24 février 2018

Từ chuyện chợ hoa “vỡ trận” đến tư duy kinh doanh chiêu trò

Bùi Tâm An 

Hoa đổ bỏ chất đống ở chợ hoa Đầm Sen, chợ hoa sỉ lớn nhất ở TPHCM. Ảnh: Trần Vũ Nghi/báo Tuổi Trẻ.

(TBKTSG Online) - Câu chuyện chợ hoa Đầm Sen (TPHCM) “vỡ trận” vào chiều tối 29 Tết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ là ví dụ mới nhất cho thấy, tư duy kinh doanh của người Việt phải thay đổi rất nhiều.



Chuyện vỡ trận của chợ hoa Đầm Sen, chợ hoa sỉ lớn nhất TPHCM thể hiện ở việc hàng chục xe tải loại trên 20 tấn xếp hàng dài chờ xuống hàng nhưng không thể bởi lượng hàng tại các sạp đều còn rất nhiều. Các loại hoa thậm chí còn bị đổ bỏ, chất đống xung quanh chợ.
Theo các thương nhân tại chợ thì đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, tình trạng này mới xuất hiện. Nguyên nhân được lý giải là nguồn cung về chợ tăng đột biến khi các nhà vườn tại Đà Lạt bị bạn hàng miền Trung, miền Bắc giảm số lượng lấy hàng vì “kêu giá quá chát”. Hậu quả là hàng dưới sạp không kịp bán, hàng trên xe không thể dỡ xuống…
Thực ra, chuyện vỡ trận ở chợ hoa Đầm Sen cũng na ná như chuyện trái cây, hoa, cây cảnh bán ở khắp Sài Gòn những ngày cận Tết này. Từ tối 29 đến sáng 30, khắp nơi là tiếng rao xổ hàng. Và đến trưa 30, khi các điểm bán hoa thời vụ đến lịch dọn dẹp cũng là lúc hàng hóa bán đổ bán tháo cũng như đập bỏ trong tiếng khóc mếu của những người kinh doanh. Thương thì thương thật nhưng cũng rất buồn lòng. Bởi lẽ, để xảy ra tình trạng này cũng là bởi trước đó, nhiều người đã ra giá hàng hóa quá cao so với giá trị mong muốn khiến người mua đắn đo móc hầu bao, thậm chí có tâm lý chờ đến ngày cuối cùng để mua.
Chuyên gia quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Hồ Trọng Lai chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của ông rằng, câu chuyện vỡ trận của chợ hoa Đầm Sen là một minh chứng cho kiểu tư duy kinh doanh mang tính chiêu trò của một bộ phận thương lái người Việt Nam: đó là tìm cách đẩy giá kiếm lời vào những dịp khách hàng có nhu cầu cao.
Kiểu tư duy này hoàn toàn ngược với các doanh nghiệp ở nước ngoài. Những mùa cao điểm mua sắm thì họ lại khuyến mãi, giảm giá để chiếm cơ hội bán hàng, đẩy doanh thu.
Xét bài toán tài chính thì rõ ràng, mức tăng giá 50% hay thậm chí là 100% so với bình thương cũng khó lòng bù đắp cho những rủi ro như dội chợ, ế hàng. Bởi lẽ, khách hàng là người quyết định dựa vào các giá trị mong muốn. Nếu giá cao hơn giá trị mà họ mong muốn thì chẳng ai mua hoặc mua với số lượng thấp nhất.
Chuyên gia Hồ Trọng Lai cũng cho rằng, không chỉ dịp Tết mà câu chuyện này còn thường xuyên diễn ra vào những ngày rằm, mùng một, là ngày cúng kiếng của nhiều gia đình. Giá hoa bình thường là 10.000 đồng/bó nhưng nhiều tiểu thương đẩy lên 15.000 đồng và thường bị tồn nhiều hàng hơn hẳn những sạp chỉ bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/bó.
Câu chuyện này cũng từng xảy ra ở mặt hàng bia và nước ngọt nhiều năm trước đây. Cứ Tết là khan hiếm giả, đẩy giá.
Trở lại với câu chuyện vỡ trận ở chợ hoa Đầm Sen, điều chắc chắn rằng, cái Tết năm nay với những nhà vườn không thể bán hoa sẽ không trọn vẹn. Vì vậy, cuối năm, chỉ mong những người kinh doanh ở Việt Nam cởi bỏ được tư duy cũ. Có như vậy, cả người trồng nông sản lẫn người tiêu dùng mới có thể vui…