13 février 2018

"Tôi từng nói trước Quốc hội về các kiểu chạy trong xã hội"


QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
 

 (GDVN) - Một người làm thất thoát tiền tỷ ngân sách nhà nước, bị kết tội tham ô, mà được chuyển từ chỗ này tới chỗ khác một cách rất dễ dàng thì đó là chuyện lạ.



LTS: Một số chuyên gia cho rằng, nạn "chạy chức chạy quyền" là câu hỏi lớn nhưng chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng và nếu không có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tình trạng trên sẽ rất khó kiểm soát.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa về vấn đề này.



PV: Ông Đánh giá như thế nào về nạn "chạy chức, chạy quyền" hiện nay?

Ông Lê Văn Cuông: Trước đây, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, tôi đã phát biểu trước Quốc hội về những kiểu “chạy” trong xã hội.
Ngay ở địa phương, chức trưởng thôn phụ cấp trên dưới 100 nghìn đồng/tháng nhưng theo phản ánh của cử tri thì cũng có hiện tượng "chạy".
Nhất là mỗi khi chuẩn bị bầu trưởng thôn và bầu Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, hoạt động vận động ngầm cũng như công khai của dòng họ hoặc khu dân cư lại rộ lên. Sở dĩ tôi từng phát biểu như vậy bởi có nhiều người phản ánh tình trạng này tại một số cuộc tiếp xúc cử tri.
Theo dõi diễn biến cuộc sống và dư luận xã hội, tôi thấy vấn nạn này ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thậm chí cấp cao hơn cũng có hiện tượng này, khiến người ta không thể thờ ơ, vô cảm.
Ví dụ, cách đây vài năm về trước, bệnh viên đa khoa Bắc Ninh tuyển cả trăm người, giám đốc nhận hối lộ mỗi người từ 20 triệu đến 30 triệu, sau đó bị truy tố.
Hay trường hợp Bí thư thị xã Tây Ninh bị cách chức do vi phạm luật đất đai, nhưng một năm sau lại được bổ nhiệm lại làm Giám đốc Sở Xây dựng.
Nếu không chạy thì làm sao lại có chuyện lạ đời như vậy?
Trên thực tế, khi quy trình đề bạt cất nhấc cán bộ được thể hiện bằng các văn bản khá chặt chẽ, nhưng “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Tôi từng đưa vấn đề này chất vấn Bộ trưởng Nội vụ tại Quốc hội khóa XI và nhận được sự đồng tình, chia sẻ của người đứng đầu Bộ này.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.


Lên đến Quốc hội khóa XII, vấn nạn chạy chức, chạy quyền trở thành như một phong trào.
Thậm chí có dư luận cho rằng, người ta muốn chạy vào chức ngon phải tăng cấp độ chạy, cạnh tranh đấu thầu cán bộ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao bây giờ nạn chạy chức chạy quyền lại phát triển mạnh đến thế?
Đó là vì cơ chế, mà trước hết là công tác cán bộ nhiều nơi, nhiều chỗ chưa được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. 
Chừng nào công tác cán bộ vẫn do một người, một nhóm người quyết định, hoặc dân chủ còn hình thức thì chạy chức, chạy quyền vẫn còn đất sống.
Thực tế thì chỉ những người yếu kém, tư lợi, tham chức, tham quyền mới chạy chọt.
Họ bỏ ra một số vốn đầu tư cho việc chạy thì sau này rất có thể người ta sẽ yêu cầu cấp dưới phải chạy chọt, để thu lại những khoản tiền mình đã bỏ ra.
Điều này làm cho bộ máy Nhà nước không còn trong sạch và rất có hại cho dân, cho nước.

Thưa ông, dư luận về việc "chạy chức chạy quyền" không phải là mới, nhưng thực tế rất khó tìm, phát hiện và xử lý. Vậy đâu là nguyên nhân?

Ông Lê Văn Cuông:“Chạy chức chạy quyền” là hoạt động ngầm, tinh vi và hết sức phức tạp, cho nên rất khó phát hiện.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra phát hiện, xử lý chưa kịp thời dẫn đến vấn nạn trên ngày càng lan rộng.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ còn hạn chế, chưa làm rõ được những dấu hiệu “chạy chức, chạy quyền”, nên dư luận còn nửa tin, nửa ngờ. 

Tôi muốn nêu ví dụ về trường hợp của Trịnh Xuân Thanh để làm rõ những nhận định mà ông vừa nêu. Cụ thể, cán bộ này từng có rất nhiều vi phạm trong quản lý, điều hành tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí Việt Nam, nhưng sau đó vẫn được điều chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng tại Bộ Công thương, tỉnh Hậu Giang. Theo ông đây có phải là dấu hiệu của việc "chạy chức chạy quyền"?

Ông Lê Văn Cuông: “Chạy chức chạy quyền” không chỉ đơn thuần là bỏ tiền mua chức/ghế.
Công tác cán bộ theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” hay hiện tượng “cả họ làm quan”, "nâng đỡ không trong sáng"... cũng phản ánh rõ nét dấu hiệu "chạy chức, chạy quyền".
Một số vụ việc vi phạm về công tác cán bộ thời gian qua đã được cơ quan có thẩm quyền phát giác cho thấy rõ điều này.
Tuy nhiên, người đứng đầu và đơn vị có thẩm quyền về công tác cán bộ (người trong cuộc) đều giải thích rằng, việc bổ nhiệm theo kiểu này là “đúng quy trình”.
Tôi cho rằng, đó chỉ là sự thanh minh, lấp liếm cho vi phạm. Bản thân câu nói “đúng quy trình” đó ẩn những dấu hiệu tư lợi, chạy chọt, phe cánh.

Ông Trịnh Xuân Thanh (áo trắng) và ông Đinh Mạnh Thắng tại phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land (Ảnh: TTXVN).
Câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh phản ánh rõ những dấu hiệu "chạy chức chạy quyền".
Một người làm thất thoát tiền tỷ ngân sách nhà nước, bị kết tội tham ô, mà được chuyển từ chỗ này tới chỗ khác một cách rất dễ dàng thì đó là chuyện lạ.
Nếu không "chạy" thì tại sao cán bộ vi phạm nghiêm trọng như vậy vẫn được cất nhấc, điều chuyển, bổ nhiệm?
Thậm chí ngay cả ông Thanh đã bị kết án tù chung thân, nhưng bị cáo vẫn đề nghị được sang Đức thăm vợ con.
Tôi hoàn toàn bất ngờ về điều này, bởi đó là nhận thức hết sức ấu trĩ về pháp luật của một vị từng là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Một người có nhận thức kém như vậy tại sao vẫn được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, chủ chốt?

Ông có góp ý gì cho cơ quan có thẩm quyền để việc hạn chế "chạy chức, chạy quyền"?

Ông Lê Văn Cuông: Cần phải có thiết chế rõ ràng hơn để hạn chế vấn nạn “chạy chức, chạy quyền”, như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:  "Chống tham nhũng phải 'nhốt quyền lực vào lồng pháp luật".
Hiện nay, chúng ta giao quyền lực cho người đứng đầu, tổ chức có thẩm quyền về công tác cán bộ, nhưng quyền lực đó đang bị lạm dụng.
Thậm chí tổ chức nhiều khi chỉ mang tính chất hình thức để hợp thức hóa ý đồ cá nhân của người đứng đầu một cách không lành mạnh, không chân chính. Tiếp đó, phải kiện toàn lại hệ thống các cơ quan kiểm tra của Đảng từ Trung ương tới địa phương.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên quy về một đầu mối để tăng hiệu quả kiểm tra, giám sát.
Mặt khác, để tăng tính độc lập, khách quan, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, thì Ủy ban kiểm tra nên tổ chức theo ngành dọc, không nên trực thuộc cấp ủy địa phương.
Việc này sẽ hạn chế được sự “méo mó”, hoặc cơ quan kiểm tra địa phương bị tác động của cấp ủy trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cán bộ.
Thậm chí riêng Ủy ban Kiểm tra các cấp phải tăng thêm biên chế, tăng cường nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu thực tế, bởi những vụ việc vi phạm liên quan tới công tác cán bộ vừa bị phát hiện thời gian vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bên cạnh việc phân cấp quản lý cán bộ, cấp có thẩm quyền cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý cán bộ.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng "chạy chức chạy quyền", nhưng không phát hiện ra, hoặc phát hiện nhưng không xử lý đến nơi đến chốn, buộc cấp trên phải trực tiếp vào cuộc thì phải kỷ luật cấp ủy cấp dưới để răn đe nghiêm khắc vi phạm. 
Cũng cần mở rộng cơ chế cho nhân dân báo chí trong việc phát hiện, giám sát hoạt động điều hành, quản lý của cán bộ, lãnh đạo.
Thực tế, trong thời gian vừa qua rất nhiều vụ việc tiêu cực liên quan tới công tác cán bộ do nhân dân và báo chí phát hiện. Do đó, muốn cho lò luôn nóng thì phải có người đi nhặt củi cho vào lò.
Cần có những hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng cho người phát hiện hành vi "chạy chức chạy quyền".
Phải có chế tài xử lý nghiêm minh, thậm chí phải áp dụng bản án tử hình người chạy chức chạy quyền với mục đích không trong sáng nhằm trục lợi, phá phách chứ không chỉ đơn thuần chỉ là kỷ luật cán bộ vi phạm.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)