người Do Thái.”



Phải chăng đây là Thượng đế của [triết gia] Spinoza? “Tôi say mê chủ nghĩa phiếm thần của Spinoza, nhưng tôi thậm chí ngưỡng mộ hơn nữa đóng góp của ông cho tư tưởng hiện đại vì ông là triết gia đầu tiên coi linh hồn và thể xác là một, chứ không phải hai vật tách rời nhau.”



Ông có tin vào tính bất tử của linh hồn không? “Không. Một đời là đủ với tôi.”



Einstein cố gắng diễn tả những cảm nghĩ này một cách rõ ràng, vừa cho chính bản thân ông vừa cho tất cả những người đòi hỏi một câu trả lời vắn gọn từ chính ông về đức tin của ông. Vì thế vào mùa Hè 1930, ông soạn một bản tuyên bố tín lý [a credo] nhan đề “Những điều tôi tin tưởng” [What I Believe], một tác phẩm ông ghi âm cho một nhóm nhân quyền và về sau cho xuất bản. Bản tuyên bố kết thúc bằng cách cắt nghĩa điều ông muốn nói khi gọi mình là một người có tôn giáo: “Cảm xúc đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là những điều huyền bí. Đó là cảm xúc cơ bản đứng ngay ở chiếc nôi của tất cả mọi nghệ thuật và khoa học chân chính. Người nào xa lạ với cảm xúc này, không còn ngỡ ngàng hân hoan trong niềm kính sợ, thì người đó coi như đã chết rồi, như một ngọn nến đã bị dập tắt. Ý thức rằng ở đằng sau bất cứ điều gì có thể trải nghiệm được, đều có một cái gì trí óc chúng ta không thể nắm bắt được, trong khi vẻ đẹp và sự cao siêu của nó chỉ đến với chúng ta một cách gián tiếp: đó chính là sự mộ đạo [religiousness]. Trong ý nghĩa này, và chỉ trong ý nghĩa này thôi, tôi là một người rất mộ đạo.”



Người ta nhận thấy tác phẩm này đầy ý nghĩa, vì thế nó được in liên tiếp qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Song chẳng đáng ngạc nhiên, nó vẫn không thoả mãn được những người muốn có một câu trả lời giản dị là ông có tin vào Thượng Đế hay không. “Hậu quả của thái độ hoài nghi này và sự suy đoán mù mờ về thời gian và không gian là một lớp áo choàng che dấu bóng ma hãi hùng của chủ nghĩa vô thần,” Hồng y William Henry O’Connell tại Boston nói như vậy. Việc một Hồng y lên tiếng công khai đả kích Einstein đã thúc đẩy vị lãnh đạo Do thái giáo Chính thống tại New York, Giáo sĩ Herbert S. Goldstein, gửi Einstein một tin điện hỏi rất thẳng thắn: “Ông có tin Thượng đế không? Stop. Trả lời trong 50 từ. Phí được trả.” Einstein chỉ dùng một nửa số từ được ấn định. Nó trở thành phiên bản nổi tiếng nhất của một câu trả lời ông thường đưa ra: “Tôi tin Thượng đế của Spinoza, một Thượng đế mặc khải trong sự hài hoà có qui luật của tất cả những gì hiện hữu, chứ không tin vào một Thượng đế bận tâm với số phận và công việc của loài người.”



Một số người Do Thái mộ đạo phản ứng bằng cách vạch ra rằng Spinoza đã bị rút phép thông công từ cộng đồng Do Thái tại Amsterdam vì ôm ấp những tín lý này, và rằng ông còn bị Giáo hội Công giáo lên án. Trong khi đó, một giáo sĩ tại Bronx [New York] phát biểu: “Hồng y O’Connell có thể đã hành xử đúng đắn nếu ông không đả kích lý thuyết của Einstein. Einstein có thể đã hành xử khá hơn nếu ông không tuyên bố mình thiếu đức tin ở một Thượng đế bận tâm với số phận và việc làm của từng cá nhân. Cả hai đã đưa ra những tuyên bố chính thức [dicta] nằm ngoài thẩm quyền của mình.”



Song suốt đời ông, trước sau như một, Einstein luôn luôn bác bỏ lời kết án ông là một người vô thần. “Có nhiều người cho rằng không có Thượng đế,” Einstein nói với một người bạn. “Nhưng điều làm cho tôi thật sự tức giận là họ thường trích dẫn tôi để bênh vực cho quan điểu vô thần của họ.” Và khác với Sigmund Freud hay Bertrand Russell hay George Bernard Shaw, Einstein không bao giờ cảm thấy thôi thúc cần phải phỉ báng những người tin có Thượng đế; thay vì như vậy, ông có khuynh hướng chế nhạo những người vô thần. “Điều tách rời tôi ra khỏi hầu hết những người được gọi là vô thần là một tấm lòng hoàn toàn khiêm cung đối với những bí mật không thể nắm bắt được trong vũ trụ,” ông giải thích.



Trên thực tế, Einstein thường chỉ trích những kẻ phỉ báng tôn giáo, những kẻ tỏ ra thiếu khiêm cung hay kính sợ, chứ ít khi chỉ trích những người có đức tin. Ông viết trong một lá thư: “Những người vô thần cuồng tín [fanatical atheists] là những người nô lệ đang còn cảm thấy sức nặng của những xích xiềng mà họ đã vất bỏ sau một cuộc tranh đấu gay go. Họ là những kẻ vì hằn học chống lại tôn giáo truyền thống, mà họ gọi là ‘thuốc phiện của nhân dân, nên không nghe được âm nhạc của các tầng trời.”



Về sau, Einstein đã giải thích quan điểm của mình về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo ở một hội nghị tại Chủng viện Thần học Thống nhất [The Union Theological Seminary] tại New York. Ông nói rằng, lãnh vực khoa học tìm hiểu hiện tượng đó là gì, chứ không đánh giá tư duy và hành động của con người về hiện tượng đó phải là như thế nào. Tôn giáo có sứ mệnh ngược lại. Tuy vậy, nỗ lực của hai lãnh vực này đôi khi hợp tác hài hòa với nhau. “Khoa học có thể được sáng tạo chỉ bởi những người ôm ấp nguyện vọng thiết tha đối với chân lý và tri thức,” ông nói. “Song nguồn cảm hứng này phát xuất từ lãnh vực tôn giáo.” Buổi nói chuyện đã được các báo đưa lên trang nhất, và kết luận súc tích của ông trở nên nổi tiếng. “Tình cảnh này có thể được diễn tả bằng một hình ảnh: khoa học không có tôn giáo thì què, tôn giáo không có khoa học thì mù.”



Nhưng, Einstein nói tiếp, có một quan niệm tôn giáo duy nhất, mà khoa học không thể chấp nhận: một thượng đế có khả năng xâm lo tùy thích vào các biến cố trong vũ trụ ngài đã tạo hóa. “Nguồn gốc chính của những xung đột ngày nay giữa các lãnh vực tôn giáo và khoa học nằm trong quan niệm về một Thượng đế mang hình bóng con người [a personal God],” ông tranh luận. Các nhà khoa học nhắm vào việc khám phá những qui luật bất di bất dịch chi phối thực tại, và trong khi làm điều này họ phải bác bỏ quan niệm cho rằng ý chí của thượng đế, hoặc ý chí con người, đóng một vai trò có thể vi phạm tính nhân quả trong vũ trụ.



Sự tin tưởng của Einstein vào tính tất định nhân quả [causal determinism] xung khắc với khái niệm ý chí tự do [free will] của con người. Nói chung, các nhà thần học Do Thái giáo cũng như Ki-tô giáo tin tưởng rằng con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Người ta thậm chí có cả tự do lựa chọn việc chống lại các điều răn của Thiên Chúa, như Kinh thánh cho thấy, mặc dù việc này có vẻ xung đột với một tín điều cho rằng Thiên Chúa biết hết mọi chuyện và có toàn năng [all knowing and all powerful].



Trái lại, cũng như Spinoza, Einstein tin tưởng rằng các hành động của một người cũng được định đoạt [determined] giống chuyển động của một hòn bi-da, một hành tinh hay một vì sao. “Con người không có tự do trong tư duy, tình cảm và hành động của mình, mà bị ràng buộc vào tính nhân quả [causually bound] như các tinh tú trong các chuyển động của chúng,” Einstein phát biểu trong một tuyên bố trước Hội Spinoza [Spinoza Society] năm 1932. Đó cũng là một khái niệm ông đã rút ra từ việc nghiền ngẫm các tác phẩm của Schopenhauer. “Mọi người hành động không chỉ do cưỡng bức từ bên ngoài [external compulsion], mà còn tuân theo tính tất yếu ở bên trong [inner necessity],” ông viết trong bản tín điều nổi tiếng của ông. “Câu nói bất hủ của Schopenhauer, ‘Một người có thể hành động theo ý mình, nhưng không muốn gì được đó’ [A person can do as he wills, but not will as he wills] đã là một khích lệ chân chính đối với tôi từ thời thanh niên; nó luôn luôn là một nguồn an ủi khi đối mặt với những gian khổ trong đời, của chính mình và của người khác’, và là một suối nguồn bất tận của lòng bao dung.”



Chủ nghĩa tất định [determinism] này làm choáng váng một số bạn bè của ông như Max Born, người cho rằng quan niệm này hoàn toàn làm suy yếu nền tảng đạo lý của con người. “Tôi không thể hiểu làm sao bạn có thể kết hợp một vũ trụ hoàn toàn có tính cơ học với tự do của một cá nhân có đạo đức,” Born viết cho Einstein. “Đối với tôi, một thế giới có tính tất định [deterministic world] là rất hãi hùng. Có lẽ bạn đúng, và thế giới vận hành như vậy, như bạn nói. Nhưng trong ngành vật lý hiện đại, thế giới không hẳn là như vậy – và thậm chí càng không phải như vậy trong các lãnh vực khác của thế giới.”



Theo Born, tính bất định của lượng tử [quantum uncertainty] mở ra một lối thoát cho nan đề này. Cũng như một số triết gia thời đó, Born bám vào tính bất định [indeterminacy] trong cơ học lượng tử để giải quyết “sự khác biệt giữ tự do đức lý [ethical freedom] và các luật thiên nhiên nghiêm khắc.” Born giải thích vấn đề này với vợ mình là Hedwig, một người luôn luôn muốn tranh luận với Einstein. Bà nói với Einstein rằng, giống như ông, bà “không không thể tin vào một Thượng Đế chơi ‘súc sắc.’” Nói cách khác, tương phản với chồng, bà bác bỏ quan điểm cơ học lượng tử cho rằng vũ trụ đặt cơ sở trên các bấp bênh và xác suất [uncertainties and probabilities]. Nhưng, bà nói thêm, “tôi cũng không thể tưởng tượng nổi ông tin tưởng rằng – theo lời kể lại của chồng tôi – “sự ngự trị hoàn toàn bằng qui luật” [complete rule of law] ngụ ý mọi việc trong vũ trụ đều do tiền định [predetermined], chẳng hạn đến cả việc tôi có muốn chích ngừa cho con tôi hay không.” Bà vạch ra rằng quan điểm này đồng nghĩa với sự kết thúc mọi hành vi đạo lý. Nhưng Einstein trả lời rằng người ta nên coi ý chí tự do như một cái gì hữu ích, thật sự cần thiết cho một xã hội văn minh, vì nó sẽ thúc đẩy người ta nhận lấy trách nhiệm cho hành động của mình. “Tôi buộc phải hành động như thể mình có ý chí tự do,” ông lý giải, “vì nếu tôi muốn sống trong một xã hội văn minh tôi phải hành động có trách nhiệm.” Einstein thậm chí qui trách nhiệm cho người ta về điều thiện và điều ác, vì đó là cách tiếp cận cuộc đời thực tiễn và hợp lý, mặc dù về mặc tri thức ông vẫn tin rằng hành động của mọi người đều được tiền định [predetermined]. “Tôi biết rằng trên bình diện triết lý một kẻ giết người không có trách nhiệm về tội ác của hắn,” ông nói, “nhưng tôi không thích ngồi uống trà với hắn ta.”



Einstein tin tưởng rằng nền tảng của đạo lý là, vượt lên trên “lãnh vực thuần túy cá nhân” để sống có ích cho loài người. Ông dâng hiến đời mình cho chính nghĩa hoà bình thế giới và, sau khi khuyến khích Hoa Kỳ chế tạo bom nguyên tử nhằm đánh bại Hitler, mải mê làm việc để tìm ra các phương cách kiểm soát loại vũ khí này. Ông vận động tài chính để giúp đỡ những người tị nạn như ông, lên tiếng đòi hỏi công lý cho người da màu và công khai bênh vực các nạn nhân bị phong trào chống cộng cực đoan McCArthy chụp mũ. Và, Einstein cố gắng sống bằng thái độ dí dỏm, khiêm nhượng, giản dị và vui vẻ ngay cả khi ông đã trở thành một trong người nổi tiếng nhất hành tinh.



Đối với một số người, các phép lạ được dùng để chứng minh sự hiện hữu của Thiên chúa. Đối với Einstein, chính sự vắng mặt các phép lạ lại phản ánh sự quan phòng của Thượng đế. Sự thể thế giới có thể được cắt nghĩa và tuân theo các qui luật là điều đáng kinh phục.



Nguồn: Time Magazine, Thursday, Apr. 05, 2007.



Chú thích của dịch giả:

1. Agnostic: Người tin rằng người ta không thể biết được có hay không có thượng đế hoặc bất cứ điều gì nằm ngoài các hiện tượng vật chất; một người không muốn đặt vấn đề có thượng đế hay không. 

2. Chủ nghĩa phiếm thần (patheism) cho rằng vũ trụ và thượng đế là một, hoặc trong mọi hiện tượng đều có thượng đế. Người theo chủ nghĩa phiếm thần không tin vào một thượng đế riêng biệt, mang nhân hình nhân ảnh.